Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Người gốc Á ở Mỹ 0 thể mãi cúi đầu
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Người gốc Á ở Mỹ 0 thể mãi cúi đầu

    by music123 » Thứ 4 Tháng 4 21, 2021 3:06 am

    NGƯỜI GỐC Á Ở MỸ KHÔNG THỂ MÃI CÚI ĐẦU

    Như TrầnHồng NgọcThanh Lam 4/21/21

    Một số người gốc Việt tin rằng cộng đồng gốc Á ở Mỹ cần lên tiếng, đấu tranh nhiều hơn để nâng cao nhận thức về vấn nạn kỳ thị và các tội ác vì thù hận nhắm vào mình.

    Giáo sư Việt kiều Chung Hoàng Chương, người từng giảng dạy ngành châu Á học tại nhiều đại học Mỹ, khi chia sẻ tại cuộc thảo luận chiều 20/4 về gốc rễ phân biệt chủng tộc ở Mỹ đã nhắc lại thời điểm năm 1848 - lúc vàng được phát hiện dưới lòng sông ở nhiều vùng đất tại Mỹ.

    Khi đó, nhiều người châu Phi và châu Á nắm được thông tin này. Năm 1849, làn sóng di cư từ các châu lục đổ về nước Mỹ.

    Khi người Trung Quốc đặt chân lần đầu đến California, họ bị lợi dụng làm người thăm dò quặng. Trong quá trình nhập cư, người Trung Quốc xây dựng đường ray, góp phần lớn tạo lập nên nước Mỹ ngày nay, theo giáo sư Chương.

    Đến khi vàng bị khai thác triệt để, người Trung Quốc phải cạnh tranh với người Mỹ để tồn tại. Nhiều người địa phương ở bờ Tây lo ngại tình trạng thất nghiệp của dân lao động Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của mình. Năm 1882, một đạo luật nhằm bài trừ người Trung Quốc được ban hành.

    Theo giáo sư Chương, đây là đạo luật đầu tiên cấm người nhập cư dựa trên chủng tộc và quốc tịch tại Mỹ.

    Hình ảnh

    Các diễn giả tại buổi thảo luận "Người gốc Á ở Mỹ qua lăng kính người Việt" chiều ngày 20/4 tại TP.HCM. Ảnh: Như Trần.
    Một thế kỷ kỳ thị

    Đến những năm 1900, nhiều người Nhật Bản bắt đầu di cư sang Mỹ. Họ làm việc trong các cánh đồng và nông trại. Công việc đồng áng đòi hỏi họ phải tích trữ đất đai.

    Theo ông Chương, năm 1913, luật đất đai cho người nước ngoài ở California được ban hành, và nhắm thẳng vào người Nhật. Luật này cấm người “nước ngoài không đủ điều kiện” nhập quốc tịch Mỹ. Ngoài ra, nhóm này cũng không được sở hữu đất nông nghiệp.

    Sau người Nhật, người Philippines cũng đến Mỹ. Họ làm việc chăm chỉ, và có một khoản tiết kiệm đáng kể, nên nảy sinh nhu cầu giải trí.

    Nhiều đàn ông Philippines tìm đến các bữa tiệc và khiêu vũ cùng các cô gái da trắng. "Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng dân Philippines muốn chiếm đoạt các cô gái Mỹ", ông Chương nói.

    Do đó, năm 1924, Mỹ ban hành một luật nhằm ngăn chặn người khác chủng tộc kết hôn.

    Trước vô vàn khó khăn trải dài hơn một thế kỷ, cộng đồng gốc Á vẫn không ngừng lớn mạnh tại Mỹ. Năm 2018, người gốc Á chiếm 5,6% dân số Mỹ, trong đó người gốc Việt chiếm tỷ lệ cao thứ 4, theo giáo sư Chương.

    Giấc mơ Mỹ không chỉ màu hồng

    Trước những thách thức mà người gốc Á phải đối mặt khi ở Mỹ, các diễn giả đưa ra nhiều lời khuyên cho bất kỳ ai có ý định đến nước này, đặc biệt trong bối cảnh phân biệt chủng tộc đang là vấn đề nhức nhối.

    Hình ảnh

    Bà Chi Thuc Ha cho rằng không nên sợ hãi hay xem Mỹ là nơi độc hại chỉ vì vấn đề phân biệt chủng tộc. Ảnh: Như Trần.

