Bạn đang xem trang 32 / 86 trang

Re: DON HỒ: Ai trở về xứ việt...

Đã gửi: Thứ 6 Tháng 1 15, 2021 5:41 pm
by music123
CHUYỆN MỘT NGÀY MÙA ĐÔNG

Công việc làm cần phải có tờ giấy chứng nhận Covid-âm tính, buổi sáng lò mò dậy sớm đi xét nghiệm. Đây là lần đi xét nghiệm thứ tư của mình. Mà lần nào cũng như lần nấy, khoảng thời gian chờ đợi kết quả về khi nào cũng hồi hộp. Nghĩ tới một ngày lỡ nhận được kết quả ..."Dương tính", khi ấy mình sẽ phải làm chi ta?!

Trời lạnh phải mặc tròng mấy lớp áo để giữ ấm.

Chụp tấm hình chơi ,ngó lại mà giật mình khi thấy mình chẳng mấy giống ... người địa cầu!

Mới năm ngoái thôi, đi đâu mà bịt mặt kín mít như thế này thì sẽ bị người chung quanh để ý dòm chừng & có cơ hội bị gọi báo cảnh sát.

Vì chỉ có kẻ gian, có gian ý thì mới dấu mặt để ...mưu đồ bất chính.

Rồi dịch tới!

Đùng một cái, tất cả mọi thứ bị đảo lộn tùng phèo.

Nam Cali đã từ mấy tháng nay đi ra chốn công cộng mà không bịt mặt là bị người Mỹ họ né.

Đi vô chợ, vô siêu thị mà không đeo là bị đuổi ra tức thời, không có ong-đơ phân trần "tại bị" chi cả.

Mà được cái là khẩu trang đeo riết rồi nó có quen dần.

Khi trước tập thể thao trong gym đeo khẩu trang theo qui định của tiểu bang, ôi thôi nó mới ngạt thở & khó chịu làm sao!

Giờ bắt đầu quen rồi thấy đeo nó trong mọi tình huống cũng ...ok, chẳng phải là chuyện chi to tát cho lắm.

Để rồi xem nha, mai mốt hết dịch, luật bắt đeo khẩu trang được bỏ đi không cần nữa, khi ấy khối người bỏ khâu trang đi sẽ thấy mặt mình hôm ấy nó ... thiêu thiếu, trông trống cái gì đó, cảm tưởng sẽ giống như ra đường mà mặc thiếu cái áo hay cái quần vậy.

Và mình sẽ một trong những người đó đây.

Bảo đảm luôn...

Don Hồ
14 tháng 1, 2021
NGUỒN:
https://www.facebook.com/photo/?fbid=25 ... 0643548996
Comments

Hình ảnh

Re: DON HỒ: Chú cuội ngồi gốc cây đa

Đã gửi: Thứ 7 Tháng 1 16, 2021 9:39 am
by music123
TRUYỀN THUYẾT CHÚ CUỘI NGỒI GỐC CÂY ĐA

Một ngày mùa đông đi làm việc ở thành phố North Hollywood.

Giờ giải lao lấy xe chạy lòng vòng ngắm cảnh thì bất chợt sao lại lạc vào một công viên trải dầy lá vàng của mùa thu, cực kỳ lãng mạn...

Khoái quá, ghé gốc cây gồi chơi mà tự dưng trong đầu nhớ lại truyền thuyết về chú cuội ngày xưa:

Anh chàng tiều phu tên Cuội một hôm tìm được loài cây quí có khả năng giúp con người hồi sinh, đem về trồng.

Cây thần dược nên được khuyên phải tưới bằng nước sạch.

Một hôm cuội đi vắng, vợ cuội đãng trí sao mà đi ra vườn mà ghé ... tè vào ngay gốc cây (chắc cô vợ bị bịnh đái giắt!).
Cây như bị rưới át xít, chắc xót quá nên răng rắc chuyển động, bứng cả rễ lên mà từ từ bay lên trời.

Đúng ngay lúc đó cuội vừa về lại nhà, thấy cây đang lơ lửng trên không bèn hốt hoảng nhảy nhào vào chụp vội lấy chùm rễ của cây yêu cây quí mà ghì lại.

Ai dè cây chẳng chịu dừng mà kéo lôi luôn chú cuội lên tít mặt trăng ! Để rồi từ đó đêm đêm ngó lên mặt trăng, nhân gian lúc nào cũng thấy hình dáng chú cuội ngồi rầu rĩ vì nhớ nhà,hu hu khóc dưới gốc cây, miệng nguyền rủa "mụ vợ" tè bậy.

