Bạn đang xem trang 31 / 86 trang

Re: DON HỒ: Ngày vui như mở hội:dẫn mẹ đi vaccine

Đã gửi: Thứ 3 Tháng 1 12, 2021 11:22 am
by music123
NGÀY VUI NHƯ MỞ HỘI


Sáng sớm chủ nhật, bỏ luôn cái thú ngủ nướng cuối tuần, dậy sớm chở mẹ đi chích ngừa Covid 19.


Lần chích này cho những vị cao niên trên 75 tuổi.

Việc chích ngừa ở California có lẽ đã bước qua giai đoạn 1b: Chích ngừa cho những ông bà cao niên, những vị trong viện dưỡng lão, là những người dễ bị vướng phải dịch mà cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại được sự tấn công của loài vi khuẩn độc ác.

(Giai đoạn 1 là chích ngừa cho những người làm ở tuyến đầu, trong bệnh viện, trong ngành y tế.)

Chả biết mẹ thấy trong lòng ra sao chứ lòng thằng con vui như Tết.

Có 2 mẹ con, cái lo nhất của 9 tháng nay là đi đâu lỡ dại lôi virus về nhà lây cho mẹ!

Chở thêm dùm cô Diễm Phúc (cũng 80 tuổi), người không có phương tiện để lái tới nơi chích.

Trước khi đi có giao hẹn trước:

Lên xe là đeo 2 lần khẩu trang, đeo tấm chắn mặt, đeo găng tay để bảo vệ cho nhau.

Không phải sợ cô lây cho mình mà sợ bên mình lây cho cô. Vì làm sao biết được, căn bịnh này có ai thấy được nó đâu!
Có hẹn trước giờ chích.

Nơi chích là ngoài bãi đậu xe của Hội Cao Niên Á-Mỹ (The Asian-American Senior Citizen Center).

Một hàng dài các ông bà người Việt, người Hoa, ngay cả người Phi, đã xếp hàng. Cũng may trời quá đẹp nên chờ đợi trong hàng cũng không đến nỗi quá mệt mỏi cho người lớn tuổi.

Mẹ & cô Diễm Phúc thuộc vào dạng người "khoẻ mạnh" trong những ông bà cụ này.

Những người khác phần lớn chống gậy, hoặc ngồi xe lăn đẩy tới. Tuy nhiên dường như ai lòng cũng rất vui vẻ vì được chích ngừa.

Sự sắp xếp ở đây rất chặt chẽ, khoa học & lẹ làng. Hàng dài thế mà sự chờ đợi chẳng lâu lắm.

Những vị nào đứng lâu không được thì có ghế để ngồi chờ.

Có rất nhiều người trẻ tuổi xung phong giúp đỡ công việc giấy tờ cùng những công việc linh tinh khác.

Bàn ghế được khử trùng liên tục khi từng người vừa xong.

Những thiện nguyện viên biết nói tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tiếng Hoa nên càng làm cho công việc chạy nhanh hơn.

Đứng trong hàng khoảng 20 phút thì tới phiên mẹ & cô Diễm Phúc.

Anh chàng thiện nguyện viên trẻ tuổi nói chuyện thưa gửi rất lễ phép dễ gây cảm tình, nói năng gọn ghẽ dễ hiểu.

Giấy tờ xong chờ phiên được bác sĩ chích thêm khoảng 7 phút. Thuốc của hãng Moderna.

Người dân được chích free, không tốn một đồng nào cả.

Chích xong đi tới bàn khác lấy giấy chứng nhận chích lần một.

Sau 28 ngày sẽ thích thêm một lần nữa là xong xuôi, an toàn.

Sau đó những người đã được chích sẽ được hướng dẫn đi qua ngồi ở một căn lều khác, chờ khoảng 15 phút để xem có ai bị phản ứng thuốc không.

Rồi tiếp nối là có thể thơ thới ra về.

