Đăng trả lời 343 bài viết
DON HỒ: "You Are Mine"
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: HÀNH TRÌNH CỦA CẶP MẮT KIẾNG

    by music123 » Thứ 3 Tháng 11 24, 2020 10:57 am

    HÀNH TRÌNH CỦA CẶP MẮT KIẾNG

    Tình cờ chạy qua tấm hình ngộ nghĩnh này trong laptop.

    Có lẽ là tấm hình của nhiếp ảnh gia LeFotos đã chụp rồi bỏ lên mạng, tình cờ bắt gặp downloaded xuống máy rồi ... quên luôn!

    Không nhớ đây đã là show nào? Ở đâu? Nhưng chắc chắn phải là một đại nhạc hộ ở sân khấu lớn hoặc một sân khấu dạ vũ nào đó...

    Căn cứ theo bộ quần áo thì chắc có lẽ phải khoảng 6 - 7 năm về trước.

    Cái áo veste hoa hoè hoa sói được mua ở Tokyo, Nhật bản.

    Cái cravate bạc mua ở Toronto, Canada.

    Cái quần dài xanh dương sậm chấm trắng (mà không thấy trong hình) mua bên Hong Kong

    Cặp mắt kiếng gắn đèn LED mua ở Seoul, Korea

    Những cái vòng bạc đeo trên cổ tay từ Bangkok, Thái Lan.

    Đôi vớ từ Melbourne của Úc.

    Và đôi giầy từ Barcelona của Tây Ban Nha.

    Tất cả mọi thứ đã được mua lẻ tẻ, ở những khoảng thời gian khác nhau. Cuối cùng gom góp lại rồi tạo nên một bộ đồ vừa vui mắt vừa bắt mắt trên sân khấu & ít bị ... đụng hàng vì đồ "hoa lá hẹ" rất khó phối với nhau để ra được một bộ để nhìn "đặng mắt".

    Thời nay, cặp mắt kiếng có đèn LED chuyển động có thể tương đối kiếm dễ dàng hơn, chứ 6 - 7 năm về trước có ghể nói nó thuộc loại "hàng hiếm & độc".

    Lần đó nhớ có được mấy ngày trống, bay qua thành phố Seoul của Nam Hàn để kiếm đồ mới mặc đi hát.

    Chẳng nhớ đi sao đó mà lại lạc vào một khu shopping cao cấp ở quận Gangnam. Trong đấy đồ đạc đẹp phát mê, nhưng giá phỏng tay, mắc không thể tưởng tưởng được. Chỉ có thể ngắm cho đã mắt thôi chứ chẳng dám mua!

    Khu shopping vắng teo vì có lẽ giờ đấy buổi trưa, những khách nhà giàu chưa ra khỏi nhà.

    Đang đi tàn tàn bỗng thấy một cửa hiệu có 5, 6 du khách trẻ người Thái đang bu mà ngó cùng chỉ chỏ cái gì đó rồi khúc khích cười. Tò mò, cũng chen chân ngóc đầu vào ngó theo:

    Phía bên trong mặt kiếng, một con mannequin đàn ông đen bóng, mặc đồ veste đen ngòm, trên mặt có cho đeo một cặp mắt kiếng có đèn sáng chuyển động trông hay thật hay, hay lắm và rất mới mẻ kiểu ... khoa học giả tưởng.

    Mấy người du khách Thái hỏi người bán hàng gì đó, chắc hỏi giá, thì thấy cô bán hàng dơ 2 ngón tay lên. Không biết là 200,000 Kwon hay 2 triệu Kwon?

    Khi mấy người du khách bỏ đi rồi, chỉ còn mình mình tần ngần đứng ngắm cặp mắt kiếng.

    Tính nhẩm trong bụng: Nếu là 2 triệu Kwon thì là tới $2,000 đô Mỹ lận, mắc quá! Mà có bao giờ nó là 200,000Kwon, tức là $200 đô Mỹ không ta?

    Do dự mãi rồi cuối cùng đánh liều hỏi đại vì nếu hỏi xong rồi bỏ đi thấy cũng ... kỳ kỳ.

    Cô bán hàng đang đứng ngáp ruồi vì vắng khách quá, hững hờ trả lời "200, 000 Kwon ông ơi".

    $200 đô Mỹ à, nghe mà muốn nhẩy cẫng lên vì mùng húm, nhưng còn cẩn thận hỏi lại vì cô ta nói tiếng Anh không rõ ràng chi mấy.

    Và thế là chuyến đi ấy có được cặp kiếng ngộ nghĩnh hết xẩy mà mang trở về Mỹ.

    Tuần sau đó đi show đã cho "khai trương" cặp kiếng ấy ngay ở trong đêm Dạ Vũ. Đêm ấy khán giả đã tròn mắt hò reo khi Don Hồ móc nó ra đeo trong những bài nhạc mạnh.

    Phản hồi có được quá tốt, lòng mới sung sướng làm sao vì có được "trò" mới mà được mọi người ủng hộ!

    Thế rồi cặp kiếng "thần kỳ" ấy đã theo chân Don Hồ qua biết bao nhiêu show Dạ Vũ cùng Đại nhạc Hội trong 6 tháng tiếp sau đó.

    Mãi cho đến một lần có một cô khách say xỉn quá leo luôn lên sân khấu dựt cặp mắt kiếng ra khỏi mặt người ca sĩ mà đeo cho mình & đã làm văng xuống đất, bể đôi!!!

