Đăng trả lời 343 bài viết
DON HỒ: "You Are Mine"
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50020
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ :nồi cá thu kho & ngày tết

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 14, 2021 1:48 pm

    MÙI CỦA TẾT


    Hầu như tất cả mọi đứa trẻ đều mê Tết, mình cũng không ngoại lệ.

    Rồi có ai đó lại nói rằng:
    Con nít mê Tết phần lớn là vì những bao lì xì đỏ trong có nhét những tờ tiền giấy mới thơm phức mùi mực in.
    Không sai!

    Nhưng ngồi hồi tưởng lại những cái Tết êm đềm của thuở ấu thơ, sự hấp dẫn của Tết nó còn bao gồm nhiều thứ khác ngoài xấp bao lì xì dầy cui quyến rũ!

    Trước Tết khoảng mươi ngày, trước cả khi tiễn ông Táo về trời mẹ đã làm bà đại tướng "điều hành" đám con lau chùi, xịt nước rửa hết mớ cửa sổ trong nhà.

    Con nít mà, cái gì chứ dính tới cầm vòi nước xịt thì khoái lắm. Chùi rửa chắc chắn cũng có đấy, nhưng cơ hội được danh chính ngôn thuận mà nghịch nước với nhau thì nhiều hơn.
    Sau cửa sổ là tới bữa dọn bàn thờ, lau cửa kiếng.

    Cái màn này mình chẳng mấy thích vì bụi bặm dơ, nên hay kiếm cớ mắc đi học thêm mà trốn việc, mà ... lánh nạn.
    Ngày vui nhất trước Tết là ngày nấu bánh chưng.

    Tiếc cái, chẳng hiểu vì sao nhà mình thường không nấu nhiều, nhưng chỉ vài lần nấu thôi mà đã nhớ cho cả đời!
    Ôi chao cả gian bếp trong ngày này bầy la liệt những nào lá giong, đậu xanh, gạo nếp, thịt thà, giây lạt, v,v... đựng trong những cái rổ đặt trên sàn, ngó đã đủ thấy quá vui mắt rồi. Lại còn mấy bác hàng xóm qua phụ gói bánh, tán chuyện rân ran ồn cả một góc nhà nữa chứ.

    Ngồi vơ vẩn vòng quanh để chờ được sai. Thỉnh thoảng rình lúc không ai dòm, lén khều một nắm đậu xanh còn âm ấm, bóp cho thật chặt trong lòng bàn tay. Ôi sao mà đậu xanh nó có thể bùi & ngon đến như thế? Mà phải ăn lén nó mới đã kia.

    Cuối ngày, cố ý để dư mỗi thứ một chút, mẹ cho mỗi đứa con tự gói cho mình cái bánh chưng nho nhỏ, móp méo, xâu xấu. Khi bánh chín kiếm cái bánh của mình tự gói sao mà nó vui thế.
    Nhiều khi vì gói không khéo, cái bánh nó đổi dạng đến nỗi ngó nhận không ra luôn nhưng mở ra ăn vẫn thấy ngon, có lẽ vì là thành quả lao động của chính bản thân chăng?!

    Đêm thức canh nồi bánh chưng là đáng nhớ nhất.
    Ông anh rủ bạn lại, mấy cây guitar ngồi vòng quanh thùng phi bánh, lửa bập bùng.
    Ông anh sẵn cao ráo đẹp trai lại còn có giọng hát ấm áp truyền cảm. Và có lẽ tự biết thế nên mỗi lần có nấu bánh là lại phừng phừng mà rủ nhau đàn hát, và cứ thế mà cái chị em gái đêm ấy cứ nườm nượp lượn qua lượn lại thường xuyên hơn trước nhà như đàn bươm bướm...
    Rồi tiếp nối là tới đêm giao thừa.

    Trong lúc chờ đợi tới giờ nhiều khi mấy đứa con nằm ngủ vật vưỡng trên ghế xa-lông. TV đêm ấy hay để chiếu những chương trình nhạc Xuân, có mấy bài hát tới hát lui mà nghe vẫn thấy thích.
    Gần giờ giao thừa là cả đám được mẹ cho phép lôi đồ mới ra mặc để cả nhà cùng đi chùa lễ phật & hái lộc.
    Nhớ mãi cái lần mẹ mua từ đâu cho cái cravate con con màu đỏ xinh xinh, kẹp vào ngay cổ áo. Mặc vào mà đi đâu cũng tưởng là ai cũng đang ... dòm mình, mặt cứ thế mà hếch lên (con nít mà!).
    Ngôi chùa Long Hoa không xa nhà mấy nên cả nhà đi bộ tới chùa.
    Bố trong bộ đồ lớn veston lịch sự, tóc tai láng bóng. Mẹ diện áo dài màu thanh tú. Cả nhà 7 người nắm tay nhau mà đi.
    Chùa nghi ngút khói nhang & trầm hương. Tiếng "kong kong" của mõ, tiếng rền trầm trầm của chiềng làm rộn rã toàn cảnh của ngôi chùa nhỏ trong đêm giao thừa lên.

