Đăng trả lời 343 bài viết
DON HỒ: "You Are Mine"
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49981
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ :êm đềm trong thoáng chốc

    by music123 » Thứ 3 Tháng 2 09, 2021 9:38 pm

    ÊM ĐỀM TRONG THOÁNG CHỐC

    4 người bạn trong một buổi livestream trình chiếu chương trình Paris By Night 131 "Xuân Hy Vọng" trên trang Facebook của Trung Tâm Thuý Nga.

    Từ trái sang phải:

    - Giám đốc Tô Ngọc Thuỷ: Quen từ năm 1987 khi Thuỷ mới từ Paris chuyển qua Mỹ lập nghiệp.
    - MC. Ngọc Hân: Mới quen từ mấy năm về sau này qua công việc.

    - Nữ ca sĩ Phương Loan: Quen từ năm 1992, thời mới bắt đầu bay show với ban nhạc Chí Tài's Brother.
    - Và Don Hồ: Quen đâu từ thời ... mới sinh. Cái mặt to nhất trong 4 người vì gần ống kiếng máy hình nhất.
    Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết Nguyên Đán, không ai hẹn ai mà người nào cũng chọn màu cam đỏ rực rỡ. Màu cam đỏ tạo cảm giác ấm cúng mà cũng thật vui mắt, thật ...Tết.

    Rồi vì là quay hình nên tới lúc gần quay thì cởi bỏ hết khẩu trang.

    Lâu lắm mới có được một cái cảm giác êm đềm khi đứng 3, 4 người bạn với nhau mà không phải ... bịt mặt. Tự dưng chỉ muốn thời gian dừng lại, hay ít ra chạy từ từ chầm chậm thôi, nhưng ... chẳng được!
    Véo một cái đã thấy ngồi trên xe lái về nhà.

    Và thấy mình ngẩn ngơ trong đêm...

    Don Hồ
    Thứ hai 8 tháng 2, 2021

    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo/?fbid=26 ... 0643548996

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49981
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ : giao thừa đầu tiên ở chốn thiên đàng

    by music123 » Thứ 5 Tháng 2 11, 2021 9:19 pm

    GIAO THỪA ĐẦU TIÊN Ở CHỐN ... THIÊN ĐÀNG

    Giao thừa 1982.

    - Đã 8 tháng ở Mỹ.

    - 5 tháng ở miền Nam California (3 anh em Thắng, Lân & Dũng đã ở thành phố St.Louis của tiểu bang Missouri 3 tháng đầu tiên. Sau đó anh Lân (ông anh giữa) rủ rê thằng em Dũng dọn sang Nam Cali. Thằng em ham vui, chịu ngay. Anh Thắng (anh cả) chọn lựa ở lại St.Louis để đi học & hiện tại anh vẫn còn ở đó.)

    - Đổi chỗ ở 5 lần (2 lần bên St.Louis. 3 lần ở Nam Cali)

    - Chuyển trường 3 lần (vì đổi chỗ ở)

    - Lần đầu tiên ở trong một căn apartment 3 phòng mướn chung với bạn của anh Lân. 2 anh em được một phòng. Những lần trước đó toàn là mướn lại một phòng trong những căn nhà có dư phòng cho mướn. Đi ra đi vô bị chủ nhà dòm ngó (hoặc là họ có những động tác khiến cho nghĩ là bị dòm ngó...)
    Căn apartment 2 tầng trên đường Haster, thành phố Anaheim, miền Nam California, gần trung tâm Disneyland nổi tiếng thế giới.

    Trên lầu là 3 phòng ngủ với 2 phòng tắm. Dưới nhà là phòng khách, nhà bếp dính liền với phòng ăn & 1 phòng vệ sinh (không có chỗ tắm). Có một khoảng vườn xinh xinh được trồng rau bắp cải.

    Căn apartment bên dưới cảm giác như rộng thênh thang vì hoàn toàn chẳng có đồ đạc gì cả! Không, hình như có được đúng cái bàn ăn và vài cái ghế thì phải? Hoặc giả cũng không có luôn, cũng không nhớ nổi!
    Thời ấy ai cũng quá bận rộn lo cho cuộc sống nên chẳng ai ăn Tết Nguyên Đán cả. Vì là ngày thường nên cả nhà đi ngủ cả rồi. Anh Lân cũng đã ngủ vì phải dậy sớm đi học.

