Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thư từ nước Mỹ: Mỹ đang đối diện với một di sản còn tồi tệ hơn đại dịch
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Thư từ nước Mỹ: Mỹ đang đối diện với một di sản còn tồi tệ hơn đại dịch

    by music123 » Chủ nhật Tháng 6 20, 2021 12:58 pm

    Thư từ nước Mỹ: Dù được cả thế giới ghen tị, Mỹ đang đối diện với một di sản còn tồi tệ hơn đại dịch


    Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý | 20/06/2021

    Hình ảnh

    Không rõ bên nào sẽ thắng trong "trận chiến giành lại linh hồn của nước Mỹ", như ông Joe Biden thường nói.


    Nước Mỹ đang nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng liệu mọi thứ có trở lại bình thường? Các xu hướng mới nổi cho thấy phía trước là một con đường rất dài và đầy chông gai.

    Di sản 2020 và 2021 sẽ còn kéo dài và tồi tệ hơn đại dịch. Các tác nhân chính trị đã tận dụng sự hỗn loạn trong quản trị của nước Mỹ theo những cách mà trước đây không ai có thể hiểu được. Người Mỹ đang phải đưa ra những lựa chọn liên quan đến việc quyết định hướng đi của nước Mỹ.


    Hình ảnh

    Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Quốc hội và Nhà Trắng vào tháng 1 năm 2021. Họ đã tiến hành khởi động một chương trình toàn diện nhằm biến nước Mỹ thành một chính phủ, một nền kinh tế và một xã hội cực đoan, cực tả theo phong cách châu Âu.

    Một số người cho rằng đảng Dân chủ không được trao sứ mệnh thực hiện cuộc chuyển đổi triệt để này. Tại Hạ viện với tổng số 435 ghế, họ chỉ nắm quyền đa số với 4 phiếu chênh. Tại Thượng viện, họ đang ở thế bế tắc với số ghế được phân đều cho hai phe Dân chủ-Cộng hoà là 50-50.

    Phe Dân chủ đang nắm trong tay chiếc ghế Tổng thống nhưng lại không kiểm soát Toà án Tối cao – cán cân quyền lực hiện đang là 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do.

    Trong giai đoạn 2019-2021, một nhóm nhỏ gồm các đảng viên Dân chủ có tư tưởng cực tả dường như đã giành được quyền kiểm soát đảng Dân chủ, vốn từng mang quan điểm trung dung nhưng điều đó đã thay đổi, ngay từ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

    Trong nhiều thập kỷ, hai phe cánh tả-cánh hữu, Dân chủ-Cộng hòa, những người theo chủ nghĩa tự do-những người bảo thủ đã chìm trong bế tắc, không một bên nào áp đảo được hoàn toàn bên kia, hoặc thậm chí không bên nào chịu bên nào. Hiện giờ, cả hai bên đều rút lui về vùng an toàn của mình với những quan điểm cực đoan. Nước Mỹ đang trong một cuộc chiến với chính mình.

    Hình ảnh

    Năm 2020, đảng Dân chủ và Cộng hoà đã thống nhất được với nhau trong việc phê chuẩn ngân sách tài trợ cho một loạt chương trình liên quan đến Covid-19: phát triển vắc-xin, sản xuất trang thiết bị y tế, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, hoãn thời hạn trả nợ cho các khoản vay sinh viên, bảo lãnh cho thuê nhà và thế chấp mua nhà - tất cả đều nhằm nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch.

    Năm 2021, nguyên tắc lưỡng đảng tiêu tan khi đảng Dân chủ lấy Covid-19 làm cái cớ để ban hành các chương trình phi Covid về biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng, phúc lợi (trợ cấp thực phẩm, dịch vụ trông trẻ, chăm sóc người cao tuổi), nhập cư bất hợp pháp và hợp pháp không giới hạn, thủ tục bầu cử và một danh sách dày đặc những tham vọng của phe cánh tả.

    Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong trận chiến ban đầu và đang chi tiêu khá thoải mái. Giờ đây, nước Mỹ đang oằn lưng với khoản nợ 30 nghìn tỷ đô la và số tiền đó vẫn đang tiếp tục tăng với kế hoạch chi tiêu từ 6 đến 10 nghìn tỷ đô la mà đảng Dân chủ đang cố gắng thông qua.

