Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Vì sao phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung ngày càng tệ?

Đã gửi: Thứ 2 Tháng 11 23, 2020 4:42 pm
by MovieNews
Vì sao phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung ngày càng tệ?


Thanh Huyền
Thứ ba, 24/11/2020


Chuyển thể vô tội vạ, cải biên quá đà khiến nhiều bộ phim dựa trên tiểu thuyết của Kim Dung bị chê bai khi ra mắt.

Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của "võ lâm minh chủ" văn đàn võ hiệp Trung Quốc Kim Dung, Lộc đỉnh ký 2020 được kỳ vọng khi quy tụ dàn diễn viên trẻ thực lực gồm Trương Nhất Sơn, Đường Nghệ Hân cùng ê-kíp làm phim tên tuổi.

Hình ảnh
Lộc đỉnh ký mở màn với 2.7/10 điểm trên Douban. Hiện, điểm chất lượng của phim tụt xuống chỉ còn 2.5 với hơn 85% khán giả chấm 1 sao.

Tuy nhiên, những tập đầu tiên của phiên bản 2020 khiến khán giả hụt hẫng. Trên trang đánh giá Douban, bộ phim chỉ được chấm 2.7/10 điểm. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là bản phim thảm họa và tệ nhất trong tổng số 7 lần chuyển thể Lộc đỉnh ký trên màn ảnh.

Bàn về sự thất bại của Lộc đỉnh ký 2020, Sina cho hay đây là điều có thể lường trước. Bởi trong kho tàng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của cố nhà văn Kim Dung, không ít phiên bản mới phải "ngậm trái đắng" khi lên sóng. Loạt phim Tân Tiếu ngạo giang hồ (2013 và 2018), Tân Thần điêu đại hiệp (2014 và 2019) hay Tân Thiên long bát bộ (2013) là minh chứng.

Nhận định của Sina khiến khán giả đặt vấn đề về sự thành - bại của nhiều tiểu thuyết Kim Dung khi lên sóng màn ảnh lớn. "Danh tiếng của những kiệt tác do cố nhà văn chấp bút đủ để làm 'bệ phóng' cho những bộ phim chuyển thể dựa trên nguyên tác của ông. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nhiều năm trở lại đây, không ít phim gắn mác tiểu thuyết Kim Dung lép vế hơn hẳn so với mặt bằng chung trên thị trường điện ảnh. Vậy đâu là nguyên nhân?", một tài khoản trên Sina thắc mắc.

Chuyển thể vô tội vạ

Kim Dung được đánh giá là "võ lâm minh chủ" của văn đàn võ hiệp Trung Quốc. Tên tuổi ông đứng trên những danh gia như Cổ Long, Lương Vũ Sinh hay Ôn Thụy An một bậc và vượt rất xa các nhà văn khác. Các tác phẩm dưới ngòi bút của cố tác giả có sức ảnh hưởng rộng khắp, không chỉ ở đất nước tỷ dân.

Cũng nhờ đó, tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung thường xuyên được các nhà làm phim xứ Trung chuyển thể thành phim. Sina cho hay đến nay, chưa văn sĩ nào có số lượng tác phẩm cải biên trên màn ảnh vượt qua ông.

Tuy nhiên, theo dòng thời gian, số lượng phim truyền hình, điện ảnh dựa trên nguyên tác của Kim Dung nhiều đến mức "đáng báo động". Trong đó, có những tác phẩm được chuyển thể, làm lại cả chục lần như Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ hay Ỷ thiên đồ long ký.

Sina thống kê tính từ năm 1958 đến nay, Anh hùng xạ điêu có tổng cộng 16 phiên bản. Theo sát sau đó là Tiếu ngạo giang hồ với ít nhất 13 lần lên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ, Ỷ thiên đồ long ký cũng không kém cạnh với 8 phiên bản tính từ 1978.

"Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung được nhiều đạo diễn 'săn đón' là điều dễ hiểu, bởi những áng văn kinh điển ấy vốn nhận được sự quan tâm rất lớn từ công chúng. Song, việc chạy theo một đề tài vốn không còn mới mẻ lại vô hình đưa nhiều dự án phim vào thế khó. Cái bóng quá lớn của 'đàn anh' khiến khán giả khắt khe hơn về những phiên bản mới. Sự so sánh giữa nhiều 'thế hệ' dẫn đến việc cùng cùng một nguyên tác, nhưng các phiên bản phim võ hiệp Kim Dung không cùng số phận", trang báo nhận định.

Hình ảnh
Số lượng phim truyền hình, điện ảnh dựa trên nguyên tác của Kim Dung nhiều đến mức "đáng báo động". Trong đó, có những tác phẩm được chuyển thể, làm lại cả chục lần.

Trong 16 lần chuyển thể của Anh hùng xạ điêu, phiên bản 2003 gặt hái thành công vang dội tại nhiều quốc gia với nội dung hấp dẫn, và đặc biệt là diễn xuất lôi cuốn của Lý Á Bằng, Châu Tấn. Thời điểm đó, màn hóa thân Quách Tĩnh - Hoàng Dung của hai diễn viên được cố nhà văn Kim Dung đánh giá cao

Cái bóng của Anh hùng xạ điêu 2003 khiến bản phim 2008 không tránh khỏi việc bị đưa ra so sánh. Diễn xuất của Hồ Ca và Lâm Y Thần đều bị cho là thua kém hai bậc tiền bối, nhất là khi họ không thể thể hiện được thần thái nhân vật. Nhiều khán giả gay gắt hơn khi nhận xét Anh hùng xạ điêu của Hồ Ca và Lâm Y Thần là phiên bản lỗi của "đàn anh".

Đến 2017, Anh hùng xạ điêu với sự góp mặt của các gương mặt mới như Lý Nhất Đồng, Dương Húc Văn và Mạnh Tử Nghĩa cũng không thoát cảnh "ngậm trái đắng". Cái bóng quá lớn của phiên bản trước, khi Lý Á Bằng, Châu Tấn được xem là kinh điển khiến phiên bản 2017 mờ nhạt trên màn ảnh, rating trung bình chỉ đạt 0,6%.

Trở lại năm 2009, Ỷ thiên đồ long ký quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Đặng Luân, An Dĩ Hiên được tác giả Kim Dung dành nhiều lời khen, song bị khán giả chê bai thậm tệ. Bởi lẽ khi đặt bản phim này cùng hai phiên bản trước đó của Ngô Khải Hoa - Lê Tư - Xa Thi Mạn năm 2000 và Tô Hữu Bằng - Giả Tịnh Văn năm 2003 lên bàn cân, khán giả chưa thật sự thỏa mãn. Trên Douban, bộ phim chỉ được chấm 4.9 điểm chất lượng.

Kịch bản bị "xào nấu" phá nát

Khi tình tiết truyện Kim Dung đã quá quen thuộc với khán giả, nhiều biên kịch bắt tay làm mới kịch bản để phù hợp với thị hiếu thời đại. Tuy nhiên, việc "thêm mắm dặm muối" đôi khi trở thành con dao hai lưỡi khiến nhiều phiên bản mới nhận thất bại ê chề trên màn ảnh lớn.

Tiếu ngạo giang hồ phiên bản năm 2013 của "biên kịch vàng" Trung Quốc Vu Chính là một ví dụ. Câu chuyện trong Tiếu ngạo giang hồ vốn xoay quanh hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của Lệnh Hồ Xung - đệ tử thuộc môn phái Hoa Sơn. Tuy nhiên, đến lúc lên phim, phiên bản năm 2013 lại tập trung tái hiện chuyện tình yêu nam nữ, đặc biệt là mối quan hệ éo le giữa Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh.