    Cả nhà bỏ giầy bên ngoài, bước vào trong chính điện mà xì xụp lạy Phật.
    Mẹ bảo: "Lạy Phật Tổ trước. Rồi qua tới Phật Quan Âm. Rồi sau đó mới tới Phật Di Lặc cùng các vị hộ pháp.
    Bố mẹ lầm rầm khấn gì trong miệng mà lâu lắm.
    Mấy đứa con thì lạy vài cái là xong xuôi rồi. Trong lúc chờ đợi bố mẹ, ngó vòng quanh!
    Lạy Phật xong đi ra hái lộc rồi đi về. Chùa Long Hoa nhỏ, không có sân nên cây cối được trồng trong chậu. Cứ mỗi lần giao thừa là dù muốn dù không cây cối của Chùa cũng ... trụi lũi!

    Có vài năm trước 75 cho đốt pháo. Xóm mù mịt những khói pháo ngó mơ mộng, mùi pháo thơm thơm hấp dẫn lắm.
    Về tới nhà là qua tới tục lệ "xông nhà" trước khi cả nhà được bước vào. Thông thường bố hay tự "xông nhà".
    Trong sân trước mẹ đã xếp trước một mâm để cúng giao thừa, đón Táo quân về. Lại thêm một màn xếp hàng thắp hương khấn vái.
    Và tiết mục cuối của đêm giao thừa là xếp hàng chúc Tết bố mẹ để nhận bao lì xì. Khi này đàn con được quyền nhón ăn những miếng mứt dừa, mứt sen, mứt bí, mứt gừng, cắn hạt dưa, đựng trong những chiếc hộp đẹp đẽ để trên bàn xa-lông.
    Cũng có nhiều lúc mẹ mở cái bánh chưng ra cho cả nhà ăn.
    Không khí của đêm giao thừa thích lắm, mùi pháo lẫn lộn với mùi nhang cùng trầm hương, lại thêm mùi nhang đốt muỗi nữa. Tất cả hoà lại thành một cái mùi "giao thừa của tuổi thơ" khó quên cùng khó kiếm lại được!
    Sáng mùng một.

    Lúc nào nắng cũng như tươi hơn những ngày khác (hình như ở Sài gòn không nhớ có ngày tết nào bị mưa!)
    Cái không khí của mấy ngày tết nó lạ lắm. Có lẽ màu sắc của những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa lay-ơn đã là cho bầu không khí tươi lên hơn những ngày bình thường.
    Bộ đồ mới của đêm qua được mặc vào lại. Cả nhà ngồi vào cùng ăn bữa cơm trưa gia đình đầu tiên của năm trong mùi nhang thoang thoảng từ trên bàn thờ.
    Những món ăn của ngày Tết cũng đăc biệt hơn. Có canh măng hầm chân giò, chả giò, dĩa đồ xào, giò chả, và chắc chắn không thể nào thiếu dĩa bánh chưng với dưa món & củ kiệu.
    Sáng mùng Một Tết gia đình xup họp bên bàn tiệc quả thật nó đầm ấm một cách lạ lùng lắm.
    Ăn xong là được tự do chạy qua nhà bác Liệu (chị của mẹ) hay cô chú Đát ở gần đó để được ... lì xì. Nhà bác Liệu dịp Tết các anh hay có lập sòng bài cào, bài xì-dách, tha hồ mà lấy tiền lì- xì ra mà đánh, chả ai cấm.
    Ăn thì ôm hết mà chạy. Còn thua thì nhiều khi ngồi rặn ra mà khóc để biết đâu được thương tình hay sợ mà các anh ... trả lại cho một ít.

    Mồng một nhiều người kiêng ra đường nên phần lớn ít ai tới nhà.
    Tới mùng hai các bác bắt đầu ào ào ghé thăm hỏi cùng chúc Tết. Ngày mùng hai này cũng là ngày mà các anh chị em không ai bảo ai mà dính cứng hết ở nhà để được lì xì. Lỡ dại có đi đâu mà về nghe có khách lại là tiếc hùi hụi vì không có nhà là coi như mất luôn bao lì xì!