    Kế hoạch của phe Dân chủ là để lại khoản nợ dài hạn đó cho các thế hệ tương lai, in tiền, và đánh thuế người giàu cùng các tập đoàn lớn – vấn đề là không có khoản nào trong số đó đủ để trang trải cho chi phí của các chương trình mới.

    Hình ảnh

    Tổng thống Bill Clinton cho rằng "kỷ nguyên của chính phủ lớn" đã kết thúc khi ông tái đắc cử tổng thống năm 1996. Ông đã lầm. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang kiên định nuôi dưỡng một chính phủ lớn chưa từng có, mặc dầu họ có hai mục tiêu khác nhau

    Hình ảnh

    Chính phủ đã cố gắng tiếp sức cho các doanh nghiệp nhỏ để giúp họ vượt qua cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong đại dịch. Gói chi tiêu này đã thành công một phần. Năm nào nước Mỹ cũng có khoảng 600.000 doanh nghiệp đóng cửa vĩnh viễn. Năm 2020, ngoài số đó ra còn thêm 200.000 doanh nghiệp nữa đóng cửa vì Covid-19.

    Khoảng 74% doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần trong đại dịch. Nợ của các tập đoàn ở mức 17,5 nghìn tỷ USD, tương đương 85% GDP.

    Các kế hoạch đánh thuế mạnh vào nền kinh tế - không phải để giảm nợ, mà để có tiền chi trả cho các khoản chi tiêu mới khi đất nước vừa ra khỏi đại dịch - không khỏi khiến người ngoài thấy người Mỹ như những kẻ khờ.

    Hình ảnh

    Bất chấp những tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ lại một lần nữa trên đà khởi sắc, khiến cả thế giới phải ghen tị. Thị trường chứng khoán giữ ở mức kỷ lục. Lượng việc làm mới để thay thế những việc làm đã mất tăng vọt. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5,8%. Mỹ đang trở lại thời kỳ thịnh vượng giống như dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump trước Covid-19.


    Nhưng tin xấu cũng không ít: người lao động thất nghiệp vẫn đang không có việc làm – họ chọn ngồi nhà nhận các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ hơn là đi làm. 10 triệu việc làm đang cần người vẫn bị bỏ ngỏ. Một số chính quyền tiểu bang đang tiến hành dỡ bỏ trợ cấp thất nghiệp ngay lúc này hoặc muộn nhất là tháng Chín.

    Đại dịch vừa có dấu hiệu rút, nhiều người lao động đã lên tiếng đòi hỏi mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, nếu không họ sẽ nghỉ việc. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với bối cảnh: khi nối lại hoạt động họ sẽ phải dành ra quỹ lương cao hơn cho người lao động.

    Ngoài ra, Mỹ đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng ở mức cao hơn nhiều so với dự kiến ​​của Ngân hàng Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính đưa ra trước đó. Lý do: Chi phí lao động, chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh tăng, cùng với việc chính phủ xả hàng nghìn tỷ đồng vào các gói kích thích kinh tế hậu đại dịch.

    Hình ảnh

    Ông Joe Biden, với tư cách là tổng thống mới, đã không ngần ngại coi công bằng xã hội là chủ đề bao trùm trong chính quyền của mình. Trong các chính quyền trước đây, ngay cả dưới thời ông Barack Obama, các tổng thống chưa bao giờ coi công bằng xã hội là ưu tiên.

    Ông Biden đã vận dụng phương thức tiếp cận "toàn chính phủ" theo một cách chưa từng có tiền lệ. Qua lăng kính của chính quyền Biden, nước Mỹ bị coi là một quốc gia "phân biệt chủng tộc có hệ thống", vận hành trên nền tảng của chủ nghĩa "da trắng thượng đẳng và đặc quyền" chỉ để mang lại lợi ích cho người da trắng và kìm hãm các nhóm thiểu số. Và rằng nước Mỹ được hình thành để biến người da đen thành nô lệ.