    Nguyên một tuần lễ sau cứ ngơ ngẩn ra vào mà tiếc cặp kiếng. Xài chưa đã, khán giả vẫn còn lạ mắt & thích nó quá, không tiếc sao được chứ. Giờ làm sao có thể kiếm ra được cặp thứ hai?!

    Cho đến tuần lễ thứ 3 thì chịu không nổi, chấp nhận lại làm một chuyến nữa bay qua Nam Hàn. Mò lại tiệm đã mua nó cầu may, vì hôm bữa thấy họ có 3 hộp để trong tủ.

    Lại lạc thêm một trận nữa vì lần trước cũng đi lạc mà tới được khu shopping center đó thôi chứ làm gì biết đường xá tới, mà cũng chẳng biết tên nó là gì để mà hỏi!

    Mò cả buổi cuối cùng cũng kiếm ra được.

    Bước vào tiệm mà tim đập thình thịch, miệng vái trời cho họ còn. Liếc mắt qua con mannequin thấy không còn thấy cho đeo như dạo nào nữa là đã thất vọng rồi nhưng vẫn hỏi cầu may.

    Thêm một màn quơ chân quơ tay để diễn tả vì người bán hàng lần này không biết tiếng Anh! Nói mãi anh chàng chẳng hiểu, mặt cứ nghệt ra!

    Đang định bỏ cuộc thì chợt nhớ ra trong phone có tấm hình chụp với nó ở show, liền móc ra lục lại tìm rồi cho anh ta coi.
    "À" lên một tiếng, anh ta quay ngoắt lại cái tủ rồi móc ra 2 cái hộp. Té ra "hàng độc" quá nên bán chẳng được cho ai!
    Chẳng ai mua trừ Don Hồ.

    Thế là lần đó vơ luôn cả 2 cặp kiếng còn lại cho chắc ăn.

    Và những show sau đó, cặp mắt kiếng lại nhận được những tiếng "ồ à thích thú" từ đám đông mỗi khi Don Hồ xuất hiện sáng đèn với nó.

    Cho đến khi đi xong một vòng các thành phố, bắt đầu thấy chán chán và kiếm được món khác thì cặp mắt kiếng được bỏ lại vào hộp & cất trong một góc tủ nghỉ ngơi...

    Don Hồ
    Thứ sáu 20 tháng 11, 2020
    (Xin cám ơn LeFotos đã chụp cho Don Hồ một tấm hình quá đẹp. Chỉ tiếc là đã lấy từ trên mạng xuống nên tấm hình bị quá nhỏ!).
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=218 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Truyện ma: tiếng khúc khích trong vũ trường

    by music123 » Thứ 3 Tháng 11 24, 2020 11:00 am

    TRUYỆN MA: TIẾNG KHÚC KHÍCH TRONG VŨ TRƯỜNG

    Cuối năm 1989 do sự giới thiệu của ban nhạc The Keys, được mời cộng tác hát ở vũ trường Đêm Đông Phương (Nuit D'orient).

    Đêm Đông Phương hay Nuit D'Orient là một vũ trường lớn, lớn lắm, mới khai trương được non một năm, ở ngay vùng đông đúc người Việt tụ tập (Orange County) tại miền Nam California.

    Tiền thân của Đêm Đông Phương là Kono Hawaii Bar, Restaurant & Store, một nhà hàng lâu đời, được xây từ mãi từ thập niên 60, chuyên có những show ca nhạc nhảy múa kiểu của thổ dân Samoan của quần đảo Hawaii thơ mộng.

    Nhà hàng Kono Hawaii thật rộng lớn. Một bên là cái club uống rượu nho nhỏ. Bên còn lại là nhà hàng thênh thang trần cao vút bên trên. Toàn khung cảnh được trang trí theo kiểu những chiếc lều mái lá dừa của vùng đảo Hawaii.

    Trước Đêm Đông Phương, nơi này cũng đã được người Việt lấy.

    Bên Club uống rượu thì sửa thành Mini Rex, cũng có ban nhạc & ca sĩ hát hàng đêm. Còn bên nhà hàng thì mở thành Vũ Trường Rex.

    Sau Rex, vợ chồng luật sư Lê Trường Xuân cùng vợ chồng nam danh ca Duy Quang đã sang lại Kono Hawaii để đổi thành Khiêu Vũ Trường Đêm Đông Phương.

    Hình như đập bỏ cái club nhỏ bên hông đi, sửa nối lại làm thành một vũ trường còn rộng lớn hơn ngày xưa, phía bên trong vẫn giữ lại kiểu trang trí mái lá của nhà hàng Kono Hawaii trước đó, nên ngó cũng hay hay, lạ mắt.

    Đêm Đông Phương có được một sân khấu thật cao và rộng mênh mông. Ban nhạc the Keys nhận đánh thường xuyên tại đây.

    Lúc Don Hồ được mời cộng tác, giàn ca sĩ thường trực tại đây gồm có: Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, Trọng Nghĩa, Zaza Minh Thảo, Băng Châu, v.v...

    Thời ấy, Orange County có được khoảng 3, 4 vũ trường lớn của người Việt, và một số vũ trường nhỏ hơn. Hoa Kỳ & Việt Nam chưa có bang giao, người Việt lúc ấy chưa được về lại Việt Nam nên cuối tuần vũ trường nào cũng đông nghẹt khách nam thanh nữ tú đi chơi.