    Qua tới ngày mùng 3, mùng 4 là Tết bắt đầu nhạt nhẽo đi dần, tuy rằng mấy đứa nhỏ vẫn nuối tiếc muốn kéo dài cái Tết ra...
    Sau 1975, vì tình hình kinh tế gia đình chẳng còn được như xưa nên những cái Tết cũng không còn vui nhiều.
    Ra tới ngoại quốc, cái Tết Nguyên Đán nó mới còn ... lãng nhách hơn nhiều.
    Tết rơi trong 3 ngày cuối tuần thì còn đỡ chứ Tết mà vào ngày thường thì chẳng có tí không khí gì vì chung quanh người Mỹ vẫn đi làm, thư vẫn được phát. Muốn có không khí Tết thì mỗi cá nhân phải tự tạo ra, tự đi kiếm đồ về mà trưng nhà cửa thôi.
    Về sau này người Việt tụ tập về California càng nhiều nên có cầu thì có cung, bắt đầu có chợ hoa, có những tiệm mở chỉ để ha.
    Các siêu thị của người Việt cũng bắt đầu bán đủ thứ đồ cho Tết. Các ngôi chùa thì giao thừa nào cũng đốt những phong pháo dài thòng nên Tết tới mọi người hay đi chùa để kiếm không khí Tết Nguyên Đán mà ở nhà không có, để được ngửi mùi khói pháo, để lạy Phật, xin xâm, hái lộc...
    Bởi thế California có lẽ là một vùng đất ngoài Việt Nam mà có được không khí Tết nhiều nhất.
    Nhưng dù cho thế nào đi nữa, vẫn chẳng kiếm được lại những cảm xúc về Tết của tuổi ấu thơ?! Có lẽ cái gì nằm trong tâm khảm, trong kỷ niệm lúc nào cũng thấy như đẹp hơn hiện thực chăng?

    Don Hồ
    Mùng Một Tết Tân Sửu.
    Thứ sáu 12 tháng 02, 2021
    (Hình chụp bởi nhiếp ảnh gia Huy Khiêm. Áo dài bởi nhà thiết kế Hulo's. Cám ơn Huy Khiêm & Hulo' nhiều.)
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo/?fbid=27 ... onhosinger #singerDonHo #vietsinger #donho #Tet #thelunarnewyear #journal #donhojournal

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50020
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ : chúa xạo, chúa xuân

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 14, 2021 1:51 pm

    CHÚA XẠO, CHÚA XUÂN

    Những lần hát show, nếu ở khách sạn ngon lành có thể đặt room service (đồ ăn khách sạn mang lên tận phòng), thì trước khi rời phòng đi tới nơi diễn thường hay đặt sẵn đồ ăn để trong phòng (phần lớn "room service" trong khách sạn đóng lúc nửa đêm).

    Hát xong mồ hôi mồ kê đầy người, về lại phòng là nhào vào tắm cho sạch sẽ. Xong mặc đồ thoải mái rồi ngồi vào ăn tối.
    Tuy mọi thứ có nguội chút xíu nhưng quen rồi, không gì sung sướng hơn là ăn trong sự thoải mái. Làm gì thì làm, vẫn đỡ hơn giờ phải vào nhà hàng ngồi đợi đồ ăn lên, rồi ăn xong còn phải đợi nhau, ít nhất cả tiếng rưỡi- 2 tiếng sau mới được về lại phòng.

    Nhưng không phải khách sạn nào cũng có hệ thống room service. Những lúc như thế, nếu gần ngay khách sạn có nhà hàng thì vẫn có thể đi bộ mua đồ ăn được.

    Cũng có những lúc khách sạn không có room service, mà chung quanh cũng chẳng có nhà hàng. Trường hợp như thế thì phải đành chịu chờ ban tổ chức "tiếp tế lương thực" hoặc đi ăn nhà hàng chung với mọi người sau show thôi.
    Một lần mùng một Tết của mấy năm về trước, hát xong mồ hôi cũng đầm đìa. Mệt cùng đói nhừ, xin cho được về phòng vì đã có sẵn đồ ăn trong phòng. Chị bầu show niềm nở:

    "Sao Don lại về phòng ăn? Tết nhất đâu thể thế được, phải về nhà chị mà ăn với mọi người thôi. Chị đã sửa soạn hết rồi. Ăn xong chị hứa sẽ chở ra lại khách sạn ngay..."
    Ở vào thế kẹt không thể từ chối được. Vả lại mùng một Tết, cũng muốn lâu lâu "phá lệ" một lần...
    Tại nhà chị ta, sau một vòng cụng ly rầm rầm mừng show thành công, cùng mừng Tết với mọi người (khoảng đâu 25 người, từ gia đình cho đến ban nhạc, cho đến khách quen từ show diễn), lén lấy một dĩa đồ ăn rồi kiếm một góc thoải mái ngồi sửa soạn "măm măm".

