Bạn đang xem trang 10 / 86 trang

Re: DON HỒ: BÓ RAU MUỐNG

Đã gửi: Chủ nhật Tháng 10 25, 2020 10:45 am
by music123
LEO ĐỒI VƯƠT NÚI

Thập niên 80 qua 90, miền Nam California có nhiều vũ trường lớn nhỏ, nhưng hoạt động mạnh mẽ & lâu dài nhất chỉ có 2:
- Vũ trường Pha-lê Ritz của gia đình nhạc sĩ Ngọc Chánh (ban nhạc Shotguns của Sài gòn trước 75)
- Vũ Trường Diamond của gia đình ban nhạc Mây Bốn Phương của nhạc sĩ Nguyễn Lâm

Khoảng cuối thập niên 80 khi còn là một ca sĩ không tên tuổi, cũng có được gần một năm được mời cộng tác với vũ trường Sài gòn Cabaret của chị Lệ Uyên ở thành phố Westminster cùng với ban nhạc the Keys. Nhưng sau đó Sài gòn Cabaret đổi qua ban nhạc the Dreamers (của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy) và mời nam ca sĩ Tuấn Ngọc về thì Don Hồ bị ... mất job!

Những ngày ấy vũ trường Ritz có vẻ như lẫy lừng & nổi tiếng nhất. Thành phần ca sĩ thường trực hùng hậu gồm có: Carol Kim, Lưu Hồng, Jimmy Joseph, Lilian, Lucia Kim Chi, Kenny Thái, Ý Nhi v.v... Mỗi cuối tuần lại còn tăng cường thêm những ca sĩ nổi tiếng đang được mến mộ khác. Vì thế Ritz được khách mộ điệu ưa chuộng, lúc nào vào cũng phải xếp hàng mua vé, bên trong khi nào cũng đông nghẹt.

Vũ trường Diamond cũng không thua kém về dàn ca sĩ chủ lực thường trực: Đôi song ca Minh Xuân-Minh Phúc, Phi Khanh, Quốc Thái, Kim Anh, Billy Shane (còn ai nữa thì mình không nhớ nổi...). Cũng tăng cường thêm ca sĩ mỗi cuối tuần để cạnh tranh với Ritz.

Lâu lâu được đi chơi, mua vé vào với bạn bè, đứng dưới sàn nhảy ngắm ca sĩ hát trong dàn âm thanh ầm ầm tối tân, dàn đèn tân kỳ gắn trên tràn quay tít, đèn laser bắn chíu chíu thành những tia nho nhỏ xanh lè, mà mê mẩn cả tâm hồn. Được cái là cũng biết thân phận lắm, chả bao giờ dám mơ ước hay nghĩ đến có một ngày nào đó mình sẽ có được dịp đứng chung trên những sân khấu này...

Thế rồi cuối thập niên 80, Vũ trường Đêm Đông Phương (Nuit D'Orient) của anh chị Duy Quanh - Mỹ Hà & anh chị luật sư Lê Trường Xuân mở cửa. Vũ trường lớn lắm, sân khấu bao la. Ban nhạc the Keys được kéo về đây đánh, hình như có nói vào, giới thiệu mình hay sao đó mà Don Hồ cũng được mời hát cùng với dàn ca sĩ ở đây gồm: Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, Zaza Minh Thảo, Trọng Nghĩa, v.v...
Thời gian này nữ danh ca Thái Thanh mới từ Việt Nam qua đoàn tụ cùng con cháu, được anh Duy Quang (vai cháu) mời về hát nên khách yêu giọng hát của cô Thái Thanh ùn ùn kéo tới để được diện kiến giọng hát thần tượng.
Được vài tháng thì không hiểu sao cô Thái Thanh không cộng tác nữa. Vũ trường Đêm Đông Phương trụ được hơn 2 năm thì đóng cửa. Thế là lại mất job.

