Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Tiến sỹ Việt ở Mỹ: Những hậu quả "đáng sợ hơn cái chết" của COVID..
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Tiến sỹ Việt ở Mỹ: Những hậu quả "đáng sợ hơn cái chết" của COVID..

    by music123 » Thứ 3 Tháng 7 27, 2021 3:46 pm

    Tiến sỹ Việt ở Mỹ: Những hậu quả "đáng sợ hơn cái chết" của COVID-19 và cách cơ thể chống lại virus nhờ vaccine


    Hải Châu-Nguyễn Quốc Thục Phương | 27/07/2021

    Hình ảnh

    Những tin tức gần đây về sự lây lan nhanh chóng của những biến thể mới của virus, việc nhiễm virus sau khi đã tiêm vaccine và các phản ứng phụ của vaccine vẫn đang làm cho không ít người lo lắng.

    Thậm chí có những tin giả như vaccine chỉ là virus bị cưỡng ép nằm yên, nhưng sau khi tiêm vào cơ thể sẽ bị một thế lực nào đó dùng các mệnh lệnh bên ngoài để "kích hoạt" nó sống trở lại và gây bệnh hàng loạt.

    Những thông tin giả như vậy có thể gây rất nhiều tác hại nếu người dân sợ và từ chối tiêm vaccine, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho chính bản thân và cộng đồng.

    Nếu miễn dịch cộng đồng không đạt được, chúng ta sẽ đối mặt với không chỉ nguy cơ bệnh tật mà còn là sụp đổ kinh tế, nói cách khác là chết đói trước khi chết bệnh.

    Nhưng chỉ cần hiểu đúng về cách cơ thể chấp nhận vaccine như thế nào thì chúng ta sẽ bình tĩnh chọn được cách cư xử tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình, và cộng đồng.

    Xin giới thiệu những thông tin đã được chắt lọc dưới dạng đơn giản nhất, mong giúp ích bạn đọc.

    Tiêm vaccine có phải là đưa virus vào cơ thể người hay không?

    Trước tiên ta nên hiểu rõ một số điểm khác nhau căn bản giữa vaccine COVID-19 và virus SARS-CoV-2.

    Thứ nhất, các loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng KHÔNG chứa virus SARS-CoV-2, vì hiện nay chưa có loại vaccine COVID-19 chứa virus giảm độc lực được phê duyệt cả. Các vaccine COVID-19 đang được sử dụng chỉ chứa protein gai của virus hoặc các thành phần giúp cơ thể chúng ta tạo ra protein đó (ví dụ mRNA hoặc loại adenovirus vô hại không có khả năng nhân lên).

    Hình ảnh

    Protein gai của SARS-CoV-2 đóng vai trò quan trọng trong quá trình virus xâm nhập vào tế bào của chúng ta. Do đó, protein này có khả năng kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu rất hiệu quả trong việc chống lại virus. Khi trong máu chúng ta có kháng thể đặc hiệu với nồng độ đủ cao, virus SARS-CoV-2 sẽ không nhân lên được hoặc bị vô hoạt. Các chất có trong vaccine sẽ bị loại thải dần ra khỏi cơ thể chúng ta theo cách cơ thể ta loại bỏ những chất thải khác.

    Đó là điểm khác nhau thứ hai giữa vaccine và virus: virus SARS-CoV-2 nhân lên khi vào được bên trong tế bào, nhưng các loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng thì không chứa virus nên chẳng có con virus nào nhân lên được cả.

    Ngay cả với loại vaccine chứa tiểu đơn vị của virus bất hoạt như Sinovax, cũng không có chuyện virus "sống dậy" và gây bệnh (tránh nhầm lẫn với công nghệ virus giảm độc lực chưa được duyệt cho thử nghiệm lâm sàng đã nói ở trên).

    Khi bị nhiễm virus, cơ thể phản ứng như thế nào?

    Khi xâm nhập được vào tế bào, virus sẽ bắt đầu nhân lên. Hệ miễn dịch của cơ thể cũng bắt đầu nhận ra "có kẻ lạ" nên tìm cách chống đỡ. Hai quá trình trên xảy ra đồng thời, kết quả có thể dẫn đến một trong hai hướng chính như sau:

    -Nếu hệ miễn dịch có thể sản xuất ra kháng thể hiệu quả để khống chế virus nhanh hơn sự phát triển của virus thì cơ thể có thể loại thải virus trong một thời gian ngắn. Nói cách khác, ta có thể không xuất hiện triệu chứng bệnh, bệnh nhẹ hoặc mau khỏi bệnh.