Hình ảnh
Tiếu ngạo giang hồ 2013 cải biên loạn xạ mối quan hệ giữa các nhân vật. Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân) yêu Lệnh Hồ Xung (Hoắc Kiến Hoa).

Không chỉ có thể, nếu như trong tiểu thuyết gốc, Doanh Doanh mới là nhân vật nữ chính thì sang đến tay Vu Chính, nội dung bị đảo lộn 180 độ. Đông Phương Bất Bại - vốn được biết đến với hình tượng đồng tính nam đã được đẩy lên làm nữ chính, chuyển giới hoàn toàn thành nữ, đem lòng yêu sâu đậm nam chính Lệnh Hồ Xung.

Sự "xào nấu" của Vu Chính khiến nội dung Tiếu ngạo giang hồ 2013 bị nhận xét không khác gì "nồi lẩu thập cẩm". Nhiều khán giả sau khi xem xong còn gọi bản Tiếu ngạo giang hồ này là "phim võ hiệp kiểu Quỳnh Dao" hay "phim kiếm hiệp ủy mị Hồng lâu mộng". Thậm chí, đạo diễn nổi tiếng Trương Kỷ Trung thẳng thắn gọi Tiếu ngạo giang hồ của Vu Chính là bộ phim "nhảm nhí, vớ vẩn".

Đến 2014, khán giả tiếp tục lắc đầu ngán ngẩm khi chứng kiến một tác phẩm kinh điển khác do Kim Dung chấp bút bị hủy hoại dưới bàn tay nhào nặn của Vu Chính. Mối tình sư đồ trắc trở của Dương Quá và Tiểu Long Nữ cùng những trận chiến tranh ngôi đoạt vị khốc liệt chốn giang hồ trong Thần điêu đại hiệp bị "biên kịch vàng" Trung Quốc ngôn tình hóa, trở thành phim tình cảm ướt át dành cho hội chị em phụ nữ.

Tác phẩm hứng chịu nhiều gạch đá khi thêm thắt nhiều chi tiết, đào sâu vào chuyện tình yêu của Dương Quá – Tiểu Long Nữ và cả những nhân vật phụ như Hồng Thất Công, Lý Mạc Sầu, Đông Tà, Tây Độc. Thậm chí, Thần điêu đại hiệp bị khán giả công kích tới mức gọi là "thảm họa truyền hình năm 2014".

Trở về với Lộc đỉnh ký 2020, việc cốt truyện bị thay đổi quá đà cũng là nguyên nhân dẫn đến thất bại của phiên bản do Mã Tiến "cầm trịch". Kịch bản diễn ra quá nhanh, cốt truyện bị cắt xén triệt để dẫn đến mất đi tính logic vốn có trong tiểu thuyết gốc.

Hình ảnh
Tình tiết trong Lộc đỉnh ký 2020 bị cắt xén và cải biên quá đà.

Nhiều nhân vật phụ và tình tiết vốn tạo nên nét đặc sắc cho Lộc đỉnh ký trong bản mới này cũng bị cắt đất diễn hoặc rút ngắn thời lượng. Đơn cử Hải công công vốn là nhân vật phức tạp, mưu mô và luôn bí mật luyện võ công để đối phó Thái hậu. Thế nhưng, cuộc chiến chốn thâm cung vốn căng thẳng, nay bị biến thành "trò đùa trẻ con".

"Sự nhào nặn của Vu Chính hay thái độ qua loa của Mã Tiến đang 'làm nhục' mọi công sức của cố nhà văn Kim Dung. Là đồng nghiệp cùng làm việc trong giới, tôi không đồng ý cách họ "phá nát" những áng văn đã trở thành huyền thoại như vậy. Kịch bản bị xào nấu quá nhiều, tôi nghĩ họ nên lấy hẳn cái tên mới cho xong", đạo diễn Mạch Quán Chi gay gắt chỉ trích.