    Món ăn toàn đồ nhậu, nhưng thật ngon & sạch sẽ. Không biết chủ nhà đặt ở đâu mà ngon lành thế?
    Tay đang bốc cái càng cua rang me trơn trượt, loay hoay không biết làm sao để móc miếng thịt cua ra thì một anh chàng mặt đỏ như mặt trời mọc buổi sáng vì sừng sừng rượu, xà tới:
    - "Sao lại ngồi đây? Ly đâu rồi? Cụng ly chứ?"
    - "Đang đói qua mà toàn đồ ăn ngon, cầm lòng không đặng. Cho Don bỏ chút đồ ăn vô bụng đã rồi sẽ ra cụng với anh em mà..."
    Nói thế nhưng cũng với lấy chai beer uống dở của mình mà giơ lên cụng ly rượu của anh chàng kêu cái "keng"...
    - "Ùi, sao lại beer? "Hèn" vậy?! Tới đây ngày Tết thì phải uống rượu mới đặng chứ?"
    Nói rồi anh chàng với chai rượu mạnh trên bàn...
    - "Ahh... Don không uống được rượu. Beer được rồi mà..."
    - "Xạo!"

    - "Thật, nhỏ tới lớn chẳng bao giờ uống được một giọt rượu..."
    - "Xạo! Ai đó nói là you uống dữ lắm mà..."
    - "Ai nói giỡn đó. Rượu uống không được, nhưng beer thì uống... ok..."
    - "Ủa, zậy hả? Nhấp môi một miếng cũng không được sao?"
    - "Don có beer rồi nè, uống beer được rồi mà..."
    - "Thôi, không rượu mạnh thì ... ly rượu đỏ nhen?"
    - "Xin lỗi... Rượu đỏ cũng ... không uống được. Don dở lắm!"
    - "Xạo!"

    - "Thiệt! Cứ là rượu là không uống được. Ngay cả rượu Champagne khai vị cũng thế..."
    - "Xạo!"
    - "Thiệt..."
    - "Xạo! Ca sĩ gì kỳ zậy?"
    - "Kỳ gì đâu ạ? Đâu phải ca sĩ là ai cũng uống rượu, cũng hút thuốc?"
    - "Hà hà... Biết rồi nè, không hút thuốc nhưng ... xài "cái khác" phải không, hí hí?"
    - ""Cái khác???""

    - "Don muốn gì, tụi này sẽ có hết cho "you". Chơi hông?"
    - "Oh... Không không, mấy chai beer này là ngon lành rồi, mình không cần gì khác! Cám ơn..."
    - "Xạo! Ca sĩ nào mà chẳng xài?"
    - "Thiệt. Cám ơn. Ca sĩ nào khác thì Don không biết! Nhưng cá nhân Don ... không xài."
    - "Ờ, zậy hôm nay hỏng xài, bữa khác xài há..." (Ghét không?)
    Đang nói, anh chàng bỗng chòng chọc dòm vào dĩa đồ ăn mình đang cầm trên tay:
    - "Ủa, mà sao ăn mấy thứ này? Tiết canh ngon lắm, ăn một dĩa nha.
    - "Oh, lúc trước còn nhỏ, còn ở Sài gòn thì cũng … có ăn nhưng từ khi qua Mỹ tới giờ không ăn được nữa. Nên thôi để dành cho người nào thích thì người đó ăn,."
    - "Xạo nữa! Vậy ca sĩ cũng không ăn tiết canh luôn hả?"