Thuở ấy vừa đi học toàn phần, vừa đi làm cho hệ thống nhà hàng Sizzler của Mỹ. Cuối tuần đi hát vòng vòng ở miền Nam California. Cũng tạm đủ sống.
Sau khi Đêm Đông Phương đóng cửa, một ngày đẹp trời bỗng nhận được một cú điện thoại, đầu giây bên kia một giọng người đàn ông điềm đạm tự giới thiệu là ...""Nhạc sĩ Ngọc Chánh" mời "cháu" hát thường trực cho Vũ trường Pha-lê Ritz của chú". Ráng lắm mới giữ được giọng mình tự nhiên để nói cho xong cú phone.

Đầu giây bên kia vừa cúp xong, bên này thở hổn hển như bị xuyễn nặng, có mơ đến cỡ nào cũng không ngờ có ngày bản thân mình lại được vào Ritz hát. Ca sĩ có tiếng tăm rồi được Ritz mời mà còn thấy vinh hạnh nữa thì nói chi đến ca sĩ cắc ké như mình.
Thế rồi những tháng ngày hát thường trực ở Ritz như một cơn mơ đẹp.

Tuy thuộc loại ca sĩ hát "mở màn - đóng màn, điền vào chỗ trống" nhưng chẳng hề muộn phiền vì biết khối chi những ca sĩ khác ở ngoài kia đang mơ tưởng được như mình mà chẳng được.
Đôi khi một đêm vào hát được bài mở màn xong ngồi cho nguyên buổi chờ, tới gần cuối chương trình lại lên được thêm bản nữa. Cũng có khi nguyên đêm chỉ hát mỗi một bài mở đầu rồi ngồi cho đến khi kéo màn ra về.

Vũ trường Ritz không bao giờ xếp chương trình trước. Ca sĩ cứ xếp hàng ngồi đấy chờ, bao giờ nghe thấy bài hát của mình được band đánh lên thì lo chạy lên mà hát.

Bởi thế nhiều khi ngồi chờ cả buổi chẳng thấy phiên, lăng quăng đi vào toilet để ... xả bầu tâm sự. Đang đứng nửa chừng thì bỗng nghe ngoài kia bài mình đang được đánh. Thế là ... xì-tốp ngang hông, nín ngay giữa chừng. Vừa tay kéo quần, tay còn lại kéo zipper quần, chẳng kịp mà rửa tay, vắt giò lên cổ chạy ra, vì cái toilet & sân khấu không hề gần nhau. Lên trễ ban nhạc cứ đánh câu dạo đầu hoài thì sẽ bị la.

Mà làm như đây là cái thú tiêu khiển của người trưởng ban nhạc thì phải, vì anh ta đứng quay mặt ra phía góc ca sĩ ngồi, cứ ai đi ra đi vào là anh chàng ta thấy ngay.

Chẳng phải chỉ có mình Don Hồ bị mà những người nữ ca sĩ khác cũng có lúc hấp tấp vội vàng chạy từ trong toilet ra, xiêm y có phần xốc xếch bước lên sân khấu...

Và cũng trong vũ trường Ritz có anh nhiếp ảnh gia tên "Danh Photographer" hay vào cầm máy ảnh đi chụp hình khách. Tới mọi cuối buổi, không biết anh ta đi đâu rửa hình mà nhanh lắm, đã có sẵn hình để đi vòng vòng giao hình cho khách. Dĩ nhiên người khách nào muốn lấy hình phải trả một số tiền nào đó.

Không phải lúc nào cũng có khách muốn chụp hình. Những lúc ... không có khách, anh hay lên khu ca sĩ ngồi, ngoắc ngoắc từng ca sĩ một ra đứng để anh chụp.

Khách lâu lâu vào chơi chụp hình kỷ niệm thì chắc hứng thú.

