Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Lý do tranh'Chân dung cô Phương' 3.1 triệu USD
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Lý do tranh'Chân dung cô Phương' 3.1 triệu USD

    by music123 » Chủ nhật Tháng 4 18, 2021 3:39 pm

    Tranh 'Chân dung Madam Phương' đạt kỷ lục 3,1 triệu USD

    4/19/21

    HONG KONGBức tranh "Chân dung Madam Phương" của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD - kỷ lục tranh Việt - trong phiên đấu giá chiều 18/4.

    Chân dung Madam Phương là một trong những tác phẩm của phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's. Ban đầu tác phẩm được ước tính đạt mức từ 900 nghìn đến 1,2 triệu USD. Khi phiên đấu giá diễn ra, giá khởi điểm là 500 nghìn USD, sau đó nâng dần lên 1,9 triệu USD, 2 triệu USD, 2,1 triệu USD, 2,5 triệu USD và dừng ở mức 2,573 triệu USD.

    Hình ảnh

    Bức họa "Chân dung Madam Phương" của Mai Trung Thứ. Ảnh: Sotheby's.

    Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD, vượt xa kỷ lục 1,4 triệu USD bức Khỏa thân của Lê Phổ, trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam.

    Theo Sotheby’s, Chân dung Madam Phương là bức tranh hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Nhà đấu giá mô tả bức tranh gói gọn tình cảm của Mai Trung Thứ dành cho Phương - được cho là người tình của ông. Tác phẩm trưng bày lần đầu tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và Triển lãm Quốc tế Thuộc địa tại Paris từ ngày 6/5 đến 15/11/1931. Sau đó, bà Dothi Dumonteil (người Pháp gốc Việt) và chồng Pierre Dumonteil - nhà sưu tập nghệ thuật - là người sở hữu tác phẩm, đưa bức tranh vào bộ sưu tập "Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection".

    Bức tranh cũng từng xuất hiện trong phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng. Trong phim, tác phẩm được treo giữa phòng, gắn liền với sự trưởng thành của nhân vật Mùi. Sotheby’s đánh giá sự hiện diện của Phương phản ánh Mùi, cả hai đều đại diện cho lý tưởng nữ quyền và mang lại sức mạnh, vẻ đẹp cho xã hội.

    Mai Trung Thứ là họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại Pháp. Tên tuổi ông gắn liền những tác phẩm tranh lụa đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc Á Đông. Mai Trung Thứ cùng Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ được mệnh danh "tứ kiệt trời Âu" của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Tranh của ba họa sĩ còn lại cũng xuất hiện trong phiên đấu giá ở Hong Kong hôm 18/4.

    Ý Ly
    Sửa lần cuối bởi 1 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re:Tại sao tranh "Chân dung Madam Phương" đạt kỷ lục 3,1 triệu USD?

    by music123 » Chủ nhật Tháng 4 18, 2021 8:15 pm

    Tại sao bức tranh "Chân dung Madam Phương" đạt kỷ lục 3,1 triệu USD?

    Mochi | 19/04/2021

    Hình ảnh

    "Chân dung Madam Phương" - bức tranh sơn dầu quý hiếm của họa sĩ Mai Trung Thứ trở thành bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay.

    Xuất hiện trong phiên đấu giá "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" tại Sotheby's Hong Kong, tác phẩm Chân dung Madam Phương của họa sĩ Mai Trung Thứ gây xôn xao khi đạt mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD.

    Bức tranh được bán khởi điểm với giá 500 nghìn USD, sau đó nâng dần lên 1,9 triệu USD, 2 triệu USD, 2,1 triệu USD, 2,5 triệu USD và dừng ở mức 2,573 triệu USD. Sau khi tính thuế phí, bức tranh đạt 3,1 triệu USD, trở thành là bức tranh Việt có mức giá ước chừng cao nhất từ trước đến nay.

    Hình ảnh

    Tác phẩm Chân dung Madam Phương (Portrait of Mademoiselle Phuong), sơn dầu trên vải, 135,5 x 80 cm.

