Đăng trả lời 343 bài viết
DON HỒ: "You Are Mine"
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Con quỷ một giò

    by music123 » Thứ 7 Tháng 1 23, 2021 2:11 pm

    GẬP GHỀNH GIAN NAN "XUÂN HY VỌNG"

    1/23/21


    Giữa tháng 12 năm 2020, sau 9 tháng đóng băng vì bệnh dịch tràn lan trên thế giới nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng, nhớ khán giả - nhớ nghề- nhớ ánh đèn, trong sự dè dặt Trung tâm Thuý Nga đã quyết định quay một chương trình Văn Nghệ Tết cầu mong mang chút niềm vui cùng không khí Xuân tới những gia đình người Việt ở khắp nơi sau gần một năm lao đao.

    Lúc ấy tình hình bệnh dịch ở California đang còn có vẻ khả quan, con số lây lan đã & đang giữ ở một mức thấp, hầu hết tất cả các doanh nghiệp đã được mở cửa trở lại.

    Mọi việc bắt đầu chạy băng băng như xe lăn bánh ngoài xa lộ. Chương trình sẽ được quay tại rạp Sài Gòn Performing Arts Center ở ngay tại quận Cam (Orange County) thủ đô của người Việt tại hải ngoại.
    Quay không có khán giả và sẽ có tầm cỡ tương đối nhỏ hơn so với các chương trình Paris By Night trước đó vì vẫntrong thời đại dịch mà...


    Các ca sĩ phần lớn đã được chọn bài & chờ đợi có hoà âm nhạc để hát.
    Như thường lệ, những bài nào có vũ công thì sẽ được ưu tiên lo trước để còn có đủ thời gian tập dợt.

    Tiết mục của Don Hồ được sắp xếp ... có vũ công!

    Thật tình khi ấy đã có một sự lo lắng không hề nhỏ: Một đám người mồ hôi mồ kê nhễ nhại tập dợt nhảy múa với nhau trong một cái phòng studio có máy điều hoà, trong thời điểm này quả là một sự đáng lo ngại!!!
    Ngần ngừ mãi rồi cũng nêu ra những mối lo ngại của mình, sự giải đáp của Trung Tâm đã khiến cho mọi người tham dự yên tâm hẳn:

    - Ca sĩ, vũ công, người dựng bài nhảy trước khi tới ngày dợt đều phải đi lấy Covid Test và chỉ được tập dợt nếu mình có được chứng nhận "Âm Tính" với chứng bệnh Covid 19.

    Tới ngày quay, tất cả mọi người từ ban giám đốc cho tới những nhân viên quay hình, ánh sáng và ca sĩ cùng vũ công một lần nữa sẽ phải đi lấy Covid test thêm một lần nữa và tất cả phải đều cần có kết quả "Âm Tính".

    - Khi dợt nhảy, tất cả mọi người sẽ phải đeo khẩu trang trong suốt buối dợt. Và studio nhảy sẽ để mở toang hết tất cả các cánh cửa, để không khí bên ngoài tràn vào, dẫu cho thời tiết ngày hôm ấy có thế nào.

    - Tới ngày quay, mỗi tiết mục sẽ có giờ giấc chia ra đàng hoàng và nghệ sĩ chỉ tới khi tới giờ của mình. Xong rồi thì ra về ngay.
    Tất cả mọi thứ nghe có vẻ rất tốt, đã làm cho cá nhân mình tương đối yên tâm vì trong gia đình có người lớn tuổi nên phải rất thận trọng.

    Đùng một cái cuối tháng 12 - đầu tháng giêng 2021, dịch bùng nổ mạnh ở ngay tại quận Cam, Orange County. Bệnh viện bắt đầu đặc nghẹt người, bắt đầu có sự tử vong ngay trong cộng đồng người Việt ở miền Nam California.

    Sau một thời gian ngắn trù trừ suy nghĩ, để giữ sự an toàn cho tất cả mọi người liên quan, Trung Tâm Thuý Nga đã quyết định huỷ bỏ lần quay này cho dù mọi việc đã tiến hành lở dở.
    Tin lần quay hình bị huỷ đã làm mình cũng như mọi người thất vọng, nhưng đồng thời cũng có những thở phào nhẹ người vì chung quanh tình hình dịch bệnh đang quá nghiêm trọng.

    Vài ngày sau lại nhận được tin nhắn từ Trung Tâm:
    "Những bài đã có hoà âm rồi thì vẫn sẽ thâu hình, nhưng không quay trên sân khấu nữa mà quay kiểu ngoại cảnh ngoài trời, MTV style."
    Ừ thì quay ngoài trời thì có lẽ sẽ an toàn hơn đấy.

