Đăng trả lời 343 bài viết
DON HỒ: "You Are Mine"
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: GIÃ BIỆT TÚ QUỲNH;HAI TA LÀ NAI

    by music123 » Thứ 4 Tháng 10 21, 2020 6:02 pm

    NGƯỜI ĐỨNG SAU HẠNH PHÚC - MUSIC BOX #14

    https://youtu.be/DQAmC45ixrg

    Chút âm nhạc cho đời sống thêm phần thơ mộng, cho mạch đất đâm chồi nẩy nở thành cánh đồng hoa thơm ngát...

    Xin mời tất cả quí vị, các bạn, quí khách mộ điệu âm nhạc cùng bỏ chút thời gian thưởng thức Chương trình Music Box #14 của Trung Tâm Thuý Nga, chủ đề "NGƯỜI ĐỨNG SAU HẠNH PHÚC" với 2 giọng ca Như Ý & Don Hồ.
    Thưởng thức xong, cuối cùng có dịp tìm biết luôn:

    2 giọng ca Như Ý & Don Hồ kết hợp với nhau sẽ ra sao?


    Và ai là Người Đứng Sau Hạnh Phúc & ... đứng sau thì kết cuộc rồi đã như thế nào?

    Bởi vì Don hát xong chương trình rồi mà vẫn ... ngẩn ngơ chưa có được câu trả lời 🙂

    Và cũng ... năn nỉ xin mọi người share dùm link để quảng cáo cho chương trình luôn ạ.

    Don Hồ cùng Như Ý xin chân thành cám ơn 🙂

    Don Hồ

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Tôi tên Dũng, Hồ Mạnh Dũng.

    by music123 » Thứ 4 Tháng 10 21, 2020 8:20 pm

    CÁI TÊN


    Tôi tên Dũng, Hồ Mạnh Dũng.

    Có lẽ khi mới sinh ra nhìn đã oai hùng lắm hay sao mà được bố mẹ đặt một cái tên rất ... gồ ghề mạnh mẽ như kinh kha tráng sĩ!

    Với cái tên dũng mãnh như thế lý ra dáng người phải to cao, thật đô con thì nó mới ăn khớp. Nhưng lại chẳng được cao, mà cũng chẳng lùn. Tầm tầm so với biết bao người Việt sinh ra trong thời chiến rồi lớn lên trong thời bao cấp sau 75, ăn uống chẳng đủ chất dinh dưỡng nuôi cơ thể...

    Mà có để ý thấy dường như tên đặt làm sao thì trong đời sống nó sẽ hay bị ngược lại lắm.

    Giống như cô bạn tên Bạch Tuyết, trắng xoá như tuyết, thì thiên địa ơi, da cô ta lại đen nhẻm đen nhem, chẳng thấy tuyết ở chỗ nào!

    Còn cô Giáng Tiên thì nhìn chẳng giống ... tiên xuống trần chút tẻo tẹo teo nào cả.

    Bởi thế giá như thuở oe oe bà mụ mới bồng ra ấy mà bố mẹ đặt cho cái tên xâu xấu hay lùn lùn hơn tị thì biết đâu giờ đã ... đẹp đẹp, cao cao hơn chút rồi.

    Tiếc ...

    Năm 81 qua tới Mỹ.

    Trên giấy tờ phải đổi, tên biên theo kiểu Mỹ không có dấu lại đảo ngược lộn tùng phèo - tên trước, họ sau - nên bỗng dưng "Hồ Mạnh Dũng" lại trở thành "Manh Dung Ho".

    Thời trung học, khi vừa đủ tuổi được đi làm, xin được công việc bán thời gian sau giờ học, làm chân bồi bàn cho hệ thống nhà hàng Sizzler tại thành phố Santa Ana, miền Nam California.

    Mọi việc phẳng lặng bình an trôi, cho tới một ngày nọ nơi làm nhận thêm một người nữ tiếp viên mới dọn qua từ tiểu bang Idaho, Trung Mỹ, một tiểu bang chuyên về nông nghiệp, chuyên trồng khoai tây cung cấp cho cả xứ.

    Con bé tên Brenda, có cái dáng ... vạm vỡ của một người thiếu nữ lớn lên ở miền nông thôn làm ruộng, ngủ sớm dậy sớm, ngực nở, vai ngang nói chuyện rổn rảng, bạt mạng.