    Hình ảnh

    Phylis Rigway ở Toronto, Canada, được biết đến là người cao tuổi nhất đã tiêm vaccine. Bà tiêm mũi vaccine Pfizer đầu tiên chỉ sau sinh nhật 114 tuổi vài ngày, vào tháng 3/2021. Nguồn: Sunny Brook.

    -Nếu virus phát triển nhanh hơn sự đáp ứng của hệ miễn dịch (hệ miễn dịch không khống chế được virus), chúng ta có thể bị bệnh nặng hơn, thời gian nhiễm bệnh dài hơn, có thể dẫn đến nhiễm bệnh cơ hội làm bệnh trầm trọng hơn.

    Khi cơ thể đã sản xuất đủ lượng kháng thể (song song với việc phát triển các cơ chế bảo vệ khác) để khống chế virus, virus sẽ từ từ bị loại thải ra khỏi cơ thể và chúng ta dần bình phục. Sau đó, cơ thể giảm dần tốc độ sản xuất kháng thể để tiết kiệm tài nguyên. Nồng độ kháng thể trong máu sẽ giảm dần sau vài tháng và duy trì ở mức thấp (còn gọi là mức sàn).

    Dù nồng độ kháng thể trong máu giảm dần, các thông tin về kháng thể để khống chế virus vẫn được lưu giữ lâu dài trong các tế bào B "trí nhớ". Khi gặp lại virus cũ hoặc virus tương tự, cơ thể chúng ta đã biết cách sản xuất kháng thể đặc hiệu nhanh hơn và hiệu quả hơn bằng cách kích hoạt các tế bào trí nhớ này. Vì vậy nó có thể khống chế được virus nhanh hơn so với lần nhiễm đầu tiên.

    Dựa vào cơ chế này, con người đã bắt chước tự nhiên bằng cách dùng vaccine để cơ thể chúng ta "làm quen" với virus.

    Cơ thể "làm quen" với virus bằng vaccine như thế nào?

    Cơ chế để cơ thể chúng ta làm quen với virus thông qua vaccine cũng tương tự như khi ta nhiễm virus, nghĩa là sau khi tiêm vaccine, cơ thể ta sẽ nhận biết vaccine như chất lạ và bắt đầu có phản ứng sinh ra kháng thể đặc hiệu. Sau đó, các thông tin về kháng thể được lưu trữ trong tế bào "trí nhớ" để cơ thể mau chóng sản xuất được kháng thể nếu sau này ta gặp lại virus.

    Cần lưu ý: bên cạnh việc tạo ra kháng thể và tế bào B trí nhớ, cơ thể còn có thể tạo ra tế bào T đặc hiệu chống lại virus sau khi nhiễm bệnh hoặc sau khi tiêm chủng một số loại vaccine . Cơ chế nhận diện virus của tế bào T khác với kháng thể nên gần như vẫn bảo toàn hiệu quả bảo vệ của vaccine để chống lại các biến thể, nhưng chúng tôi không bình luận chi tiết về hoạt động của tế bào T trong bài này.

    Tại sao sau khi tiêm vaccine, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm virus?

    Đó là vì virus không nhận biết được ai đã chích vaccine hay chưa, nên nó không biết tránh người đã tiêm vaccine. Virus có thể nhiễm vào bất kỳ ai tiếp xúc với nguồn lây. Tuy nhiên, tùy vào phản ứng của cơ thể mà virus có thể nhân lên và gây bệnh hay không.


    Cụ thể hơn, sau khi đã tiêm vaccine, cơ thể chúng ta sẽ trải qua 3 giai đoạn chính:

    • Giai đoạn 1 (sau khi tiêm vaccine vài ngày đến 3-4 tuần). Đây là lúc cơ thể chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tạo ra và "huấn luyện" kháng thể; hay nói cách khác, nồng độ kháng thể mà ta mong muốn vẫn đang thấp cả về lượng lẫn về chất. Nếu chẳng may ta bị nhiễm virus vào giai đoạn này thì những kháng thể "đang hoàn thiện" này chỉ có hiệu quả bảo vệ thấp (trường hợp tốt nhất cũng chỉ đạt 30-50%).

    Hình ảnh

    Với vaccine và 5K, phần lớn cuộc sống bình thường sẽ trở lại mà không gây nhiễm bệnh. Nguồn: npr.org

    • Giai đoạn 2: Nồng độ kháng thể đặc hiệu trong máu của chúng ta đang ở mức cao, thường sau khi tiêm mũi nhắc lại khoảng vài tuần đến vài tháng. Trong giai đoạn này, cơ thể ta đang có vũ khí để khống chế virus ngay lập tức, nên khả năng chống virus là cao nhất, thậm chí có thể không có biểu hiện bệnh hoặc không nhiễm bệnh. Đây chính là thời gian cơ thể chúng ta được bảo vệ tốt nhất.