    Chân dung Madam Phương là tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980), một trong bốn danh hoạ Việt Nam xuất thân từ trường Mỹ Thuật Đông Dương và thành danh ở Pháp.

    Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông những năm đầu thế kỷ 20.

    Chân dung Madam Phương là bức tranh sơn dầu được ông vẽ để miêu tả người tình - một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc Hà Nội.

    Bức tranh được Sotheby’s miêu tả "là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi. Bức tranh lôi cuốn này còn thể hiện sự ngưỡng mộ sâu sắc của Mai Thứ đối với người mẫu, một quý cô được đồn đại là người yêu của nghệ sĩ".

    Bức tranh quý hiếm này từng được triển lãm lần đầu tiên tại trường Mỹ Thuật Đông Dương vào năm 1930, trước khi sang Paris tham dự Triển Lãm Quốc Tế Thuộc Địa năm 1931.

    Ngoài ra, Chân dung Madam Phương cũng xuất hiện trong các phân cảnh của phim Mùi Đu Đủ Xanh (The Scent of Green Papaya) năm 1993 của đạo diễn Trần Anh Hùng, như một biểu tượng văn hóa trong tác phẩm điện ảnh đại chúng nổi tiếng của Việt Nam.

    Hình ảnh

    Ông bà Pierre và bà Dothi Dumonteil.

    Theo Sotheby's, bức chân dung là một trong các tác phẩm thuộc bộ sưu tập tư nhân của một nhóm chủ sở hữu nhà Dumonteil - Les Souvenirs d’Indochine: The Madame Dothi Dumonteil Collection (Tạm dịch: Ký ức Đông Dương: bộ sưu tập của Madam Dothi Dumonteil).

    Madam Dothi (Đỗ Thị Lan) - người từng là chủ nhân của bức tranh - là người con gốc Huế di cư đến Pháp từ khi còn rất nhỏ. Trước khi kết hôn và trở thành một nhà sưu tầm nghệ thuật, Madam Dothi từng được biết đến với tư cách người mẫu thời trang cho các nhà Haute Couture như Pierre Cardin, Dior, Chanel và là nàng thơ của nhà thiết kế Yves Saint Laurent.

    Cùng với chồng, Pierre Dumonteil - một nhà sưu tầm và nhà đấu giá có kiến thức uyên bác về lịch sử và thị trường nghệ thuật, Madam Dothi Dumonteil đồng sáng lập Galerie Dumonteil, có trụ sở ở Paris và các chi nhánh ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Manhattan (New York).

    Trong suốt hơn 3 thập niên cùng nhau theo đuổi nghệ thuật Hiện Đại và Đương Đại từ trời Âu sang đất Á, hai ông bà đã mua lại những tác phẩm của hoạ sĩ Mai Thứ (bao gồm Portrait of Mademoiselle Phuong) và nhiều hoạ sĩ Việt Nam khác, bổ sung vào bộ sưu tập của gia đình Dumonteil.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Lý do tranh'Chân dung cô Phương' 3.1 triệu USD

    by music123 » Thứ 3 Tháng 4 20, 2021 7:41 am

    Lý do tranh 'Chân dung cô Phương' có giá 3,1 triệu USD

    4/20/21

    Mức giá 3,1 triệu USD cho tác phẩm "Chân dung cô Phương" của Mai Trung Thứ được giới chuyên môn trong nước cho rằng không quá bất ngờ.

    Tại phiên đấu "Beyond Legends: Modern Art Evening Sale" ở Sotheby's ở Hong Kong, chiều 18/4, một nhà sưu tập đã sở hữu Portrait of Mademoiselle Phuong (Chân dung cô Phương) với giá cao nhất từ trước đến nay dành cho tác phẩm của họa sĩ Việt Nam.

    Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Nhà Đấu giá Nghệ thuật Chọn - cho rằng: "Một bức tranh đẹp của tác giả hàng đầu gắn liền với lịch sử mỹ thuật, được nhà đấu giá danh tiếng thế giới đấu giá thì con số 3,1 triệu USD là hoàn toàn bình thường, phù hợp quy luật thị trường". Ông nhận định giá tranh của Việt Nam hiện nay thậm chí vẫn rẻ hơn một số nước ở châu Á. Một số họa sĩ đương đại của Indonesia hay Hàn Quốc đã có tác phẩm đạt giá vài triệu đến vài chục triệu USD.

