Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Vũ trụ siêu anh hùng giết dần các ngôi sao màn bạc
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Vũ trụ siêu anh hùng giết dần các ngôi sao màn bạc

    by music123 » Thứ 4 Tháng 8 04, 2021 10:33 am

    Vũ trụ siêu anh hùng đang giết dần các ngôi sao màn bạc?

    Anh Phan 8/4/21

    Từ chỗ là nhân vật trung tâm làm nên sức hút cho một bộ phim, các ngôi sao màn bạc đang dần lu mờ trong kỷ nguyên siêu anh hùng trên màn ảnh rộng.

    Hình ảnh

    Trong bài viết nhan đề Is Matt Damon the last of Hollywood’s leading men? (tạm dịch: Matt Damon có phải gương mặt nam chính hàng đầu cuối cùng của Hollywood?) đăng trên The Sunday Time, cây bút Jonathan Dean đã bày tỏ nỗi trăn trở về bức tranh kinh đô điện ảnh thế giới những năm qua.

    “Những tựa phim ăn khách nhất một thập kỷ qua đều thuộc các thương hiệu và chùm phim điện ảnh nhiều phần”, Dean viết. Anh đi đến kết kết luận: “Nền công nghiệp điện ảnh ngày nay không còn chuộng những bộ phim 'đo ni đóng giày' cho một ngôi sao nữa. Và ta sẽ nhớ khi chúng dần biến mất theo thời gian”.

    Trong bài viết, Dean liệt kê sự lớn mạnh của dòng phim siêu anh hùng là một trong những lý do lớn nhất giết chết mô hình làm phim lấy tài tử, minh tinh làm trung tâm của Hollywood.

    Đồng tình với quan điểm trên, cây bút Thomas Bacon từ ScreenRant đã phân tích câu chuyện đằng sau một số tựa phim ăn khách thời gian qua để thấy ngành công nghiệp điện ảnh thay đổi chóng mặt như thế nào, cũng như dòng phim siêu anh hùng đóng vai trò quan trọng ra sao trong tiến trình ấy.

    Hollywood từng xoay quanh những ngôi sao

    Lịch sử Hollywood ghi dấu bằng những bộ phim được “đo ni đóng giày” cho một ngôi sao cụ thể. Các bộ phim ra đời để bồi đắp cho sự nghiệp của một tài tử, minh tinh hoặc đơn thuần kiếm tiền từ danh tiếng của họ. Các ngôi sao điện ảnh trở thành gương mặt có tầm phủ sóng toàn xã hội, kiếm được những khoản tiền khổng lồ và luôn xuất hiện ở vị trí trung tâm.

    Trong cuốn The Big Picture: The Fight for the Future of Movies, nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Ben Fritz đã lấy Tom Hanks và Julia Roberts làm ví dụ. Họ từng là trái tim của nền công nghiệp điện ảnh, luôn nhận mức thù lao từ 20 triệu USD cộng khoản ăn chia lợi nhuận khổng lồ cho mỗi dự án. Mọi yếu tố trong các bộ phim này, từ kịch bản, bối cảnh, hướng phát triển, dàn diễn viên phụ… đều được lựa chọn trên tiêu chí phù hợp với họ.

    Hình ảnh

    Tom Hanks là một trong những ví dụ cho hình mẫu tài tử màn bạc cổ điển của Hollywood. Ảnh: IMDb.

    Mười năm đầu thế kỷ XXI, khoảng 50% trong danh sách 20 phim đạt doanh thu cao nhất là tác phẩm được "đo ni đóng giày" cho một ngôi sao. Chẳng hạn Cast Away (2000) gắn với Tom Hanks, Mr. & Mrs. Smith (2005) với Angelina Jolie và Brad Pitt hay Hancock (2008) gắn liền với Will Smith. Tầm quan trọng của các ngôi sao có thể thấy được trên bìa các ấn phẩm DVD - nơi gương mặt nổi tiếng nhất sẽ luôn được phóng to và đặt ở vị trí dễ thấy hơn cả.