    Chị Mỹ Hà vợ anh Duy Quang coi như là manager của vũ trường Đêm Đông Phương. Chị tới sớm để mở cửa cho nhân viên vào & cũng chính chị là người đi về trễ nhất & đóng cửa vũ trường.

    Ngay phía sau sân khấu của Đêm Đông Phương là một cái phòng nhỏ cho ca sĩ ngồi chờ phiên ra hát. Căn phòng nhỏ ấy thông ra cái bếp rộng & dài hun hút.

    Ca sĩ, nhạc sĩ cùng nhân viên vũ trường đều đậu xe phía sau nên mỗi lần vào hay ra về đều phải đi xuyên qua căn bếp hun hút ấy mà phần lớn tối tối, mờ mờ vì chắc đã được tắt bớt đèn cho đỡ hao điện!

    Một lần tới tập nhạc, chị Mỹ Hà cao hứng cười cười kể cho ca sĩ cùng ban nhạc nghe là những đêm khuya sau khi vũ trường vãn khách, chị hay ngồi lại tính toán tiền bạc cho xong rồi mới về. Trong cái im lặng đáng dè của một khoảng không gian rộng lớn đèn tắt gần hết vào lúc 2, 3 giờ khuya, chị hay nghe thấy văng vẳng tiếng khúc khích cười của con nít lúc xa lúc gần. Đôi lúc lại còn tiếng chân chạy rượt đuổi giỡn nhau của trẻ con...

    Đang ngồi trong phòng ca sĩ có gần cả chục người, đèn đuốc sáng trưng, chuyện lại kể ra từ đôi môi đỏ mọng của một người đàn bà rất đẹp (chị Mỹ Hà đẹp lắm) câu chuyện lúc ấy chẳng thấy có gì đáng sợ cả, nhất là khi có lẫn cả tiếng cười ... hồn nhiên của vài đứa trẻ trong đó nữa. Đã không sợ mà còn thấy chút ... dễ thương.
    Nhưng kể từ sau đó, những lúc đi về một mình băng qua cái bếp tối để ra xe, câu chuyện của chị Mỹ Hà lại trở về ... ám ảnh!
    Chẳng biết có phải thần hồn nát thần tính hay không mà cũng từ đó bắt đầu lâu lâu cũng nghe đâu đó có những tiếng khe khẽ cười hồn nhiên vẳng ra từ đống ghế chồng chất trong góc tối, từ đống nồi. Rồi cả những tiếng xột xoạt đầy khả nghi mà lúc trước chẳng hề nghe, hay không để ý thấy. Và cứ mỗi lần như thế là lo quíu chân mà chạy cho lẹ, tay bất ấn bấm vào nhau cho thật đau. Ra tới xe, vào trong ngồi rồi mà sống lưng vẫn còn ớn lạnh, làm như tiếng cười vẫn còn lảng vảng vòng quanh bên ngoài xe...

    Mở được đâu khoảng 2 năm thì Đêm Đông Phương đóng cửa, được Vũ Trường Ritz của chú nhạc sĩ Ngọc Chánh mời qua cộng tác. Khi ấy Vũ trường Ritz - hay còn được gọi là Vũ Trường Pha Lê vì chung quanh được bao bọc bởi toàn kiếng - đang là một vũ trường nổi tiếng bậc nhất. Sung sướng quá mà quên hẳn luôn chuyện "tiếng cười" ngày nào.
    Tuy thế, lâu lâu có dịp đi đâu mà phải chạy băng qua Đêm Đông Phương ngày nào giờ đèn tắt tối thui, vẫn thấy ghê ghê, gai người nào ấy!
    Và Đêm Đông Phương vẫn cứ nằm nguyên đấy mà im ỉm đóng cửa cho cả tới gần 10 năm mà không thấy một ai đụng tới.
    Người ta đồn nhau là nơi ấy có ... ma!
    Rồi có một lần nữa sau cả chục năm lại chạy qua, ngỡ ngàng chút khi thấy Đêm Đông Phương đã bị đập xuống, giờ chỉ còn là một khoảng đất trống bao la, cỏ mọc cao ngang rún.

    Lạ cái, không còn cái vũ trường sừng sững đèn tắt đen ngòm, nhưng lái xe ngang vẫn có cái cảm tưởng rờn rợn gáy của ngày nào.
    Thế rồi bãi đất trống thênh thang ấy chẳng hiểu sao lại để trống cho thêm 5, 7 năm nữa tuy đất đai ở Orange County lúc ấy đang là đất bạc đất vàng.

    Rồi bỗng một ngày lại con đường ấy băng ngang, trong cái nhá nhem của buổi chiều đang chuyển qua tối, giữa đám cỏ cao của bãi đất rộng ấy ai đó đã dựng lên sừng sững một cây thánh giá thật lớn.

    Chẳng hiểu sao trong cái khung cảnh hoang liêu của buổi chiều tà xụp tối ấy, sự xuất hiện của cây thánh giá khổng lồ tự dưng làm không gian như có cái gì đó bí ẩn lắm, làm lạnh người. Nó làm liên tưởng tới một ngôi mộ hoang của một ai đó hay mộ một đứa trẻ nhỏ...

    Và bãi đất hoang cùng chiếc thánh giá đó cũng lại nằm nguyên đó cho thêm vài năm nữa .

    Và bẵng đi thêm một khoảng thời gian nữa, lại có dịp chạy qua. Lại len lén liếc nhìn thì ôi bãi đất hoang cùng cây thánh giá giờ đã sừng sững một ngôi nhà thờ đèn thắp sáng choang. Cái cảm giác lành lạnh khi xưa như ... không còn thấy nữa...