    - "Don chỉ đang nói về bản thân mình thôi. Còn mấy người khác thì Don đâu biết!"
    Một tay vẫn còn cầm cái càng cua ướt nhẹp. Dĩa đồ ăn vẫn ngay đó đợi chờ, chưa được ăn miếng nào. Anh chàng "mặt trời mọc" trước mặt thì vẫn huyên thuyên, chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy muốn ... ngừng nghỉ mệt!
    Rảo mắt kiếm chị chủ nhà để cầu cứu thì chẳng thấy chị ta đâu cả!!
    Phía trước mặt "mặt trời mọc" bỗng bước tới choàng vai, đổi cách xưng hô nói chuyện ra vẻ thân thiết lắm, miệng toát ra toàn mùi rượu.
    - "Giờ "me" nói cho "you" nghe nha. Nãy giờ "you" từ chối "me" hơi nhiều. Giờ vậy nè: Ăn xong tụi này đi club nhảy, "you" phải đi chơi với "me" nha, không được từ chối."
    Tay cầm càng cua, sợ sauce cua dính áo anh ta nên cứ phải dạng tay ra tối đa.
    - "Sorry, Don phải về lại phòng để xếp valise cho kịp. Còn đúng 3 tiếng rưỡi nữa là phải ra lại phi trường rồi."
    - "Xạo! Máy bay gì mà bay sớm quá vậy?"
    - "Vé máy bay mua nó thế rồi, chuyến sớm nhất mà."
    Có cảm tưởng như anh chàng bắt đầu ... cù nhây!
    - "Thì "you" vô uống với tụi "me" khoảng một tiếng thôi, rồi về soạn valise. Vẫn còn dư giờ chán mà."
    Chỉ muốn có thể dứt điểm được câu chuyện để được ăn cho xong, rồi còn đi về...
    Vừa đúng lúc đó thì chị chủ nhà (kiêm luôn chủ show) bỗng từ đâu xuất hiện và cứu bồ.
    - "Ủa Don Hồ. Không ăn lẹ lên đi em rồi chị còn chở về."
    Và chỉ chờ có thế là cáo lỗi rồi cầm dĩa cơm mà chuồn qua chỗ khác đứng ào ào ăn.
    Trên đường trở về khách sạn, chị chủ nhà hỏi:
    - "Cái cậu bạn Don hồi nãy đâu mất rồi?"

    - "Don đâu biết chị!"
    - "Ủa, bộ không phải là bạn của Don sao?"
    - "Dạ không. Don gặp ở nhà chị, khách của chị mà. Don đâu biết anh ta là ai?!"
    - "Ủa, chị cũng đâu biết cậu ta đâu? Cứ tưởng là bạn của Don"
    Trời đất, để người lạ vào nhà mà cũng không biết luôn!!!
    Và về phần mình, cũng may mình không tin dị đoan, không kiêng cử gì hung. Chứ nếu không đầu năm đầu tháng gì mà hễ cứ mở miệng ra là bị ..."vùi dập", mở miệng ra là bị cho là "xạo" thì sẽ xúi quẩy, xui tận mạng cho cả năm cho coi.
    Mà năm mới năm me đã được cho "xạo" nhiều đến cỡ ấy thì có khác gì đã ... tấn phong mình thành "Chúa Xạo" luôn rồi còn gì?!
    Thông thường mọi năm chỉ có mỗi Chúa Xuân. Năm nay bỗng có xuất hiện thêm ... Chúa Xạo.
    Chúa Xạo đón Chúa Xuân.
    Và giờ mọi người biết luôn lý do tại sao mình luôn luôn từ chối đi ăn sau show diễnrồi nha.
    Nghĩ lại thấy cũng ... tội mình chứ.
    Mà bị hoài à...

    Don Hồ
    Mùng 2 Tết Tân Sửu
    13 tháng 2, 2021
    (Tấm hình vừa chụp mùng một Tết hôm qua, không dính líu gì tới câu chuyện vừa kể lại)

    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=272 ... 0643548996
    #donho #donhosinger #singerdonho #Tet #journal #donhojournal #vietsinger

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50020
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ :Nam CA mùa tết nguyên đán

    by music123 » Thứ 3 Tháng 2 16, 2021 11:01 am

    NAM CALIFORNIA MÙA TẾT NGUYÊN ĐÁN


    Thời tiết của miền Nam California trong cuối tuần lễ Tết vừa rồi thật tuyệt vời.

    Đêm Giao Thừa thứ năm không quá lạnh, ấm áp vừa đủ để có thể bầy mâm cúng Giao Thừa ngoài sân mà không phải co ro như mọi năm trước.

    Thứ sáu mồng một, thứ bảy mồng hai & chủ nhật mồng ba Tết (cũng là ngày Valentine's Day) không thể nào đẹp hơn. Buổi trưa có mặt trời ló ra, đi ra đường mặc chỉ có cái áo thun thôi thấy đã cái gì đâu. (Dĩ nhiên là tối đến thì nhiệt độ rớt xuống, vẫn còn mùa đông mà).

    Dự báo thời tiết báo là ngày thứ sáu mồng một Tết có thể trời sẽ mưa, thế mà cuối cùng chẳng mưa tới một giọt. Chả bù lại mọi năm cứ hễ người Việt có Hội Chợ Tết là ... trời mưa tầm tã. Mưa làm đất hoá thành bùn đi Hội Chợ mặc áo dài tèm nhẹp cả quần áo, các cô diện áo dài bị gió hất thổi tà áo tung cả lên măt mũi lòi bụng trắng hếu!

    Vui vì mấy ngày Tết tiết trời khô ráo, mặt trời rực rỡ quá đẹp. Nhưng lại lo vì tháng 2 thông thường là mùa mưa, thế mà năm nay lại chẳng có trận nào, thế nào rồi sau này tiểu bang cũng thiếu nước!