"Cải biên chứ không phải loạn biên"

"Việc nhiều năm qua có quá nhiều tác phẩm kiếm hiệp kinh điển của Kim Dung bị chuyển thể và cải biên vô tội vộ xuất phát từ lòng tham lợi nhuận của không ít đạo diễn, nhà sản xuất phim. Đề tài sẵn có, lượng khán giả hùng hậu cùng ưu thế tuyên truyền khiến họ 'ảo tưởng' về tấm giấy bảo đảm cho sự thành công của bộ phim khi lên sóng. Nếu không muốn 'đứa con tinh thần' bị coi là 'phế phẩm', cần bỏ ngay tư tưởng ồ ạt chạy theo xu hướng vốn không còn mới mẻ", nhà làm phim Lưu Vỹ Cường nhận định.

Theo ông, từ năm 2000, tần suất các bộ phim dựa trên nguyên tác của cố nhà văn Kim Dung lên sóng dày đặc. Trong đó, cùng một tác phẩm, khi khán giả chưa kịp quên về một phiên bản cải biên trước đó, đã gặp lại một phiên bản mới chỉ trong vòng 3-4 năm sau.

"Đây là điều bắt buộc phải thay đổi nếu các đạo diễn không muốn 'ngã về không' trong canh bạc đầy rủi ro này. Một món ăn nếu ăn đi ăn lại nhiều lần trong một thời gian ngắn, người thưởng thức dù ít dù nhiều sẽ mất dần hứng thú. Cần cho khán giả khoảng lặng để kích thích tính tò mò, sự mong mỏi của họ về những phiên bản thế hệ 'đàn em'. Việc cải biên nên tiến chậm, nhưng chắc từng bước theo chu kỳ từ 10-20 năm, thay vì quá nhanh chóng, quá vội vàng như cách nhiều đạo diễn đang làm", nhà làm phim họ Lưu nói.

Sina đồng ý với nhận định của "cha đẻ" Người trong giang hồ. Trang báo dẫn chứng bằng thành công liên tiếp của Thần điêu đại hiệp phiên bản năm 1976 (do La Lạc Lâm và Lý Thông Minh đóng chính), năm 1983 (do Trần Ngọc Liên và Lưu Đức Hoa đóng chính) và năm 1995 (do Lý Nhược Đồng và Cổ Thiên Lạc đóng chính). Trong khi đó, ba phiên bản Thần điêu đại hiệp "nối đuôi nhau" lên sóng màn ảnh lớn trong vòng 12 năm, từ 2008 đến 2019 đã phải "ngậm trái đắng".

Hình ảnh
Không cải biên ồ ạt, xây dựng kịch bản mới trên cơ sở tôn trọng nguyên tác là điều mà những đạo diễn làm phim cần có nếu muốn 'đứa con tinh thần' được khán giả đón nhận.

Cũng theo Sina, khi bộ phim gắn mác "dựa trên tiểu thuyết gốc của nhà văn Kim Dung", các nhà sản xuất cần tôn trọng nguyên tác, phát triển tình tiết một cách logic, đắp nặn nhân vật với chi tiết mới nhưng không thể quá mức vô lý.

"Phải nhớ rằng đây là 'cải biên', chứ không phải 'loạn biên'. Việc sửa đổi, thêm thắt các tình tiết khi dựng lại một kịch bản đã trở thành huyền thoại không phải điều sai trái, nhưng cần biết đâu là điểm dừng. Sự nhào nặn quá đà là tác nhân hủy hoại những giá trị tốt đẹp đã được cố nhà văn Hong Kong xây dựng, đẩy tác phẩm vướng vào sự chỉ trích, tẩy chay từ công chúng, thay vì đem đến hào quang. Muốn người thưởng thức hài lòng, món ăn phải chất lượng. Còn muốn xào nấu thành một món ăn chất lượng, phải là một đầu bếp có tâm", tác giả Hồ Điệp Lam trên Sina bình luận.