    Rình đúng 12 giờ đêm, đúng khoảnh khắc Giao thừa, mở toang cánh cửa chính, ngồi trên chiếc xe đạp đồ chơi của con nít chờ đợi một cái gì đó và cũng chả biết mình đợi gì...
    (Ở chung nhà có một cặp vợ chồng anh chị có con nhỏ. Phòng khách không có lấy một chiếc ghế nên phải ngồi đỡ trên chiếc xe con nít.)

    Đêm ấy là tối thứ hai của ngày 25 tháng giêng năm 1982. Mùa đông mà nên trời lạnh và gió lắm...
    Gió thổi những chiếc lá vàng & bụi đường xào xạc bay vòng tròn rồi bay luôn vào nhà.
    Thằng bé Dũng ngó lá bay mơ màng tưởng tượng tới hình ảnh bố trong bộ đồ Tây tóc chải ngược láng bóng như mỡ với những briantine, mẹ trong tà áo dài màu nhẹ nhàng thướt tha, mùi nước hoa Chanel #5 thoang thoảng thơm ngát (mẹ chỉ thích mùi loại nước hoa này). Bố mẹ mới đi chùa lễ Phật về miệng cười tươi như hoa bước vào...
    Thêm một đợt gió lào xào thổi thêm lá vào nhà.
    Gió lạnh làm nó rùng mình xuýt xoa, giấc mộng tan biến!

    Bố cũng không, mà mẹ cũng chẳng! Chỉ còn những chiếc lá khô tan tác.
    Phòng khách đầy những lá không là lá. Lá cây đã xông đất căn apartment 2 tầng này...
    Vẫn còn gắng gượng chống chọi với cái lạnh để cửa tiếp đón cho trọn cái khoảng khắc năm cũ bước đi - năm mới bước lại...
    Tới được Mỹ rồi đó, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh lắm. Nhưng ít ra sẽ có tương lai tốt đẹp, nó chắc là thế!
    Nhưng trong thời điểm hiện tại thì ngồi trên chiếc xe đồ chơi mà môi đang căng phồng, 2 mép bị nứt nẻ đau đớn vì cái lạnh của Cali. Mùa đông đầu tiên mà, đâu có được ai chỉ bảo xài loại chapstick bôi lên môi để không bị khô mà nứt nẻ đâu.

    Trời lạnh nên phòng mua cái máy sưởi nho nhỏ mở hết ga để ngủ cho ấm nên chân cẳng da bị khô ran, sinh ra ngứa. Càng gãi càng thêm ngứa. Đâu có biết để mà xài lotion cho da mềm ra đâu. Và cứ thế mà xồn xột gãi suốt ngày như đang ... bị ghẻ.
    Nó lại mơ màng tiếp, không biết 20 rồi 30 năm nữa nó sẽ ra sao nhỉ?
    - Suốt đời trước tới giờ chỉ mơ mộng có được cái phòng riêng để có được một khoảng riêng tư cho chính mình. Chẳng biết rồi sẽ có khi nào có được không?
    - Sẽ có lúc nào nó được đoàn tụ với bố mẹ cùng bà chị & đứa em út không nhỉ? Hay là đã ra đi là vĩnh viễn chẳng bao giờ còn được thấy nhau?! (Vì thời gian ấy Hoa Kỳ & Việt Nam không thông thương, không giao tiếp. Ngay cả thư gửi thẳng về Sài Gòn cũng không được, phải gửi qua bạn bên PHáp rồi nhờ bên ấy gửi về Việt Nam. Không một ai ở bên Mỹ thời ấy tưởng tượng được có một ngày nào đó mình sẽ trở về lại được Việt Nam. Vì điều ấy trong quãng thời gian ấy là một điều ... không tưởng!).

    - Rồi nó có trở thành một nhà kiến trúc sư không nhỉ? Có khiếu về vẽ nên chắc chắn sẽ học về môn này thôi.
    Và câu trả lời có được từ thì tương lai:
    - Có. Năm 1991 tức 10 năm sau, lần đầu tiên trong đời nó có được căn phòng riêng. Nó đã mua được căn nhà ở miền Nam California, tuy là trả góp 30 năm.