    Và mấy năm trở lại đây, tức là khoảng hai mươi mấy năm sau Đêm Đông Phương, có dịp tới hát ở ngôi nhà thờ này trong chương trình nhạc Giáng Sinh Gloria của trung tâm Thuý Nga.

    Có ráng để ý để coi mình còn có cảm giác lạnh gáy như ngày nào nữa hay không, thì hoàn toàn không còn thấy.
    Có để ý lắng nghe để kiếm ... tiếng cười con nít khúc khích trong những khoảng tối, cũng chẳng nghe thấy gì luôn.
    Nếu thật sự mảnh đất ấy đã có ma như lời đồn thì có lẽ những đứa bé hay đứa trẻ ấy chắc đã được siêu thoát.
    Thôi cũng thật sự cầu mong là thế...

    Don Hồ
    Thứ bẩy 21 tháng 11, 2020
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: DON HỒ: Truyện ma: tiếng khúc khích trong vũ trường

    by music123 » Thứ 3 Tháng 11 24, 2020 11:05 am

    CÔNG VIỆC LÀM CỦA NHỮNG CON NGƯỜI LƯƠNG THIỆN


    (Góp nhặt & đăng lại những bài đã biên từ trước.

    Biết đâu khi trận đại dịch qua khỏi thì mình cũng đã vừa xong được một tập ... hồi ký cho bản thân...
    (Published by Don Ho · June 20, 2015 at 12:26am))

    Khoảng cuối năm 1982, sau hơn một năm đặt chân tới Mỹ & chuyển về sinh sống tại miền Nam California, sau 8 lần chuyển nhà từ nơi này sang nơi khác, thành phố này đến thành phố khác, cuối cùng 2 anh em cũng có được một chỗ ở tương đối an lành và lâu dài hơn ở thành phố Santa Ana, thuộc quận Orange (Orange County). Một căn phòng nhỏ nhắn, trên lầu hai của một căn nhà khang trang, được "share" lại (mướn) từ một bác chủ nhà tốt bụng.

    Bác Mai chủ nhà, dân gốc miền Trung. Ông chồng là lính Mỹ đóng ở Việt Nam thuở nào.

    Bác dễ dãi. Ông Bill chồng bác cũng vui vẻ xuề xoà nên những người mướn nhà được "dễ thở".

    Cả 2 vợ chồng bác đều đi làm, lại không cấm "người mướn nhà" dùng bếp để nấu ăn, nên 2 anh em đi học về là nhào vào gấp rút nấu ăn, ăn bữa ăn tối trước, rồi lau chùi rửa chén bát gọn gàng, trả lại căn bếp cho bác chủ nhà sắp đi làm về, rút lên phòng học bài...

    Tiền chính phủ trợ giúp cho 2 anh em chỉ đủ để trả tiền nhà, tiền ăn.

    Anh Lân, người anh kế, từ lâu ngoài giờ đi học toàn thời gian đã kiếm ra được việc để làm thêm:

    Công việc lau chùi, hút bụi, dọn cầu tiêu ở các building, văn phòng, sau giờ họ đóng cửa.

    Công việc mỗi ngày cần khoảng 4 tiếng đồng hồ để hoàn tất.

    6 ngày một tuần, buổi chiều sau khoảng 8h sau giờ làm việc, lần lượt vào từng building mà mình đã nhận một, đẩy xe dụng cụ đi từng phòng:

    - Đổ & lau đồ gạt tàn thuốc lá (thời ấy chưa bị cấm hút thuốc nơi công cộng).
    - Phủi bụi quanh phòng, màn cửa. Lau bàn.

    - Chùi kiếng.

    - Đổ thùng rác, thay bao.

    - Nếu họ uống cà-phê mà bỏ ly cà-phê dở trên bàn thì cũng phải đem đi rửa rồi trả ly sạch lại y chỗ cũ.
    - Và cuối cùng là hút bụi thảm.

    Bữa nào gặp văn phòng nào có người nghỉ việc đi nghỉ hè, không vào làm là hớn hở lắm, mừng vô cùng, vì bớt dọn được một phòng, sẽ được về sớm hơn một chút để học bài.

    Dọn xong văn phòng là tới phần dọn những restrooms (nhà vệ sinh). Những nơi này lót gạch không phải hút bụi thì lại phải lau sàn. Cũng huề tiền.

    Những lần đi theo phụ ông anh, mỗi người lo một tầng, lúc nào cũng thấy gai gai trong người vì khung cảnh vắng tanh, những tầng lầu đen ngòm bóng tối!

    Gai người vì ... sợ ma!

    Có mở đèn phòng này thì những phòng bên cạnh vẫn tối om om.

    Gặp nhằm ông nào, bà nào bữa đó cắc cớ ở lại làm việc đêm, đang lọ mọ hút bụi quay lại, ổng - bả đứng lù lù ngay sau lưng là phải biết, giật nẩy người văng tít lên tận gần trần nhà, tim thình thịch đập thiếu điều muốn rớt lọt hẳn khỏi lồng ngừng, tưng tưng trên mặt đất...

    Dọn dẹp văn phòng, nghe có vẻ... "dễ ăn" nhưng thật sự cũng có phiền luỵ của nó!
    Bữa nào lú lấn sao mà bỏ quên mất một phòng là coi như hôm sau bị gọi mắng.
    Dọn không sạch, không đúng ý cũng bị mắng.
    Bỏ đồ lại lộn chỗ cũng mắng.