Bởi thế đang ngồi gốc cây chụp hình kỷ niệm chơi mà mắt láo liên dòm chừng chung quanh ghê lắm. Trông chừng coi lỡ dại có ai ... "làm" bậy sảng, làm cây trốc gốc, kéo cả mình lên trời luôn thì lúa đời dzai....

Mình không muốn làm chú cuội đâu.

Ở "trên í" nghe đồn buồn lắm.

Don Hồ
Thứ sáu 15 tháng 1, 2021
NGUỒN:
https://www.facebook.com/photo?fbid=254 ... 0643548996

Hình ảnh

Re: DON HỒ: Chú cuội ngồi gốc cây đa

Đã gửi: Thứ 4 Tháng 1 20, 2021 9:17 pm
by music123
GIỌT NƯỚC MẮT CHO MÙA THU

Một buổi chiều của năm 1979, mưa bỗng rơi nặng hạt trên vùng Thị Nghè của nhà người bác.

Chỉ nhớ mẹ sai đạp xe tới đây để trao cho hai bác chai thuốc gì đó, chưa kịp về thì mưa lớn, sấm sét rầm trời, mưa đổ xuống như tát nước.

Các anh chị đều đi học đi làm cả, bác trai rủ đứa cháu lên lầu 4, pha bình trà nóng để 2 bác cháu nhâm nhi bánh đậu xanh uống trà chờ mưa tạnh.

Lần đầu tiên được lên đây.

Nguyên vùng có nhà bác cao tầng nhất.

Ngó ra chung quanh chỉ thấy con kinh Thị nghè đen ngòm phía bên dưới cùng toàn những ... nóc nhà. Gió lồng lộng thổi vào từ tứ phía.

Căn phòng rộng thênh thang, trang trí trang nhã.

Giữa phòng là một bộ xa-lông êm ái, lịch sự.

3 bên vách tường là những chiếc kệ, bên trên xếp đầy những sách truyện cùng với những hộp vuông đựng băng magnetophone.

Có lẽ đây là phòng giải trí thư giãn của bác cùng gia đình!

Làm gì có chuyện gì để nói với thằng cháu nhỏ tuổi, bác trai đứng lên bước tới chiếc máy magnetophone đồ sộ, bấm nút.
Hai lõi băng nhựa để sẵn trong máy quay quay, rồi một dòng nhạc êm ái phát ra từ những chiếc loa đặt đứng sát tường.
"Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, chiều đong đưa những bước chân đau mòn..." ("Xin Còn Gọi Tên Nhau"- Trường Sa).

Giọng người ca sĩ nữ nào đó mới hát ra câu đầu đã nghe thấy muôn phần quyến rũ, giọng thổ rất trầm lại dầy cui nhưng trong trẻo, dạt dào đầy tình cảm. Giọng hát tuyệt vời quá thằng cháu nổi da gà...

Bác trai ngả đầu hẳn vào lưng ghế xa-lông ra điều thoải mái lắm, mắt lim dim chìm đắm vào dòng nhạc.

Bên ngoài mưa vẫn nặng hạt, sinh hoạt của khu phố bên dưới có lẽ cũng đã dừng lại.

Bên trên lầu 4, miếng bánh đậu xanh bùi bùi béo béo, ngụm trà đăng đắng thơm thơm mùi hoa lài tê tê trên lưỡi. Tiếng hát êm êm âm ấm, ngọt ngào của người nữ ca sĩ như rót mật vào lòng, tràn lan tới từng ngóc ngách của căn phòng rồi lãng đãng lan ra cả bên ngoài, hoà lẫn vào chiều mưa ướt át sấm rền...

"Chiều buồn nhẹ xuống đời người tình tìm đến, người thấy run run trong chiều phai..." ("Dạ Khúc", lời: Phạm Duy).

Trước giờ có để ý đến nhạc nhùng chi đâu, nhưng buổi chiều hôm đó thằng cháu như bị hớp hồn bởi giọng hát ma mị, da diết tuyệt vời ấy.

Và đó cũng là lần đầu tiên nó được thưởng thức & biết đến giọng hát sang cả của một người nữ danh ca của Sài gòn trước 75 mang tên "Lệ Thu". Cái tên có chút gì đó buồn buồn như một lần chờ mưa tạnh!