    - Có. Cũng vào dịp Tết 1982, bố nó cũng đã vượt biển & cũng được vào trại tỵ nạn Songkhla của Thái Lan.
    Long, đứa em út cũng vượt biển thành công & vào trại Leamsing, cũng ở Thái Lan.
    1990 mẹ & chị Thuỷ được bố bảo lãnh qua & cả nhà đoàn tụ tại miền Nam California sau 10 năm xa cách.
    - Không. Nó đã không trở thành một nhà kiến trúc sư mà đã trở thành một người ca sĩ sống không thực tế chút nào, lúc nào cũng mộng mộng mơ mơ...
    .Và hình như lá cây "xông đất, xông nhà" đầu năm chả có gì hên vì đến tháng sau đó thì tất cả mọi người ở trong căn apartment ấy phải dọn ra vì tiền mướn cao quá, anh Lân cùng mấy người bạn bè chung nhau mướn không kham nổi, cãi nhau chí chóe rồi ..."tan hàng-cố gắng"...

    Về sau này có nhiều lần quay trở lại khu cũ để tìm kiếm lại căn apartment cũ nhưng chẳng tài nào kiếm ra.
    Căn apartment thời đó ngó rộng lớn, cơ ngơi là thế. Mà giờ đi vào con đường có những garage đậu xe chỉ thấy toàn những thùng rác. Những dãy apartment thì dếch dác, tàn tạ, có vẻmất an ninh. Không tài nào nhận ra con ngõ ngày xưa. (khu có nhiều dẫy apartments, có nhiều lối vào. Vì không còn địa chỉ nên không biết vào đường nào).
    Ấy thế mà dưới cặp mắt của thằng bé Dũng thời ấy, khu nhà ấy đã trông thật bình yên thơ mộng.

    Và căn apartment trông thật sang trọng & bề thế và chất chứa đầy kỷ niệm, chẳng thua gì những căn phòng lộng lẫy của những khách sạn 5 sao trên khắp thế giới mà nó đã được ở qua về sau này...

    Don Hồ
    30 Tết
    Thứ năm 11 tháng 02, 2021
    (Tấm hình chẳng hề dính dáng với năm 1982. Nhưng vì thời đó chẳng có hình nên xài tạm!)

    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo/?fbid=27 ... 0643548996

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49981
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ : : giao thừa đầu tiên ở chốn thiên đàng

    by music123 » Thứ 5 Tháng 2 11, 2021 9:21 pm

    VÙNG BIỂN LẶNG ĐẦU NĂM


    Tết Nguyên Đán 1981, cái Tết đầu tiên anh Thắng (ông anh cả) & thằng bé Dũng xa nhà, xa đất nước Việt Nam. Cũng là bắt đầu qua tháng thứ hai 2 anh em được nhận vào trại tỵ nạn do Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc điều hành ở trên đất Thái Lan.



    Trại tỵ nạn Songkhla nằm trong tỉnh Songkhla cùng tên, thuộc miền Nam Thái Lan, gần biên giới Mã Lai, là một khoảng bãi biển dài non 1km, được bao vây 3 mặt bởi hàng rào kẽm gai, mặt thứ tư là biển.
    Có 7 dẫy nhà (barracks) dài được dựng lên để dân tị nạn ở chung trong đó.

    Trong trại có những văn phòng hành chính.
    Một ngôi nhà thờ nhỏ do một vị linh mục tên Joe (người Việt hay gọi là "Cha Joe") quản nhiệm.
    Một cái thư viện be bé với sách báo cùng truyện tiếng Việt.
    Một cái giếng nước.

    Một hàng nhà tắm & nhà vệ sinh ở cuối trại.
    Một ngôi chợ nơi đầu trại.
    Chợ họp mỗi sáng, do người Thái mang đồ tới đây bán cho người Việt trong trại.

    Cũng nhờ ngôi chợ này mà khối người Việt có việc làm vì những người Thái bán hàng đều cần có người Việt phụ bán để nói tiếng Việt.
    Dân Thái có Tết Songkran riêng của họ vào khoảng tháng 3, đồng thơi cũng ăn mừng Tết Tây, không ăn Tết Âm Lịch. Bởi thế chỉ có những người trại viên trong trại tị nạn ăn Tết Nguyên đán với nhau mà thôi!
    Thành thử ra ngày thường & ngày Tết âm lịch trên đất Thái thì chẳng khác gì nhau. Người Việt trong trại lại không ai có riêng được cuốn lịch có ngày ta, nên mọi người chỉ truyền tai nhau mà tính từng ngày

    Mấy ngày cuối năm giáp Tết không khí trong trại như trùng hẳn xuống. Cả trại như vắng hẳn đi tiếng cười Ai nấy đều mới rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn vốn dĩ đã đang nhớ nhà nhớ gia đình ra riết, mấy ngày cuối năm lại còn càng thảm, càng nhớ nhung nhiều hơn.