    Nghe tin cũng chẳng biết vui hay buồn, nhưng bài Don Hồ thì đã hoà âm xong, đành phải lấy hẹn phòng thâu vô hát trước cho xong trách nhiệm cái đã rồi những phần còn lại sẽ hạ hồi phân giải, ... tính sau.
    Đồng thời cũng phải lấy ngay cái hẹn đi thử nghiệm Covid để cho có kịp trước ngày đi dợt.
    Mỗi lần chờ đợi kết quả Covid test là mỗi lần hồi hộp mấy ngày trời tim muốn rớt ra ngoài , vì ai biết được mình có đang mang bệnh hay không, lo chứ!
    Lúc trước đã liên lạc với cô Shanda Sawyer, ng
    ười sẽ dàn dựng các tiết mục có nhảy. 2 người đã bàn luận nhau để có được những ý kiến dễ thương, tươi vui, mang không khí Tết cho bài. Giờ liên lạc lại lần nữa vì đã có những chi tiết thay đổi, sẽ không còn quay trên sân khấu như đã dự định rồi.
    Cô Shanda tỏ vẻ ưu tư: "Rồi cũng chẳng biết sẽ có quay được không hay sẽ lại huỷ nữa? Thời buổi này khó mà có thể lường trước được chuyện tương lai, tuy chỉ là tương lai gần!"

    Và đúng như lời dự đóan của cô Shanda, chỉ vài ngày sau một lần nữa dự án đi quay ngoại cảnh bên ngoài lại có quyết định huỷ bỏ thêm lần nữa vì dịch càng ngày càng nặng hơn, đã tới lúc có những người quen biết lần lượt ra đi. Đám tang người quen mỗi tuần đi viếng 6,7 cái. Hàng ngày nghe tin tức mà phát hoảng!

    Và để rồi ... 2 hôm sau nữa lại có tin nhắn:

    "Sẽ quay trở lại, lần này sẽ quay trên sân khấu với những biện pháp an toàn gắt gao mới!"
    Thời gian đã cấp bách lắm rồi vì Tết Nguyên Đán đã gần kề, quay xong lại còn phải edit video & cộng thêm nhiều khâu khác nữa chứ có phải là xong xuôi đâu.

    Thời gian tập nhảy bị thu ngắn, rút xuống chỉ còn lại trong vòng 1 tuần lễ, thay vì 2 tới 3 tuần như những lần trước vì đã mất đi bao nhiêu thời gian ở khâu huỷ tới-huỷ lui. Những bài có vũ công thì chỉ thể có tối đa được 4 vũ công mà thôi để bảo đảm sự an toàn về khoảng cách. Và các vũ công trong các tiết mục khi quay hình sẽ vẫn giữ việc đeo khẩu trang trên mặt như một lời nhắn nhủ mọi người hãy "nên đeo khẩu trang trong bất cứ tình huống nào để ngăn cản sự lây lan của trận dịch".

    Và lần này trong những ngày quay sẽ có một vị bác sĩ cùng 2 nhân viên đã đi lấy lớp từ sở Y Tế về sự "giữ an toàn trong khi làm việc" túc trực ngay ở tại phim trường để giám sát, bảo đảm sự an toàn cho mọi người.
    Những người làm việc hôm đó cùng nghệ sĩ, nhạc sĩ, sẽ được đo nhiệt độ cơ thể và sẽ lấy Covid test một lần nữa ngay tại chỗ.

    Việc giữ khẩu trang phải luôn có trên mặt & giữ khoảng cách giãn cách xã hội sẽ được áp dụng triệt để.
    Và cuối cùng, sau những gập ghềnh gian nan, Trung Tâm Thuý Nga cùng các nghệ sĩ và toàn thể nhân viên cộng tác đã thực hiện được niềm mơ ước cùng khát vọng vọng của mình, chương trình "Xuân Hy Vọng" đã bấm máy và hoàn thành trong sự suông sẻ và sẽ mang Tết Nguyên Đán đến cho mọi nhà trong một thời gian gần nhất (trước Tết).

    Có theo dõi từng bước chân mới thấy được sự gian truân, khổ cực cùng niềm đam mê mãnh liệt của những trung tâm âm nhạc khi thực hiện những chương trình văn nghệ mang lại niềm vui cho mọi người trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" như hiện tại. Mới thấy được sự cố gắng tột cùng dù trong những thời điểm ảm đạm nhất của cuộc sống chỉ để giữ cho niềm vui tinh thần của mọi người hừng hực lửa cháy, để "vực dậy niềm hy vọng, thắp lên niềm tin vào những điều tốt đẹp, tươi sáng hơn trong tương lai" như một lời nhắn của một cô bạn đã gửi đến khi hay tin chương trình "Xuân Hy Vọng" cuối cùng đã được bấm máy.

    Chưa bao giờ thấy tự hào được góp mặt trong một chương trình âm nhạc mang đến niềm vui & niềm hy vọng như lần này, và chưa bao giờ thấy ở hải ngoại có một lần Tết Nguyên Đán thê lương như lần này.