(Và về sau thằng cháu được biết luôn là những chiều mưa sập sùi sấm nổ của Thị Nghè là những dịp duy nhất để bác trai có thể mở to những cuốn tape "nhạc vàng uỷ mị phản động" mà bác rất quí, để dòng nhạc êm như mơ đưa bác trở về một Sài gòn thân yêu của ngày nào mà không sợ công an khu vực nghe thấy bắt gặp mà ập vào bắt!)

Thế rồi năm 1981 thằng cháu qua được tới Mỹ. Một lần nghe người bạn của ông anh hăm hở cho hay "tiếng hát vàng ròng Lệ Thu" cũng mới đặt chân tới Hoa Kỳ từ trại tỵ nạn bên Mã Lai và cũng đang ở miền Nam California nơi nó ở.
"Ôi hay quá!" nó nghĩ & chỉ có thế thôi mà cứ thấy vui mãi trong lòng...

3 năm sau khi vừa đi học vừa bắt đầu đi làm, có chút tiền rủng rỉnh, mua được cái máy nghe băng cassette cầm tay, thằng cháu bắt đầu đi kiếm mua & sưu tầm những cuốn băng nhạc Việt. Và cuốn băng đầu tiên nó rình, tìm mua cho bằng được là cuốn "Như Cánh Vạc Bay" với 2 tiếng hát thần tượng Lệ Thu - Khánh Ly. Và đây cũng là lần đầu tiên nhờ cái hình bìa băng mà nó nối được dung nhan vào với giọng hát của người nữ ca sĩ thuở nào của chiều mưa ở Thị Nghè.
Ôi nó nghe cho tới nhão nát cuộn cassette tape ấy luôn...

Thế rồi cũng chập chững hát hò, gia nhập ban nhạc.

Chẳng biết thế nào mà một ngày nó lại lọt được vào làng văn nghệ hải ngoại, bắt đầu được mời đi những shows nhạc lớn nhỏ, bắt đầu tận mặt gặp được những thần tượng bằng xương bằng thịt ở cùng trong show.

Và giữa thập niên 90, một lần nhìn thấy bích chương quảng cáo cho một show nhạc lớn ở Denver có tên "Lệ Thu" nó bỗng run lên bần bật vì háo hức trộn lẫn hồi hộp.

Hậu trường của show ở Denver chỉ có mỗi một phòng thay đồ chung cho tất cả ca sĩ trong show, có nữ ca sĩ Lệ Thu đang ngồi bên trong chờ phiên.

Hát xong xuống, nó hồi hộp không dám vào mà cứ đứng luẩn quẩn bên ngoài cửa phòng.

- "Ơ, Don Hồ phải không? Sao không vào phòng ngồi mà đứng ngoài này thế, lạnh bịnh chết. Đi vào đi em, bên trong này có sưởi, ấm lắm!"
- "Dạ!"

Trong phòng chỉ có vài cái ghế, nhấc cái valise nhỏ đang để trên ghế bỏ xuống đất, với giọng ấm áp cô đẩy cái ghế qua & bảo:

- "Này, lấy cái ghế này mà ngồi đi em."

- "Dạ..." ấp úng nó chỉ nói được có thế, nhưng trong lòng đầy cảm kích.

Cô ngồi ghế đọc cuốn sách gì đó.

Nó ngồi bên này liên tưởng tới giọng hát trầm buồn của cô trong buổi chiều mưa lạnh cùng người bác với thú vui nhỏ nhoi "chờ trời sấm sét mưa to được mở nhạc lớn để nghe giọng Lệ Thu cho đã"...

Trong quãng thời gian hơn 30 năm đi shows, nó còn được nhiều lần đi chung với cô Lệ Thu.

Cô tương đối ít nói hơn những người ca sĩ khác nhưng rất lịch thiệp, vui vẻ & hoà đồng.

Một lần trong một show hát cho một ngôi chùa ở một tiểu bang nhỏ, chỉ có mỗi 2 người ca sĩ mà thôi. Nó bị cảm khan giọng. Thấy nó lo lắng sẽ không làm tròn được nhiệm vụ, cô bảo:

- "Cái thằng nhỏ này lo gì mà lo lắm thế? Có chị Lệ Thu của em ở đây mà. Em hát được bao nhiêu thì cứ hát. Thấy không hát nổi nữa, em cứ đi vào, chị sẽ bao hết cho phần còn lại."

