Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Con trai cố nghệ sĩ THANH NGA kể chuyện bố mẹ bị sát hại: Đến giờ tôi vẫn hay gặp chuyện kỳ lạ
  • Hình đại diện của thành viên
    MovieNews
    Bài viết: 1349
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 10:15 am
    Đến từ: Las Vegas, Nevada

    Con trai cố nghệ sĩ THANH NGA kể chuyện bố mẹ bị sát hại: Đến giờ tôi vẫn hay gặp chuyện kỳ lạ

    by MovieNews » Thứ 4 Tháng 11 18, 2020 7:49 pm

    Con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga kể chuyện bố mẹ bị sát hại: Đến giờ tôi vẫn hay gặp chuyện kỳ lạ



    Cao Thanh Hương |
    19/11/2020



    Con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga kể chuyện bố mẹ bị sát hại: Đến giờ tôi vẫn hay gặp chuyện kỳ lạ

    Hình ảnh

    "Những lúc bị đòn oan ức, mình cũng đau lòng. Mình tin nếu là bố mẹ thì sẽ không đánh mình, không đối xử với mình như vậy", diễn viên Hà Linh, con trai cố nghệ sĩ Thanh Nga trải lòng.

    Vụ án sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga 42 năm trước là một sự kiện chấn động cả nước thời đó và kéo dài mãi tới nhiều năm sau. Ngay cả khi hung thủ đã phải trả giá cho tội ác của chúng thì tới tận bây giờ, người ta vẫn còn bàn cãi về những bí ẩn đằng sau vụ án ấy.

    Nhiều người vẫn nghĩ rằng, vào cái đêm định mệnh ấy, vì bảo vệ con trai khỏi kẻ bắt cóc mà vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết. Nhưng theo lời kể của diễn viên Hà Linh – người con trai duy nhất của cố nghệ sĩ Thanh Nga và cũng là nạn nhân, nhân chứng trong vụ thảm sát đêm đó thì sự thật đã bị... bóp méo.

    "Tôi còn nhớ rất rõ, trên đường từ rạp hát về nhà, có một chiếc xe hơi chạy theo. Tới ngã sáu Phù Đổng, tôi nói với bố mẹ "mình chạy vô nhà, đóng cửa lại là nó hết vô được". Xe vừa tới nhà là chiếc xe đó áp vô liền.

    Bố tôi ngồi ở ghế tài xế. Mẹ và tôi ngồi phía sau. Bố tôi mới chỉ nói "mấy ông muốn gì, mình vô nhà bàn lại" thì họ đã lấy súng bắn. Nếu bố tôi phản ứng, họ sợ mà bắn thì không nói. Đằng này, bố tôi không làm gì cả. Lúc bố bị bắn, mẹ tôi nói "bố chết rồi, thì mẹ con mình chết theo". Họ quay súng bắn mẹ tôi", diễn viên Hà Linh đã mở đầu như thế về câu chuyện năm xưa của bố mẹ mình.

    Hình ảnh

    Cả người nặng tới không nhúc nhích được khi chứng kiến bố mẹ bị bắn chết

    Chứng kiến thảm cảnh đó, anh có bị ám ảnh?

    Tôi bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Đến giờ tôi vẫn hay bị những chuyện kỳ lạ. Lúc họ bắn mẹ tôi xong, từ sau lưng mẹ, tôi lồm cồm bò ra tới cửa xe mà không bước xuống được. Cả người nặng tới mức không nhúc nhích nổi, cũng không kêu ra tiếng. Và từ đêm đó cho tới bây giờ, hễ khi nào tôi căng thẳng, lo lắng hay mệt mỏi điều gì là người lại bị như thế.

    Tôi còn nhớ là khi bố mẹ tôi bị bắn, chị giúp việc chạy ra bế tôi vô nhà thay đồ. Tôi sợ tới mức ướt hết người. Anh Hải (anh trai NSƯT Hữu Châu – PV) chạy qua nhà đầu tiên. Anh Hải ôm tôi khóc rồi cậu Hai chạy qua đưa mẹ đi cấp cứu. Sau đó, tôi chỉ nghe kể lại vì mình được đưa ra sau nhà.