Theo lời một bác sĩ quen dặn: Uống 2 viên thuốc Tylenol sau khi chích để phòng hờ bị đau.

Hỏi mẹ: "Mẹ chích có đau không?" Mẹ trả lời: "Không, chẳng đau gì cả!"


Thằng con thở phào khi 3 người rời nơi chích để ra xe đi về, lòng thơ thới vui. Cả 3 người đều vui.
Ngộ cái tuy ... đi chích nhưng tất cả mọi người ai nấy thấy làm như rất hân hoan trong lòng nên không khí cảm thấy như có gì đó rộn ràng giống... ngày lễ hội chi đó, cộng thêm trời buổi xế trưa nắng Cali nhè nhẹ, ấm áp tuyệt vời càng làm bầu không khí thêm tươi rói...

Càng ngày càng thấy cánh cửa hy vọng hé mở rộng ra thêm.

Hôm nay những người trên 75 tuổi được chích thì tuần sau hay sau nữa sẽ tới những vị trên 65. Và cứ thế tuần tự mà sẽ đến phiên tất cả mọi người đều được chích ngừa lúc nào không hay.

Phiên những người như ... mình có lẽ ... cuối cùng. Nhưng không sao, chờ cả 9 tháng rồi thì giờ thêm vài tháng nữa cũng chả sao. Sống trong sự cẩn thận riết rồi cũng đã quen mất rồi!

Nghe tin ở các quốc gia khác đã bắt đầu công cuộc chích ngừa còn sớm hơn cả Mỹ. Cầu mong cho đến một ngày toàn cầu được chích ngừa để rồi chúng ta không ai còn phải khiếp sợ cái loại Virus cúm Tàu này nữa.

Và rồi cho dẫu tất cả chúng ta có phải đeo khẩu trang & áp dụng những biện pháp đề phòng thêm một vài năm nữa cũng chẳng sao. Miễn là con số tử vong vì trận đại dịch này chấm dứt.

Tự dưng thèm cái cảnh 3 người được bước vào một nhà hàng nào đó ăn 3 tô phở bò nóng khói nghi ngút. Nhưng thôi, ráng chờ thêm vài tháng nữa rồi thì tha hồ. "Dục tốc bất đạt" mà.

Lâu lâu xổ nho chùm ra mà chẳng biết nhớ có đúng hay không...

Don Hồ
Thứ hai 11 tháng 1, 2021
NGUỒN:
https://www.facebook.com/photo?fbid=252074316279962...

Hình ảnh

Re: DON HỒ: Ngày vui như mở hội:dẫn mẹ đi vaccine

Đã gửi: Thứ 6 Tháng 1 15, 2021 5:23 pm
by music123
Xưa đông vui, giờ đông ớn.

Tấm hình chụp cho tiết mục mở màn của buổi Thi Hoa Hậu trên vùng San Jose, Có lẽ cũng phải 2 năm về trước, thời cuộc sống còn... hoa mộng hơn.

Sau 9 tháng với trận dịch, giờ ngó lại mấy tấm hình chụp có nhiều người ở trong cùng một căn phòng, bắt đầu thấy ... hơi lạ mắt.

Đến bao giờ thì mới sẽ lại được đứng chung, tụ họp đông đông cỡ thế mà không cảm thấy hồi hộp há?

Don Hồ
Thứ ba 12 tháng 1, 2021

Hình ảnh

Re: DON HỒ: Ai trở về xứ việt...

Đã gửi: Thứ 6 Tháng 1 15, 2021 5:27 pm
by music123
AI TRỞ VỀ XỨ VIỆT...

- "Ai đi về xứ Việt thăm dùm ta, người ấy ở trong tù...

Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc, thay dùm ai màu trời ngục âm u..." (*)

Tiếng hát thong dong vọng lên từ đuôi ghe, từ một cặp trẻ tuổi có lẽ là tình nhân. Bài hát thật lạ tai nhưng lời lẽ thấm thía & hợp vào tâm trạng của những người đang nằm bò lê bò càng trên con tàu nhỏ chập chùng vượt đại dương.