    Hy vọng năm mới đã đến, thuốc chủng đã ra, chương trình Paris By Night "Xuân Hy Vọng" với biết bao nỗ lực sẽ như là một niềm may mắn đầu tiên của năm âm lịch, sẽ thổi chút nắng ấm mùa xuân đến tất cả mọi gia đình người Việt.
    Và liên tục sau đó thì kéo theo dây chuyền những sự may mắn khác sẽ ào ào liên tiếp trở lại với chúng ta. Và rồi hy vọng lắm một ngày nào đó mọi việc sẽ từ từ ổn định trở lại như thuở an bình trước đây không xa lắm.
    Hy vọng lắm thay...

    Don Hồ

    Thứ bảy 23 tháng Giêng, 2021
    (Tấm hình chỉ mang tính minh hoạ, vì mình không được phép xử dụng những tấm hình mới chụp trong lần quay vừa rồi cho tới khi chương trình được tung ra)
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo/?fbid=25 ... 0643548996
    #DonHo #DonHoSinger #ParisByNight #TrungTamThuyNga #XuanHyVong

    Hình ảnh
    Sửa lần cuối bởi 1 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Chuyện của mẹ

    by music123 » Thứ 2 Tháng 1 25, 2021 6:27 am

    CHUYỆN CỦA MẸ

    Con:

    - "Ủa mẹ, mẹ có nói quê ngoại là làng Bát Tràng, Nam Định. Nhưng có người nói là ở Nam Định làm gì có làng Bát Tràng? Làng Bát Tràng là ở gần Hà Nội mà?"

    Mẹ:

    - "Ờ đúng rồi..."

    Con:
    - "Sao trước mẹ nói khác cơ mà?"

    Mẹ:
    - "Nói khác hồi nào? Có hỏi đâu mà mẹ nói?"

    Con:
    - "Trời! Thì giờ ... con đang hỏi nè?"

    Mẹ:
    - "Bát Tràng là một làng không có đất, không có ruộng, phần lớn người dân ở đó sống bằng nghề đồ gốm, làm gạch. Ông ngoại con sinh ra & lớn lên ở Bát Tràng. Nhưng sau đó ông dọn về Nam Định để làm ăn buôn bán. Thành phố Nam Định có phố hàng Bát gồm toàn dân làng Bát Tràng dọn về & bán buôn sản phẩm đồ gốm của làng mình. Mẹ là con gái Bát Tràng!"

    Rồi mẹ kể thêm:
    - "Khách của cửa hàng ông ngoại toàn dưới quê lên mua về bán lại lấy lời. Thời chiến tranh với Pháp, phải tản cư, cả gia đình phải gồng gánh, mỗi ngày đi bộ ít nhất khoảng 50 đến 60 cây số để về quê lánh giặc. Và cứ thế mà ròng rã đi. Tới nơi, gia đình ông ngoại được những người dân tốt bụng này cho ở nhờ. Khách từ thành phố về nên được họ thích & quí lắm.
    Thời kỳ này người lớn thì lo sốt vó, con cỡ con nít nhi đồng như mẹ thì ối thôi vui lắm, ngày nào thấy cũng vui cũng tung tăng cười nói như đang trẫy hội!"

    Con:
    - "Thì cũng giống như tụi con hồi nhỏ thôi. Mỗi lần bị gì đó mà được cho khỏi đi học, nghỉ ở nhà là sướng kinh hồn. Con nít mà mẹ...
    "
    Mẹ:
    - "Ừ.
    Thời nhỏ của mẹ, ngoài Bắc cũng một lần bị một trần dịch hạch lớn lắm. Thuở ấy dân chúng rất hoang mang. Không có internet, không có các phương tiện truyền thông như thời bây giờ nên chỉ toàn nghe từ những tin truyền tai nhau không thôi!
    Ông bà ngoại cấm đám con nít không được xớ rớ ra gần cửa sổ mà ngó ra ngoài. Mẹ hay phá phách nên càng cấm lại càng tò mò, ngó xuyên qua những kẽ ở của cánh cửa. Lâu lâu có những chiếc xe thồ được kéo ngang, trên đó xác người chết được xếp & chất đầy nhóc luôn. Kinh lắm!"

    Con:
    - "Chắc sợ lắm hả mẹ? Nhưng rồi sao trận dịch đó hết mẹ hả?"

    Mẹ:
    - "Sợ lắm. Tuy nhiên, tới một lúc nào đó nó nguôi từ từ rồi tự biến mất vì thời đó làm gì có được thuốc chữa cho những căn bịnh hiểm nghèo này con."
    Nói xong ánh mắt mẹ bỗng như xa xăm, làm như mẹ đã lạc trở về một vùng đất nào đó của một thời xa xưa ấy...
    Thằng con đứng đó ngắm nghía mẹ mình.
    "Tội, cuộc đời của mẹ, của những bà mẹ Việt Nam có bao giờ được bình yên đâu? Đã trải qua biết bao lần chạy giặc, 2-3 lần di cư. Giờ tóc đã đổi màu cũng chẳng được an lành, lại bị thêm trận dịch Covid-19 từ trên trời rơi xuống.
    Cầu mong cho mọi thứ rồi trôi qua nhanh, cuộc sống rồi lại trở lại bình thường, mọi người được yên lành. Và mẹ lại được trở lại đời sống yên ổn thường nhật, được làm những gì mẹ thích trong những năm tháng cuối của cuộc đời mình, đừng thêm sóng gió...