Còn ca sĩ thường trực mà cứ được anh "ngoắc" ra hoài thì thật sự cũng oải! Vì cảnh thì y chang nhau, cũng chỉ đứng trước bức tường ngay đó mà chụp. Quần áo thì nhiều khi vài tuần lại trở lại những bộ cũ, chứ đồ đâu mà thay hoài. Mà mỗi lần anh đưa hình cũng phải dúi chút ít cho anh. Cứ làm hoài cũng trở thành ... gánh nặng vì lương hát vũ trường đâu có bao nhiêu mà còn biết bao nhiêu thứ khác phải mua, phải lo.

Bởi thế cứ mỗi lần thấy bóng dáng anh đi tà tà tới là kiếm đường né, giả bộ quay sang bên hông làm gì đó không thấy chẳng hạn (thời đó chưa có phone tay để giả bộ nhắn tin).

Mỗi khi anh đưa cho bao ny lông chứa hình bên trong, phần lớn chẳng mở ra mà nhìn vì biết tỏng nó cũng chỉ có nhiêu đó, chỉ khác bộ đồ. Mà nhiều khi đồ mặc trùng lại thì ra giống y chang như tấm hình ... mấy tuần trước.

Ấy với thời đó thì né anh phó nhòm tới mức đấy, nhưng mấy chục năm sau mới thấy mình ... may mắn.

Nhờ có anh Danh mà giờ mới có được những tấm hình chụp tại Ritz như thế này, tuy cái mặt chụp lúc ấy ngó có chút ... bất mãn, chẳng được "happy" chi cho mấy!

Giờ có muốn cám ơn tới anh Danh Photographer cũng chẳng còn được vì nghe nói anh ấy đã mất vài cuối thập niên 90 rồi...

Nói chung, cái thời mới bắt đầu của những ca sĩ có chút ít để được gọi là "thành danh" cũng trầy vây tróc vẩy lắm, không

hướng này thì cũng hướng khác. Nhưng những cái gian nan này nó đã cho họ thêm kinh nghiệm, đã tôi luyện họ trở nên cứng cáp hơn.

Khi qua được đoạn này rồi, ngồi nghĩ lại chuyện cũ thấy kỷ niệm buồn vui lẫn lộn, thấy âu nó cũng là hành trang trang bị cho cuộc sống.
Và để rồi lại lấy đà để leo lên đoạn đồi khác, rồi lại gặt thêm mớ hành trang khác.
Và cứ thế cho tới khi mỏi gối chùn chân chẳng còn sức để mà ngó tới ngọn núi nào khác được nữa ...

Don Hồ
Chủ nhật 13 tháng 09, 2020
Nguồn:
https://www.facebook.com/.../set/upload ... 5225559025

Hình ảnh

Re: DON HỒ: BÓ RAU MUỐNG

Đã gửi: Chủ nhật Tháng 10 25, 2020 10:52 am
by music123
KỶ NIỆM ...HỒNG


Một ngày tháng 9 của 2 năm về trước.

Chương trình nhạc chủ đề "Tìm Về Kỷ Niệm" của nữ nhạc sĩ Diệu Hương ở vũ trường Baby's Club tại thành phố Houston (Texas) với ban nhạc The Beat & người thích mang dù lên sân khấu.

Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình tròng lên người nguyên một bộ đồ màu hồng chói.
Cây dù lẽ ra cũng ... nổi lắm, nhưng do không địch lại với bộ đồ nên cuối cùng đã bị chìm lỉm...


Hình ảnh

Re: DON HỒ: BÓ RAU MUỐNG

Đã gửi: Chủ nhật Tháng 10 25, 2020 10:55 am
by music123
CHUYỆN ĂN UỐNG

Thông thường khi nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ bay show tới một nơi nào đó, ban tổ chức sẽ lo cho họ ăn uống & khách sạn trong thời gian họ ở đó.

Mười người mười ý, cho nên người bầu show người ta cũng khổ lắm về cái khâu lo ăn này.