    Những người có mang theo được vàng, mang lọt của cải mà không bị cướp biển lột sạch thì cũng lo được được bữa cơm tiễn ông Táo, bữa cơm cúng giao thừa tươm tất hơn. Hai anh nó có mỗi cái nhẫn vàng 1 chỉ mẹ cho thì đã bị mất theo lần gặp cướp biển đầu tiên mất rồi, thành thử vẫn lãnh đồ ăn của Cao Ủy Tị Nạn phát rồi thui thủi nấu ăn như thường nhật.

    Được no bụng là cũng may lắm rồi, nghe nói mấy trại đường bộ khổ hơn nhiều, lắm khi còn bị bỏ đói nữa! (Songkhla là "Trại Tị Nạn Đường Biển)

    8 giờ sáng mồng một Tết, như mọi ngày, loa phóng thanh của trại kêu "Rẹt rẹt, Rẹt rẹt".
    Rồi thay vì bắt đầu bằng ca khúc "Ai Trở Về Xứ Việt" (mở băng) do nữ ca sĩ Khánh Ly hát như thường lệ, thì có tiếng dạo đàn thùng rồi một giọng nữ thật trong trẻo cất giọng lên hát lên bản "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
    Không gian như chợt dừng lại đóng băng, cả trại lăng người, im phăng phắc lắng nghe.

    -"Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi..."
    Cả một khung trời mùa Xuân như chợt rộ nở. Mọi người thấy như được đưa vòng trở lại, ngược thời gian không gian, trở về những mùa Xuân của mai vàng nở ngập trên quê hương thanh bình thuở nào.
    -"Bạn hỡi vang lên, lời ước thiêng liêng. Chúc non sông hòa bình, hòa bình..."
    Giọng người nữ ca sĩ bỗng như lạc hẳn...
    Cô vừa khóc vừa hát, tiếng cô sụt sịt trên loa.

    Cả trại khóc theo...
    Thế là nguyên buổi sáng mồng một đầu xuân thay vì "hoa lá xôn xao nở như đón chào" thì đi đâu cũng thấy ai nấy mắt hoe đỏ.
    Tết mà cứ như nhà ...có đám!
    3 ngày Tết chẳng rộn ràng tràn ngập tiếng cười.
    Cũng có những lời chúc nhau nhưng thấy như gượng gạo lắm. Chẳng thấy ấy ai "Chúc mừng năm mới" nhau, mà chỉ toàn "Chúc sớm được đi Mỹ nha!".

    Mà cũng lạ, chỉ toàn chúc nhau đi Mỹ không thôi, chứ chẳng hề nghe "chúc sớm được đi Pháp, đi Úc, hay nước nào khác..."
    Chả là thời điểm đó, cứ 100 thuyền nhân thì hết ... 95 người mong được phái đoàn Mỹ nhận, chấp thuận cho đi Mỹ.
    Chờ hoài phái đoàn Mỹ vì lý do gì đó nhất định không chịu nhận, sốt ruột, thì mới tính tới chuyện miễn cưỡng đi ... đại tới nước khác.
    Giấc mơ của mọi người ở trại tỵ nạn trong lúc này là "được đi định cư" sớm để làm lại cuộc đồi & sớm ổn định lại đời sống.