    Hình ảnh

    Bức tranh sơn dầu "Portrait of Mademoiselle Phuong" của Mai Trung Thứ. Ảnh: Sotheby's.

    Chất lượng nghệ thuật là yếu tố quyết định giá trị tác phẩm. Sotheby’s nhận xét bức tranh hoành tráng, dịu dàng, gần gũi. Tác phẩm gói gọn tình cảm của Mai Trung Thứ dành cho cô Phương - một phụ nữ Hà Nội, được cho là người tình của ông. Trong suốt sự nghiệp, Mai Trung Thứ dành tâm sức cho tranh lụa, vì thế nhà đấu giá xem Chân dung cô Phương là kiệt tác hiếm hoi của ông ở mảng tranh sơn dầu.

    Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi ví Chân dung cô Phương là Mona Lisa của Việt Nam. Ông lần đầu nhìn thấy tác phẩm cách đây 30 năm, tại gia đình bà Dothi Dumonteil - hàng xóm của ông - tại Paris, Pháp. Dothi tên thật là Đỗ Thị Tuyết, người Pháp gốc Việt. Chồng bà là Pierre Dumonteil - nhà sưu tập nghệ thuật, sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa Việt. Khi đó, Ngô Kim Khôi không nghĩ sẽ có ngày tác phẩm được trả giá tới hàng triệu USD.

    Theo ông, họa sĩ sử dụng gam màu nhẹ nhàng, khắc họa hình tượng thiếu nữ đẹp thuần khiết, trong trắng, đi thẳng vào lòng người. Khi thưởng tranh, ông tưởng như cô Phương đang nhìn mình đắm đuối và có nhiều điều muốn tâm tình. Ông liên tưởng tới hai câu thơ của Đinh Hùng: "Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng/ Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại...". Nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm khắc họa rõ nét hình ảnh người thiếu nữ Việt Nam: từ tà áo dài, cách vấn khăn, kiềng cho đến gương mặt và dáng ngồi. "Tranh thời Đông Dương vẽ thiếu nữ mặc áo dài luôn có giá trị hơn các đề tài khác", ông nói.

    Nhà nghiên cứu Phạm Long cho biết tác phẩm được vẽ khi Mai Trung Thứ vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bức tranh thể hiện được tài năng và phong cách nghệ thuật của ông. Họa sĩ sử dụng gam màu mát dịu, bố cục hình tam giác cân mang đến sự yên bình, tự tại cho khung cảnh và nhân vật. "Đây là tác phẩm đẹp và hiếm hoi trong thời kỳ đầu của Mai Trung Thứ. Bức tranh có giá trị sưu tập hơn là giá trị đầu cơ", ông nói.

    Tên tuổi của Mai Trung Thứ góp phần làm nên giá trị bức tranh. Họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930). Khi trả lời phỏng vấn đài RFI của Pháp, Lê Phổ từng nhận xét Mai Trung Thứ là người vẽ đẹp nhất khóa của ông. Họa sĩ được mệnh danh là một trong "tứ kiệt trời Âu" của nền hội họa Việt Nam: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm (Lê Phổ - Mai Trung Thứ - Vũ Cao Đàm - Lê Thị Lựu). Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại Pháp. Theo Ngô Kim Khôi, môi trường sống giúp Mai Trung Thứ tự do sáng tạo, phát huy được tài năng.

    Tranh của ông từng được trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như Roma (1932), Milan và Naples (1934), Brussels (1936), San Francisco (1937)... Năm 1964, ông tổ chức triển lãm Les enfants de Mai Thu tại Pháp, được giới chuyên môn chú ý. Nhiều nhà xuất bản đã mua bản quyền để in thiệp và tranh.

