Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
VN:Thêm 17 ca dương tính; 4 ng diễn tiến nặng, 1ng phải can thiệp ECMO[
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    VN:Thêm 17 ca dương tính; 4 ng diễn tiến nặng, 1ng phải can thiệp ECMO[

    by music123 » Thứ 2 Tháng 5 10, 2021 1:48 pm

    Tin trong nước tối 10/5: Thêm 17 ca dương tính COVID-19; 4 người diễn tiến nặng, 1 người phải can thiệp ECMO

    Hiểu Minh (TH) 5/10/21

    Hình ảnh

    Ảnh minh họa.

    Thêm 17 ca dương tính COVID-19

    Bộ Y tế chiều 10/5 ghi nhận thêm 17 ca dương tính nCoV, trong đó 16 ca lây nhiễm trong nước, một ca nhập cảnh được cách ly ngay.

    16 ca mới ghi nhận trong nước đều trong khu vực đã được phong tỏa tại Hưng Yên (6), Đà Nẵng (4), Bắc Giang (3), Hà Nội (2), Vĩnh Phúc (1). Một ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh.

    Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 458, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Cụ thể, địa bàn Hà Nội 143 ca (trong đó Bệnh viện Trung ương 79 ca, 12 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 85, Vĩnh Phúc 53, Đà Nẵng 53, Bắc Giang 47, Hưng Yên 19, Hà Nam 16, Thái Bình 6, Hoà Bình 5, Hải Dương 5, Lạng Sơn 4, Thừa Thiên Huế 3, Quảng Nam 3, Đăk Lăk 2, Điện Biên 2, Nam Định 2, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Yên Bái, Quảng Trị mỗi nơi một ca.



    4 người mắc COVID-19 diễn tiến nặng, 1 người phải can thiệp ECMO

    Bốn bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều mắc bệnh lý nền, diễn tiến nặng, được các chuyên gia hội chẩn chiều 10/5.

    Bốn ca này được Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, chiều nay hội chẩn trực tuyến toàn quốc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Tiến sĩ Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết trong 4 bệnh nhân có một ca phải can thiệp ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) là “bệnh nhân 3019”, quê Thái Bình.

    Sau hơn 1,5 tháng điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân 54 tuổi được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 9/4 với chẩn đoán viêm hạch, tràn dịch màng phổi, theo dõi viêm phổi trên nền bệnh nhân suy thận mạn. Ông này còn có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm (không điều trị thường xuyên), sỏi thận.

    Từ 15/4, bệnh nhân này được chuyển sang cơ sở 2 Đông Anh, ở khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp rồi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực hôm 29/4 do ho, khó thở tăng dần, có dịch màng phổi, thở máy từ ngày 30/4.

    Ngày 4/5, bệnh nhân có kết quả dương tính nCoV. Do diễn biến nặng lên, một ngày sau đó bệnh nhân được can thiệp ECMO, lọc máu, siêu âm thấy hình ảnh dịch ngoài màng tim, phù nhiều tay. Hiện bệnh nhân vẫn phải thở máy, lọc máu, đặt ECMO, dùng an thần, tình trạng bệnh rất nặng.



    Đánh giá đây là ca “cực kỳ khó”, giáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng, cho rằng diễn biến của ca 3019 gần giống bệnh nhân ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cách đây không lâu.

    Ngoài tổn thương cũ, với sự tấn công của nCoV, bệnh nhân hiện suy đa tạng, tổn thương phổi, tổn thương tim. Các chuyên gia đề nghị xét nghiệm thêm, siêu âm tim bởi bệnh nhân đã có tổn thương tế bào cơ tim do virus.

    Ca nặng thứ hai được hội chẩn là “bệnh nhân 3153”, 63 tuổi, quê Hải Dương, vào viện hôm 28/4. Bệnh nhân đã sốt kéo dài hơn hai tháng (thường sốt cao về chiều tối), được chẩn đoán viêm cột sống dính khớp hơn 10 năm, không điều trị, gù vẹo cột sống, chụp CT ngực có hình ảnh viêm phổi kẽ. Cách đây hai ngày bệnh nhân dương tính nCoV, hiện đã được đặt nội khí quản, thở máy.