Nếu ban tổ chức có đủ nhân lực, nhiều người giúp vào thì còn đỡ. Ban tổ chức nào mà chỉ có mấy người với nhau thì đôi khi cũng ... chật vật đây!

Riêng bản thân mình thích nhất là ở khách sạn nào có được cái nhà hàng ngay bên trong hoặc có thể đặt đồ mang lên phòng. Khỏi mắc công chờ nhau rồi chạy đi đâu xa. Mạnh ai muốn ăn giờ nào thì cứ tự xuống. Tha hồ mà tự do.

Nhưng ... chỉ có những khách sạn thuộc loại khá khá trở lên, mắc tiền hơn chút chút thì mới có nhà hàng bên trong.
Đâu phải lúc nào cũng được ở những khách sạn loại này?!

Những khách sạn thuộc loại thường thường, xoàng hơn, hoặc motel, thì chỉ có được mỗi cái máy bán nước!
Lúc ấy, nếu chung quanh khách sạn mà có nhà hàng thì cũng ok. Đi bộ qua ăn cũng không sao.

Còn nếu khách sạn ở giữa đồng không mông quạnh hoặc ở giữa những khu xí nghiệp, nhà máy chi đó, chung quanh chẳng có gì, thì lúc này phải phụ thuộc vào ban tổ chức lo cho thôi.

Show càng lớn, càng đông ca nghệ sĩ thì vấn đề chở đi ăn uống càng bị nhiêu khê. Nguyên cái màn giờ dây thun, dình dàng chờ nhau thôi thấy cũng đủ mất hết thì giờ!

Rồi cái màn ăn uống sau show nhiều khi cũng có những cái ... lôi thôi của nó.

Nhiều ban tổ chức hào phóng không muốn bị mang tiếng "bỏ bê, không lo đàng hoàng" nên sau show đặt nhà hàng rồi chở nghệ sĩ đi ăn.

Có nhiều nghệ sĩ thì thích được như thế vì tới nhà hàng thì bảo đảm được ăn đồ nóng sốt là điều chắc chắn.
Nhưng cũng có nhiều người thì ngược lại.

Xong show thường là khuya về sáng, mệt đứ đừ rồi, chỉ muốn về phòng tắm rửa, tấy trang, ăn cái chi đó lè lẹ rồi sửa soạn valise, ngủ một chút rồi dậy ra phi trường bay đi.

Với nhóm nghệ sĩ này thì ban tổ chức mua đồ ăn "Togo" bỏ sẵn trong hộp, phát cho mỗi người một hộp cùng đôi đũa, cái muỗng nhựa, là vui vẻ cả nhà.

Riêng cá nhân mình thì nằm trong nhóm thứ hai.

Hát hỏng xong người thường ướt đẫm mồ hôi, tóc tai bê bết, mồ hôi hoà với gel làm tóc thành giống như đống bùn trên đầu, chỉ mong được về phòng tắm một phát để trôi hết đi cho khoẻ người. Lúc này mà phải "bị" đi đâu ăn là giống như một cực hình.

Đôi khi bị vào thế kẹt vì lịch sự cũng phải đi, nhưng nguyên bữa ăn coi như là ... chịu trận, ăn không vô vì người ngợm đang khó chịu quá thì lấy gì mà nuốt được!

Bởi thế được về phòng tắm xong mặc đồ thoải mái, xà-lỏng áo thung, ngồi vừa ăn vừa coi TV nó mới là điều thần tiên.
Nếu khách sạn ở có hệ thống "room service" gọi phone order lên phòng thì mình hay gọi đặt đồ ăn mang lên phòng trước khi rời để đi hát. Vì phần lớn khi trở về lại thì quá trễ, sẽ không còn "room service" nữa.

Đêm hôm về tới, ráng ăn nguội một chút cũng chẳng sao.