Tuy đang bị say sóng dở sống dở chết, cũng có lúc tò mò, ráng lấy hết sức bình sinh nó cố ngóc đầu lên để ngó coi họ là ai mà có thể yêu đời đến thế.

Bật ra trên vùng trời xanh ngắt đàng sau lưng, họ thật sự trẻ trung quá, ôi thật đẹp đôi làm sao...

Nàng cỡ tuổi đơi mươi, thanh thoát, nhẹ nhàng.

Đôi môi mọng đỏ tựa cánh đào đầu xuân. Chiếc khăn tay ca rô của đàn ông đang được chàng trìu mết cột lên đầu che nắng cho nàng vẫn để lọt ra một lọn tóc nhẹ bồng bềnh phất phơ theo gió như đuôi cánh diều.

Nàng dựa nhẹ người vào chàng, trông như có vẻ mệt mỏi nhưng mãn nguyện , đầy hạnh phúc.
Chàng có lẽ cũng trạc cùng lứa.

Đôi mắt sáng dưới cặp lông mày rậm, dầy và thẳng đầy nghị lực. Cặp môi vừa phải, cân đối với cặp lông mày, lúc nào cũng như chực nở nụ cười.

Chàng ngân nga hát như chỉ cho riêng nàng, giọng mông lung, ấm áp. Lưng bàn tay chàng nhẹ mơn trơn những ngọn lông măng trên cánh tay nàng. Nàng nhắm hờ mắt, đôi lúc cũng hòa hát theo chàng, khuôn mặt hơi ngước lên như đang say đắm thưởng thức.

Họ thật đẹp, thật tươi sáng! Khỏe mạnh như những con sóng bạc đầu đang đưa chiếc ghe xa dần giải đất mờ mờ xa của chóp mũi Cà Mau... Thoáng lướt nhìn qua cách ăn mặc của họ có thể đoán được rằng họ đã phải xuất thân từ Sài gòn, từ những gia đình thuộc loại kinh tế khá giả.



Nó nằm liệt!

Nỗi hân hoan sung sướng khi được đứng trên con tàu tung mình trên sóng đã bị quật ngã bởi cơn cuồng quay đến thật bất ngờ, không điềm báo trước.

Viên thuốc tây chống say sóng mắc tiền được mẹ mua lén lút ngoài chợ trời, dúi cho, chưa kịp tan vào cơ thể chắc đã bị tống ra với tất cả lượng nước đang có trong người. Nó ói liên tục nhiều lần...

Ói không kịp tránh né.

Không kịp cả xoay đầu qua bên. Không ngờ nó dễ bị say sóng như thế này! Ra hết "mật xanh" rồi qua đến "mật vàng". Khi không còn nước trong người thì chuyển qua tới "ói khô"!

"Ói khô" tức là vẫn còn ói nhưng chẳng còn lại thứ gì trong bụng để ói ra.

Cái loại này mới đáng sợ & thật kinh khủng! Đầu óc như mòng quay theo vòng luân hồi của trời đất. Cơ thể rũ ra. Đuối đến tận cùng của thể xác nhưng thần trí vẫn còn tương đối tỉnh hơn, vẫn đủ để nhận biết được chút sự việc chung quanh...

Lạ một chỗ, lúc còn chạy trên sông ra cửa biển, chiếc ghe nhỏ xếp người như nén cá mòi. chật ních! Đám người bị ép sát chặt vào nhau, ngột ngạt khó thở, chỗ ngồi còn chen chúc nhau nữa chứ đừng nói đến chỗ nằm. Thế mà bây giờ, chỉ sau 4 tiếng đồng hồ con tàu tròng trành trên những đọn sóng, liên tục lắc qua lắc lại, bỗng trở nên rộng rinh tự lúc nào. Cơ thể con người ta có thể teo bớt một cách nhanh chóng như thế chăng?

