Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cụ bà 99t từng may gối cho vua Bảo Đại
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Cụ bà 99t từng may gối cho vua Bảo Đại

    by music123 » Thứ 6 Tháng 4 09, 2021 8:41 pm

    Cụ bà 99 tuổi từng may gối cho vua Bảo Đại

    4/10/21

    THỪA THIÊN - HUẾBà Công Tôn Nữ Trí Huệ là người hiếm hoi biết may gối trái dựa, loại gối từng được sử dụng phổ biến trong hoàng cung.

    Sinh ra trong gia đình có nguồn gốc hoàng tộc, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (ngụ tại xã Hương Cần, huyện Hương Trà) là người hiếm hoi còn biết cách làm gối trái dựa cung đình. Du khách đến Huế có thể thấy loại gối này được thờ trong các áng thờ tại các lăng, miếu tại Huế.

    Bà Huệ là cháu nội của Hoài Đức Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm (con trai thứ 57 của vua Minh Mạng). Năm 17 tuổi, bà vào cung học may vá, thêu thùa. Từ đây, bà được tiếp xúc với gối trái dựa, loại gối có nhiều nếp gấp, có thể gập mở tùy ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay trong lúc ngồi đọc sách, ngâm thơ, uống rượu...

    Việc may gối trái dựa trong cung do Bộ Lễ phụ trách. Theo lời bà Huệ, người may gối phải tuân thủ một số quy tắc, như gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu, phi tần và các quan phải đủ 4 lá. "Chọn màu vải cũng hết sức quan trọng. Thường màu vàng chỉ dành cho vua, các phi tần hoặc quan có thể sử dụng màu xanh, màu lục, màu tím...", bà kể.

    Được giao may gối cho vua Bảo Đại, bà Huệ phải rất chú ý đến kích thước của ghế và lượng bông nhồi sao cho phù hợp vì vua cao to hơn những vị hoàng đế thời trước. Nhờ đó, vua Bảo Đại rất vừa lòng với chiếc gối trái bà Huệ may. Nhiều người bạn Pháp của vua còn đặt bà may gối cung đình để mang về làm quà cho người thân.

    Hình ảnh

    Bà Huệ may gối theo 5 màu ngũ hành. Ngoài may gối cho vua, bà Trí Huệ còn đảm nhận may áo cho Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Ảnh: Ngân Dương

    Bà cho rằng làm gối cung đình không quá khó, nhưng cần sự tỉ mẩn, cẩn thận. "Ngày đó thầy chỉ nói sơ qua chứ không cầm tay chỉ việc. Tôi tự tháo các mối may của gối cũ rồi tự học. Làm càng tỉ mỉ thì gối càng chặt, dùng được lâu, luôn giữ được độ êm, căng, phồng, không bị xẹp", bà nói.

    Để làm gối, công đoạn đầu tiên là cắt vải theo khổ, sau đó dùng chỉ may thành từng hộc bằng nhau. Tiếp theo, chèn bông vào từng hộc sao cho gối vuông vức, cứng. Cuối cùng sẽ kết thành 5 lá gối, rồi may thêm vải bọc ngoài. "Gối đẹp là gối khâu không thấy mũi chỉ", bà Huệ nói thêm.

    Hình ảnh
    Ruột gối khi chưa bọc vải. Ảnh: Ngân Dương

    Theo thời gian, xã hội thay đổi, không còn nhiều người sử dụng loại gối này nữa. Thi thoảng, bà chỉ được đặt may thay thế những gối thờ trong các di tích. Bẵng đi một thời gian ít làm gối, bà có cơ duyên gặp một nhà nghiên cứu muốn phục dựng lại những truyền thống Huế. Từ đây, kĩ năng làm gối trái dựa của bà Huệ được nhiều người biết đến hơn. Bà bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên, một số người mua mừng thọ, một số người thích cổ phục thì mua để trang trí. Bà còn từng được đoàn làm phim "Phượng Khấu" mời hướng dẫn làm gối để sử dụng trong các cảnh quay.

    Mặc dù nghề làm gối không còn phát triển, bà vẫn mong muốn có thể truyền nghề cho nhiều người để giữ gìn truyền thống, hiểu về ý nghĩa của chiếc gối. Học trò đầu tiên của bà là con dâu, chị Lê Thị Liền, tiếp đó là cháu gái. Ngày nay, cả 3 người thường hỗ trợ nhau để may một chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh.

    "Mẹ cần gì thì mình phụ, dần dần thì biết cách. Cùng nhau làm thì một cái gối mất 5 ngày, còn để mình mẹ làm thì có lẽ mất cả tháng. Các công đoạn đều làm bằng tay nên tốn thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ", chị Liền nói.

    Hình ảnh
    Gối tại áng thờ bên trong Triệu Tổ Miếu, một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn được xây dựng sớm nhất trong Hoàng Thành Huế. Ảnh: Võ Thạnh

    Mỗi chiếc gối có 5 lá bà bán ra với giá 1,8 triệu đồng. Tuấn Đoàn, du khách tại Huế, cho biết: "Gối của bà làm rất kỳ công và đẹp. Mình thấy thực sự ấn tượng khi bà gần 100 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, có thể may vá, xâu chỉ được".

    Mong muốn của bà Huệ là có người tiếp tục lưu giữ nghề làm gối. "Giờ tôi cũng không còn đủ sức khỏe để phát triển cái nghề này, nhưng bỏ thì sau này tiếc. Tôi dạy cho con dâu để giữ nghề, giữ văn hóa. Sau này ai cần, người ta hỏi thì còn làm được", bà Huệ tâm sự.

    Ngân Dương
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 88 khách