    Không tiền, không bánh mứt, không phong bao lì xì, không Tết thằng bé Dũng lần mò ra chỗ quen thuộc trên bãi biển nơi nó thường ngồi dựa hàng rào giả bộ ngắm biển nhưng thực sự là để ngồi nghe ké nhạc vọng ra từ lều bán cà phê của người Việt buôn bán ngay đó.
    Không có tiền vào quán ngồi kêu đàng hoàng kêu ly Cacao, ly Ovantine nóng thì ngồi xa xa nghe cọp vậy...
    Nhưng hôm nay, tiếng nhạc không còn đủ sức quyến rũ, vì tâm trí nó đã đang bay ngược về một thành phố thân yêu trên giải đất ven biển dài dài có hình chữ S xa xa phía bên kia bờ đại dương mênh mông nhấp nhô sóng trước mặt.
    Từng khuôn mặt người thân, bạn bè hiện lên. Nó cẩn thận khẽ kêu từng tên, lẩm bẩm chúc Tết từng người một!
    Lều bán cà phê bỗng dưng đổi qua bài Biển Nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

    -"Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya..."
    Ở nơi xa đó mọi người ăn Tết có no đủ & có vui? Chẳng biết có ai đang nhớ tới rồi gọi tên anh em nó không nhỉ?
    Thế rồi tự dưng tủi thân, nó hục lên rưng rức khóc chẳng màng đến chung quanh.

    Phía bên phía trái gần đó, có một chị gái nãy giờ đang thờ thẫn ngồi ngó ra biển, làm như cũng ôm mặt khóc theo vai run lên từng chập một...

    Don Hồ
    Thứ tư 10 tháng 02, 2021
    29 Tết
    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49981
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ :nồi cá thu kho & ngày tết

    by music123 » Thứ 6 Tháng 2 12, 2021 11:18 am

    NỒI CÁ THU KHO & NGÀY TẾT

    1978 là một năm thật chật vật và đầy sự u ám:

    Bố đã mất việc cùng sống trốn tránh, ẩn dật đã cả 3 năm nay.

    Mẹ phải thế chỗ bố, hàng ngày đạp xe đi buôn bán thuốc tây ngoài chợ trời để kiếm tiền nuôi gia đình...
    Những chuyến vượt biên hụt làm của cải dành dụm được của bao năm tháng đã chẳng còn!

    Đồ đạc có chút giá trị trong nhà cũng đã lần lượt đội nón ra đi, bắt đầu từ cái xe hơi, TV, cái radio...
    Riêng chỉ mỗi cái tủ lạnh là còn! Vừa bị cũ, cộng thêm cả thành phố Sài gòn hàng ngày thường xuyên bị cúp điện nên ,điện đâu để xài cắm tủ lạnh. Dại vác về để làm gì?!

    Những bữa ăn tự lúc nào đã trở thành mối lo trọng tâm của mẹ. Gạo chạy theo từng bữa!
    Đã bắt đầu xuất hiện trong nồi cơm tí sắn (khoai mì), khoai lang và bo bo (một loại hạt trước 75 được dành cho ... ngựa ăn, hoặc bỏ chút chút vào nồi chè) ...

    Cuộc sống khó khăn bó thêm vào cái ngột ngạt của thành phố đang thay đổi từng ngày và rồi dù muốn hay không, Tết Nguyên Đán lại lừng lững trở về trong tiếng thở dài của người lớn, trong nỗi lo lắng của mẹ, trong vẻ mặt trầm ngâm của bố. Bữa ăn hàng ngày còn lo chưa muốn xong thì dư dả đâu ra để đón Xuân?

    Bố mẹ nhịn thì không sao, nhưng còn 5 đứa con đang tuổi lớn, thuơng quá, tội nghiệp quá...
    Nhưng những đứa con đã biết trưởng thành theo thời cuộc để biết im lặng, chịu đựng, tuyệt nhiên không đòi hỏi.
    5 anh em vẫn lẳng lặng răm rắp phân chia nhau công việc thường lệ hàng năm để đón Tết: Rửa cửa nẻo, dọn dẹp lau chùi bàn thờ...

    Tết càng gần kề, không khí trong nhà càng thiu buồn, tông hốc. Không bóng dáng chậu cúc vàng, không chiếc bánh chưng xanh, trái dưa hấu ruột đỏ au.

    Tình hình khó khăn chung, tục biếu xén quà Tết cho nhau đã trở thành một mối xa xỉ cho người dân Sài-gòn. Nhà mình còn lo chưa xong thì làm gì có để biếu xén họ hàng, bạn bè?!
    29 Tết.
    Cũng giống như bao ngày bình thường khác, buổi chiều mẹ về, đưa tiền cho đứa con gái chạy ra tiệm đong kí gạo về nấu bữa tối cho cả gia đình.

    Đồ ăn vẫn chỉ dĩa rau muống xào và hũ chao, thời buổi thế này mà còn được có miếng chao mằn mặn để dễ và cơm ăn là may mắn lắm rồi!