May mắn cái khi ở nhà mình ăn uống có thể hơi khó khăn hơn, cái gì không ngon thì ... không ăn luôn. Nhưng khi bay show thì lại dễ tính, ăn gì cũng được. Dở chút cũng ráng nhai, cắn vào trái ớt tươi vào để "chữa lửa", để dễ nuốt hơn (bởi thế lúc nào cũng phải thủ ớt theo) .

Ngày xưa trong valise lúc nào mở ra cũng ... mấy loại mì gói, vài trái chanh. Nhưng từ khi biết là mì ăn không tốt cho sức khoẻ thì đã ráng né, hạn chế tối đa.

Đôi lúc ngồi trong khách sạn ăn đồ Mỹ mà trong đầu chỉ tương tư, nhớ tới hương vị thơm lừng của ly mì chua chua cay cay bốc khói...

Don Hồ
Thứ tư 9 tháng 9, 2020
Nguồn:
https://www.facebook.com/.../set/upload ... 5225559025

Hình ảnh

Re: DON HỒ: NHỮNG Ổ BÁNH MÌ KHÔNG

Đã gửi: Thứ 2 Tháng 10 26, 2020 6:14 pm
by music123
NHỮNG Ổ BÁNH MÌ KHÔNG

10/27/20202

Mẹ thích ăn bữa điểm tâm buổi sáng bằng khúc bánh mì dòn rụm xé nhỏ bỏ vào ly cà phê sữa nóng, kiểu Việt Nam thuở xưa. Và đặc biệt thích bánh mì ổ của tiệm "Boulangerie Patisserie" ở thành phố Westminster, vì nó "lúc nào đem nướng lại vẫn dòn & thơm."

Bởi thế nhà lúc nào cũng có khoảng 5, 6 ổ cắt khúc sẵn ra, gói giấy bạc, bỏ vào ngăn đá để dành.
Và lúc nào cũng phải ngó chừng, bánh mì mà gần hết thì phải ghé mua thêm.

Có lẽ nhiều người thích vì cùng lý do nên bánh mì tiệm này vừa ra khỏi lò là veo véo hết lẹ lắm. Lúc nào tới nơi mua cũng bị ... hết bánh mì, cũng phải ra xe ngồi đợi loạt khác nướng ra hoặc nếu bận thì đi tiệm khác mua đại.

Và có lẽ vì thấy có anh chàng cứ vô mua mà bị hết hoài tội quá nên cô bán quán cũng áy náy, mách nước:
- "Khi nào anh cần thì gọi phone tiệm cho tụi em biết trước đi, em sẽ giữ bánh lại cho anh."
Ôi, nếu được vậy thì quá sướng rồi còn gì?

Và thế là sau lần được "chỉ đường cho hươu chạy" đó, lần nào cũng không quên gọi phone trước rời nhà.
Buổi trưa nay ghé lại, 7 ổ bánh mì đã được bỏ bao trước, chỉ việc trả tiền rồi ôm ra xe.

Bánh mì vừa mang ra khỏi lò còn nóng hổi thiếu điều bốc khói lên luôn, mùi thơm toả ngát. Ôm bánh mì nóng trong lòng mà xao xuyến vì bỗng thấy cuốn phim cũ như được rẹt rẹt quay ngược lại vào khoảng thời gian của năm 1978...

Thuở ấy chẳng biết được nước nào ở phương Tây viện trợ mà phường khóm bán bột mì thế gạo cho dân. Thế là bột mì được dân bưng về chế biến ra đủ thứ thực phẩm...

Nhà có 5 anh chị em. 4 trai , 1 gái.

Bà chị gái ngay chính giữa, cô công chúa độc nhất, chẳng thấy được cưng chiều chi lắm mà chỉ thấy bị nấu cơm mệt nghỉ.

Bà chị không biết được ai chỉ cho mà về xài bột mì nhào nặn, rồi cắt ra nấu bánh canh cho cả nhà ăn.