    Tất cả các cơ quan chính phủ hiện đang nỗ lực đưa ra các chính sách hỗ trợ công bằng xã hội và tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo dành cho nhân viên với mục tiêu loại bỏ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống.

    Phong trào kêu gọi "Giải thể cảnh sát" đã trở thành một phần không thể thiếu của nỗ lực này. Bạo loạn ở một số thành phố vẫn tiếp diễn, ngay cả sau khi mùa hè bạo lực khắp nước Mỹ kết thúc; đó là chuỗi bạo lực sau cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen, do cảnh sát gây ra. Cùng với đó, bạo lực - giết người và xả súng - đang hoành hành ở nhiều thành phố của Mỹ ở mức kỷ lục, chủ yếu là giữa người da đen với người da đen.

    Các khảo sát cho thấy, thay vì gắn kết người dân, chính sách này đang chia rẽ nước Mỹ hơn bao giờ hết và tình trạng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

    Hình ảnh

    Những người phản đối cuộc chuyển đổi toàn diện nước Mỹ của phe cánh tả đang nỗ lực hết sức để đẩy lùi những gì mà họ cho là tiền đề sai lầm của các phong trào công bằng xã hội cùng những luận điểm vô căn cứ. Đặc biệt, các tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát đang tiến hành một loạt các hoạt động: cải cách luật bầu cử, cải cách luật để hủy bỏ "văn hóa xoá sổ", loại bỏ các chương trình tuyên truyền về công bằng xã hội trong các trường phổ thông và trường đại học, tái cấp ngân sách cho các sở cảnh sát, dẹp bỏ bạo loạn, giảm tội phạm bạo lực, hạn chế tình trạng vô gia cư, và nhiều vấn đề khác.

    Chính quyền các tiểu bang này thừa nhận rằng mối quan hệ chủng tộc cần phải được cải thiện liên tục để duy trì một xã hội công bằng. Điều họ phản đối là các tuyên bố của phe đối lập cho rằng Mỹ là một xã hội phân biệt chủng tộc, rằng không có tiến bộ nào đạt được ở phạm trù này trong 200 năm qua. Quan trọng là, trái với mong muốn của phe Dân chủ, các nhóm thiểu số đang lên tiếng ủng hộ một nước Mỹ truyền thống hơn.

    Hình ảnh

    Người dân Mỹ đang thể hiện nỗi bất bình của mình. Rất nhiều người đang chuyển khỏi California và New York, hai tiểu bang Dân chủ nhất của đảng Dân chủ và cũng là hai tiểu bang tiêu biểu của phe cánh tả. Cánh cửa Texas và Florida, hai tiểu bang bảo thủ, đang mở rộng chào đón những công dân bất mãn này.

    Điều thú vị là các nhà lãnh đạo ở Texas và Florida công khai tuyên bố: Vui lòng không chuyển đến tiểu bang của chúng tôi nếu bạn vẫn bỏ phiếu ủng hộ những chính quyền yếu kém như California và New York.

    Hình ảnh

    Dường như nước Mỹ đang bị chia đôi xẻ nửa giữa một bên là những người muốn chia rẽ đất nước và biến nước Mỹ thành một xã hội tả khuynh không tưởng và bên kia là những người muốn bảo tồn hoặc tiếp tục phát triển nước Mỹ trên cơ sở các giá trị, truyền thống, xã hội và quản trị để chống lại những nỗ lực khiến đất nước thụt lùi.

    Hình ảnh

    Không rõ bên nào sẽ thắng trong "trận chiến giành lại linh hồn của nước Mỹ", như ông Joe Biden thường nói.

    Các cuộc bầu cử Quốc hội năm 2022 tới đây sẽ là chỉ dấu đầu tiên: đảng Cộng hòa có cơ hội giành lại quyền kiểm soát Quốc hội, và nếu như vậy họ sẽ đặt dấu chấm hết cho nỗ lực chuyển đổi toàn diện nước Mỹ của ông Biden. Năm 2024, người Mỹ sẽ bỏ phiếu để bầu ra một tổng thống mới và điều đó sẽ thay đổi đất nước một lần nữa.

    Dù thế nào, nước Mỹ trong những năm tới sẽ khác rất nhiều so với nước Mỹ trước đây.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 163 khách