Và quả thật, buổi hát đêm đó cô đã bao coi như gần hết cả show vì nó chỉ hát được đúng 3 bài nhạc vui vui để lấp liếm cái giọng vịt đực tiếng còn tiếng mất.

Thế rồi bao nhiêu năm trôi qua, một ngày trận dịch Vũ Hán tràn lan trên xứ Mỹ, thật không may mắn cô Lệ Thu bị ...trúng dịch. Lúc nghe được tin cô nằm trong bệnh viện tim nó thắt lại!

Bệnh viện thời buổi này đâu có cho ai vào thăm, nhất là thăm những bịnh nhân bị Covid 19! Nó ở nhà cùng chung với bao người chắp tay góp lời cầu nguyện cho cô có đủ sức khoẻ cùng nghị lực để chống chọi lại với căn bịnh.

Nhưng rồi những lời cầu nguyện như chẳng được đáp, cô đã ... không qua khỏi!

"Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều, hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu..." (Nước Mắt Mùa Thu - Phạm Duy)
Người nữ danh ca cuối cùng rồi cũng đã buông tay lìa bỏ dương thế lúc 7h đêm thứ sáu 15 tháng giêng năm 2021, khi nó vừa mệt nhoài quay xong một chương trình video.

Nhận được lời nhắn từ cô bạn mà nó không muốn tin vì mới tuần trước người ta đã loan tin cô mất một lần rồi.
Ngày mùa đông mà miền Nam Cali bỗng dưng trở nóng bất thường.

Chạy ngang công viên có vòi nước bị bể tránh không kịp, những tia nước tưới cỏ hất văng lên mặt kiếng xe kêu rào rào như chiều mưa ngày nào ở Thị Nghè. Bỗng thấy đâu đây thoáng vang tiếng hát rền rền da diết của cô bồng bềnh nhẹ bay trên hàng cây phố xá.

"Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo, một đời ca sĩ hát trong buồn tênh..."

Đang thật buồn mà chẳng biết có giọt nước từ đâu đi lạc bắn vào, đậu đúng trên khoé mắt, bắt sáng long lanh.
Tự dưng thèm lại miếng bánh đậu xanh ngọt bùi cùng ngụm trà chát lưỡi chi lạ?!

Dẫu biết rồi thì đời người cuối cùng cũng trở về cùng cát bụi, nhưng ai nào muốn nghĩ đến chuyện sẽ mãi mãi ... chẳng còn được thấy nhau?!

Rồi đây cháu biết sẽ sợ những ngày âm u mưa đổ. Kính xin vĩnh biệt cô, xin vĩnh biệt Giọt Nước Mắt ngọc ngà trong những bản tình ca muôn thuở...

Don Hồ
Chủ nhật 17 tháng giêng, 2021

(Nữ ca sĩ Lệ Thu là một trong vài ca sĩ tiền bối khi thì xưng "cô", lúc thì xưng "chị". Làm khi mỗi lần gặp, thằng cháu cứ phải trù trừ để xem hôm nay hôm nay mình sẽ phải xưng hô ra sao cho phải, cho đúng.
Riết rồi cũng trở thành thói quen!)

NGUỒN:
https://www.facebook.com/DonHoSi.../pos ... 9222572138...
#LeThu #LeThu #LeThusinger #LeThucasi #nudanhca #nudanhcalethu


Hình ảnh

Re: DON HỒ: Chú cuội ngồi gốc cây đa

Đã gửi: Thứ 4 Tháng 1 20, 2021 9:19 pm
by music123
NHỜ NHỜ LỜ LỢ

Mình có giọng nói lai căng, nhiều người bảo thế.

Bản thân sinh ra từ Bệnh viện Từ Dũ, Sài Gòn. Lớn lên trong xóm khu Vườn Bà Lớn chơi với bạn hàng xóm Bắc-Nam-Trung-Hoa hầm bà lằng, có lẽ bởi thế mà giọng mình pha mỗi thứ một tị. Bắc không ra Bắc, Nam cũng chẳng hẳn Nam. Nó cứ ... nhờ nhờ như nồi cám trộn cho heo ăn!

Đào sâu vào chi tiết hơn chút để moi ra ngọn ngành ngóc ngách của ... cái giọng nhờ nhờ:

Bố mẹ mình là dân Bắc di cư năm 54.

Bố gốc Thanh Hóa, sát với miền Trung. Nhưng làm "anh học trò đi học trường xa" ra Hà Nội trọ học tít thuở xưa xửa xừa nên chắc nói giọng lai Hà Nội.


