Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Harvard: Hộ chiếu vaccine gây rủi ro và bất bình đẳng
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49327
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Harvard: Hộ chiếu vaccine gây rủi ro và bất bình đẳng

    by music123 » Thứ 6 Tháng 4 16, 2021 6:59 pm

    Chuyên gia Harvard: Hộ chiếu vaccine gây rủi ro và bất bình đẳng

    Hồng NgọcQuốc Tuệ Thứ sáu, 16/4/2021

    Một số chuyên gia nói với Zing rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng trong việc triển khai hộ chiếu vaccine.


    Ông Todd Pollack, Giám đốc Chương trình Đối tác vì Tiến bộ Y tế ở Việt Nam của Đại học Harvard (HAIVN), chỉ ra thực tế rằng các nước giàu có sở hữu 90% vaccine của thế giới, trong khi các nước có thu nhập trung bình và thấp chỉ mới tiếp cận được với rất ít vaccine.

    "Khi triển khai hộ chiếu vaccine, chỉ những người giàu và đã tiêm chủng mới được lên máy bay, di chuyển. Họ có thể tiếp cận những thứ họ muốn, trong khi những người nghèo hơn bị tụt lại”, ông nói với Zing bên lề một cuộc thảo luận ở Đại học Fulbright Việt Nam vào chiều 15/4.

    Cần thận trọng

    Theo ông Pollack, ở cấp độ cộng đồng, quốc gia hay quốc tế, hộ chiếu vaccine đều có khả năng làm xấu thêm các vấn đề vốn đã tồn tại trong xã hội, điển hình là bất bình đẳng. "Đó là điều đáng cẩn trọng", ông nói.

    Hình ảnh

    Ông Todd Pollack, Giám đốc Chương trình Đối tác vì Tiến bộ Y tế ở Việt Nam của Đại học Harvard (HAIVN). Ảnh: Quốc Tuệ.

    Tiến sĩ Lê Thái Hà, giám đốc nghiên cứu và giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cũng cho rằng Việt Nam cần thận trọng trong việc chấp nhận hộ chiếu vaccine.

    Bà Lê Thái Hà giải thích: “Hiện nay, các loại vaccine trên thế giới vẫn chưa được xác nhận là tuyệt đối an toàn. Nhiều nước trên thế giới cũng đã tạm ngưng sử dụng một số loại vaccine. Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam vẫn cần cảnh giác trong việc chấp nhận hộ chiếu vaccine”.

    Khi trao đổi với Zing, tiến sĩ Hà đề xuất vẫn nên thực hiện cách ly đối với những người đã tiêm chủng và muốn nhập cảnh vào Việt Nam, dù thời gian có thể ít hơn 14 ngày. Chuyên gia cho rằng cách làm này chỉ nên áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.

    "Chúng ta cần phải xem xét đến vai trò của họ (người muốn nhập cảnh) quan trọng đến mức nào, có cần phải giảm cách ly hoặc không cách ly hay không. Nếu vai trò của họ đủ lớn và đã tiêm đủ liều vaccine, chúng ta có thể linh hoạt về thời gian cách ly cho họ”, tiến sĩ Hà nói.

    Cần kiểm soát chặt biên giới

    Bên cạnh vấn đề hộ chiếu vaccine, các chuyên gia cũng đề cập đến diễn biến mới của dịch bệnh ở các nước trong khu vực như Thái Lan và Campuchia, qua đó đề xuất Việt Nam cần kiểm soát biên giới chặt chẽ.

    Hình ảnh

    Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Marie C. Damour, Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh của Viện Pasteur Lương Chấn Quang, ông Todd Pollack và tiến sĩ Lê Thái Hà tại buổi thảo luận về cách thức ngăn chặn những đại dịch trong tương lai ở Đại học Fulbright Việt Nam vào chiều 15/4. Ảnh: Quốc Tuệ.
    Ông Pollack nói Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chống dịch và đã chuẩn bị rất tốt; tuy nhiên, ông lưu ý tình hình diễn biến dịch ở Campuchia - nước chung biên giới Việt Nam.

    “Tôi cho rằng nguy cơ lớn nhất dẫn đến sự tái bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam là những người vượt biên. Tôi nghĩ Việt Nam nên quan tâm đến tình hình tại Campuchia, cũng như kiểm soát các rủi ro tại biên giới”, ông Pollack cho biết thêm.

    “Miễn là chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực để kiểm soát tốt biên giới để tránh nhập cảnh trái phép, thì không có gì cần lo lắng”, tiến sĩ Lê Thái Hà chia sẻ thêm.

    Sự kết hợp giữa chính phủ và nhân dân

    Khi được hỏi về đánh giá của họ đối với công tác chống dịch của Việt Nam, cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ và đạt được nhiều thành công.

    “Hệ thống y tế công cộng của chính phủ Việt Nam cũng phản ứng rất nhanh trong việc truy vết. Một bài học khác mà tôi nghĩ đóng vai trò quan trọng đó chính là sự đồng lòng của người dân Việt Nam", ông Pollack nói.

    Ông Pollack cũng ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chiến lược truyền thông hiệu quả. "Người dân nghe theo các lời khuyên để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tuân theo các các biện pháp theo dõi và truy vết".

    Tiến sĩ Hà đồng tình với quan điểm trên. Bà cho rằng thành công của Việt Nam chứng tỏ không cần phải là một nền kinh tế quá phát triển hoặc hệ thống y tế quá hiện đại mới có thể thành công đối phó dịch Covid-19.

    "Bên cạnh các chính sách đúng đắn của chính phủ thì sự ủng hộ của công chúng là một yếu tố quan trọng, vì không chính sách nào có thể hiệu quả nếu thiếu sự ủng hộ từ công chúng”, bà Thái Hà cho biết.

    Nữ chuyên gia của Đại học Fulbright Việt Nam cũng tin rằng chính phủ rất cố gắng trong việc hỗ trợ cho người dân, khi đưa ra nhiều chính sách giảm thuế và lãi ngân hàng phù hợp. Tuy nhiên, việc người dân và doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính đôi khi còn nhiều khó khăn.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: music123 và 129 khách