    Don Hồ
    Thứ bảy 14 tháng giêng, 2021
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=259 ... 8996#donho #donhosinger #vietsinger #motherandson #mecon

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: "CHÍ"

    by music123 » Thứ 4 Tháng 1 27, 2021 11:32 am

    "CHÍ"

    Có người bạn thân tên Chí từ thời ở Sài gòn, giờ đang sống ở bên Canberra, thủ đô của xứ Úc.

    Thuở nhỏ Chí hay ghé nhà chở đi học dùm.

    Cái xe đạp sườn ngang cà rịch cà tang thắng không ăn, mỗi lần bóp thắng là Chí phải thả cả 2 chân xuống mà rà đôi dép xuống lòng đường.

    Khoảng năm 1976, mốt Sài gòn là trai gái đi sa-bô, loại dép da mà đế dép dầy khủng hoảng (cả 10cm). Ấy mà vì lấy dép làm thắng mà đôi sa-bô của Chí lúc nào cũng vẹt đầu vẹt đuôi một cách thảm thê.

    Giờ nghĩ lại cũng không biết thói quen của Chí là thế, hay cái thắng không ăn cũng chả biết?!

    Cái xe đạp không có yên sau, phải ngồi trên cái sườn ngang mà khum đầu xuống để Chí thấy đường mà lái. Mỗi lần chạy ngang ổ gà là cái thanh ngang nó tưng lên ê mông cùng đau thốn cả người.

    Ấy thế mà 2 đứa "đèo" nhau đi học cho tới cả 2, 3 năm liền!

    Bạn bè thân tới cỡ nào dĩ nhiên cũng có những lúc bất đồng ý kiến dẫn đến giận nhau. Nhưng hay cái là có giận cỡ nào thì giận, tới đúng giờ đi học là Chí vẫn rà chân dừng xe lại trước cửa nhà rồi gọi: "Dũng ơi, Dũng...". Và sau giờ học lại chờ ở nhà giữ xe của trường để mà chở về dùm.

    Chí đi vượt biên trước, khoảng năm 78.

    Thời ấy bạn bè cứ người nào thấy bặt tăm vắng mặt ở lớp liền tù tì mấy ngày thì chắc bẩm là đã đi ... "vượt biên rồi". Ai cũng biết tỏng là thế. Nhưng khi ghé lại nhà kiếm thì một câu trả lời mà gia đình nào có con trốn đi vượt biên cũng thường xài là:

    "Em nó về quê thăm ông bà bị bịnh rồi cháu à..."

    Nói thế để phòng khi chuyến vượt biên mà không thành mà có mò trở về được thành phố thì sẽ không bị phường khóm làm khó dễ!

    Dường như Chí sau đó có liên lạc về hay sao đó mà tới cuối năm 80 khi tới phiên mình đi vượt biên, thoát được qua tới trại tị nạn bên đảo có địa chỉ để mà gửi thư liên lạc với Chí.

    Lâu quá rồi, có nhớ là đã liên lạc với Chí thời ở đảo đâu cho tới 2 năm trước đây một ngày đẹp trời nhận được một thùng gì đó tương đối to to gửi từ Úc qua.

    Mở ra thì thấy bên trong là cả đống thư chắc phải mấy chục lá. Những lá thư đã gửi cho Chí từ trại tị nạn Songkhla, qua Panat Nikhom của Thái Lan, rồi tới luôn cả Galang 2 của Indonesia, kèm theo với dòng chữ Chí biên:

    - "Gửi Dũng những lá thư Dũng đã gửi. Mấy chục năm rồi giờ đọc lại chắc Dũng sẽ thấy quí!"

    Chí đã giữ lại tất cả hơn 35 năm.

    Thời mới qua, nhà cửa làm gì ổn định đâu, đổi nhà liên tục, thế mà Chí vẫn giữ được những lá thư mà nếu là mình thì đã để lạc mất ngay từ mấy năm đầu tiên ở xứ người.

    Cảm động!

    Bốc đại một vài lá thư đọc lại, ối chu choa thiên địa thánh thần ơi, toàn biên ba lăng nhăng, tàm xàm bá láp những chuyện xảy ra trong ngày ở trại từ chuyện xe cán chó qua luôn tới chó cán xe, qua luôn tới chủ xe ... mần thịt luôn con chó!