    Mọi năm những ngày Tết, nhất là đêm Giao Thừa là tiếng pháo Tết rền vang ở những thành phố có đông người Việt, ở những khu thương mại hoặc ở những ngôi chùa. Năm nay, cường độ của tiếng pháo giảm đi mất một nửa. Nhưng còn nghe được tiếng pháo cũng thấy may mắn rồi.

    Tình hình dịch bệnh có vẻ khấm khá hơn, không còn nghe tin người mình quen qua đời hàng ngày như tháng trước đây!
    Gym đã cho mở tập bên trong trở lại.

    Nhà hàng cũng bắt đầu cho mở cửa lại tuy vẫn phải ngồi bên ngoài trong thời tiết mùa đông. Tuy nhiên thấy làm như nhà hàng nào cũng sắm sửa cho mình những máy sưởi cho khách ngồi ăn có thể thoải mái hơn.

    Những ngày trước Tết, những con đường chính dẫn tới khu Việt Nam ở quận Cam (Orange County) bị kẹt xe hơn bình thường. Có lẽ do người Việt ở những vùng lân cận đổ về đi chợ sắm Tết, đi chợ hoa.

    Tuy lệnh tiểu bang vẫn không cho tụ họp nhưng mấy ngày Tết thấy parties tư nhân (private parties) vẫn được tổ chức tưng bừng.

    Có những parties yêu cầu người tham dự phải đi lấy Covid test. Có những parties không sợ gì cả vì phần lớn những người được mời dự đều đã được ... chích ngừa.

    Tình hình chích ngừa Covid 19 (cúm Tàu) ở California thấy cũng có vẻ khấm khá hơn những tiểu bang khác. Hệ thống chích ngừa cũng ngày càng hoàn thiện hơn, người đi chích không còn phải xếp hàng đợi quá lâu như trước kia. Tuy nhiên, bịnh dịch vẫn còn tiếp tục lây lan...

    Người ta tiên đoán sau Tết âm lịch bệnh dịch trong cộng đồng Á Châu sẽ tăng vọt, con số tử vong sẽ lại tăng lên.
    Tuy trong bụng cũng thật sự sợ như thế nhưng hy vọng cùng cầu mong phép lạ sẽ xảy ra ...


    Don Hồ
    Mùng ba Tết Tân Sửu
    14 tháng 2, 2021

    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo/?fbid=27 ... 0643548996
    #donho #donhosinger #singerdonho #vietsinger #Tet

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50020
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ:"Vui đời nghệ sĩ"

    by music123 » Thứ 4 Tháng 2 17, 2021 9:22 pm

    "VUI ĐỜI NGHỆ SĨ"

    https://www.youtube.com/watch?v=l3qsMIYwAlI

    Nhạc phẩm "Vui Đời Nghệ Sĩ" của nhạc sĩ Văn Phụng, được Trung Tâm Thuý Nga giao cho để quay trong chương trình Tết, Paris By Night #131 "Xuân Hy Vọng" giữa lúc dịch bệnh tăng đột biến trong cộng đồng người Việt tại Orange County.
    Chung quanh tình hình rất khẩn trương, ngày nào cũng nghe tin người mình ít nhiều quen biết qua đời trong bệnh viện. Có tuần lễ ghé viếng 6 cái đám tang một lúc. Có đám tang cả 2 bác lớn tuổi lây nhau ra đi cùng một lúc!

    Đi đâu cũng sợ bị dính bệnh. Làm gì cũng ngần ngại! Vậy mà nhận quay video, nói thật không dối lòng, sợ chứ!
    Lỡ dại chính mình bị dính đã sợ rồi, lại còn có thêm mẹ lớn tuổi ở nhà, không lo lắng sao được!

    Chính Trung Tâm Thuý Nga có lẽ cũng run lắm. Dự định quay rồi bỏ, rồi lại quay cả mấy lần...
    Mỗi lần Trung Tâm kêu huỷ lòng vừa mừng- vừa buồn. Xong lại có tin lại quay, lại vừa vui - vừa lo!
    Tâm lý con người thật phức tạp theo một môi trường phức tạp!
    Nhiều lúc tự nghĩ: Trong lúc này âm nhạc là thứ rất cần thiết, có th
    ể mang lại sự bình an tâm hồn, mang lại sự hy vọng cho mọi người trong một năm mới đang đến.
    Thế rồi quyết định cuối cùng là đi tới, vẫn quay.
    Trung tâm cẩn thận phần trung tâm, cá nhân mình cũng rất cẩn thận, cho bản thân & cho cả những người liên hệ chung quanh.