Người già, người trẻ, người lớn, người bé, đàn ông, đàn bà nằm la liệt, ói lênh láng!
Ói lên chính mình vì không còn đủ sức ngóc dậy...

Ói luôn lên cả người bên cạnh!

Chất thải từ những lần ói tràn lan, hòa vào cái sâm sấp của mớ nước biển đang ong óc sẵn trên sàn tàu tạo thành một thứ dung dịch lởn nhởn, sền sệt, chòng chành qua lại không lối thoát tạo thành một mùi chua chua nồng nặc thật khó chịu, bốc lên trong cái không gian chật hẹp ... Mỗi khi có đợt sóng mạnh làm con tàu lắc lư, dòng nước ấy bị hất lên, đập lên quần áo, tràn qua cổ, vào xuống cánh tay trần, lợn cợn, nhờn nhợn, lạnh lạnh!

- "... Ai trở về xứ Việt nhắn dùm ta, người ấy ở trong tù...

Nghe đâu đây vang giọng hờn rên xiết, dài lắm không, đằng đẳng mấy mùa thu..." (*)

Quả thật ngày như dài đăng đẳng...

Sát bên cạnh nó, một con bé cũng nằm lăn quay cu đơ.

Từ lúc lên tàu & bị đẩy dồn vào ngồi cạnh nhau, nó chưa hề nghe con bé ấy nói một tiếng nào. Cho dù có lúc bị lấn, té bổ ngửa vào lườn tàu đầu đập vào ván gỗ nghe cái bốp, con bé tuy choáng váng rồi cũng gượng bật lại dậy, thở dài chịu đựng!

Nó chú ý tới con bé vì con bé có vẻ nhỏ lắm, cũng chỉ xâm xấp ngang tuổi nó là cùng. Mà dường như con bé ấy vượt biên chỉ có ...mỗi một mình!

Quần áo sậm màu, có vẻ như quần áo đàn ông.

Mái tóc cắt ngắn.

Khuôn mặt hơi sậm nắn. Không đẹp mà tỏa ra môt cái vẻ gì bương bướng đầy gai góc.

Con bé nằm thu lu thu mình lại, cũng ói đầy như ai. Nhưng vẫn còn ráng giữ ý lật đầu sang một bên và nén tiếng...

Nó & con bé giống nhau.

Dường như con bé cũng đã chợt nghe được anh Thắng nó vài phút trước đó hớt hãi nhảy bổ tới từ phía sau tàu, thầm thì vào tai thằng em, bảo " Hai anh em phải nhảy xuống bơi ngược vào đất liền ngay thì còn mong sống sót!" Vì con tàu tổng cộng 38 người ra khơi chỉ với 2/3 can nước 20 lít & không đầy 2 can dầu máy cũng 20 lít. Có đi theo nữa chỉ hoàn chết, vì con tàu ngay từ lúc ban đầu đã có ý được đẩy ra khơi để đi vào cửa tử...

Khi ấy đang hăng quá, lần đầu tiên nó được đứng trên con tàu vượt sóng giữa vùng trời biển lồng lộng gió. Lần đầu tiên trong đời đang được "biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông" (+), bỏ lại phía sau lưng vùng đất liền cũng đầy sóng gió, tít xa... Nó đã phản đối, không chịu! Bảo:

"Anh Thắng muốn nhảy bơi vào thì nhảy đi, còn Dũng ...ở lại tàu!".

Lời nói của nó lúc ấy có lẽ đã như lời quyết định cho cả 2 anh em. Anh Thắng im lặng cho vài phút rồi bỏ nó đó, leo trở ngược trở lại đuôi tàu, để làm gì nó cũng chẳng biết!

Còn con bé bên cạnh thì ném nhanh cho nó một cái nhìn bén như dao. Nó không hiểu được cái nhìn ấy và thực sự cũng chẳng màng...
- 15' sau đó, nó bị vật ngã bởi cơn say sóng?

