Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Vợ cũ Duy Quang: Chờ 6 tiếng mới được hát, lên sân khấu bị đuổi thẳng mặt

Đã gửi: Thứ 5 Tháng 11 19, 2020 10:29 am
by music123
Vợ cũ danh ca Duy Quang: Chờ 6 tiếng mới được hát, lên sân khấu bị đuổi thẳng mặt

11/19/2020

Hình ảnh

"Thu nhập ca sĩ phòng trà phải gấp 3 lần lương giáo viên"- ca sĩ Yến Xuân nói.


Ca sĩ Yến Xuân là vợ cũ của cố danh ca Duy Quang, được biết đến là một trong những giọng ca nổi tiếng tại các phòng trà trên khắp Sài Gòn suốt 20 năm qua.

Tại chương trình Chuyện cuối tuần tuần này, Yến Xuân đã chia sẻ về cuộc đời đi hát phòng trà của mình.

Hình ảnh

Chờ 6 tiếng mới được hát, lên sân khấu bị đuổi thẳng mặt

Trước khi đến với ca hát, tôi vốn là một diễn viên múa. Sau 7 năm hoạt động, tôi chuyển hướng sang làm ca sĩ.

Những năm đầu tiên đi hát, tôi cũng tham gia biểu diễn trên các sân khấu ca nhạc. Thời đó, các ca sĩ trẻ như tôi phải đi hát lót cho ca sĩ ngôi sao, có những đêm diễn phải chờ 5-6 tiếng mới được hát.

Lên sân khấu, tôi còn bị khán giả đuổi thẳng mặt vì họ chỉ đến để xem ca sĩ ngôi sao biểu diễn.

Những cảnh như vậy khiến tôi rất áp lực. Trong một lần được mời đi hát tại phòng trà, tôi nhận ra đây chính là nơi dành cho mình.

Phòng trà hợp với tính cách của tôi, mọi thứ đều nhẹ nhàng và không ai đuổi tôi xuống cả. Nếu khán giả không thích tôi hát, họ vẫn lắng nghe và lịch sự vỗ tay.

Dù trăm người hay một người ngồi nghe cũng vẫn phải hát, hát đủ 7 ngày một tuần

Theo tôi biết, đi hát phòng trà chủ yếu là ca sĩ nữ, ca sĩ nam rất ít và thường chỉ hát Bolero. Trong quá trình đi hát hàng chục năm qua, tôi thấy lượng ca sĩ phòng trà tại Sài Gòn hiện tại không nhiều, chỉ khoảng 100 đổ lại.

Ca sĩ phòng trà chỉ quanh đi quẩn lại vài gương mặt quen thuộc cứ đi tới rồi lại lui. Đấy là tôi tính rộng ra, chứ chỉ xét số ca sĩ cốt cán, phòng trà nào cũng có mặt lại càng ít hơn.

Hình ảnh

Thông thường, một ca sĩ phòng trà bình thường như tôi một tuần sẽ hát đủ 7 đêm. Đêm nào cao nhất là 4 bài, không thì 1 hoặc 2 bài. Đêm nào có mini show nhỏ, tôi có thể hát chừng 10 tới 12 bài.

Có thể nói, công việc đi hát của tôi chẳng khác nào công nhân viên chức, tối nào cũng đều đặn đi làm như thế, không có ngày nghỉ. Nắng mưa thế nào tôi cũng đi hát. Thậm chí, có những hôm bão gió mà không ai nhắn nghỉ thì vẫn phải mặc áo mưa đi.

Đến phòng trà, không nhất thiết phải đông khán giả tôi mới hát. Chỉ cần nhìn xuống thấy còn khán giả là tôi sẽ hát.

Nói chung, hát phòng trà là cố định, cứ giờ đó, ngày đó là phải lên hát, ở dưới khán giả bao nhiêu là chuyện của chủ. Dù trăm người hay một người ngồi nghe cũng vẫn phải hát.

Tất nhiên, phòng trà sẽ có những quy định nhỏ như khán giả phải đủ 10 người thì mới hát. Họ cũng phải bảo đảm được ngân sách, kinh tế. Nhưng một số phòng trà nhỏ hơn thì 5 người cũng hát. Lúc đó, dù chỉ 5 khán giả, tôi vẫn phải hát như đang phục vụ hàng trăm người.

Hình ảnh

Thu nhập ca sĩ phòng trà phải gấp 3 lần lương giáo viên

Mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Riêng với tôi, tôi sống được với thu nhập từ phòng trà suốt nhiều năm qua.

Tôi không biết lương giáo viên hiện này bao nhiêu nhưng tôi đoán tầm 10 triệu. Nếu như vậy, trong mùa mưa bão, thu nhập của ca sĩ phòng trà như tôi ngang lương giáo viên. Còn trong điều kiện bình thường, thu nhập ca sĩ phòng trà phải gấp 3 lần lương giáo viên, hoàn toàn sống được với nghề.

Tuy nhiên, để đạt được thu nhập đó, tôi phải chạy nhiều phòng trà. Chỉ hát một phòng trà thì rất khó để được mức thu nhập như thế.

Phòng trà đặc biệt hơn sân khấu lớn ở chỗ, sân khấu lớn một năm chỉ có vài chương trình, nhưng phòng trà mở hàng đêm.

Hình ảnh

Nơi đó, ca sĩ có thể tiếp cận gần nhất với những khán giả yêu mến họ. Đó là một thứ tình cảm nồng nhiệt và đặc biệt đến mức, nếu không làm ca sĩ, tôi sẽ không bao giờ cảm nhận được.

Tôi hy vọng những ca sĩ phòng trà sẽ luôn yêu công việc mình làm vì một khi có tình yêu thì họ có thể làm được những gì mà họ muốn. Tôi cũng mong các khán giả sẽ dành nhiều tình yêu thương để sân khấu phòng trà luôn sáng đèn.

Tùng Ninh