    Ngày đầu tiên đi làm, đang đứng kiếm thẻ có tên để bấm giờ (time card), Brenda bỗng khựng lại, trố mắt chăm chăm ngó một cái gì đó rồi bỗng bật lên ha hả cười, sau đó đổi qua ôm bụng mà lăn lộn cười. Tiếng cười to lập tức làm bao nhiêu cặp mắt tò mò quay lại...

    Mặt đỏ gay, nước mắt nước mũi dàn dụa, cơn cười như vẫn không thể dứt nổi, con bé chỉ tay vào một tấm time-card-thẻ bấm giờ, mà vừa cười rũ vừa nói như thét:

    - "Oh my god, I'm working with a "Man Dung" today, kakaka..." ("Chúa ơi, hôm nay tôi làm việc với một "Man Dung", kaka...").

    "Man Dung" là cái quái quỉ gì ta?

    Tò mò tiến lại gần hơn xem con bé nó chỉ cái chi thì ... ủa, chết chu, sao như nó chỉ vào tấm thẻ của mình???

    Trên tấm thẻ, người manager biên sao mà tên lót "Mạnh" lại thiếu đi mất chữ "h"!

    Nhưng ừ mà ... "Man Dung Ho" thì đã sao mà nó lại phải cười phá lên như thế? Thật tình... chả hiểu!!!

    Tối mịt làm về, mệt rã người, nhưng vẫn cố lết đến kệ tủ, lôi cuốn tự điển Anh-Việt dầy cộm ra tra xem "Man Dung" nghĩa là gì, vì đã thắc mắc nguyên cả buổi tới giờ rồi. Tá hoả khi đọc được:

    - "DUNG":

    Ở miền quê có nghĩa là "Chất thải của những loài động vật nhỏ ở đồng quê nước Mỹ".

    Tức là Dũng, tiếng Việt tên nó đẹp đẽ oai phong như thế nhưng qua tiếng Mỹ nó lại có nghĩa là ... "kít chó", "kít bò" hoặc "kít trâu, kít chồn"??!!

    - "HO" là ... đĩ điếm.

    Và như thế, "Man Dung Ho" có nghĩa là ..."Kít Người đàn ông đĩ điếm"?!!!

    Chả trách gì con nỡm Brenda nó đã sằng sặc phá ra mà cười, cười đến độ không thở được!

    Sau một đêm trăn trở lăn qua lăn lại, lăn tới lăn lui trên giường vì tên mình chẳng mấy được ... thơm tho đẹp đẽ, cuối cùng đã quyết định phải xin phép bố mẹ mà đổi thôi.

    Và cái tên "Don Ho" từ đó đã ra đời.

    Bỏ luôn chữ "Mạnh" của cái tên lót để cho chắc cú, tránh ...hậu hoạ!

    Rồi đến khi bắt đầu chập chững đi hát, không biết nên lấy nghệ danh gì, bèn xài luôn tên "Don Hồ" trên giấy tờ cho tiện lợi.

    Ậy, tên mình nó tội nghiệp là thế Nhưng đàn ông con trai thành thử cũng còn tương đối đỡ hơn cô bạn cùng lớp tên "Bích Dung".

    Bích Dung, bên xứ mình mình nghe nó đẹp đẽ êm đềm thế, vậy mà ở Mỹ này, "Bích Dung" lại bị đọc trở thành "Big Dung", tức là nguyên một ... "đống "ấy" to kềnh càng" luôn! Thật tội cho thân gái của bạn ấy quá!

    30 năm sau, cái tên mới "Don Ho" xa lạ riết rồi cũng trở thành quen thuộc dần.

    Tháng trước, có dịp đi qua Florida diễn, liên lạc gặp lại Bích Dung bây giờ đã đổi trở nên "Brittany".

    Bạn đãi, chở đi ăn trưa nhà hàng có tên Mỹ Dung.

    Ở ngay giữa khu thị tứ đông đúc, ngạo nghễ cái bảng nhà hàng to thật to chữ trắng nền đỏ "MY DUNG RESTAURANT" .

    Cái dấu ngã ở trên đầu chữ MỸ được để nhỏ xíu xiu, cố ý để cho người Mỹ dễ đọc, chắc luôn.

    Nhà hàng vắng vẻ chỉ có lác đác vài bàn người Á Châu.