Mẹ, con gái làng Bát Tràng, Nam Định.
Chuyện bố mẹ gặp nhau ôi chao cũng ...khá "mê ly rùng rợn", nhưng đó là chuyện khác, để lúc khác kể sau.

Thời toàn quốc chống Pháp, bố lòng yêu nước cao ngùn ngụt cũng mém theo bạn bè vào bưng biền kháng chiến.
May mà không biết sao rồi lại đổi ý, ở lại lấy mẹ.

Làm việc cho Tây rồi bị Tây dụ khị sao đó mà 2 người bỏ lại tất cả, người leo lên tàu "há mồm" theo "thực dân" di cư vào Nam năm 1954 khi đất nước bắt đầu bị xẻ đôi.

Kết quả của cuộc tình ông bà lần lượt cho ra đời: Thắng, Lân, Thủy, Dũng & Long tại Sài gòn, đều từ Bảo sanh viện Từ Dũ ở quận 3.

Nếu bạn chưa hề biết thì "Don Hồ" là "Dũng", đứa thứ tư. Ngay cả cái "thứ" nó cũng đã nhờ nhờ chơi vơi, chẳng đầu- chẳng giữa-chẳng đuôi!

Thuở nhỏ bố mẹ đi làm việc bên Thái Lan nên có ở đó một thời gian.

Bên Thái kiều bào Việt thời ấy không nhiều nên ngoài bạn bè hàng xóm người Thái, ở nhà tiếng Việt thì chỉ mấy bố mẹ con nói chuyện với nhau.

Trở về Sài gòn, 12 tuổi, thằng cu Dũng thi đậu Đệ Thất vào trường trung học Chu Văn An.

Đậu cũng chẳng đậu được đàng hoàng mà là "Đậu vớt"! Tức là lý ra đã rớt mà được Ban Chấm Thi "cứu sinh" lấy vợt vớt lên cho ... đậu!

Chu Văn An, ngôi trường nam sinh, xuất thân từ trường Bưởi, cũng "di cư" theo dân Bắc vào Nam giống như trường nữ sinh Trưng Vương.

Lớp học gần 40 mạng mà chỉ có dăm mạng người Nam kỳ quốc & vài mạng gốc Trung kỳ, đa số còn lại là Bắc.
Toàn nói giọng Bắc-Sài gòn mài mại như nhau, nhưng chắc giọng mình có Bắc nặng hơn những bạn khác hay sao đó mà cứ mỗi khi mở miệng ra là chuyên bị chọc ghẹo "Ối thế à, Bắc Kỳ Con"!!!
Ngày nào cũng bị dài môi lải nhải chọc suốt cái câu: "Bắc kỳ con bỏ vô lon kêu chít chít, bỏ vô ... đít hết kêu", nghe tới mắc bịnh luôn!

Và cũng chỉ có thế thôi mà tức điên, mém đòi đánh lộn tay đôi bao lần tuy chẳng có tí máu du côn nào trong người!
Lạ cái, trong lớp ít nhất khoảng mươi đứa bạn xuất thân từ Xứ Bùi Phát (Bùi Chu-Phát Diệm), là khu họ đạo toàn là dân Bắc, nói giọng Bắc nặng chình chịch thì chúng lại chẳng hề bị chọc? Oái oăm thế chứ!!!

Để hòa đồng, để khỏi bị chọc thêm, sau bao đêm trắc trở trằn trọc suy tư vắt tay lên trán, đáp án cuối cùng đã tự thảo ra là:

Hàng ngày sẽ phải bắt đầu lê la ngoài chợ, đặc biệt la cà gần chị bán bánh da lợn đầu hẻm để "Nam Hoá" giọng nói .
Chị bán bánh da lợn, đặc điểm là ngoài việc chị rất xinh xắn dễ thương, có rổ bánh da lợn xanh xanh nhiều lớp beo béo tuyệt ngon, chị còn nói chuyện giọng đặc sệt sông nước Nam bộ.

Cách nói chuyện rất có duyên nhất là khi chị đùa giỡn. Yêu lắm những câu đùa giỡn kiểu miền Nam rất "chân chất - chân thành - chân lạp" của chị.

Ngày nào cũng ra ngồi xệp xuống bên rổ bánh mà trịnh trọng lắng nghe cách chị tán chuyện với những người xung quanh để rồi ra về thực tập, ráng bắt chước theo mà luyện ngày, luyện đêm cho tới bằng được, luyện cho tới khi thành chánh quả thì thôi...