    • Giai đoạn 3: Khi nồng độ kháng thể trong máu của chúng ta đã xuống thấp, có thể về đến mức sàn. Lúc này, nếu ta bị nhiễm virus, các tế bào trí nhớ lập tức "tra tự điển" và nhanh chóng sản xuất kháng thể (dù vậy cũng mất vài ngày) để khống chế virus. Các kháng thể này đã được huấn luyện nên khả năng chống virus cao hơn các kháng thể chưa được huấn luyện, vì vậy cơ thể được bảo vệ tốt hơn.

    Hiện nay vẫn chưa biết kháng thể chống virus SARS-CoV-2 sẽ được duy trì ở mức cao (giai đoạn 2) trong bao lâu sau khi tiêm chủng, nhưng một số chuyên gia hy vọng có thể kéo dài hơn một năm. Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng thời gian của ba giai đoạn có thể khác nhau rất nhiều giữa các loại vaccine và cơ thể từng người.

    Tóm lại, sau khi tiêm vaccine, chúng ta vẫn có thể nhiễm virus. Nếu chúng ta đang ở giai đoạn 2 và 3 kể trên, chúng ta sẽ được bảo vệ nhiều hơn và ít (hoặc không) bị bệnh nặng.

    Tuy nhiên, những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn có thể mang virus và lây cho người chung quanh (dù xác suất thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm chủng), nhất là trong thời gian đợi cơ thể tạo ra kháng thể trong vài ngày đầu.

    Một số người nghĩ rằng tiêm vaccine khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động yếu hơn, hoặc làm biếng hơn, hoặc nó chỉ biết dựa vào vaccine mà không tự thân vận động. Dựa vào cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch như vừa mô tả thì nhận định này là KHÔNG ĐÚNG.

    Vaccine và virus đều có thể tạo ra trí nhớ miễn dịch, vậy nên chích ngừa hay để nhiễm virus tự nhiên?

    Đối với một số bệnh không nguy hiểm hoặc ít lây lan, việc chích ngừa hay nhiễm virus tự nhiên có thể không khác nhau nhiều. Nhưng SARS-CoV-2 lại là một câu chuyện khác.

    Đối với từng cá nhân, dù đến 80% người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc chỉ nhiễm bệnh nhẹ rồi tự khỏi, nhưng một tỉ lệ đáng kể vẫn bị triệu chứng nặng, cần hỗ trợ y tế, hoặc tử vong.

    Một hậu quả khác có thể đáng sợ hơn cả cái chết là di chứng để lại trong những trường hợp bệnh kéo dài (có thể hơn sáu tháng) như giảm khả năng suy nghĩ và tập trung ("brain fog"), mất cảm giác về mùi hoặc vị, tình trạng mệt mỏi cùng với các vấn đề về tim, thận và tiêu hóa.

    Ví dụ, một số vận động viên từng tham gia thi đấu quốc tế có thể cảm thấy chuyện leo lầu là cả một thử thách dù đã khỏi bệnh được vài tuần. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có đến một phần tư người mắc bệnh COVID-19 bị ít nhất một triệu chứng kéo dài hơn một tháng.

    Hình ảnh

    Covid kéo dài (long covid) đang là áp lực mới với những người mắc chứng này và đòi hỏi ngành y tế phải có chiến lược chăm sóc lâu dài cho họ. Trong thời gian dài, có nhiều người không thể làm việc hay tự sinh hoạt được, đến nỗi họ đòi hỏi phải được liệt vào danh sách người khuyết tật để nhận được nguồn hỗ trợ. Nguồn: independent.co.uk

    Về mặt xã hội, nếu tạo miễn dịch cộng đồng thông qua nhiễm bệnh tự nhiên không kiểm soát, nhiều người sẽ nhiễm virus cùng một lúc, dẫn đến hệ thống y tế quá tải, tỉ lệ tử vong (chứ không chỉ là số người tử vong) sẽ tăng.

    Nhìn vào gương của Ấn Độ, ta sẽ thấy bên cạnh con số tử vong khô khan còn có nhiều hệ quả khác đáng sợ hơn như không có bình thở oxy cho người sống, không có chỗ thiêu người đã mất.