    Chả là thời ấy có những nhà hảo tâm đã nhân đạo nhận chuyển thơ của trại viên đi dùm, bởi thế gửi thư có tốn tiền đâu, thế là đã gửi liên tu bất tận. Chứ nếu gửi tốn tiền thì tiền đâu ra mà gửi thư ra ngoại quốc cho được!

    Và cũng chẳng biết Chí đã có đọc nổi không, hay là chỉ mở ra cho có rồi quăng xó? Chứ ngay riêng bản thân mình thì giờ đọc lại chịu không nổi vì biên nhắng nhít quá sinh ... nhức đầu!

    Mấy lần qua Úc lâu lâu cũng có liên lạc và thỉnh thoảng cũng có gặp nhau.

    "Thỉnh thoảng" là vì gia đình Chí ở Canberra, mà show nhạc làm phần lớn ở Sydney, Melbourne, Perth, những thành phố lớn đông người Việt. Năm thì mười hoạ mới có một lần show lọt về Canberra!

    Lần hát ở Canberra Chí rủ sau show về nhà ăn bún riêu vợ chồng Chí nấu (Cám ơn Chí & Chi nhiều).

    Show xong trễ lắm. Chắc cả 2 vợ chồng Chí đã phải ngồi nhà đợi ná thở, gục lên gục xuống vì quá giờ ngủ. Công chức mà, đi ngủ sớm & đúng giờ lắm.

    Đã thế khi tới còn lôi theo vợ chồng cô em họ, tổng cộng là 3 "ên" người thay vì chỉ có mình ên.

    Tự dưng tốn thêm 2 tô bún nữa mà chẳng báo trước để sửa soạn, chắc hẳn khuya ấy đã ... ăn quá qua luôn phần của 2 đứa con Chí. Đã thế đang đói lại thêm bún nấu ngon, ăn hết tô còn nhăn nhăn nhở nhở xin thêm tô nữa nữa chứ. Nhưng thôi kệ, bạn bè lâu lâu làm thế một lần để cho có kỷ niệm, cho có thứ để mà ... nhớ nhau. Làm hoài thì mới có vấn đề...
    Về sau này qua Facebook, 2 đứa hay liên lạc nhau nhiều hơn. Toàn chuyện về dịch bệnh báo trước cho nhau.

    Bên Mỹ bị nặng, Úc cũng bị nhưng hiện tại đang nhẹ hơn Mỹ nhiều!

    Mới hôm qua Chí nhắn tin bằng tiếng Anh:

    - "Ê Dũng. Đêm qua đi ăn party gia đình, mọi người nói chuyện về những bài Dũng biên, ai cũng nói thích!"

    Úi cha, ai ngờ đâu mình len lỏi được qua tới mãi bên Canberra luôn ta?

    Nhưng còn hồ nghi lắm, nhắn hỏi lại cho chắc ăn:

    - "Thiệt hay xạo đây?"
    - "Không xạo. Thiệt!"

    Chả hiểu sao bỗng thấy lòng vui chi lạ. Bạn bè đi học với nhau Chí biết mà, thuở xưa môn nào mình cũng chỉ lèng èng, trung bình. Chỉ có môn Hội Hoạ là vượt trội lên được điểm cao mà thôi!

    Bài biên hàng ngày là bởi vì đã tự thách thức với lòng mình là mỗi ngày phải biên được một cái gì đó, không cần biết dài -ngắn, để ít ra mình cũng cảm thấy "hoàn thành được một cái gì đó" trong thời gian ở nhà tránh dịch này.
    Nhiều khi 2 - 3 giờ sáng mới bắt đầu biên, buồn ngủ tay thì bấm phím mà đầu gật lên gật xuống.

    Vừa xong là tắt máy lăn quay ra ngủ, bài lủng củng đầy lỗi chính tả vì mắt bị hoa lên.
    Tới hôm sau thức dậy mới coi lại mà ... sửa. Hên chưa có lần nào bị tổ trác nặng!

    Và "biên" thì cũng ... lăng nhăng chẳng kém cái đống thư gửi cho Chí thời còn ở trại tị nạn, tuy thế cũng may là người lớn ra hơn nên sự suy nghĩ cũng tương đối cũng chính chắn & chững chạc hơn xưa. Bởi thế biên xong lâu lâu đọc lại vẫn chưa thấy bị ... nhức đầu!

    Hôm nay bí đề tài biên, sẵn cái tin nhắn đêm qua lấy ra đọc lại để tự ... "thung thướng trong lòng" rồi từ ấy phăng luôn ra thành một bài.

    Cũng nhờ Chí hết thì tựa đề không là "Chí" thì là gì khác bây giờ...

    Don Hồ
    Thứ hai 25 tháng 1, 2021
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=260 ... 0643548996
    #donho #donhosinger #vietsinger #vietarticle

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Con quỷ một giò

    by music123 » Thứ 5 Tháng 1 28, 2021 10:59 am

    CON QUỶ MỘT GIÒ

    Thuở xưa bố đi làm, mỗi chiều thứ sáu về là cái túi gắn bên hông xe của bố phồng lên những sách báo cho tuổi thơ. Nào là Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, hoặc ngay cả trang nhi đồng "Mai Bê bi" của tờ báo Chính Luận...