Hay bị vật ngã vì nỗi sợ hãi bởi những điều anh nó vừa cho hay??? Có lẽ bởi ...cả hai!

- 6 tiếng đồng hồ sau nữa, ngưỡng cửa định mệnh đã ken két kéo lên chờ đón chiếc ghe chui vào khi máy tàu đang "bành bạch"chạy ngon lành bỗng dưng dở chứng, tung khói mù mịt rồi ngưng bặt, đứng máy luôn!

Không đủ dụng cụ, mà chắc cũng không một ai trên tàu có đủ khả năng để chữa...

Chân vịt ngừng quay luôn từ lúc ấy! Con tàu đành phải để buông trôi phó mặc số trời.

Bao bố được chăng làm buồm thế cho máy, nhưng trời biển mù mịt, không khí nặng như chì, không có lấy một làn gió nhẹ thì lấy gì thổi cho buồm căng lên?!

- 3 ngày sau kế, đám người trên tàu bắt đầu thoi thóp vì kiệt sức. Có gạo để nấu cơm ăn, nhưng chẳng có nước...

Mỗi người, ngày 3 lần, được chia phần ... 6 giọt nước cầm chừng. Vâng, đúng 6 giọt chứ không phải 6 ngụm.

Nhỏ vào miệng từng người bằng "công tờ gút" của chai thuốc nhỏ mắt.

Thật ngạc nhiên khi mỗi lần phát nước thật rất trật tự tuy đôi lúc cũng có những lời cự nhẹ hoặc năn nỉ xin thêm vài giọt cho đứa con nhỏ... Hoặc nhường luôn phần nước của mình cho con ...

Anh Thắng, với kiến thức sinh viên xuất thân từ Đại học Khoa Học Sài gòn, bắt đầu tham gia vào những cuộc "cố gắng trong vô vọng" - điều chế nước ngọt từ nước biển với vài người khác...

Phía đàng sau đuôi ghe, nàng bắt đầu lả đi, kiệt sức vì mất nước. Chàng, mặt đỏ lừ. Làn da môi dộp lên bỏng nắng nhưng vẫn cố gắng đối chọi với tình thế, làm cột trụ ôm ghì nàng vào lòng!

Đã không còn nghe thấy những câu nói đầy hy vọng để động viên nhau...

Chỉ lâu lâu giọng chàng thêm trầm thật trầm lại thoát ra câu hát chẳng còn chất đầy sinh khí như vài ngày trước. Hát mà không ra hơi, rời rạc, thều thào...


- "Ai trở về xứ Việt, ta gửi về theo một ít tự do... tự do... tự do..." (*)
"Tự do" ư? Nghe nói ở đâu đó bên kia mặt đại dương mênh mông này, có nữ thần Tự Do sừng sững đứng ngó thẳng ra biển, dơ cao ngọn đuốc công lý? Mỉa mai thay, có phải nữ thần đã đánh rơi đi mất ngọn đuốc để mà nhặt thế vào bằng ..lưỡi hái, đang lởn vởn ngay tại quanh đây?


Có lúc nó nghĩ có lẽ con bé đã chết chăng, vì chẳng hề thấy nó động đậy! Cho mãi đến một lúc thấy một dòng nước mắt nhỏ tuôn ra từ đuôi mắt con bé, thì mới biết con bé vẫn còn sống...

Nhưng có lẽ nếu con bé chết đi lúc đó có lẽ nó sẽ hạnh phúc hơn...


Mà tại sao con bé lại không chết được lúc đó cơ chứ???

Chiếc ghe bất hạnh đang từ từ trôi từ cửa này qua một cánh cửa khác...Cánh cửa của nghiệt oan! Chiếc ghe đang lạc
vào vòng đai của loài hải tặc, cướp biển hung dữ!


Những tiếng gầm rú man rợ...

Những thân hình đen đúa ngang dọc đầy vết xâm, xà rông quấn sặc sỡ...