    Trước đây, tác phẩm của Mai Trung Thứ nhiều lần được trả giá cao như: Tiệc trà có giá 815.500 HKD (khoảng 2,2 tỷ đồng), Người phụ nữ nhìn qua ban công lên tới 600.000 HKD (hơn 1,7 tỷ đồng), Bên ông đạt giá 235.832€ (khoảng 6,3 tỷ đồng)...

    Hình ảnh
    "Người phụ nữ nhìn qua ban công" - tác phẩm của Mai Trung Thứ vẽ năm 1940, từng được bán đấu giá với mức 600.000 HKD (hơn 1,7 tỷ đồng).



    Nhu cầu mua bán, sưu tập tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương tăng cao góp phần thúc đẩy giá. Ông Ngô Kim Khôi nhận định. "Mỹ thuật Việt Nam ngày càng có giá trị. Nhưng chắc chắn rằng giá cao chỉ có được từ những tác phẩm của các danh họa bước ra từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương".

    Theo ông Vũ Tuấn Anh, tác phẩm được định giá cao vì nhiều lý do. Các tác giả là lứa đầu tiên bước ra từ cái nôi đào tạo họa sĩ của cả Đông Dương, được giới chuyên môn trong và ngoài nước tôn vinh. Những năm 1930, một số họa sĩ đã tổ chức triển lãm tại Pháp, gây tiếng vang lớn. Họ đại diện cho một thời kỳ lịch sử đầy biến động của Việt Nam cũng như thế giới, khiến tác phẩm của họ còn được xem như chứng nhân lịch sử.

    Ông Tuấn Anh nói: "Qua thời gian, số lượng tranh của các họa sĩ Đông Dương ngày càng hiếm trên thị trường. Chúng đắt giá bởi yếu tố đào tạo của người Pháp, tính lịch sử, các tác phẩm chứa đựng câu chuyện thời cuộc. Quan trọng hơn là thị trường đấu giá thế giới như Sotheby, Christie... liên tiếp đẩy giá cao trong các phiên gần đây nên nhu cầu săn lùng tranh ngày càng tăng".

    Trước ý kiến "tranh giá cao là chiêu thức kinh doanh trong đấu giá", các chuyên gia cho rằng hiện tượng này bình thường. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng: "Khi xuống một món tiền, các nhà sưu tập, đầu tư phải biết họ có lấy lại được không. Tranh nếu không đẹp, không có giá trị thì có đẩy cũng không lên được. Không ai mua một bức tranh không đẹp cả. Giá trị kinh tế làm cho giá trị thẩm mỹ của bức tranh cao lên".

    Trước đây, thị trường Việt Nam xuất hiện nhiều tranh giả, nên các nhà sưu tập, đầu tư không dám bỏ ra khoản tiền lớn để mua. Hiện nay, tranh giả dần được bài trừ. Họ cũng có đội ngũ cố vấn chuyên môn cao. Điều này làm cho thị trường tranh sôi động hơn.

    Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết theo một số nguồn tin chủ sở hữu Chân dung cô Phương hiện tại là người Việt Nam. "Đây là dấu hiệu đáng mừng. Cuối cùng, tất cả gì hay nhất, cho dù lưu lạc ở đâu vẫn về với Việt Nam, không chỉ là tranh mà cả đồ cổ". Theo anh, nhiều tác phẩm thời kỳ này thuộc sở hữu của các nhà sưu tập nước ngoài. Trước năm 1945, người Việt chưa có điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu thưởng tranh, ngoại trừ một số nhà quý tộc. Vì vậy, tranh của các họa sĩ chủ yếu do người Pháp ở Đông Dương mua. Một số tác giả sống hoặc tổ chức triển lãm tại Pháp, nên tranh được các nhà sưu tập ở đây cất giữ.

    Hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, ông Vũ Tuấn Anh tin rằng những thương vụ đấu giá tranh triệu USD không chỉ xuất hiện trên thế giới mà trong tương lai sẽ có những tác phẩm triệu USD được gõ búa trong nước. "Tôi muốn mình và các đồng nghiệp sẽ là người gõ búa cho các tác phẩm triệu USD đó", ông nói.


    Hiểu Nhân
    Hình ảnh
Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 119 khách