    Mắng suốt...

    Công việc dọn dẹp văn phòng lấy đi nhiều thời gian học nên một thời gian sau đó, anh Lân được mấy người bạn mách nước, xin được một công việc khác, chỉ tốn khoảng 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày lúc bình minh chưa ló dạng, mặt trời chưa lên: Công việc đi ... bỏ báo.

    Muốn được nhận cho làm chân bỏ báo này thì người xin việc phải bắt buộc có xe hơi và xe phải có được bảo hiểm.
    Tờ mờ sớm tới toà báo nhận những chồng báo cao.

    Tuỳ theo mình nhận bỏ ít hay bỏ nhiều hơn mà được đưa cho một danh sách những địa chỉ của người đã đặt mua báo.
    Lái xe tới địa chỉ, thắng xe lại, nắm lấy đuôi tờ báo thẩy cái oạch ngay trước sân. Rồ máy chạy tới nhà kế, cầm tờ khác lên, lại quăng...

    Quăng báo cũng phải có tay nghề, có nghệ thuật. Phải nhắm quăng sao cho đúng lên những khoảng sân xi-măng, chứ quăng lên cỏ là phải chạy ra nhặt lên quăng lại, không thôi báo bị ngấm nước sương mai, hoặc nước tưới cỏ ướt hết.
    Quăng xéo, lộn qua nhà bên cạnh để bị chủ nhà bên ấy "cầm nhầm" là cũng tiêu. Bị gọi mắng vốn, phải đền.

    Có nhiều nhà gia chủ còn khó khăn, bắt buộc người bỏ báo phải quăng vào cho đúng chỗ mình muốn.

    Gặp khách mua báo ở apartment là phải ôm báo rời xe, vào mở cổng khu vực, leo cầu thang mà bỏ cho đúng tận ngay cửa nhà!

    Bữa nào xui xẻo mà gặp trời mưa là coi như trúng mánh, mất toi thêm cả tiếng đồng hồ nữa để bỏ từng tờ báo vào bao ny-lông để bảo vệ những tờ báo không bị sũng ướt nước mưa!

    Chủ nhật cuối tuần là tay về mỏi nhừ vì báo có kẹp thêm những trang quảng cáo của những siêu thị kèm vào, dầy và nặng hơn báo ngày thường nhiều nhiều...

    Nghề "bỏ báo" cũng có những qui luật riêng:

    - Báo phải được bỏ trước giờ mọi người thức dây. Vì người Mỹ có thói quen buổi sớm ngồi uống ly cà phê, đọc tờ báo. Bỏ trễ giờ là bị khách gọi vào than phiền liền.

    Bỏ lộn chỗ khách không tìm thấy cũng bị than phiền.


    - Bịnh cũng phải bò dậy mà lóp ngóp đi làm vì người có trách nhiệm bỏ báo bị bịnh nhưng khách mua báo thì ... không bịnh, vẫn cần báo để đọc như thường lệ!

    Và có lẽ công việc "bỏ báo" này lấy ít thời gian và tiền bạc cũng dễ dàng hơn nên anh Lân đã giữ nó trong suốt thời gian dài học đại học, mãi cho tới khi ra trường mới bỏ, thôi không làm nữa.

    Có nhiều lần đi theo anh phụ, xe chạy tới- thắng-nhấn ga- quăng, chạy tới, thắng- quăng- nhấn ga , chạy lố nhà - lùi, người lái có lẽ đã quen không thấy gì, nhưng người ngồi cạnh mặt trắng bệch vì choáng váng chóng mặt, vì xây xẩm đầu quay mòng mòng khi cái xe cứ lồng lên phóng tới rồi cà dựt quay lui!

    Phụ được vài lần thấy tình thế chẳng ổn ... "long thể" chẳng bao giờ "an" nên kiếm cớ rồi trốn mất biệt luôn. Mà chắc ông anh cũng biết, nên thấy thằng em lấy cớ né cũng chẳng hỏi gì thêm!

    Cái tuổi mười mấy mới lớn khi ấy là cái tuổi bắt đầu biết ... sân si, đua đòi tí tí với bạn bè trong trường. Chẳng gì ghê gớm cho lắm, nhưng quần áo dầy dép đi học hàng ngày cũng phải có thứ để thay đổi , để không quá sút kém với bạn bè mà co người lại vì mặc cảm!

    Những người bạn bè chung quanh phần lớn có bố mẹ, có gia đình lo cho nên cho dù kinh tế cũng khó khăn nhưng vẫn được tươm tất hơn. 2 anh em cu ki ở với nhau, tài chánh eo hẹp nên cũng chỉ tự lo cho nhau được tới một mức nào đó! Vì thế, khi vừa đến tuổi luật lệ cho có thể đi làm thêm được rồi (tuổi 16), là thằng ông em đã lăm le để ý chung quanh khu phố xem có công việc gì có thể xin làm được sau giờ học để kiếm chút tiền tiêu vặt.

    Và một lần, tiệm bánh Strawhat Pizza ở cách nhà nửa tiếng đi bộ để bảng tuyển nhân viên, thằng em đã bậm gan điền đơn xin đại. Ai ngờ được nhận!

    Hồi hộp vô cùng trong những ngày đầu tiên đi làm trong đời.

