Tiến sĩ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý | 11/07/2021
Thú vui mới của người Mỹ bây giờ là nhìn người khác và cố đoán xem người đó đã được tiêm chủng hay chưa.
Cuộc sống bình thường ở nước Mỹ thời hậu Covid-19 cuối cùng cũng trở lại, nhưng kèm theo những thay đổi không ai có thể nghĩ đến trước đó. Với việc biến thể Delta đang len lỏi xâm nhập vào Mỹ và còn khá nhiều người từ chối tiêm vắc xin, thì chắc hẳn ai cũng đoán được nước Mỹ sẽ như thế nào trong vài tháng tới. Cá nhân tôi trộm nghĩ thế này.

Đeo khẩu trang hay không thực sự là "vấn đề" trong suốt 14 tháng Covid hoành hành. Thật kỳ lạ, vấn đề này đến giờ vẫn chưa có dứt điểm. Những người đã từng đeo khẩu trang thì giờ đây đa phần không còn đeo nữa. Những người kiên quyết không đeo thì dĩ nhiên vẫn giữ lập trường kiên định.
Lệnh đeo khẩu trang được dỡ bỏ cũng là sự bắt đầu của nhiều trải nghiệm kỳ lạ cho chủ nhân của những chiếc khẩu trang. Tất cả mọi người — học sinh, công nhân, các thành viên trong gia đình, v.v. — giờ đây có thể nhìn thấy khuôn mặt thực sự của bạn bè và đồng nghiệp sau rất nhiều tháng trời "nhìn mà không thấy". Trải nghiệm khi lớp khẩu trang được gỡ ra rất khác nhau với từng người - có những người chẳng cảm thấy gì khác biệt, có người bị bất ngờ, nhưng lại có nhiều người cảm thấy biết ơn những ngày tháng mới, vui mừng hoặc mãn nguyện vì được hít thở không khí tự nhiên.
Nhiều nhân viên đến giờ mới thấy mặt ông chủ lần đầu tiên, lập tức họ băn khoăn: Có thực là cả năm vừa rồi mình đã làm dưới quyền của người đàn ông này, tuân thủ mọi mệnh lệnh với sự tôn kính dành cho một gã hoá ra chỉ là một kẻ ngốc dưới chiếc khẩu trang kia ư? Thôi bỏ đi, tìm việc mới vậy! Rồi nhiều người khác lại ớ hết cả người khi biết rằng vị sếp ăn nói thô lỗ cộc cằn của họ thực ra lại là một người phụ nữ, chỉ có giọng nói là giống đàn ông.

Các thông điệp về khẩu trang thì vẫn tiếp tục đầy mâu thuẫn, đặc biệt trong lĩnh vực y khoa. Bạn đến bất kỳ phòng khám nào cũng sẽ thấy một nửa số bác sỹ, y tá đeo khẩu trang và một nửa không đeo. Đây thực sự là một vấn đề đối với bệnh nhân. Khi phải lựa chọn, liệu bạn sẽ đến khám chỗ bác sỹ đeo khẩu trang hay chọn người không đeo khẩu trang? Có phải là một trong hai nhóm này là những bác sỹ không cập nhật kịp các tài liệu y học hiện đại hay không?

Việc giãn cách xã hội cũng có những tác động đến hành vi theo những cách kỳ lạ. Với nhiều người, việc giãn cách đã trở thành một phản xạ tự nhiên – họ vẫn giữ khoảng cách, không muốn đến gần người khác trong phạm vi 2m. Trong tiềm thức của họ luôn tồn tại một chiếc chuông báo động sẵn sàng rung lên nếu một người khác băng qua đường ranh giới đó. Sự ám ảnh này vẫn nguyên vẹn khi mọi cơ sở kinh doanh vẫn giữ nguyên các ô cho khách đứng xếp hàng cách nhau 2m trước quầy thu ngân.
Hay như hôm rồi tôi gặp người hàng xóm sát vách nhà chúng tôi – hai căn nhà chúng tôi cách nhau một khoảng lưu không theo đúng tiêu chuẩn xây dựng ở Mỹ. Phải nói thêm chút là cuộc sống thời Covid đã khiến khoảng cách dường như trở thành xa vời vợi. Những chuyến thăm nom chỉ dừng lại ở việc gia đình người hàng xóm tốt bụng mang tặng chúng tôi đồ ăn và nhu yếu phẩm đặt ngoài cửa, bấm chuông và đi về.

Tôi đứng trong nhà chờ họ đi khuất mới mở cửa lấy đồ vào. Lời cám ơn được gửi qua đường điện thoại hoặc tin nhắn. Và trong cuộc trò chuyện hậu Covid ấy, cả hai chúng tôi vẫn cùng đeo khẩu trang, không ai bảo ai, và có lẽ cũng không hề chủ động ý thức, dừng lại ở hai điểm cách nhau tầm 2 mét. Chắc bộ não của chúng tôi đã được lập trình cố định như vậy.