    Đồ ăn cũng tương đối khá ngon.

    Bích Dung cứ thắc mắc hỏi: "Hôm nay bồ sao là lạ, có gì vui trong lòng mà thấy cứ tủm tỉm hoài vậy?"

    Nhịn cười sao được hả Mỹ Dung khi :
    Hôm nay "Kít đống To đùng" (Big Dung) bao "Kít đàn ông đĩ điếm" (Man Dung Ho) đi ăn trưa tại nhà hàng "Kít tui" (My Dung).

    3 đống tụ ở cùng chỗ luôn.

    Chuyến này có được hát chung với cô bạn ca sĩ tên Đỗ Tiên Dung, (Mỹ đọc là "Do Ten Dung" = "làm cho 10 bãi").

    May mà cô ấy buồn ngủ nên chỉ muốn ngủ, chứ không thôi 3 người mà họp hội cùng chỗ, thì chỉ trong một cái tíc tắc búng tay, nhà hàng Mỹ Dung sẽ bật lên trở ngay lên thành những ... 13 bãi tụ hội.

    Một cuộc "Hoa Sơn Luận kiếm" của ... đủ các loại.

    Chả trách không thấy có một mống khách Mỹ. Đố Mỹ nào mà dám vô nhà hàng mang tên "Kít tui" (Mỹ Dung) mà khám phá xem thử coi nó bán cái thứ gì trong này?.

    Trong nhà hàng mà lỡ dại có ai mang sầu riêng vào ăn để hương thơm thoang thoảng là bảo đảm Mỹ có vào sẽ la bải hải rồi chạy có cờ.

    Mỹ không ăn được & sợ mùi sầu riêng lắm, vì cho rằng mùi sầu riêng ngửi giống mùi ... ấy.

    Và bữa nay mà có con bé Brenda ở đây là bảo đảm 100% nó lại sẽ rũ ra mà ... cười liên khúc.

    Don Hồ
    Thứ năm 24 tháng 9, 2020

    (Bài cũ từ ngày 28 tháng 3, 2010 lấy ra sửa chút rồi đăng lại.
    Mấy hôm nay bận quá. Ngày mai mình đi xa rồi nên công việc đầy ắp chạy không kịp luôn).
    Nguồn:
    https://www.facebook.com/.../a.1015873. ... 430469025/

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: GIÃ BIỆT TÚ QUỲNH;HAI TA LÀ NAI

    by music123 » Thứ 4 Tháng 10 21, 2020 8:23 pm

    NẾU TÔI CÒN SỐNG MÀ TRỞ VỀ

    29 tây tháng 6 năm 1981.

    Sau 6 tháng chuyển qua nhiều trại bên vùng Đông Nam Á, nơi 3 anh em được đến định cư đầu tiên là thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, miền Trung Tây Hoa Kỳ. Thành phố được mệnh danh là the "Gateway To the West" ("Cửa Ngõ Đến miền Viễn Tây").

    3 anh em được nhà thờ bảo trở mướn sẵn cho một căn apartment nhiều cửa sổ lộng gió, trên lầu 8 của một building to & cũ ở góc đường West Pine.

    Căn apartment trống rỗng có được 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, nhà bếp & phòng vệ sinh.

    Trên cái sàn gỗ có đặt sẵn 3 tấm nệm nhỏ. Một vỉ trứng, 1 vỉ gà sống, 1 bao gạo, một chai dầu ăn, muối, tiêu... 2 cái nồi, một cái chảo, 3 cái chén, 3 cái nĩa, 3 cái muỗng.

    Nhà thờ bảo lãnh đã giao trách nhiệm cho anh Cường - một người tị nạn Việt đến trước, giờ làm việc cho nhà thờ - lo cho bước đầu nên ngoài những thứ kể trên, lại có được thêm... chai nước mắm. Và bước đầu như thế là cũng chu đáo lắm rồi.

    "Gia tài" đầu tiên của 3 anh em trên đất Mỹ chỉ có bấy nhiêu đó cộng thêm mỗi nguời 2 bộ quần áo cũ mang từ bên đảo qua cùng hồ sơ sức khỏe cùng vài lá thư của bạn bè & người thân mà đã nhận được trong khoảng thời gian 6 tháng ở trại.