    Được phát cho 2 bộ đồng phục ca rô màu cam chen lẫn nâu đất để thay đổi và chiếc nón cao-bồi làm bằng rơm (có lẽ vì thế mà tứ đó trở đi "nó" cứ thích mặc áo ca-rô).

    Ông manager người Trung Đông hắc ám, bẳn tính, mắt lừ lừ hay đứng phía sau theo dõi & rình rập nhân viên.
    Sau hơn 2 tuần học nghề, đứng dòm & phụ giúp chạy vòng ngoài cho một người đã làm rành nghề rồi thì tới lúc cũng từ từ được tin tưởng hơn & bắt đầu được cho đứng bếp một mình.

    Những giờ vắng hơn thì phải làm hết công việc từ tiếp khách, lấy đơn đặt bánh, bắt phone, cho đến làm bánh, bỏ vào lò nướng.

    Những giờ cao điểm đông khách hơn thì có 2, 3 người làm cùng lúc, chia nhau ra mà làm.

    Khi đã quen việc rồi thì thấy làm nên chiếc bánh pizza cũng chẳng gì khó. Mọi thứ được hãng làm sẵn & cung cấp tới, chỉ lấy từ những xô đựng trong tủ lạnh ra mà bỏ vào từng khay một, từng loại thịt, rau, quả.
    Bột bánh cũng được nhào sẵn bỏ vào từng xô, dán nhãn, chỉ cần bẹo ra một cục bột, cán dẹp ra rồi cắt bằng một cái khuôn tròn là xong phần chính.

    Để làm thành một chiếc bánh pizza, giản dị phải qua những phân đoạn:
    - Bỏ bột bánh lên một cái khay nhôm.

    - Sau đó đổ muỗng xốt cà chua lên bánh, xoa đều ra nguyên mặt trên của miếng bánh.

    - Rải cheese (fromage) lên một lớp cho đều.

    - Tuỳ theo khách đặt loại thịt, rau nào mà sau đó sẽ lần lượt xếp thêm lên trên mặt bánh.

    - Xong xuôi lấy xẻng xúc cái khay bánh mà hất cả vào lò nướng đang ngùn ngụt lửa.

    Bánh sẽ chín sau khoảng 20 đến 25 phút, nhưng lâu lâu cũng phải mở hé lò ra mà ngó để ngộ lỡ vì lý do gì đó mà bánh bị cháy thì còn chặn kịp.
    Để bánh bị cháy nhiều quá không ăn được phải quăng đi cũng sẽ bị đền, trừ vào lương.

    Và không phải lúc nào bánh mang ra cho khách ngồi ăn là xong nhiệm vụ. Đôi khi cũng bị khách than phiền này kia, hoặc muốn bánh dòn hơn nữa là lại phải lấy, bỏ thêm lại vào lò.

    Riêng khay bánh mà cứ bỏ tới bỏ lui trở lại vào lò thì sẽ có nhiều cơ hội bị khô queo, ăn không còn ngon miệng. Và khi đã xảy ra như thế thì khôn hồn quay mặt đi và kiếm chỗ lẩn cho lẹ để khi khách ăn xong đứng lên ra về khỏi bị lườm và mắng vốn.

    Ca làm sau giờ tan học, từ 4 giờ cho đế 9 giờ đóng cửa. Thời ấy ba mươi mấy năm về trước ở Mỹ chưa có luật lệ phải đeo găng tay cho vệ sinh nên toàn bốc thịt thà bằng tay không. Sau 5 tiếng đồng hồ, nước thịt - nước cá - nước sauce cà chua chui sâu vào trong móng tay lúc về rửa tay tới lui, kỹ cho tới mức nào cũng còn mùi, chẳng cách nào cho hết hẳn cho được...

    Và nửa tháng sau, cầm trên tay cái chi phiếu lương đầu tiên của mình trên nước Mỹ mà thằng em... run rẩy. Nắm những đồng tiền đánh đổi bằng mồ hôi mình làm ra ôi nó mới sung sướng làm sao!

    Cái check tí teo tiền, đãi đám bạn một chầu nhà hàng là bay phăng 1 tuần tiền lương nhưng vẫn thấy mình giàu, mình sang, mình oai hơn hẳn khi chưa đi làm.

    Và bạn bè đã bao mình tự bao lâu, nay không lẽ có lương lại không bao lại được "Dân chơi" mờ, phải chơi cho đẹp chớ...
    Nơi nhân viên đứng làm bánh pizza là một phòng nhỏ 3 mặt được bao bọc bởi toàn kiếng, ai đi ngang cũng có thể dòm vào. Tò mò thì có thể dừng ngay lại mà coi! Tiệm lại nằm trong khu shopping thị tứ, khách đi qua đi lại, lại tương đối gần trường trung học Valley High School mà thằng em đang học.

    Nhiều hôm mấy cô bạn học xinh xinh đi ngang ngó vào nhận ra, đứng bên ngoài khung kiếng lấy ngón tay gõ cọc cọc rồi nhăn răng ra cười & vẫy chào. Ôi có thế thôi mà thằng em đỏ nhừ cả mặt cả mũi!!!

    Đỏ chả phải vì chuyện ... "trai - gái" linh tinh của thuở mới lớn. Mà vì mắc cở, vì xấu hổ nhiều hơn!

    Mặc cảm khi bị bắt gặp mình đang phải làm những công việc như thế này, tuy là mấy cô bạn ấy ngoài giờ học cũng người thì bán hàng trong siêu thị, người thì làm trong tiệm bánh ngọt, người làm hầu bàn. Chẳng hơn gì nhau, nhưng cái "sĩ diện" dỏm & hão của thời tuổi trẻ nó thế!