Các vấn đề về vắc xin đang khiến tất cả bối rối và là căn nguyên của những hành vi rất sai.
Những người đã từng bị nhiễm COVID không muốn tiêm chủng. Những người phản đối việc này thì muốn bắt buộc họ vẫn phải tiêm với lý lẽ rằng: ai đã nhiễm Covid thì nhất định cơ thể người đó rất yếu, vậy nên những người này cần phải tiêm càng nhiều vắc xin càng tốt!
Những người đã tiêm chủng thì lại nhất định không chia sẻ thông tin là họ đã tiêm hay chưa. Thực tế là Hiến pháp Mỹ, được chính thức ký kết vào tháng Bảy năm 1778, quy định rõ ràng rằng người dân phải chia sẻ thông tin về việc họ đã tiêm chủng hay chưa khi có yêu cầu trả lời. Vì vậy, việc người dân từ chối tiết lộ thông tin tiêm chủng khi có yêu cầu khai báo được coi là vi hiến.
Cũng vì người dân không cần phải tiết lộ tình trạng tiêm chủng của mình cộng với việc có lẽ nhiều người, đặc biệt là những người chưa tiêm chủng có xu hướng nói dối về tình trạng của họ nên nhiều người vẫn kiên định quy tắc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang như một bí quyết giúp họ sống sót qua đại dịch. Với thực tế như vậy, việc bạn đã thực sự đã tiêm phòng hay chưa không phải là vấn đề nữa, mà vấn đề là không ai biết tình hình tiêm chủng thực hư thế nào.

Và thú vui mới của người Mỹ bây giờ là nhìn người khác và cố đoán xem người đó đã được tiêm chủng hay chưa. Bạn sẽ rất hay nhìn thấy một nhóm người nào đó chiếu ánh mắt đầy nghi hoặc về phía một người khác và thì thầm gì đó với nhau. Những người này đang đánh cược với nhau về tình trạng tiêm chủng của đối tượng mục tiêu.

Hành vi bắt tay đã không còn tồn tại từ lâu và nhiều khả năng sẽ không bao giờ quay lại nữa. Vậy là cũng đến lúc không có ai phải oằn hết cả người đến phát khóc vì bị một bàn tay khác siết chặt bàn tay của mình. Hoặc nhiều người phụ nữ không còn phải cảm thấy khó chịu khi một người đàn ông cố tình nắm tay mình thật lâu. Hoặc không còn cảnh dở khóc dở cười khi nắm một bàn tay mà cảm giác như nắm phải một miếng vải ướt.
Trước đây, chưa bao giờ có ai nghĩ đến việc một ngày nào đó người ta sẽ cụng khuỷu tay thay cho bắt tay, và cũng may là việc này không trở thành phổ biến. Là bởi thế này: cụng khuỷu tay, tưởng an toàn mà hoàn toàn có thể mang lại rủi ro, đặc biệt là nếu hai người tiếp xúc không có sự phối hợp nhịp nhàng. Người ta không biết phải dùng cùi chỏ trái hay phải, không biết phải giơ cao đến đâu hay thấp đến đâu là vừa, nên cụng ở cường độ mạnh đến đâu là hợp lý với người đối diện, và cụng vào nhau rồi thì giữ nguyên hiện trạng bao lâu cho phải phép. Thành ra kết quả là những cuộc gặp gỡ trở nên rối ren y như cảnh một đàn gà nhốn nháo tranh giành ngô.
Một cách nữa để thay thế cho bắt tay có thể là cúi đầu. Nhưng nếu người Mỹ làm như vậy thì điều đó rất có thể sẽ khiến những du khách mới đến tưởng rằng máy bay của họ đã hạ cánh nhầm đến Nhật Bản. Và thêm nữa là thế nào trong quá trình chuyển tiếp từ bắt tay sang cúi đầu cũng xảy ra những vụ tai nạn. Ai ở châu Á cũng biết một điều là nếu bạn đứng gần người đối diện khi cúi đầu thì có thể bị chấn thương đầu.

Chương cuối của cuốn sử thi mang tên Covid của nước Mỹ có thể sẽ là những tháng mùa thu tới đây khi 57 triệu học sinh và 4 triệu giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12 quay lại trường học. Nếu tất cả cùng quay lại trường, cuộc sống sẽ về quỹ đạo bình thường.
Nhưng có một vấn đề ở đây. Rất có thể là các giáo viên đã quen với việc giảng dạy từ xa mặc dù họ được tiêm phòng và hưởng lương đầy đủ như các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nên nhiều người trong số họ có thể có suy nghĩ rằng tại sao lại phải quay lại trường để đối mặt với đám học trò từ khắp nơi tụ về. Đây cũng là dịp tốt để lấy cớ yêu cầu tăng lương ngay lập tức khi ai ai cũng muốn mở lại trường học.
Cuộc chiến giữa giáo viên, công đoàn, phụ huynh và chính quyền còn đang ở phía trước.