    “Điều khó khăn của các bác sĩ với bệnh nhân này là bệnh lý gù vẹo cột sống, cằm gập vào ngực, cổ gập ngắn, rất khó để cai thở máy, không mở khí quản được cho bệnh nhân”, bác sĩ Phú cho hay.

    Theo các chuyên gia, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng. Chức năng thận chưa tổn thương nhiều. Giáo sư Bình đề nghị bệnh nhân cần bổ sung xét nghiệm như hút đờm, PCR, tuỷ đồ. Về việc có mở khí quản hay không tuỳ thuộc bác sĩ ở bệnh viện dù không dễ dàng. Việc mổ khí quản phải kiểm soát được đường thở.



    Hai trường hợp khác được đưa ra hội chẩn là ca 3015 (nam, 54 tuổi quê Gia Lộc, Hải Dương) có tiền sử xơ gan và ca 3028 (nữ, 70 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội).

    Ca 3018 là trường hợp vào viện vì sốt kéo dài, mắc đái tháo đường 21 năm, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não di chứng yếu liệt nửa người trái. Cụ bà vào viện hôm 3/4, điều trị ở khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết trên nền nhiều bệnh mãn tính, nhiễm nấm cơ hội, theo dõi viêm phổi. Hôm 5/5, bệnh nhân dương tính nCoV, được chuyển khoa Cấp cứu, điều trị được 5 ngày thì cụ bà sốt cao, suy hô hấp tăng, phải đặt ống nội khí quản và chuyển khoa Hồi sức tích cực.

    Hiện bệnh nhân thở máy qua nội khí quản, vẫn sốt rất cao (39.3 độ C). Góp ý vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân này, các chuyên gia cho rằng rất cần phải tìm nguyên nhân gây sốt kéo dài, chụp cắt lớp vi tính tìm nguyên nhân kèm theo. Cùng đó, xem xét lại cách dùng kháng sinh cho bệnh nhân này như thuốc chống nấm. Làm thêm siêu âm tim, chụp cắt lớp phổi, điều chỉnh lại máy thở để CO2 giữ giới hạn bình thường, bù dịch.

    Virus COVID-19 chủng mới tại Việt Nam, 1-2 ngày đã lây lan mạnh

    Cùng lúc, Việt Nam xuất hiện 2 biến chủng lây lan mạnh nhất hiện nay, chỉ 1-2 ngày đã bùng lên thành ổ dịch tại nhiều địa phương.

    Từ ngày 29/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 442 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước tại 26 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Giang đang là những ổ dịch lớn nhất nước, số ca mắc tăng mạnh từng ngày.



    Chỉ tính riêng 18 giờ qua, cả nước có thêm 109 ca mắc, là con số kỷ lục chưa từng ghi nhận trước đây.

    PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng đánh giá, đợt dịch đang diễn ra phức tạp hơn các đợt dịch trước.

    Theo PGS Phu, Việt Nam đang cùng lúc ứng phó với biến chủng Anh và biến chủng kép Ấn Độ vừa lây lan nhanh, vừa có thể làm giảm hiệu quả vắc xin. Vừa qua, kết quả giải trình tự gene các ổ dịch lớn trong nước đều nhiễm 2 biến chủng này.

    “Chủng mới lây lan rất nhanh, chỉ sau 1-2 ngày đã bùng lên như ổ dịch ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, hiện chiếm tới 72/90 ca toàn tỉnh chỉ trong 4 ngày”, PGS Phu dẫn chứng.

    Cũng trong đợt dịch đang diễn ra, có nhiều hình thức lây nhiễm như trong bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, quán massage… Đây đều là những chỗ đông người, nguy cơ cao.

    Ngoài ra còn ghi nhận lây nhiễm tại các điểm tụ tập đông người như đám cưới, quán bia, quán ăn, lễ hội…

    PGS Phu khuyến cáo tất cả người dân cần tuân thủ thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người, khi ra khỏi nhà đeo khẩu trang, sát khuẩn và luôn khai báo y tế để hỗ trợ cơ quan chức năng truy vết.

    Qua theo dõi các chùm ca bệnh, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đánh giá, biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

    “Trong báo cáo của Bộ Y tế, có những trường hợp mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng, nồng độ virus trong hầu họng nhân lên đủ lớn để xét nghiệm ra dương tính”, GS Tuấn nói.