    Vụt cái, ba mươi mấy năm sau, một ngày đẹp trời chạy ngang, bỗng nao nao muốn được trở vào nơi làm đầu tiên cũ.
    Tiệm pizza vẫn còn đấy tuy đã đổi thành tên khác (chắc vì đổi chủ), không còn là Strawhat Pizza nữa!

    Quang cảnh có thay đổi chút chút. Sơn phết lại sạch sẽ hơn, mới hơn. Nhưng những khung kiếng vẫn bao bọc chung quanh chỗ làm bánh y hệt như ngày xưa!

    Đặt một cái pizza với tất cả mọi thứ thịt thà rau quả trên ấy (the works) rồi trả tiền tại quầy. Cậu nhỏ Á Châu học sinh kiếng cận, mặt non choẹt dầy cui những mụn cám dậy thì, ăn nói lễ phép lịch sự có vẻ mới vào làm chưa bao lâu, vẫn còn luống cuống & chưa được thạo nghề cho lắm.

    Sau vài mươi phút ngồi ngó quẩn quanh chờ đợi, bánh được bưng ra bàn có vẻ chưa được chín tới, lớp bột nướng vẫn còn ươn ướt, mềm èo trong miệng.

    Mang khay bánh bước ngược trở lại quầy, cậu bé Á Châu thấy khách cầm khay bánh có vẻ tần ngần:

    - "Mọi thứ có ... ok không thưa ông?"

    - "Ô tốt lắm. Nhưng làm ơn bỏ lò nướng bánh cho tôi thêm khoảng 7 phút nữa. Tôi thích bánh được dòn hơn mà quên báo cho em hay lúc đặt!"

    Thấy không phải là những lời lèm bèm than phiền nên khuôn mặt cậu bé như dãn hẳn ra, nụ cười nở tươi roi rói:
    - "Dạ thưa được chứ, được ngay, không có vấn đề chỉ cả thưa ông!". Rồi mau mắn đỡ lấy cái khay bánh, mở lò bỏ ngược trở vào...

    Bỗng chợt thấy hiện ra trước mắt hình ảnh của mình ngày nào đội chiếc nón bằng rơm Strawhat đứng cũng ở ngay trước cái lò. Một thằng bé gầy gò khẳng khiu ở trại tị nạn mới qua, nắng ở đảo vẫn còn đậm trên thịt da mốc mốc, tiếng Anh tiếng O lắp bắp nhưng vui vẻ đon đả với khách y chang cậu bé học sinh này.

    Hơn 1/4 thế kỷ rồi đấy!

    Tại sao hồi ấy mình lại có thể mặc cảm với cái công việc làm lương thiện này nhỉ? Đáng lý ra phải hãnh diện thì mới phải?Những đồng tiền làm ra, đánh đổi bằng công sức của chính mình mà.

    Nhưng cùng lúc phải công nhận, những việc làm với những đồng lương nhỏ nhoi lúc ấy đã làm cho mình biết quí đồng tiền hơn.

    Bánh được mang trở lại ra bàn, khô queo như đã đoán trước, nhưng ăn vẫn thấy ngon miệng, thấy ngọt ngào.
    Đàng xa xa bắt gặp tia mắt dòm lén ở đàng sau cặp kiếng cận.

    Chiếc bánh cỡ trung, to thế, khô thế mà rồi ăn cũng hết sạch sành sanh.

    Ở phía bên kia quầy, cậu bé Á Châu đang có vẻ như đang bị ông manager, cũng lại một người Trung Đông, rầm rì rầy la chuyện gì đó...

    Trước khi bước ra khỏi cửa, tạt ngang & dúi lẹ tờ $20 vào tay cậu bé: "Tôi tặng em ăn kem hay uống cà-phê nhé...".
    Hình như cậu ta có vẻ đôi chút ngẩn ngơ!

    Ngẩn ngơ cũng chẳng có chi lạ. Vì nơi đây không phải nhà hàng phục vụ toàn phần nên vào ănđâu có ai cho tips, cho tiền boa!

    Khẽ nói, có lẽ nói cho riêng mình nhiều hơn:

    - "Lấy đi, đừng ngại. Ngày xưa tôi đã làm ở chỗ này y chang em đấy..."

    Chẳng biết cậu ta có nghe & có hiểu không nhưng thấy cậu ta cười cám ơn rồi nhét lẹ tiền vào túi quần.
    Bước ra xe nửa bùi ngùi, nửa vui vui trong lòng...

    Rồi không biết rồi nếu ... 30 năm sau nữa nếu mình có vòng trở lại đây cái tiệm này, nó có còn tại vị? Nó có còn như thế này không nhỉ?

    Biết đâu khi ấy mình đã ... mua luôn nó và thành ông chủ đang đứng ... mắng nhân viên cũng không chừng...

    Và phải chi khi nãy đang ngồi ăn mà lại có thấp thoáng bóng mấy cô bạn thuở xưa từ đâu tình cờ đi ngang thấy, gõ gõ ngón tay vào cửa kiếng mà nhăn nhở nhe răng ra cười chào thì ôi chao ôi, sẽ tuyệt hảo biết là bao nhỉ...