    Không tiền bạc, không chút của hộ thân. 3 anh em ngơ ngơ, ngáo ngáo trên vùng đất mới. Cái gì cũng lạ lẫm, cũng hào nhoáng. Cái gì cũng ... không biết xài, không biết xử dụng!

    Cũng không rõ trong building này có được tổng cộng bao nhiêu gia đình người Việt ở? Chỉ biết ngày hôm đó tới cùng trên chuyến máy bay có thêm 3 gia đình nữa không kém ngáo ngáo, ngơ ngơ:

    Gia đình anh chị Nghi.

    Gia đình anh Hiếu, chị Hạnh.

    Gia đình 2 bác hơi lớn tuổi mà lâu quá rồi không nhớ nổi tên...

    Khoảng đâu tuần sau, anh Thắng (anh cả) một hôm mang đâu về một đầu máy cassette cũ kỹ, cũ tới mức không thể nào cũ hơn, nhưng đó lại là một niềm vui thật lớn cho cả 3 anh em. Vì thuở đó được nghe nhạc Việt Nam mỗi ngày là một niềm hạnh phúc, để thấy quê hương & gia đình như còn quanh quất đâu đó.

    Và rồi lại có ai đó cho mượn thêm 1 băng nhạc casette. Lúc này băng nhạc Việt rất quí & hiếm hoi. 3 anh em nâng niu, xuýt xoa lắng nghe chung.

    Trong đêm, sau khi đèn đã tắt hết, đã không ít lần thằng em đã xụt xịt khóc theo tiếng nhạc đã đưa tâm tưởng nó trở về căn nhà thân yêu khi gia đình còn đầy đủ xum họp với từng khuôn mặt người thân, từng khuôn mặt bạn bè...
    Năm 1981, thuở ấy không có đường về. Đường tương lai mới qua cũng đang còn mù mịt chẳng kém.

    Mà chắc không chỉ môt mình thằng em khóc, mà chắc 2 ông anh cũng thế... 3 anh em có lớn hơn nhau là bao ...
    Cho tới bây giờ, đã gần 30 năm, mọi thứ đổi thay.

    Qua lại 2 bên đã trở nên quá dễ dàng. Có đủ tiền mua cái vé máy bay là xong.
    Nhiều người đã bay tới bay lui như cơm bữa, nhưng thằng em vẫn chưa một lần về.

    Tại sao?


    Cuộc sống quá bận rộn, chả có lúc nào tự ngồi phân tách tìm hiểu nguyên nhân.

    Hoặc giả, nó biết nhưng giả bộ là không biết cũng không chừng. Chỉ biết là ... sâu trong lòng, có một điều gì đó làm nó ngù ngừ...

    Nhưng nếu một ngày nào đó có cơ hội trở về chốn cũ, chắc chắn sẽ có một số nơi mà thằng em sẽ phải đi tìm lại trước tiên. Một kiểu rà tìm lại quá khứ.

    Có thể lúc đó nó sẽ oà khóc?

    Có thể nó sẽ cố gượng, nuốt nước mắt ngược vào trong để giữ thể diện với những người chung quanh?
    Có thể nó sẽ cười ha hả lên điên dại?

    Nhiều cái "có thể" khác lúc đó chắc hẳn sẽ lòi ra thêm...

    Nhưng chắc chắn nó sẽ phải đi tìm lại những con đường kỷ niệm đầy bướm & chuồn chuồn kim của ngày xưa, cho dù mọi thứ có thể đã hoàn toàn thay đổi:

    - Ngôi nhà 1 tầng thân yêu ở quận 3, trong khu Vườn Bà Lớn êm đềm , nơi anh em nó đã được nuôi dưỡng lớn lên trong vòng tay bố mẹ.

    - Trường Tư Thục Pháp văn Aurore (Rạng Đông) góc Cao Thắng & Phan Đình Phùng. Nơi có thầy Tuấn hiệu trưởng thật khắt khe mà cũng không kém hiền hòa. (Nghe đâu thầy đang ở bên trời Tây, đâu đó trong kinh thành Paris hoa lệ).
    Các cô giáo thân yêu của thuở ấu thơ: Cô Kim Anh, cô Khuê, cô Hương...

    - Ngôi trường Bắc kỳ Chu Văn An gần ngã sáu Chợ Lớn, với bạn bè yêu dấu.

    -Trường Regina Mundi (Lê Thị Hồng Gấm) với ngôi nhà nguyện nho nhỏ trong góc vườn.