    Cho tới khi mọi người đưa tôi vô viện và nói tôi "vuốt mắt mẹ đi con". Mẹ tôi chết không nhắm mắt. Chỉ tới khi đưa tôi vào, cả nhà hứa là lo cho tôi thì mẹ mới nhắm mắt. Bởi lúc đó, tôi còn quá nhỏ. Mẹ tôi mất, trên mặt còn nguyên son phấn trang điểm sau khi hát tuồng Thái hậu Dương Vân Nga.

    Bố mẹ mất khi anh mới 5, 6 tuổi, anh có nhớ được nhiều không?

    Tôi không có nhiều kỷ niệm với mẹ nhưng cái gì đã nhớ là in hết vào đầu, không xóa được. Tôi nhớ là 4 tuổi, tôi vẫn bú bình. Bố mẹ đi diễn thường đem tôi theo, cho chơi trong sân khấu. Ở đó rất nhiều muỗi nên mẹ thường thoa dầu khắp người tôi cho khỏi muỗi đốt.

    Về nhà, mẹ nhúng khăn ướt lau mình cho tôi, pha một bình sữa để đầu giường để khuya tôi dậy lấy bú rồi ngủ tiếp. Ngày ngày, mẹ ưa nấu nước ấm cho tôi tắm. Có bữa tôi vừa đi vừa đái vào chậu nước, mẹ phải đổ đi vì không tắm được nữa.

    Hình ảnh

    Lúc bố mẹ mất, anh có cảm nhận được?

    Tôi cảm nhận được chứ. Ngay buổi tối bố mẹ mất, tôi được đưa về nhà bà ngoại. Cả nhà hỏi tôi uống sữa thế nào để làm. Tôi bỏ uống sữa, bỏ bú bình từ đêm đó. Tối đó, tôi ngủ còn thấy bố mẹ về chơi. Tôi ngồi trong mùng nói chuyện với họ. Bà ngoại hỏi, sao không ngủ mà ngồi đó, tôi nói "con ngồi chơi với bố mẹ".

    Sau khi chôn cất bố mẹ, làm mộ xong xuôi, tối đó tôi nằm mơ gặp bố mẹ. Trong giấc mơ đó, bà ngoại ngồi trên cái ghế, bố mẹ tôi ngồi khóc, nói bị đánh quá nhưng bố đỡ cho mẹ hết. Giở cái áo của bố lên thì thấy rất nhiều lằn roi trên người. Sáng dậy, tôi kể cho bà ngoại nghe. Ngoại bảo cũng mơ y chang như vậy.

    Bà ngoại dắt cả nhà lên mộ. Ở lỗ âm dương có hai cái chai nhét giấy bên trong được niêm lại. Gia đình phải mời thầy về giải.

    Sau đó không lâu, có lần tôi suýt chết. Tôi cứ ngồi bấm ngón tay. Bà ngoại hỏi tính gì, tôi nói, tính ngày chết. Sau đó, tôi sốt mê man, đi bác sĩ giỏi cũng không tìm ra bệnh.

    Ngoại đưa tôi lên chùa An Phú ở quận 8 gặp sư ông. Sư ông bảo quy y cho tôi và tất cả con cháu trong nhà. Đọc kinh xong, sư ông lấy áo cà sa đắp lên người tôi. Xong là tôi tỉnh, chạy xuống dưới chơi mà lúc lên chùa là gia đình phải khiêng.

    Những năm tháng sau khi bố mẹ mất, anh sống thế nào?

    Tôi may mắn còn bà ngoại nên cũng sống như mọi người. Năm 1988 bà ngoại mất thì tôi lớn rồi. Năm 1990 tôi vô trường sân khấu học, cũng đã tự lo được cho bản thân. Lúc nhỏ, mình chỉ tủi thân ở chỗ, các bạn có những tình cảm của bố mẹ mà mình không có được. Hoặc đôi khi, các bạn được làm nũng bố mẹ thì mình không có được cảm giác đó.

    Hình ảnh

    "Rất nhiều người làm giỗ mẹ tôi"

    Bố mẹ anh đã mất được 42 năm rồi nhưng tới tận bây giờ vẫn có rất nhiều khán giả và đồng nghiệp tưởng nhớ. Ngày sinh nhật hay ngày giỗ của bà, họ đều mua hoa, mua bánh kem lên mộ. Thậm chí, trong nghề có nhiều nghệ sĩ thờ mẹ của anh. Cảm nhận của anh như thế nào?