    Đặc biệt trong đợt dịch lần này, tỉ lệ biến chứng ở phổi cũng cao hơn. Tại Hà Nam, 4/7 bệnh nhân gặp biến chứng ở phổi ngay tuần đầu tiên, cho thấy bệnh diễn biến rất nhanh.

    GS Tuấn cảnh báo: “Theo báo cáo của nước ngoài, tỉ lệ tử vong của biến chủng mới cao hơn nhiều lần các chủng cũ, vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác. Virus lây lan nhanh cũng khiến các biện pháp phòng chống khó khăn hơn rất nhiều, nên rất cần người dân thực hiện tốt 5K”.

    Hà Nội: Công an vào cuộc vụ ca COVID-19 ở Thường Tín ‘né’ khai báo y tế

    Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết đang xác minh trường hợp của bệnh nhân L.V.C., có tiền sử đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 27/4 – 29/4. Thời điểm lưu trú tại Đà Nẵng, bệnh nhân đã ở cùng khách sạn với 2 trường hợp dương tính là chuyên gia của Trung Quốc liên quan đến Yên Bái và Vĩnh Phúc (Khách sạn Mường Thanh, đường Võ Nguyên Giáp).

    Ngày 29/4, sau khi kết thúc công việc, bệnh nhân quay về Hà Nội trên chuyến bay VJ 546. Đến ngày 3/5/2021, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, mỏi mệt, ho nên đã chủ động đi làm xét nghiệm dịch vụ tại Bệnh viện Medlatec (cơ sở Nghĩa Dũng) vào ngày 4/5 và cho kết quả âm tính với COVID-19.

    Bệnh nhân tự điều trị tại nhà không đỡ, đến ngày 6/5 tiếp tục đến Bệnh viện Medlatec khám, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và kết quả dương tính với COVID-19.

    Liên quan đến bệnh nhân C., bệnh nhân D.V.H. là em rể của bệnh nhân này. Ngày 3/5, gia đình anh C. tổ chức liên hoan gia đình tại nhà hàng Thiềm gần nhà và có mời gia đình anh D.V.H đến tham dự.

    Đến ngày 5/5, anh H. xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Sau đó, anh H. và anh C. cùng đi xét nghiệm dịch vụ tại Bệnh viện Medlatec vào ngày 6/5 và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

    Theo Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín, cho hay: “Cơ quan điều tra đang tập trung xác minh, làm rõ mọi thông tin, vi phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.”

    Hạ Long phong tỏa nhiều chợ vì người giao hàng nhiễm COVID-19

    Hàng loạt chợ dân sinh ở TP. Hạ Long bị phong tỏa để để khử trùng và truy vết do có bệnh nhân Covid-19 thường xuyên đến giao hàng.

    Đêm 9/5, TP Hạ Long đã phong tỏa các chợ Hạ Long 1; Hạ Long 2; chợ cóc Bến phà cũ; chợ Vườn Đào, phường Bãi Cháy; quán phở Thìn trên đường 25/4, phường Hồng Gai; quán vịt quay Nhung Nhương; quán cơm My Thanh, xã Thống Nhất.

    Những địa điểm trên bị phong tỏa do “bệnh nhân 3260”, nữ, 26 tuổi, địa chỉ tại thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) hàng ngày thường cùng với chồng giao thịt bò tại đây.

    Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh TP Hạ Long cho biết việc phong tỏa “đóng, mở nhanh” để phục vụ thần tốc truy vết; sau khi truy vết xong, chính quyền sẽ cho mở lại các chợ nhưng khuyến cáo với ngành hàng chưa thật cần thiết thì mở chậm; người mua hàng nhanh, giảm tần suất đi chợ.

    TP.HCM yêu cầu cách ly người đến từ 12 địa điểm ở Bắc Giang và Đắk Lắk

    Dân Trí – Chiều 10/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo cập nhật 12 địa điểm liên quan đến các ca dương tính với COVID-19 tại Bắc Giang và Đắk Lắk. Theo đó, những người từng đến các địa điểm dưới đây khi tới TP.HCM phải thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. 12 địa điểm đó gồm:

    – Xã Bảo Sơn/ Khám Lạng/Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang từ 3/5.

    – Xã Hương Sơn/Quang Thịnh/thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang từ 3/5.

    – Tổ dân phố My Điền 1, My Điền 2, My Điền 3, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang từ 3/5.