    Tuyệt đối né tránh không nhắc tới chuyện cuối năm đầu năm cận kề, hay những chuyện Tết nhất đang xảy ra chung quanh, nhưng đứa con nào cũng có thể thấy ánh mắt bố mẹ áy náy, trĩu buồn...
    30 Tết.

    Chỉ còn vài tiếng đã là Giao Thừa rồi, xâm xẩm tối vẫn chưa thấy mẹ trở về. Bên cạnh, nhà bác hàng xóm đã bắt đầu xôn xao lách cách sửa soạn mâm lễ cúng. Không khí Tết đã thật sự cận kề...
    Muốn sửa soạn, nhà chẳng có gì để sửa soạn.
    Cũng khỏi bầy biện mâm cúng, vì có thứ chi đâu để bầy!

    8:30 tối Giao Thừa.

    Mấy anh em ngồi bên nhau buồn hỉu buồn hiu, bỗng có tiếng chuông xe đạp quen thuộc của mẹ "reng reng" rộn rã từ xa, rồi ngày càng gần hơn, rồi xịch dừng ngay trước cổng.

    5 đứa con ùa chạy ùa ra đón.
    Mẹ ngồi trên yên chiếc xe đạp mini cũ phì phò thở, có lẽ đã ráng đạp hết ga về từ đâu xa lắm. Tóc mai lẫn với những giọt mồ hôi ròng ròng bết vào hai bên thái duơng, nhưng nụ cười mẹ đẹp rạng rỡ, chiếc nón lá hất ngược ra sau úp lên lưng áo đẫm ướt!

    Trên tay lái lủng lẳng có cột một bịch trái cây. Còn giỏ xe có chằng kỹ lắm một cái nồi gì đó...
    Mấy đứa con xúm xít, đứa thì dắt xe vào nhà, đứa thì tháo lấy bịch trái cây, đứa thì gỡ dây chằng cái nồi rồi lén mở ra xem!
    Ối chao một nồi đầy ắp những khoanh cá thu kho với thịt ba chỉ, vẫn còn ấm ấm toả hương thơm lừng, làm 5 anh em đứa nào đứa nấy nuốt ực nước miếng.

    Mẹ bước vào nhà mặt vui ghê lắm, tíu tít phân chia mỗi đứa con một việc chuẩn bị đón giao thừa.
    Cả nhà bỗng rộn rã, ríu rít chả thua chi nhà hàng xóm...

    Và 3 ngày Tết năm đó bên ngoài nắng xuân vẫn tràn lan. Bên trong vẫn chẳng mai vàng, vẫn chẳng dưa món, củ kiệu, bánh chưng. Nhưng nồi cá kho riềng ngon tuyệt trần ăn với chén cơm nóng cũng đủ để thay thế tất cả!
    Và sau đó một lần mẹ đã kể lại:

    Một bác bạn mẹ có quầy vải ở chợ Sài-gòn, kinh tế gia đình khá giả hơn, tinh ý đoán thấy được tình cảnh mẹ túng bấn, đã kho cho nồi cá & bảo:

    -"Tôi không dám nói là biếu chị. Mà chị hãy cầm lấy về cho mấy cháu nhỏ ở nhà..."
    Miếng khi đói bằng gói khi no, bác đã đánh trúng đòn tâm lý. Mẹ cảm động với tấm lòng của người bạn, dẹp bỏ sự tự trọng của mình, tiếp nhận...
    Cho mãi đến lúc này, cả mấy chục năm trôi qua, lòng vẫn bồi hồi khi nhớ lại những cái Tết khó khăn năm nào. Vẫn nhớ tới nồi cá kho và khuôn mặt phúc hậu của người bác bạn mẹ. Và dĩ nhiên cũng chẳng thể nào quên được mùi miếng thịt ba chỉ beo béo mỡ cùng vị bùi bùi thơm thơm của khứa cá thu thuở nao...

    Và mỗi dịp Tết Nguyên Đán trở về, trong nhà có thể thiếu gì thì thiếu không thể nào thiếu nồi cá thu kho thịt ba chỉ dù gia đình có vài người cả đời chả bao giờ thích ăn cá...

    Don Hồ
    Đăng lại bài biên từ Jan 29, 2013
    NGUỒN:

    Hình ảnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 343 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 134 khách