    Việc tránh lây nhiễm bằng các biện pháp giãn cách trên diện rộng cũng gây ra một số bất lợi về kinh tế, xã hội, cũng như sức khỏe tâm thần của nhiều người. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh lan tràn ngoài tầm kiểm soát thì cũng sẽ dẫn tới những hậu quả trên, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

    Lợi ích và rủi ro khi tiêm vaccine chủ động

    Đối với từng cá nhân, ngoài việc vaccine giúp chúng ta chủ động làm quen với virus, chúng ta còn chủ động được về nhiều mặt khác. Ví dụ, lượng vaccine tiêm vào cơ thể đã được nghiên cứu và thường ở mức tương đối an toàn cho đại đa số, không giống với việc nhiễm virus tự nhiên sẽ không kiểm soát được mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Hơn nữa, ta có thể chủ động thời điểm tiêm vaccine, chủ động chuẩn bị sức khỏe thể chất và tinh thần trước khi tiêm. Ngoài ra, trí nhớ miễn dịch do vaccine tạo ra thường đồng nhất hơn trí nhớ miễn dịch do nhiễm bệnh tự nhiên tạo ra. Một số người nhiễm bệnh COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng không tạo ra được trí nhớ miễn dịch mạnh như những người bệnh nặng hơn.

    Ngoài ra, việc tiêm vaccine cũng có lợi đối với gia đình và toàn xã hội. Tiêm chủng đại trà khi đủ số lượng có thể tạo miễn dịch cộng đồng, tức là làm giảm số ca bệnh nặng, tránh gây quá tải hệ thống y tế, nhờ đó bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, làm giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19.

    Tuy nhiên, tiêm vaccine cũng có rủi ro như các hoạt động hàng ngày khác, như bước ra đường mỗi ngày đều có rủi ro gặp tai nạn giao thông vậy. Nhiều loại vaccine, trong đó có một số vaccine COVID-19, có thể tạo phản ứng bất thường ở một tỉ lệ nhỏ ở những người được tiêm chủng. Tuy nhiên, kết quả tiêm vaccine hiện nay cho thấy các vaccine COVID-19 có độ an toàn cao nếu tuân theo hướng dẫn: không tiêm nếu có tiền sử dị ứng với các thành phần có trong vaccine, đang uống một số loại thuốc ức chế miễn dịch, hoặc sức khỏe tim mạch không ổn định lúc tiêm.

    Sau khi tiêm vaccine, chúng ta cần tự theo dõi sức khỏe và tìm sự hỗ trợ y tế kịp thời khi cần để giảm thiểu hậu quả của các hiệu ứng phụ nghiêm trọng nếu có.

    Virus SARS-CoV-2 và các biến thể đã lan ra trên toàn cầu, trong khi việc tiêm ngừa thì không đồng bộ – và không thể đồng bộ nổi – nên nguy cơ lây nhiễm virus, nhất là với các biến thể mới, là vẫn còn đó với tất cả mọi người. Trong tương lai khi các nước dần mở cửa trở lại, với nhu cầu giao thương, đi lại giữa các nước và các khu vực, sẽ khó tránh khỏi việc mang virus SARS-CoV-2 vào mọi cộng đồng.

    Những người đã được tiêm chủng sẽ được bảo vệ tốt hơn, tránh được bệnh hoặc chỉ nhiễm bệnh nhẹ, nhưng vẫn có thể là tác nhân truyền virus sang những người chung quanh mà không hề hay biết (dù nguy cơ đã giảm so với người chưa tiêm chủng). Điều này đặt những người chưa từng chích ngừa và có cơ địa yếu hoặc có bệnh tiềm ẩn vào thế gặp nhiều rủi ro hơn.

    Chúng ta cần hiểu đúng điều này để bảo vệ trẻ em và những người vì nhiều lý do mà không thể hoặc chưa thể tiêm chủng. Do đó, cho đến khi đại dịch được kiểm soát trên toàn cầu, cần nghiêm ngặt tuân thủ 5K và chủ động tiêm chủng khi có cơ hội để bảo vệ cho bản thân và cả những người thân yêu của chúng ta.
    TS Nguyễn Quốc Thục Phương là chuyên gia nghiên cứu đáp ứng miễn dịch tại Đại học Rochester, Mỹ, đồng thời là Trưởng Dự án Thực phẩm Cộng đồng.

    Dự án "Thực phẩm Cộng đồng" https://thucphamcongdong.vn/ cung cấp kiến thức khoa

    học thường thức, chính xác, khách quan và đáng tin cậy về thực phẩm, dinh dưỡng và sức

    khoẻ cho người Việt với mong muốn lan tỏa tri thức, chung tay vì sức khỏe cộng đồng.

    Hệ thống kiến thức của Dự án được tổng hợp, biên phiên dịch và cập nhật thường xuyên

    từ nguồn thông tin khoa học uy tín, chuẩn xác bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước

    đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm và các ngành liên quan.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 123 khách