    Theo bà Chi Thuc Ha, một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nạn phân biệt chủng tộc không chỉ có ở Mỹ mà xảy ra mọi nơi. Do đó, không nên vì vấn đề này mà sợ hãi hay xem nước Mỹ là nơi độc hại.

    “Mỹ có phải là nơi dành cho bạn hay không còn tùy thuộc vào mục đích và mong đợi của bạn”, bà Ha nói.

    Dù nước Mỹ có nhiều vấn đề, bà Ha cho rằng rất nhiều người vẫn muốn tham gia vào nền giáo dục Mỹ.

    Bà Vương Minh Hiền, người từng sống và làm việc ở Mỹ hơn 20 năm, cho biết đã gặp rất nhiều người đến Mỹ nhưng nắm rất ít thông tin. "Họ đến Mỹ với cái nhìn màu hồng về giấc mơ Mỹ. Họ nghĩ chỉ cần đến được đây thì cuộc đời sẽ 'lên hương’. Họ không thật sự chuẩn bị kỹ để đối mặt với những vấn đề có thể gặp phải".

    Cần đấu tranh quyết liệt hơn

    Dù tội ác vì thù ghét (hate crime) ảnh hưởng trực tiếp đến những cộng đồng thiểu số, các phụ huynh gốc Á thường dặn con mình cúi đầu, đừng thu hút sự chú ý, đừng gây ra rắc rối.

    Tâm lý này khiến nhiều người e ngại, không dám lên tiếng chống lại các hành vi phân biệt chủng tộc, dù chính họ là nạn nhân.

    Tại tọa đàm, doanh nhân Eddie Thai nói người Mỹ gốc Á cần phải hành động để góp phần thay đổi thực trạng này. “Chúng ta không thể cứ cúi đầu và hy vọng mình sẽ được an toàn”.

    Hình ảnh

    Ông Eddie Thai chỉ ra rằng rất nhiều người Mỹ không biết, hoặc không tin phân biệt chủng tộc là một vấn nạn. Ảnh: Hồng Ngọc

    Ông Andrew Lam, tác giả nhiều quyển sách về người Việt ở Mỹ, cũng cho rằng lên tiếng quyết liệt mới là giải pháp tốt nhất.

    “Tôi lớn lên ở Mỹ và từng bị kỳ thị. Một vài người bạn thân của tôi lại là những người phân biệt chủng tộc nhất mà tôi biết. Họ từng gọi tôi bằng những từ xúc phạm. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc nhiều hơn và trở thành bạn bè, tôi chia sẻ các câu chuyện của mình cho họ, và chúng tôi trở nên thân thiết”, ông Lam nói.

    “Tôi nghĩ rằng thay vì nín nhịn, chúng ta nên nói ra, và nói rõ. Có thể những người kia hiểu lầm chúng ta vì họ sống trong xã hội có nhiều định kiến. Vì vậy, chúng ta cần chia sẻ câu chuyện của mình để tháo gỡ những hiểu lầm đó”, ông Andrew Lam nói.

    “Tôi nghĩ thời điểm hiện tại là bài học cho người gốc Á ở Mỹ. Thay vì nín nhịn, chúng ta đã lên tiếng, đã biểu tình. Chúng ta cần nói rõ với họ rằng: ‘Nhà chúng tôi ở Mỹ mấy đời rồi!'”, ông Lam chỉ ra.

    Trả lời câu hỏi của Zing, ông Eddie Thai cho rằng có 2 bước để khuyến khích mọi người chống lại nạn bài ngoại.

    “Đầu tiên là thông qua giáo dục và học tập. Rất nhiều người Mỹ không biết, hoặc không tin rằng phân biệt chủng tộc là một vấn nạn. Vì vậy, họ cần phải nhận thức được đây là chuyện cần giải quyết”, ông Thai nói.

    Theo ông Thai, bước thứ hai chủ yếu tùy thuộc vào mỗi cá nhân, qua việc kêu gọi mọi người phản đối phân biệt chủng tộc dựa trên động lực cá nhân hoặc sự đồng cảm.

    “Mọi người phải hiểu việc chống lại phân biệt chủng tộc sẽ đem lại lợi ích như thế nào cho bản thân. Nếu họ thấy vấn nạn này gây hại cho mình, họ sẽ lên tiếng”, ông Thai nói với Zing.

    “Tuy nhiên, cách này rất khó. Tôi tin rằng khơi gợi sự đồng cảm ở mỗi con người dễ thực hiện hơn”, ông Thai nói thêm.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 99 khách