    Don Ho
    Thứ ba 24 tháng 11, 2020
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=221 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    DON HỒ: Nam Trung Bắc

    by music123 » Thứ 4 Tháng 11 25, 2020 4:20 pm

    NAM TRUNG BẮC

    https://www.youtube.com/watch?v=QvYd_tbhaE0

    2015

    Thâu bài hát song ca chung với nữ ca sĩ trẻ Diễm Sương của trung tâm Thuý Nga.

    Hai đứa ngồi bàn bạc bài hát, chia câu xong thì Diễm Sương có lớp phải vào trường nên Don Hồ ở lại studio thâu trước.
    Don Hồ vừa vặn thâu xong xuôi phần mình đã được chia thì Diễm Sương ra lớp & lò mò quay trở lại phòng thâu.

    Diễm Sương thế chỗ, sửa soạn vào thâu thì tới phiên Don Hồ lấy xe chạy vòng vòng chờ vì hiểu tâm lý ca sĩ:

    Khi thâu âm rất nhiều ca sĩ sẽ cảm thấy không thoải mái khi có người khác ngồi ngoài chờ & lắng nghe (trong đó có cả mình). Mà một khi đã ngại, đã không thoải mái rồi thì sẽ còn thâu lâu hơn, mất thêm thì giờ nhiều hơn.

    Bởi thế trước khi rời studio có dặn nhỏ với Diễm Sương:

    - "Diễm Sương áng độ chừng 30 phút trước khi xong thì nhắn tin Don để Don vòng về. Mình cùng nhau nghe, và rồi thâu bè tiếp theo để cho xong luôn nhé!"

    Khoảng 2 tiếng sau phone reng ầm. Bên kia đầu dây thoáng chút ngập ngừng:

    - "Anh Don ơi, em đang thâu mà không biết sao bị xây xẩm mặt mày, chân bị run quá ... Thành thử giọng em thâu thấy không mấy ổn..."
    - "Nếu Diễm Sương thấy người không khoẻ thì nên dừng lại, rồi xin phòng thâu ngày khác trở lại đi! Vì nếu có ráng thâu tới nữa, mai mốt rồi Diễm Sương cũng sẽ phải thâu lại mà thôi. Người không khoẻ thì giọng hát sẽ không ổn đâu!"

    - "Em ngại quá..."

    - "Ngại gì Diễm Sương, không khoẻ trong người mà ráng thâu cho xong, về nghe không hay. Mai mốt cũng lại phải thâu lại ... cũng vậy thôi à. Thôi mình nghỉ đi..."

    - "Em... xin lỗi anh..."
    - "Trời, lỗi phải gì đâu? Diễm Sương nào đâu có muốn thế! Về nghỉ cho khoẻ đi Diễm Sương..."
    - "Dạ..."
    - "Nhớ xin phòng thâu cái hẹn cho ngày khác."

    - "Dạ ... Em xin lỗi..."
    - "Hử...? Don cũng ... xin lỗi Diễm Sương, hehe"
    - "Anh ... xin lỗi vì chuyện gì ạ?"

    - "Ai biết đâu! Thấy Diễm Sương cứ mải "xin lỗi" hoài thành thử Don cũng bắt chước ... "xin lỗi" theo một miếng cho cân bằng, cho đồng đều ấy mà..."
    - "Hee hee..."
    - "Ha ha..."

    Hai người ca sĩ đang thâu song ca một bài hát để quay cho chương trình Paris By Night. Don Hồ dân Sài gòn gốc Bắc di cư , Diễm Sương gốc ... Công Tằng Tôn Nữ đại nội kinh thành, nói chuyện với nhau khách sáo, lịch sự và lễ phép tới phát khiếp. Nhưng công nhận cũng có cái chi đó... thật dễ thương trong đó ...

    Buổi chiều miền Nam Cali đẹp đẽ, mát mẻ như thế này, được nghỉ sớm còn gì bằng?

    Về dắt mấy em "gâu gâu" ra công viên chạy một vòng tập thể thao cho chúng đỡ chồn chân. Thế là không những mình cám ơn Diễm Sương mà mấy em "gâu gâu" cũng gấu gấu loạn lên mà cám ơn cô Diễm Sương luôn ấy chứ.

    Vừa lái xe, vừa huýt gió, vừa lan man nghĩ tới chuyện Bắc Trung Nam, miền ni xứ nọ.

    Mình Bắc Kỳ "rún", mới vài bữa trước nói chuyện với mấy anh em nhà cô bạn nhạc sĩ Trang Thanh Trúc ở bên Paris Nam kỳ rặc, hôm nay chuyển qua nói chuyện với o Sương đặc sệt cố đô Huế mà thấy ngày trôi đi cũng thú vị, vui vui...

    Và đó cũng là lần đầu tiên giọng hát Don Hồ được kết hợp cùng giọng ca Diễm Sương.

    Bài song ca rồi cũng hoàn tất, mix ra nghe êm ái nhẹ nhàng bay bổng. 2 giọng hát hoà vào hỗ trợ cho nhau.

    Đã thế lại được trung tâm Thuý Nga ưu ái đãi ngộ đầu tư cho 2 anh em đi quay ngoại cảnh ở cồn cát trắng ngoài biển, hình ảnh ra thật lãng mạn, được sự đón nhận của mọi giới yêu nhạc...

    Không biết mọi người có đoán được mình đang nói về nhạc phẩm nào không ta? 😉


    Don Hồ

    Chủ nhật 22 tháng 11, 2020
    NGUỒN:
    https://www.facebook.com/photo?fbid=220 ... 8323460895

    Hình ảnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 343 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 87 khách