    Khỏi phải nói cứ tới thứ sáu là lũ con háo hức chờ bố về hơn những ngày khác.

    Bố vừa dắt xe vào sân, gạt chân chống xuống là lũ con ào ra nhao nhao chào bố cho ... có lệ, rồi tranh nhau mà mở cái túi. Đứa nào mở trước thì được quyền dành lựa ra những thứ mình thích để coi trước.

    Sau 30 tháng 4, 1975, cùng với toàn miền Nam, bố bị mất việc nhưng trốn thoát được việc phải đi ... "học tập cải tạo" đã là may mắn lắm rồi.

    Mẹ trở thành trụ cột của gia đình, từ một bà nội trợ ở nhà nuôi con, giờ phải tung ra ngoài xã hội để chạy chọt, áp phe, để kiếm tiền mua gạo từng bữa về cho gia đình được ăn uống đầy đủ 2 bữa hàng ngay.
    5 đứa con khi trước được bố mẹ ép vào trong khuôn khổ đàng hoàng thì nay được thả lỏng hơn vì bố mẹ giờ còn bận rộn phải đi kiếm cơm!

    Những tờ sách báo giáo dục cho nhi đồng đã không còn nữa mà thay vào đó đám con có dư được đồng nào thì lâu lâu ghé ra xạp truyện tranh ở đầu chợ mà tha về những tập truyện tranh rẻ tiền (vì giá tiền rẻ lắm), nội dung ... nhảm nhí. Con nít nào mà chả mê truyện tranh!

    Và cứ như thế mà chẳng nhớ tự lúc náo thằng em đã tha ... "con quỷ một giò" về nhà!

    "Con quỷ một giò": một truyện tranh ma cỏ rất nhả.

    Toàn bối cảnh được xảy ra trong rừng U Minh, Cà Mau, với con đường mòn đi xuyên qua rừng cây rậm rạp đầy muỗi, đỉa, rắn rết, nhện, thú hoang, vài ngôi nhà tranh vách lá lụp xụp leo lét ngọn đèn dầu..

    Và dĩ nhiên nhân vật chính của truyện là một con quỷ bị cụt mất một chân. Có đi nạng hay không thì mình không thể nhớ nổi!

    Chỉ nhớ con quỷ một giò này hay đứng lấp ló đàng sau những cánh cửa sổ đan bằng lá tranh được lấy cây chống dựng lên. Đôi khi nó còn thò luôn cánh tay qua song cửa sổ để bất ngờ chụp bất cứ ai trong tầm tay với.
    Cái tật là thế, sợ ma thì cỡ chúa trùm, mà lại thích coi, thích đọc truyện ma nhất cơ.

    Bởi thế con quỷ một giò cứ thế mà được lôi về nhà!
    Rồi một ngày đang ở trong lớp thì được trường báo cho thu góp tập sách lại để đi về vì nhà có chuyện & người nhà đang chờ ở dưới văn phòng ban giám hiệu. Lúc xuống tới nơi thì bố đang ngồi chờ.

    Đoạn đường về bố im lặng đạp xe chở thằng em, một tay bố nắm tay thằng em bóp bóp mãi, thằng em không dám hỏi gì!
    Về tới nhà, mẹ đón ngay ngoài cửa với ổ bánh mì paté. Cứ mỗi lần được cho ăn ổ bánh mì paté là y rằng có chuyện gì đó...
    Mẹ thầm thì bảo vào sửa soạn mấy bộ quần áo cho thật lẹ, mẹ sẽ đưa thằng em cùng người anh cả - anh Thắng, xuống Cà Mau để 2 đứa lên tàu đi ... vượt biên.

    Anh Thắng đã nhận được giấy của phường gọi ra trình diện để đi "nghĩa vụ quân sự" vì thời ấy Việt Nam đang đánh lộn với Cao Miên. Bố mẹ sợ cảnh đứa con bị đi bộ đội qua bên Miên bị lính Miên "cáp-duồn" (cắt đầu) nên tìm đủ mọi cách để đẩy con mình phải ra khỏi nước.

    Nghe tới Cà Mau là thằng em nghĩ ngay tới con quỷ một giò mà rùng mình.

    Xưa tới giờ nó chỉ được luẩn quẩn trong Sài gòn. Xa lắm là được đi ra tới Long Thành, Gò Vấp, Biên Hoà, Bà Rịa rồi Vũng Tàu mà thôi.

    Vả lại thời ấy ai muốn đi đâu gần xa cũng phải ra phường mà xin cái "giấy phép đi đường" bị mấy ông công an hạch hỏi lung tung khó khăn lắm.

