Tùng Ninh | 16/07/2021
"Hát được 10 ngày thì tôi cũng bị buộc phải ngưng hát 10 ngày vì bạo động" – Ngọc Sơn nói.
Vừa qua, tại chương trình Duyên phận, ca sĩ Ngọc Sơn đã chia sẻ về con đường sự nghiệp của mình.
Người ta mời nhiều giáo sư nước ngoài và trong nước về dạy nên tôi được học rất nhiều kĩ thuật
Quê gốc tôi ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Ba tôi sau này mới tập kết ra Bắc để làm trưởng đoàn văn công Quân khu 5 và hiệu trưởng trường Sinh viên miền Nam. Nguyên dòng họ nội nhà tôi ai cũng mê cải lương, âm nhạc dân tộc. Tất cả các cô chú đều thích.

Mẹ tôi là người Đồ Sơn, dạy học tại Kiến An, Hải Phòng. Tôi cũng sinh ra ở Đồ Sơn.
Năm 1977, tôi theo cha mẹ vào Bạc Liêu sống. Đúng là trời độ cho tôi đến được đúng cái nôi của cải lương nên học được rất nhiều và mê cải lương từ nhỏ.
Tôi là người được đào tạo từ sớm. Từ hồi nhỏ xíu đã được ba dạy cho cách hát này hát nọ nên máu âm nhạc ngấm vào người. Em trai tôi Ngọc Hải lại khác, chỉ mê đi đặt vó, cất lờ rồi lớn lên học hàng hải để mở doanh nghiệp lớn. Em gái tôi Ngọc Hà cũng mở doanh nghiệp.
Chỉ riêng mình tôi được dồn hết máu âm nhạc vào mình nên mê ca hát lắm. Tốt nghiệp xong trung học, tôi được chọn vào học trường Sân khấu năm 1987. Sau 3 tháng học, tôi ao ước được chuyển qua âm nhạc.
Đúng lúc đó, trường Sân khấu mở một lớp đại học thanh nhạc trực thuộc Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và tôi được chọn vào. Người ta mời nhiều giáo sư nước ngoài và trong nước về dạy nên tôi được học rất nhiều kĩ thuật, cách hát mới để áp dụng vào âm nhạc Việt Nam, chuyển hóa thành cái hay tự nhiên.

Tôi tự tin rằng mình được đào tạo bài bản nên khi ngồi ghế giám khảo các chương trình ca nhạc, tôi chấm được rõ ràng, nhìn ra mọi thứ. Tôi học được nhiều điều mà ngay cả trong sách vở cũng chưa ghi ra.
Năm 1989, tôi vừa học xong thì có người thắc mắc với thầy tôi rằng đào tạo học trò kiểu gì lại để nó đi hát nhạc sến. Thầy tôi nói luôn: "Nó hát vẫn bài bản, chuẩn xác là được. Dòng nhạc nào mà chẳng có cái hay, giá trị riêng. Chúng tôi đào tạo học trò như vậy chứ không bắt học trò hát theo ý mình".
Hát được 10 ngày thì tôi bị buộc phải ngưng hát cũng 10 ngày vì bạo động
Sau đó, tôi đi thi Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc tại Nha Trang với hai ca khúc nổi tiếng, trong đó có bài Thuyền và biển. Thay vì hát kiểu dựng tiếng như những ca sĩ trước, tôi chọn hát kiểu Bolero bạch thanh nhưng vẫn cộng minh, nên đảm bảo đủ kỹ thuật mà lại da diết, tình cảm.
Chính vì thế nên tôi được hẳn giải đặc biệt. Ban giám khảo còn trao cho tôi giải Ngôi sao nhạc nhẹ.
Sau đó, tôi được mời về Sân khấu quận 10 để ngồi dưới khán đài suốt 6 tháng nghiên cứu cách hát của ca sĩ khác. Tôi nghiên cứu chị Bảo Yến, anh Thái Châu, chú Nhật Trường… Toàn bộ đều là siêu sao ca nhạc lúc ấy.

Tôi ngồi dưới xem cũng ngưỡng mộ lắm. 6 tháng sau tới mùa mưa trong Nam nên mọi người đổ ra ngoài miền Trung biểu diễn nên các sân khấu tại Sài Gòn vắng người, không còn ai biểu diễn. Vì thế nên tôi được đẩy lên hát. Bài đầu tiên tôi hát là Nhớ, theo làn điệu dân ca Nam bộ.
Tôi vừa cất giọng lên là mọi người choáng ngợp và liên tục mời tôi hát. Sau đó, tôi sáng tác bài Lòng mẹ kết hợp giữa vọng cổ và nhạc nhẹ, nên trở thành hiện tượng lúc bấy giờ.
Tôi hát ở đâu khán giả cũng mê tít, cuồng nhiệt. Nhưng hát được 10 ngày thì tôi bị buộc phải ngưng hát cũng 10 ngày vì bạo động.
Khán giả ngày đó hay bị quá khích, lại thương tôi vì thấy tôi hiền quá nên mới máu lửa nhào lên khi tôi hát xong rồi cầm đá chọi bể xe của nhạc sĩ Tùng Châu để gần đó.