    Trường Lê Quí Đôn, Marie Curie, Gia Long, Trưng Vương với những kỷ niệm con nít ranh tập tành phá làng phá xóm.
    - Cô Mai tóc thề, dậy Văn, nhà cửa sắt trên đường Trần Quý Cáp. Với giọng Huế nhẹ nhàng, cô đã đẩy lũ học trò phá như giặc đến gần hơn với vùng trời văn chương Việt Nam đầy thơ mộng.

    - Hàng chè bà ba góc đường Nguyễn Thiện Thuật với những hạt đậu phọng bùi bùi béo. Quán bánh cuốn Nam Hải, xì xụp húp nước mắm ớt pha cà cuống, cạnh rạp ciné Capitol trên đường Cao Thắng mà bè bạn vài đứa kéo vào đãi nhau lúc túi rủng rỉnh chút tiền.

    - Con đường Duy Tân "cây dài bóng mát" của nhạc sĩ Phạm Duy trong dịp Giáng Sinh long lanh đèn sao, ngờm ngợp người.

    - Nhà thờ Đắc Lộ với dàn đồng ca thánh thót ngợi ca Thiên Chúa trong đêm đông của xứ xích đạo không lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời.

    - Vương Cung Thánh Đường với tượng Đức Mẹ khóc cho hòa bình thế giới, tay trĩu nặng ôm trái địa cầu. Với những sạp bán thiệp Giáng Sinh mỗi khi mùa Noel gần tới

    - Chợ hoa Nguyễn Huệ rực vàng cúc đại đóa khi xuân về

    - Ngôi chùa Long Hoa gần nhà, trang nghiêm đầy mùi trầm hương. Nơi anh em chúng nó là lượt quần áo mới, cùng bố mẹ đi lễ chùa, hái lộc trước khi về xông đất trong đêm giao thừa.

    - Hồ bơi Thảo Điền, An Phú trên xa lộ Biên Hòa. Nơi bạn bè tụ tập, lấy cớ học bơi chuẩn bị cho những chuyến vượt biên mà cúp cua lớp.

    Ngay cả hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, nước hồ lúc nào cũng xanh ngát màu ... rau má mà cho tới bây giờ nó vẫn thắc mắc sao thời ấy ngụp lặn trong cái vũng nước này mà về không bị lây ghẻ?

    - Nhà bạn bè mà đường xá trong trí nhớ giờ chỉ còn như cơn gió thoảng, kiếm tìm chắc chắn sẽ bị lạc...

    - Thành phố Vũng Tàu, Bến Đình, Bến Đá với hơn 11 lần vượt biên hụt. Nơi đã hơn một lần, một mình được giao trọng trách đạp xe đi ... "giao liên" lúc 4 giờ sáng, tim phình phịch, vừa đạp vừa quay đầu để tránh ... ma bay theo đàng sau vì thời nhỏ nó sợ ma lắm (giờ thì ... đỡ hơn nhiều rồi.

    - Thành phố Cà Mau, dải đất cuối cùng của nước Việt, nơi 2 anh em nó đã dứt áo ra đi trong ánh mắt long lanh ngập nước mắt của mẹ trông theo...

    Đã gần 30 năm,vật đổi sao dời, hình ảnh cũ kiếm lại chắc chẳng còn chút nào như thuở xa xưa. Người cũ nhiều khi cũng không còn... Nhưng vẫn đi tìm để có thể tự mình thấy ra rằng mọi thứ đã ... đổi thay.

    Sẽ thất vọng đó, nhưng vẫn phải làm...

    Tính là thế, nhưng cho tới lúc này, người lưu vong vẫn hoàn là một lữ khách nén tiếng thở dài trong những chiều thu xa xứ ảm đạm đầy lá úa...

    Don Hồ
    Bài được biên vào lúc 4:31 sáng ngày 10 tháng 9 năm 2009. Đến bây giờ, thêm 11 năm nữa đã được cộng thêm vào.
    Bài viết cũ lấy ra đăng lại vì những ý nghĩ của 11 năm trước hiện tại vẫn không hề thay đổi.