    Trong đầu thằng em khi ấy "Cà Mau" đồng nghĩa với rừng U Minh, vài mái nhà tranh cùng con quỷ một giò, y chang cái cảnh nó đã được thấy qua trong truyện tranh.

    Nhưng nó nào dám cãi lời bố mẹ!
    Đoạn đường đi xuống Cà Mau thật là thú vị. Lần đầu tiên thằng em được nhìn thấy quang cảnh của phần phía dưới này của đất nước.

    Đã được căn dặn trước, 3 mẹ con không được mở miệng ra nói chuyện với nhau vì có thể sẽ lòi ra ...giọng dân thành phố. Có chuyện gì cần kíp lắm mới phải thầm thì vào tai mẹ mà thôi.

    Lần đầu tiên nó được đi lên một cái phà băng qua một cái bắc tên gì đó mà chẳng còn nhớ nổi.
    Eo ơi, eo biển mà mênh mông như biển cả. Được ngồi bẹp xuống mà ăn dĩa cơm tấm bì chan nước mắm ớt pha ngọt ngay kiểu người miền Nam ngay trên phà, trong cái gió lồng lộng thổi ôi nó mới ngon làm sao. Ăn hết một dĩa mà vẫn còn thòm thèm!

    Càng gần đến Cà Mau trời càng tối xập xuống, bụng thằng em càng đánh lô tô. Nghĩ tới đêm nay sẽ qua đểm dưới ánh đèn dầu leo lét của một ngôi nhà tranh rách nát mà mỗi lần đi ngang qua khung cửa số là phải ngó chừng cánh tay của con quỷ một giò quơ vào là nó đã đủ toát mồ hôi hột chết khiếp!

    Chiếc xe đò tấp vào bến.

    Trời xập tối, đèn đường bắt đầu lên mà khung cảnh bến xe vẫn còn nhộn nhịp ghê lắm. Nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng cái rừng đước, chưa thấy mái nhà tranh nào cả.

    Có một cô đứng chờ sẵn.

    Trao nhau mật hiệu rồi được cô ta dẫn đường đưa về một căn nhà cách đó không xa.
    Vẫn không được mở miệng nói hay hỏi gì cả, tuyệt đối không được để lộ ra là dân vùng khác tới, phòng khi gặp công an.
    Con đường đang đi đường tráng nhựa đàng hoàng chẳng khác trên Sài gòn, chỉ có điều ở đây đèn tối hơn chút.
    Và ngôi nhà được đưa tới là một ngôi nhà gạch khang trang, chẳng phải nhà lá!
    Không khí nặng nề như đang trong một tập truyện trinh thám nhưng thằng em cũng kịp thở phào nhẹ nhõm là ít ra ... con quỷ một giò sẽ hông đẩy cho đổ ập ngôi nhà gạch này để vào bắt nó đi!
    3 mẹ con được để ở trong một căn phòng phía sau ngôi nhà & sáng sớm hôm sau được dịp gặp toàn bộ gia đình gia chủ của căn nhà đang trú nhờ.

    Gia đình đông con lắm đều đã lớn cả những vẫn ở chung, dân Cà Mau (dĩ nhiên) vui vẻ, hiếu khách, bình dị. Ở trong nhà, đừng lòi mặt ra đường thì được nói chuyện, tuy nhiên 3 mẹ con vẫn e dè lắm vả chỉ đi ra khỏi căn phòng những lúc cần dùng phòng vệ sinh hay ăn uống.

    Bữa ăn được mời vào ăn cùng mâm với gia đình chủ nhà.

    Trên Sài gòn đang đói ăn, cơm phải độn thêm bắp ngô, đồ ăn phải nhín nhín thì ở Cà Mau lại ngược lại. Bữa cơm gia đình ê hề thịt rau cá, cơm gạo trắng phau thơm ngon chẳng phải độn gì cả.

    Một trong những lần ăn cơm thật náo nhiệt nhất. Đông con mà anh chị cha mẹ trong bữa ăn lần lượt kể chuyện trong ngày cho nhau nghe, cười nói rôm rả cộng với tiếng lanh canh của muỗng nĩa va vào tô chén nghe vui như bữa tiệc ngày Tết của dân Sài gòn. Hình ảnh của con quỷ một giò và rừng U Minh đã biến mất hút tự lúc nào.

    Ăn xong bác gái bảo mấy anh chị dẫn 2 anh em nó đi coi phim đi. Bên ngoài bãi đất trống đang sắp sửa có chiếu phim gì đó cho dân chúng coi.

    Bác còn để ý, bảo lấy quần áo của các anh đưa cho 2 anh em nó thay ra để không bị khác biệt với dân địa phương. Tuy nhiên tay chân nó lòi ra trắng quá nên cuối cùng phải mặc một cái áo dài tay che bớt cái trắng "công tử bột" của dân Sài gòn.