    – Phường Dĩ Kế, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang từ 3/5.

    – Công ty TNHH Shin Young Việt Nam – Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang từ 3/5.

    Cùng lúc, người từng đến hẻm 189/1 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk từ 6/5 được yêu cầu cách ly tại nhà.

    Trước đó, HCDC cho biết trong ngày 9/5, địa bàn TPHCM không ghi nhận trường hợp nhiễm mới.

    Hải Dương xem xét xử lý hình sự BN 3051, nhập cảnh trái phép từ Lào
    Vietnamnet – Trưa nay (10/5) công an TP. Hải Dương cho biết, đang củng cố tài liệu, chứng cứ để xem xét xử lý hình sự đối tượng Đào Duy T., SN 1989, HKTT tại 42 Hàm Nghi, phường Hải Tân.

    T. là BN 3051, nhập cảnh trái phép từ Lào về Hải Phòng vào đêm 23/4. Khi bị sốt, đau họng, đối tượng về Hải Dương để xét nghiệm Covid-19.

    Trước khi có kết quả mắc Covid-19, T. về Hải Phòng, không khai báo y tế, lưu trú tại nhiều khách sạn cùng bạn gái.

    Ngày 5/5, BN 3051 về Hải Dương để xin xét nghiệm. Khi đang chờ kết quả, đối tượng tiếp tục di chuyển lên Hà Nội cùng bạn, đi tới ngân hàng, quán cà phê…với lịch trình dày đặc, phức tạp.

    Ngày 6/5, T. nhập viện điều trị. BN tỏ ra cứng đầu, không hợp tác khiến cho lực lượng công an TP Hải Dương rất vất vả trong quá trình truy vết, xác định nguồn lây.

    Sau 3 ngày làm việc, T. khai nhận, khi đang lưu trú tại Hải Phòng đã nhận được điện thoại của anh họ là Tuấn (đang sống tại Lào), thông báo là Tuấn bị nhiễm Covid-19. T. khi sang Lào có sống cùng Tuấn và 1 số người khác mà sau này họ cũng lần lượt nhiễm bệnh.

    Nghe được tin trong khi đang sốt, đau họng nhưng T. không khai báo mà tự gọi nhân viên y tế đến tiêm truyền ngay tại khách sạn ở Hải Phòng.

    T. đã lây sang cho bạn là BN 3094, nhân viên Bar Karaoke New KTV (Hải Phòng). Tiếp xúc gần với bạn gái của T., 1 nữ nhân viên tại quán Bar trên cũng đã nhiễm Covid-19. Sáng nay, CDC Hải Dương tiếp tục công bố 1 ca nghi nhiễm mới có yếu tố dịch tế liên quan đến T.

    Lừa đảo hàng tỷ đồng qua kêu gọi từ thiện

    Ngày 10/5, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cho biết, 4 tháng qua, công an trong cả nước phát hiện, xử lý cả chục nhóm quản trị các trang fanpage Facebook hoạt động lừa đảo, theo phương thức kêu gọi quyên góp từ thiện.

    Gần đây nhất, cuối tháng 4, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố và tạm giam Trần Văn Lâm, 23 tuổi, trú tại tỉnh Hà Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Theo điều tra, từ tháng 9/2020 Lâm lập trang fanpage Facebook “Hỗ Trợ Trẻ Em”, đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Hàng nghìn nhà hảo tâm đã gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng đến tài khoản ngân hàng cho Lâm.

    Cùng thủ đoạn tương tự, nhóm quản trị fanpage “Chia sẻ vì người nghèo” ở Lâm Đồng cũng dụ hơn 1.000 nhà hảo tâm chuyển tiền từ 50.000 đến 500.000 đồng ủng hộ để chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.

    Nhóm này do Đào Bá Lộc, 27 tuổi ở Lâm Đồng cùng hai người lập ra, đăng thông tin về các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi sự giúp đỡ. Tuy nhiên khi người dân chuyển tiền ủng hộ, nhóm Lộc rút ra chia nhau.

    Một số trường hợp còn sử dụng các bài báo viết về những hoàn cảnh khó khăn đã được đăng, để dẫn lại trên fanpage Facebook, rồi “xen cài” vào đó số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện của mình.