    "Vui Đời Nghệ Sĩ" là một nhạc phẩm hay của nhạc sĩ Văn Phụng mà mình chưa từng được nghe qua. Nhạc & lời vui tươi, lạc quan, nhưng không phải là một bản nhạc Xuân. Suy nghĩ nát óc làm cách nào để cho có chút không khí Tết trong bài cho khán giả có thể ngồi nhà mở coi trong dịp Tết mà không cảm thấy bị ... lạc quẻ?!

    Đọc tới đọc lui lời bài hát, thấy nhạc sĩ Văn Phụng có lẽ biên lời theo cuộc sống nghệ sĩ của chính ông, sao nó cũng giống cuộc sống của mình quá: Suốt ngày bay nhảy đi khắp nơi, mang lời ca tiếng hát đến làm niềm vui đến cho mọi người. Nhiều khi không ngủ đủ, người ngầy ngật mệt, nhưng lên sân khấu là phải vui cười, phải ca hát hết mình để rồi khi xuống dưới lại gục lên gục xuống tiếp.
    Ah thế thì tại sao lại ... không mang đời sống thật của mình vào video chứ? Rắc chút mắm muối bột ngọt cho video có thêm chút thi vị, đẹp đẽ:

    Một ban nhạc 5 người xách đàn cùng valise rày đây mai đó, vui chơi tang bồng, trình diễn với nhau ở khắp chốn. Thế rồi di chuyển, những giấc ngủ chưa đầy giấc đã lại phải thức dậy sửa soạn để mà lại ra sân khấu tiếp.
    Và nhân tố "Tết" trong tiết mục sẽ là tà áo dài Việt Nam. Một lúc nào đó, với cách nào đó cả đám sẽ chuyển đổi từ đồ Tây qua áo dài ngay trên sân khấu.

    Thế rồi đem ý kiến này bàn với Shanda Sawyer, người biên đạo múa tài ba của Trung Tâm.
    Cô ta nhẩy tưng tưng lên vì thích, vì đây cũng chính là cuộc sống của cô ta, một cô gái đầy nghệ sĩ tính.
    Cô ta bàn thêm: "Tại sao không thay qua đồ ngủ (pajamas) trên sân khấu trước khi qua áo dài há?"
    Giờ thì tới phiên Don Hồ nhẩy tưng tưng lên vì phấn khích. Quá thích đi chứ lị!
    Nhưng tiếc thay cuối cùng không thể thực hiện được vì trong tình trạng hiện tại, phải giản dị hoá tất cả mọi thứ để mọi người đỡ ... nhức đầu!

    Ý kiến đã qua được khâu của cô Shanda, còn một khâu quan trọng nhất phải qua nữa là: Sự chấp thuận của Trung Tâm.
    Cũng may Trung Tâm Thuý Nga là một trong những Trung Tâm chịu chơi cùng chịu chi nhất. Những gì có khả năng làm cho chương trình tốt hơn, thú vị hơn, hay hơn sẽ có khả năng được chấp thuận. Và cuối cùng mọi việc đã được chấp thuận thiệt.
    Khâu kế tiếp là khâu hoà âm bài nhạc xoay vòng theo cái "ý kiến". Thế là gọi phone cho nhạc sĩ Đồng Sơn, đưa cho Đồng Sơn tất cả những dữ kiện để Đồng Sơn có thể hướng mọi thứ theo kế hoạch đã vạch ra. Chẳng hạn như "4 người vũ công- nhạc sĩ" sẽ sử dụng cây vỹ cầm (violin), cây phong cầm (arcordion), cây guitar nhỏ xíu (Ukulele) & thùng trống Cajon thì bài hoà âm cũng phải có những âm thanh của dụng cụ này.

    Và vì quyết định cuối cùng quá gấp gáp, chỉ có non một tuần lễ để tập dợt cho một bài nhẩy cho tới lúc leo lên sân khấu.
    Đã thế, cô Shanda cao hứng quá nên đã cho người ca sĩ nhảy tùm lum theo vũ công.
    Những cái xoay người, hất hông tập dợt gấp rút trong một thời gian quá ngắn đã làm cho cơ thể không thích ứng kịp, phần hông đau quặn buổi sáng thức dậy ngồi lên chẳng nổi!
    Có bữa lo lắng không biết mình có thể thực hiện nổi không, hỏi dò với cô Marie Tô:
    - "Chuyến này thời gian ít mà nhảy nhiều quá, không biết có lo kịp không?!"