Những vệt dao mác quơ trên không trung, vùn vụt lạnh ngắt, loá sáng...

Những nòng súng kim loại đen ngòm, bóng loáng, đe doạ, chỉa thẳng vào đám người...

Những tiếng cười từng cơn của loài dã thú đội lốt con người...

Nàng & con bé là hai trong số bốn người con gái bị ném qua tàu cướp biển Thái đầu tiên. Lếch thếch, ngả nghiêng, không một sức kháng cự...

Con bé dẫy dụa nhẹ rồi quay vụt lại, ném cho nó một cái nhìn cuối cùng, rỗng tuếch, vô hồn!

Lần này có lẽ nó đã ...hiểu được con bé:

Nó đã là người coi như gần gũi con bé nhất trên chiếc ghe định mệnh. Và cái nhìn kia như là một lời giã từ gởi đến một người thân.

Một cái giã từ chẳng còn có được nổi một giọt nước mắt...
...
Cả 4 người con gái đã mất tích luôn, chẳng bao giờ tìm lại được...

Và cái nhìn của con bé, đã đeo đẳng, ám ảnh nó đã mấy chục năm qua.

Và có lẽ sẽ còn theo mãi cho đến tận cuối cuộc đời...

Don Hồ
12 tháng 1, 2021

(viết lại bài đã được đăng từ ngày 2 tháng 2, 2010)

(*) Bài hát "Ai Trở Về Xứ Việt". Thơ: Minh Đức Hoài Trinh. Nhạc: Phan Văn Hưng
(+) Bài hát "Viễn Du" của nhạc sĩ Phạm Duy.

Hình lấy từ trên internet, không biết của ai. Dường như được chụp từ trên tàu lớn đang tấp vào để cứu chiếc ghe vượt biển của người Việt Tị nạn.

NGUỒN:
https://www.facebook.com/photo?fbid=253 ... 0643548996

Hình ảnh

Re: DON HỒ: Ai trở về xứ việt...

Đã gửi: Thứ 6 Tháng 1 15, 2021 5:36 pm
by music123
TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ CHÍCH NGỪA COVID TẠI ORANGE COUNTY, MIỀN NAM CALIFORNIA

Tin mới nhất mới biết được là ở Orange County (miền Nam California) đã bắt đầu cho những vị cao niên trên 65 tuổi chích ngừa Covid-19, nhưng phải register để có giờ hẹn.

Vấn đề là làm sao để lấy được hẹn vì Website lúc nào cũng bị đứng vì quá đông người vào.

https://covid19.othena.com/patient-regi ... /agreement

https://www.facebook.com/126869922564/p ... 151227565/

Bên trên là 2 trong những website mà mình được biết để bạn có thể vào tới vào lui cho tới khi nào được thì thôi.
Hoặc nếu bạn có những websites khác để vào đăng ký thì cứ thử vào hết để coi cái nào cho mình vào làm.

Có những thông tin đưa ra những địa chỉ & báo rằng có thể tới tận nơi & bước vào để mà chích ngay, thì theo những người bạn hôm qua & hôm nay đã đưa người thân đi thì tới nơi toàn bị "đuổi về" vì hiện tại họ chỉ nhận lo cho những người nào có lấy hẹn trước mà thôi. Tuy nhiên, bạn có thể vẫn cứ thử cầu may nếu bạn thích.

Xin lỗi, mình chỉ biết tin về Orange County ở miền Nam California mà thôi, những counties khác của CA hoặc tiểu bang khác thì mình không được biết vì mỗi chỗ có nguyên tắc làm việc khác nhau tuỳ theo nhân lực & số dân ở vùng đó.
Cầu chúc tất cả chúng ta thật may mắn.

Trong lúc chờ đợi, xin giữ sức khoẻ, tránh tụ họp,

đeo khẩu trang & rửa tay thường xuyên...

Thân mến,

Don Hồ

Hình ảnh