    Sau này mới biết ra bác muốn đưa 2 anh em nó ra ngoài để nói chuyện riêng với mẹ.
    Chỗ chiếu phim là một bãi đất trống không đèn, dựng lên một cái màn ảnh ngay giữa trời. Chiếu phim gì thì không nhớ nổi vì cũng đâu có tâm trí nào để coi.
    Mà dường như những người dân địa phương đi coi phim cũng chẳng mấy ai coi mà mục đích chính là đi ... ngó nhau thì nhiều hơn.

    Thằng em còn nhỏ lại thêm xấu trai nên chẳng ai thèm dòm.
    Nhưng anh Thắng cũng trắng trẻo lại đeo kiếng cận to bản được mấy cô cứ liếc cười, mắt nhấp nháy.
    Về sau về kể lại mà bác gái la bải hải vì cặp kiếng cận nó làm lòi đuôi ra. Lý ra phải bỏ cặp kiếng ở nhà. Mà không có kiếng thì anh Thắng sẽ trở nên ... dở đui!
    Ngay đêm đó, chẳng biết có phải vì cặp kiếng hay không mà 3 mẹ con nó đã phải giã biệt ngôi nhà ấy mà dời qua một ngôi nhà khác 2 tầng lầu, cửa sau mở ra ngay con sông.

    Đoạn đường di chuyển từ ngôi nhà này qua nhà kia cũng y như trong phim điệp viên. Một người đi trước dọ thám tình hình, 3 mẹ con đứng trong bóng tối chờ được báo hiệu để lúp xúp chạy theo sau. Và cứ thế mà tim 3 mẹ con cứ đập thình thịch cho nguyên đoạn đường.

    Căn nhà mới tới ít người, chỉ có 2 mẹ con cô chủ nhà ở với nhau.
    3 mẹ con nó được nguyên căn lầu ở trên có bàn thờ lung tung.

    Và tới lúc này thì thằng em hoàn toàn quên hẳn con quỷ một giò và cái khung cảnh ghê rợn trong truyện tranh.
    Nó thật sự có cảm tình với thành phố này. Cà Mau thật sự là một thành phố văn minh ngang như thành phố Vũng Tàu, có tất cả mọi thứ. Người dân thì hiền lành, thân thiện cùng hiếu khách. Nơi nó đã ở chẳng thấy một ngôi nhà tranh.
    Chỉ có điều căn gác mà 3 mẹ con đã trú chân trong 2 ngày, lúc mới bước vào mẹ đã thấy có cảm giác kỳ kỳ & mẹ đã khấn xin phép "ai đó nếu có đang ở đây" xin cho 3 mẹ con được ở tạm vài ngày.

    Đêm sau là giờ hẹn, một chiếc ghe nhỏ đã đón 2 anh em nó đi ở tại ngay cửa sau của căn nhà.
    2 anh em bước lên ghe, ngó ngược lại thấy mẹ đứng trong nhìn theo mắt long lanh chực khóc. Thằng em dơ tay lên vẫy tạm biệt mẹ thì bị một bàn tay ai đó trên ghe chụp lại & ghì ngay xuống.

    Chiếc ghe vừa chạy thì cánh cửa sau của ngôi nhà cũng xập đóng ngay lại!
    Về sau mẹ kể, trước khi rời ngôi nhà đó về lại Sài Gòn, cô con gái tần ngần hỏi mẹ:
    - "Cô ở đây 2 đêm rồi có ... thấy gì không cô?"

    Té ra căn gác này có ma, lúc trước có vài người cũng vào trú thì ban đêm bị một ông lão râu bạc hiện ra và đuổi đi...
    Lúc chiếc ghe nhỏ chở ra tới ghe lớn, chiếc ghe lớn mở máy phóng hết ga thoát chạy khỏi được sự săn đuổi của tàu công an biên phòng rồi, thằng em mới có dịp đứng lên và ngước nhìn lại phía sau.
    Xa xa là mù mịt khoảng rừng đước trải dài. Có lẽ đây mới đích thị là "xào huyệt" của con quỷ một giò. Cũng may là nó đã len lỏi đi xuyên qua khu rừng bằng ghe, chứ đi đường bộ thì tránh sao khỏi sự đụng mặt với loài quỷ không đủ chân.
    May thế...

    Tuy vậy giờ lúc nào nghĩ lại nó vẫn thấy rờn rợn, ghê ghê với ... con quỷ một giò và khu rừng tên U Minh của cuốn truyện trang nhảm nhí ngày nào. Cẳng biết mấy chục năm sau, mấy kiểu truyện nhảm nhí cỡ ấy có còn được bán ở đầu chợ Bàn Cờ không?

    Chắc có quá. Con nít thời này chắc vẫn mê truyện tranh mà!

    Don Hồ
    Thứ tư 27 tháng 1, 2021

    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=261 ... 0643548996
    #donho #donhosinger #vietsinger #conquimotgio #runguminh #camau #vuotbien

    Hình ảnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 343 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 117 khách