    Thì bị la & bảo:
    - "Tại sao không nói Shanda bỏ bớt đi. Nhảy ít ít đi, chỉ đứng hát & diễn thôi cũng được rồi."
    Nhưng suy nghĩ cho cùng, mình cũng muốn làm cho tới, nên phải ráng hết mình vậy. Những lúc đau quá thì uống 2 viên Advil cho giảm cơn đau.

    Vì ráng quá nên quay video xong cả 3 tuần mà cơ thể vẫn còn bị ê ẩm, nhưng cho tới bây giờ vẫn thấy sự cố gắng đã xứng đáng lắm. Nếu phải làm lại mình cũng sẽ quyết định y chang.
    Mấy lần tập dợt với vũ công chuyến này mới thấy tội cho họ. Như mọi người khác, các vũ công cũng sợ bệnh dịch. Mọi người đeo một cái khẩu trang thì khi tập phần lớn những người vũ công họ đeo chồng 2 cái lên nhau.
    Tưởng tượng nhảy cần hít thở nhiều mà 2 cái khẩu trang nó chặn hết oxygen thì sẽ mệt & khó chịu đến mức nào? Thế mà chẳng nghe thấy một lời than vãn nào!

    Trong những lần dợt trước thường hay có "nghỉ giải lao" để uống nước, thì những lần dợt này lại có thêm những lần "nghỉ để thở". Tức là mọi người chạy ào ra đường kiếm một góc mà tháo khẩu trang ra mà hít thở khí trời cho thật đã để rồi lại đeo vào...
    Mình lo khâu kiếm 5 cái valises. Lúc mang tới trễ giờ không kịp sát trùng là phải nhảy vào tập rồi. Xin lỗi mấy người vũ công thì họ nói:
    "Đừng lo, tụi tôi sẽ không đụng tay lên mặt cho tới khi tập xong, rửa tay đàng hoàng trước!"
    thì mới thấy họ cẩn thận cho chính họ như thế nào.

    Ngay cả cô Shanda Sawyer đã không chấp nhận cho bất cứ một người bạn nào của những người ca sĩ có mặt trong chỗ tập dợt vì họ đã không có giấy chứng nhận thử nghiệm âm tính với dịch Covid 19.
    Những cái "cẩn thận" thật sự của mọi người đã khiến mình thấy an toàn hơn.
    Phải công nhận đây là một lần quay video bị chi phối nhất vì tình hình chung quanh.
    Đang tập thì được biết ngày hôm sau mẹ được cái hẹn đi chích ngừa, thế là phải sắp xếp mọi thứ để chở mẹ đi ngày hôm sau. Đâu biết lâu mau thế nào!
    Rồi khi về còn phải lo để tâm theo dõi xem mẹ có bị phản ứng thuốc, phải lo cho những bữa ăn phòng khi mẹ mệt không thể nấu được.

    Rồi lại còn viếng những đám tang mà mình không thể bỏ qua. Ối chao là nhiều thứ làm phân tâm!
    Ngay cả khi quay xong video rồi, cá nhân mình vẫn hồi hộp trong cả 2 tuần lễ sau đó. Vì cho dẫu cẩn thận đến mức nào đi chăng nữa thì làm sao biết được những rủi ro có thể xảy ra, vì con virus đâu thể nhìn thấy được!

    Cho tới lúc này, video "Xuân Hy Vọng" Paris By Night #131 đã ra rồi, ngó lại thành quả lại thấy hiện ra trước mắt bao nhiêu sự cố gắng, bao giọt mồ hôi, bao sự lo toan của bao nhiêu người trong những ngày đó.
    Và mai mốt khi trận dịch đã qua rồi, mỗi lần coi lại "Xuân Hy Vọng" chắc chắn sẽ lại thấy những kỷ niệm tràn về. Và sẽ thấy đôi chút hãnh diện khi mình được góp phần mang không khí Tết đến mọi người trong khoảng thời gian đen tối nhất...
    (Chút tản mạn để nếu vị nào tò mò có thể biết được diễn biến của việc sửa soạn cho một tiết mục quay trong chương trình Paris By Night trong khi dịch Covid đang hoành hành...)

    Don Hồ
    Mùng 4 Tết
    Thứ hai 15 tháng 2, 2021

    (Hình chụp bởi Nhiếp ảnh gia Huy Khiêm, graphics bởi Don Hồ.

    Người nữ vũ công trong bộ suit xanh là Tracy Shibata. Cô áo hồng là Taeko McCarroll)
    NGUỒN:

    https://www.facebook.com/photo?fbid=273 ... 0643548996
    #donhosinger #singerdonho #donho #vietsinger #parisbynight131 #parisbynightxuanhyvong #xuanhyvong #vuidoinghesi #vanphu

    Hình ảnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 343 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 73 khách