Ô là la, đủ loại bánh canh nhé: Bánh canh cua. Bánh canh rau muống. Bánh Canh Thập Cẩm. Bánh canh giò heo, v.v...

Bố ăn lạ miệng tấm tắc khen làm bà con gái khoái chí tử, ngày nào đi học về cũng hì hục nhào nhào, cắt cắt, hoàn tất nồi bánh canh bự sư cho cả nhà 7 người ăn.

Vài ngày đầu thấy còn ngon ngon.

Nhưng... ăn liền tù tì cho cả 2 tháng trời thì bắt đầu nhìn đâu cũng thấy ... cọng bánh canh lúc lắc.
Cả nhà ngán tới tận cổ...

Mẹ hãi quá, gom hết bột đem ra chợ bán lấy tiền mua đổi lấy gạo mang về.

Nhưng cũng có những lúc mẹ chừa lại một vài ký bột.

Ở xóm trong có gia đình mới mở lò nướng bánh mì. Buổi tối khi đi về, 2 mẹ con xách bịch bột vào lò để đổi lấy bánh mì.
Buổi tối mùa hè Sài gòn trời ngột ngạt mà lại thêm thành phố bị cúp điện. Nhà nào nhà nấy tối om om le lói ánh đèn dầu làm cho không khí còn như nóng bức hơn.

Lò bánh mì chỉ đứng trước cửa thôi mà thấy hơi hực ra, phà lên mặt, lên người nóng rát. Những người nhân viên nướng bánh bên trong cởi trần trùng trục mồ hôi nhễ nhại bóng loáng.

Bột trao, đổi lại được 5 ổ bánh mì.

Đủ chia ra đêm nay phần mỗi người được nửa ổ thay cơm, thay luôn ...bánh canh. Mừng muốn chết!

Trên đường về 2 mẹ con ôm mấy ổ bánh, vừa đi vừa nhai khúc bánh mì nóng hổi vừa lấy ra khỏi lò, thiếu điều nóng còn muốn bỏng cả miệng, nhưng ngon tuyệt vời.
Miếng bánh nhai trong miệng dòn rụm, ruột xốp xốp, có tí vị chua chua. Ăn không cần chút đồ ăn nào mà vẫn thật ngon quá mạng.

Sau lần đó, có lẽ nguồn viện trợ bột mì bị cắt nên dân "được" phường khóm chuyển qua bán cho gạo mốc đầy sạn. Trước mỗi lần nấu cơm là phải xúm lại nhặt sạn cho nửa tiếng đồng hồ không thôi sẽ có cơ hội bị mẻ răng vì nhai trúng sạn.
Và cái thú đổi bột lấy bánh mì vừa cầm về vừa gặm vì thế cũng bị mất đi...

Và trưa nay ... 7 ổ bánh mì nóng hổi ôm trong lòng, mùi thơm của bánh toả ngát, cái cảm giác y hệt như lúc ôm bánh về với mẹ năm nào.

Tự dưng muốn xé miếng bánh bỏ vào miệng mà không dám, vì thời buổi dịch bệnh tay chưa được sát trùng thì không nên đụng vào đồ ăn...
Chẳng biết bây giờ khơi khơi cắn miếng bánh mì không nóng dòn có còn thấy ngon như thuở ấy thiếu thốn không?
Tự dưng da diết nhớ con xóm nhỏ cứ đêm xuống là bị cúp điện.

Nhớ lây qua luôn cái lò bánh mì đứng ngoài nóng hừng hực.
Nhớ luôn bà Tàu chủ lò lúc trao bánh mì xong còn chúc khách bằng tiếng Nam lơ lớ kèm theo với nụ cười: "Dzìa ăng ngong miệng ngheng..."

Lâu lắm mới lại tự nhiên nhớ ghê gớm như hôm nay ...

Don Hồ
Thứ hai 26 tháng 10, 2020
Nguồn:
https://www.facebook.com/photo?fbid=211 ... 6397316421

Hình ảnh