Chẳng biết có phải là "mài sắt có ngày nên kim", cộng thêm nhờ hao tốn khá nhiều tiền vào khâu tiêu thụ bánh da lợn bên chị ,nên cuộc "cách mạng tự đổi giọng" đã khá thành công, kết quả mỹ mãn?

Hay bởi ... lũ bạn chọc mãi một người cũng đâm chán nên sau một thời gian không ngắn lắm mình bỗng được chúng từ bi tha bổng, cũng chẳng hay! Nhưng để lại hậu quả thảm hại của cái sự chọc ghẹo ấy là một cái giọng lơ lớ lờ lợ cho tới mãi thời hiện tại bây giờ.

Nếu cứ bình thường mãi như vậy thì cũng sẽ chẳng có chi để mà chú ý. Cho đến khi bắt đầu đi hát, có dịp đi đó đây, hát giúp vui cho nhiều nhóm người...

- Dịp hát cho Hội Ái Hữu Hải Phòng, Móng Cái:

Hí hửng nghĩ mình sẽ hợp ngay vào vì cùng gốc Bắc mà, thì lại bị quá ... chớt quớt!
Giữa một nhóm người Bắc chính tông giọng mình bỗng lòi hẳn ra ngoài, úi sao Nam rặc!

- Dịp hát cho Hội Ái Hữu Bạc Liêu, Rạch Giá:

Nghĩ mình sẽ cũng ok mà, mình giọng Xì- gòn mà!

Giữa một cộng đồng toàn người Nam rặc thì giọng lại bị lòi ra ui sao cứng quá ... Bắc kiểu cách quá!

- Sau đó lúc hát cho Hội Đồng Hương Thừa Thiên - Huế:

Rút tỉa những kinh nghiệm "thương đau" của những lần trước, biết thân biết phận là sẽ chẳng xí gạt được ai, bèn thành thât khai báo luôn gốc gác & xin được nhận làm con nuôi của dân Huế...

Dạo mới đây dịch bệnh tràn lan, có thâu 3 chương trình âm nhạc Music Box cho Trung Tâm Thuý Nga. Những chương trình mà ngoài ca hát, những người ca sĩ tham dự phải tự nói qua nói lại, tự dẫn dắt luôn chương trình của mình.
Lần đầu tiên được ... nói nhiều đến thế khi quay vì producer cho ca sĩ được nói ... thả ga.

Khi coi lại, thấy giọng mình Bắc Bắc Nam Nam lờ lợ thiệt. Kiểu "Bắc-Sài gòn" giông giống Kỳ Duyên. Tuy nhiên, những lúc bông lông đùa giỡn lại tự nhiên chuyển cái rụp qua giọng Nam liền. Giỡn xong rồi, tự nhiên như chuyện ăn uống hàng ngày, lại nhảy trở lại Bắc Bắc Nam Nam lờ lợ.

Mà ôi cái kiểu giỡn, đích thị của chị bán bánh da lợn đầu hẻm của mấy chục năm trước. Bà thầy này đã quá giỏi luôn!
Thế rồi mới đây lại chợt nhận được cái E-mail từ một người ái mộ, thắc mắc không biết "Don Hồ là người miền nào mà thấy lúc trả lời phỏng vấn trên video thấy giọng vừa Bắc, vửa Nam rồi lại có thêm cả tí Huế"????!!

Chẳng biết có lộn với ông "Don Hồ" nào khác không? Chứ ... Bắc thì hiểu từ đâu ra.

Nam cũng thế.

Nhưng ... Huế thì từ đâu lọt dzô cà???

Không lẽ lây từ nữ nhạc sĩ Diệu Hương (chị ta người Huế) ta?? Vì dạo sau này có vãn chuyện nhiều với chị ấy.

Cái gì thì không chứ cái vụ nói chuyện với nhau lâu rồi sinh triệu chứng bị ... lây giọng nhau là có nha. Điển hình rành rành là vụ chị bánh da lợn kia thôi...

Don Hồ
Thứ hai 18 tháng giêng, 2021

(Đăng & sửa lại từ bài biên ngày 17 tháng 3, 2010, mười năm trước.
Tấm hình chụp ở Causeway Bay ở Hong Kong mùa đông năm 2019)
NGUỒN:
https://www.facebook.com/DonHoSi.../pos ... 9739183753...
#donho #donhosinger #vietnamesesinger #vietnam #nhonhololo

Hình ảnh