    Họ phải tin tưởng thì mới thờ cúng. Việc thờ cúng là một cách củng cố niềm tin để họ đi đúng đường. Còn về tâm linh, ai hiền thì được người ta thờ. Người ác, người ta thờ làm chi. Mẹ tôi phải thế nào thì mới được như thế. Dĩ nhiên, tôi vui, tôi tự hào. Đám giỗ mẹ tôi, rất nhiều người làm chứ không chỉ mình tôi.

    Hồi xưa, giỗ mẹ tôi làm ở nhà xong chạy qua nhà anh Châu (NSƯT Hữu Châu – PV) nhưng bây giờ tôi nói anh Châu làm luôn. Anh Châu bảo "Tao chờ câu đó biết bao lâu. Tao muốn làm ở nhà lắm nhưng mày là con, tao không dám. Mày phải nói tao mới làm". Giờ giỗ mẹ tôi, anh Châu làm còn tôi qua phụ.

    Cũng nhiều người nói, đến lúc để mẹ tôi siêu thoát rồi. Mình cứ lên mộ hoài, níu kéo hoài... mẹ không đi được. 42 năm rồi!

    Cá nhân tôi nghĩ, ngay cả việc nhiều người thờ cúng nghệ sĩ Thanh Nga cũng là một... cách níu kéo?

    Bởi vậy nhưng tôi không dám nói. Mình là con, vẫn mong mẹ được siêu thoát.

    Tuy nhiên cũng khó trách, bởi mọi người quá yêu kính bà. Hơn nữa, tôi còn được nghe rất nhiều câu chuyện về sự linh thiêng của bà. Điều đó củng cố thêm niềm tin tâm linh cho người nghệ sĩ, nhất là lúc họ cần điều đó để bám trụ nghề này?

    Mẹ tôi phù hộ nhiều người. Hồi năm 1985, có một cô ở Mỹ về Việt Nam, tìm đến nhà bà ngoại để mua mấy bộ đồ của mẹ. Cô ấy nói, mơ gặp mẹ tôi. Mẹ tôi chỉ cô lập gánh hát bên Mỹ. Vì cô ấy nói vậy nên ngoại mới bán, chứ không là ngoại giữ lại hết.

    Tôi không xin mẹ cái gì hết. Tôi rất ngại. 12 năm trước làm kỷ niệm 30 năm ngày giỗ bố mẹ tôi, có vài người thân bên Mỹ rất mong tôi qua đó sống. Tôi đi phỏng vấn rớt 2 lần liên tục. Mọi người bảo tôi xin mẹ nhưng tôi không xin. Chuyện đó, không đáng phải xin, chỉ khi nào nguy cấp tới tính mạng, tôi mới xin.


    Hình ảnh

    "Biến cố lớn nhất đời tôi là bố mẹ mất. Người ta được thấy bố mẹ sống già rồi mất đi còn thời điểm bố mẹ mất, tôi quá nhỏ. Nhưng cũng may là vì nhỏ quá, chưa hiểu chuyện nên tôi không bị tác động nhiều, nếu là 19, 20 tuổi thì chắc sẽ sốc dữ lắm.

    Đôi lúc mình cũng đau lòng, nhất là những khi bị đòn oan ức. Đó là lúc nhớ bố mẹ nhiều nhất vì mình tin nếu là bố mẹ thì sẽ không đánh mình, không đối xử với mình như vậy.

    Cuộc đời hạnh phúc nhất là còn cha còn mẹ. Cuộc đời ai chẳng vấp ngã nhưng khi vấp ngã, bố mẹ là người đỡ mình lên, chỉ cho mình hướng đi đúng. Còn tôi làm gì có ai chỉ. Tự đứng lên, tự tìm đường đi tiếp mà chẳng biết đúng hay sai vì đâu có ai hướng dẫn cho mình.

    Tôi sống và làm việc theo cảm tính, cảm thấy đúng thì làm. Bố mẹ còn thì mình còn nghe lời. Bố mẹ mất biết nghe lời ai"!

    - Diễn viên Hà Linh -
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 146 khách