    Phí qua hầm tăng cao, tài xế ô tô chọn đi đèo Hải Vân

    Do phí qua hầm Hải Vân (nối giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) tăng cao, không ít tài xế ô tô các loại đã chọn đi đèo để đỡ tốn kinh phí.

    Theo ghi nhận của báo Dân Việt, trong hai ngày 8/5 và 9/5, số lượng xe ô tô đi đèo Hải Vân rất nhiều với nhiều loại xe khác nhau như xe chở hàng, xe bán tải, xe container, và nhiều nhất là các xe ô tô 5 chỗ, 7 chỗ.

    Anh T. (lái xe chở hàng chuyên tuyến Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế) cho biết: “Từ khi nghe tin phí qua hầm Hải Vân tăng từ ngày 1/5, cánh lái xe chở hàng chúng tôi lại thêm một khó khăn nữa. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thời điểm này làm ăn kinh tế khó khăn mà lại tăng phí qua hầm, thì thực sự những người lao động như chúng tôi rất khó làm ăn được”.

    Anh T. cho biết, tính đi tính lại, mỗi chuyến hàng, anh chỉ lãi được khoảng vài trăm nghìn đồng. Song trừ chi phí xăng xe, còn phải đóng tiền tại trạm thu phí, thì tiền thu về không được bao nhiêu. Hiện tại, giá vé tăng, nếu qua hầm thì không còn lãi bao nhiêu nên anh chọn đi đèo. “Thà là mất thời gian vận tải hàng hóa hơn, nhưng tính ra vẫn còn tiền để trang trải cuộc sống”, anh nói.

    Anh H ., chủ một ô tô 5 chỗ, cũng bày tỏ, tăng phí ở hầm Hải Vân giai đoạn này chưa hợp lý. Theo anh, tình hình dịch đang còn phức tạp và việc làm ăn của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chi phí qua hầm cho 2 lượt đi và về hết 220.000 đồng là mức tương đối nên anh chọn đi đèo, dù xa hơn nhưng đỡ một phần.

    Như đã đưa tin trước đó, Tập đoàn Đèo Cả – chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân – mới đây thông báo, từ 1/5 sẽ tăng phí dịch vụ tại trạm Bắc Hải Vân đối với ô tô qua hầm Hải Vân. Mỗi loại xe có mức tăng riêng. Mức tăng cao nhất tăng lên đến 77%.

    Thí sinh mắc COVID-19 không thể dự thi sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT

    Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đối với thí sinh là bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị, không thể dự thi thì căn cứ theo quy chế hiện hành, các em sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

    Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hiện đã có một số học sinh lớp 12 mắc COVID-19. Nhiều học sinh, phụ huynh băn khoăn về giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong trường hợp thí sinh không thể dự thi do mắc COVID-19 vào thời điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sắp tới.

    Giải đáp vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đối với thí sinh là bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị, không thể dự thi thì căn cứ theo Quy chế hiện hành, các em sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Trường hợp này cũng giống với các trường hợp đặc biệt khác như: tai nạn, ốm đau, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác, không thể tham dự được kỳ thi, thí sinh sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp.

    Theo ông Mai Văn Trinh, trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến kịch bản sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí phòng thi cho thí sinh diện F1, F2, F3. Thí sinh là F1 sẽ được trang bị quần áo bảo hộ, phòng thi riêng. Thí sinh là F2, F3 cũng sẽ có giải pháp phù hợp và được lực lượng y tế hỗ trợ để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

    Trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương để tổ chức thêm đợt thi. Để thực hiện phương án này, hiện Bộ đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi đảm bảo về số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.

    Về công tác ra đề thi năm nay, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ thêm: Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đồng thời cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).

    Để thí sinh thuận lợi khi làm bài, câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó. Các nhà trường nên bám sát đề thi tham khảo để làm cơ sở hướng dẫn học sinh ôn tập. Với cấu trúc đề thi tham khảo đã công bố, kết quả thi của kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông không những được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương mà còn phân hóa tốt kết quả thi của các nhóm thí sinh, giúp đánh giá đúng chất lượng học tập của các em và làm cơ sở để phần lớn các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh.

    Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 6-9/7. Trước mắt, các địa phương, nhà trường cần thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức dạy học, ôn tập với các hình thức linh hoạt, hiệu quả; ổn định về tâm lý, không lơ là và cũng không chủ quan để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 – 2021.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 122 khách