    "Nếu Tôi Còn Sống Mà Trở Về" là tựa bài hát của nhạc sĩ Hà Thúc Sinh đã được nữ ca sĩ Khánh Ly hát vào khoảng năm 1983, cái tựa bài nó cứ luẩn quẩn mãi trong đầu cả mấy chục năm nay như định mệnh của rất nhiều người ...
    Nguồn:
    https://www.facebook.com/.../a.10158735 ... 8146719025

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ:PHÉP LẠ

    by music123 » Thứ 7 Tháng 10 24, 2020 1:18 pm

    PHÉP LẠ

    Mùa lạnh đã tới rồi.

    Khắp nơi trên nước Mỹ đã trở lạnh, nhiều chỗ đã có cả tuyết rơi.

    California thời tiết ôn hoà thế mà mấy hôm nay ban đêm đã bắt đầu phải có cái áo khoác mỏng mỏng choàng vào người để giữ ấm.

    Mùa lạnh năm nay thật sự mang lại nỗi lo ngại cho con người.

    Mới chỉ đầu mùa thôi mà bên Âu Châu Covid đã lại tăng mạnh.

    Paris cùng 8 thành phố lớn khác của Pháp non cả tuần nay đã có giới nghiêm từ 9 giờ tối cho tới 6 giờ sáng & sẽ giữ giờ giới nghiệm này từ 4 cho đến 6 tuần kế tiếp.

    Đức đã hạn chế sự đi lại & di chuyển trong & ngoài nước của người dân.

    Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha tạm thời đóng cửa.

    Ý cũng hạn chế đi lại & nghiêm cấm họp mặt quá 5 người.

    Tại Hoa Kỳ con số ca cũng tăng mạnh trên toàn quốc.

    Quận Riverside của miền Nam California, do sự lây lan của dịch bệnh tăng quá nhanh, các quán bar rượu & gyms sẽ lại bị đóng cửa bắt đầu tứ hôm nay, thứ sáu 23 tháng 10, 2020.

    Quân Riverside chỉ cách Orange County, nơi người Việt tụ họp sinh sống, chỉ có 1 tiếng lái xe. Bởi thế nguy cơ để miền Nam California mới được mở cửa kinh tế trở lại, sẽ bắt đầu lại tiếp tục bị phong toả đợt 3, rất cao!

    Và đây chỉ là mới sơ sơ đầu mùa lạnh thôi mà đã như thế này rồi...

    Có tin từ cơ quan nghiên cứu Y Học của trường Penn State College: Việc xúc miệng bằng nước sát trùng (oral antiseptic & mouthwashes) có khả năng làm giảm bớt số lượng virus văng ra từ miệng khi những người đang mang vi khuẩn trong người nói, ho hoặc hắt hơi. Nếu thế bắt đầu từ đêm nay mình sẽ súc miệng bằng chất này thường xuyên hơn.

    Tuy đã biết trước rằng mùa lạnh có thể lại làm cơn dịch bùng lên, nhưng trong thâm tâm ai cũng thầm mong rằng rồi sẽ có một phép lạ nào đó để nó ... đừng xảy ra.

    Phép lạ thấy như đã chẳng xảy ra rồi, nhưng ai nói chúng ta không thể tự làm nên "phép lạ" cho mình cơ chứ?

    - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

    - Đeo khẩu trang đúng cách khi đi ra ngoài.

    - Giữ khoảng cách giãn cách xã hội 6 ft với nhau ở tất cả mọi nơi công cộng.

    - Nếu không thấy khoẻ trong người thì hãy ở nhà & đi thử test Covid.

    Trong thời điểm hiện tại, 4 điều giản dị trên đã cho thấy có khả năng giúp ngăn cản sự lây lan của cơn dịch quái ác.
    Nếu tất cả mọi người đồng tâm cùng làm thì dịch sẽ chậm lại. Và thưa nếu đây không phải phép lạ mà chúng ta có thể tự ban cho chúng ta thì là điều gì khác ạ?

    Cuối cùng, trong những thông tin lộn xộn cũng có được những tin vui:

    Cơ quan Y Tế của Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận cho dùng thuốc Remdesivir của hãng Gilead để chữa trị Covid-19. Tổng thống Donald Trump đã được chữa khỏi bằng thuốc Remdesivir này.

    Vậy là thuốc chữa đã có. Giờ chỉ còn chờ thuốc chủng nữa thôi.

    Mong cho thật chóng có...

    Don Hồ
    Thứ sáu 23 tháng 10, 2020
    Nguồn:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=211 ... 6397316421

    Hình ảnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 343 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 103 khách