    Tất nhiên, các thương hiệu phim nhiều phần vẫn phát triển trong giai đoạn nền công nghiệp điện ảnh kiếm tiền nhờ gương mặt nam/nữ chính. The Godfather: Part II (1974) là tác phẩm quan trọng trong lịch sử điện ảnh khi trở thành phim hậu truyện đầu tiên giành tượng vàng Oscar cho Phim xuất sắc. Chiến thắng này đã truyền cảm hứng cho Hollywood tiếp tục đầu tư sản xuất các hậu/tiền truyện điện ảnh.

    Giai đoạn này, thành công của thương hiệu phim nhiều phần vẫn gắn liền với mức độ nổi tiếng của các gương mặt thủ vai chính như Mark Hamill, Carrie Fisher và Harrison Ford gắn liền với loạt Star Wars, Christopher Reeve nổi danh với vai Superman, Sigourney Weaver là linh hồn của chùm phim Alien hay Arnold Schwarzenegger tới nay vẫn được nhắc đến với The Terminator. Tất nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ như loạt phim James Bond, tuy không nhiều.

    Hollywood sống nhờ các thương hiệu nhiều phần

    Thế kỷ XXI, khán giả không còn tôn thờ một tài tử hay minh tinh trên màn ảnh. Thay vào đó, họ gắn bó với những thương hiệu phim nhiều phần và tác phẩm chuyển thể - đặc biệt từ truyện tranh.

    Xu hướng này phát triển khi đạo diễn George Lucas phát hành loạt tiền truyện Star Wars vắng mặt Mark Hamill hay Carrie Fisher, Warner Bros. làm mới thương hiệu Batman và Superman, sản xuất loạt Harry Potter, The Matrix còn Walt Disney thực hiện Pirates of the Caribbean...

    Hình ảnh

    After Earth mang tham vọng đón đầu làn sóng với của Will Smith. Ảnh: Sony.

    Nhưng thay đổi mang tính bước ngoặt chỉ đến cùng sự ra đời của Marvel Cinematic Universe, bắt đầu bằng Iron Man (2008). Khái niệm “vũ trụ điện ảnh” mở ra trước mắt khán giả cơ hội được thấy hằng hà sa số siêu anh hùng và siêu phản diện cùng tồn tại trên màn ảnh song song với những phần phim riêng. Bom tấn The Avengers (2012) là phép thử thành công rực rỡ cho mô hình này.

    Sau 13 năm, Marvel Studios đã thành công trong việc tạo dựng danh tiếng một hãng phim quy tụ nhiều gương mặt tài năng của điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, khởi điểm, diễn viên của họ đa phần không phải những cái tên hạng A tại Hollywood. Nhưng nhân vật họ thủ vai, cũng như thế giới nơi các siêu anh hùng hay ác nhân ấy tồn tại, lại nhận được sự quan tâm của toàn thế giới.

    Một vài ngôi sao điện ảnh đã sớm nhận ra xu hướng chuyển dịch từ công thức ngôi sao làm nên bộ phim sang thương hiệu điện ảnh gây dựng tên tuổi nghệ sĩ và quyết tâm đi trước đón đầu. Ví dụ tiêu biểu chính là Will Smith và bộ phim After Earth.

    Trong bài thuyết trình ý tưởng dự án After Earth với Sony, Smith đã nói: “Mỗi thế hệ đều khám phá ra một thế giới sẽ kết nối chặt chẽ với họ về cảm xúc. Khán giả luôn khao khát được thăm lại nơi chốn ấy. Càng lớn lên, sức hút của thế giới ấy với họ càng mãnh liệt. Star Trek, Star Wars, Indiana Jones, Lord of the Rings và Harry Potter chính là những câu chuyện như thế”.

    Tuy nhiên, bộ phim After Earth của cha con nhà Smith sau cùng đã thất bại. Sự thức thời của Smith là không phải bàn cãi. Nhưng anh đã xác định sai hình hài “thế giới” mà khán giả của mình muốn được chiêm ngưỡng. Công chúng muốn thấy những sản phẩm văn hóa đại chúng quen thuộc một thời sống dậy trên màn ảnh chứ không phải khám phá những thương hiệu nguyên bản.

    Các thương hiệu điện ảnh chuyển thể đã thống trị Hollywood những thập niên trở lại đây. Thực trạng này được phản ánh chính xác qua danh sách 10 bom tấn có doanh thu toàn cầu cao nhất năm 2019. Bốn trong số này là phim siêu anh hùng đến từ Marvel Studios hoặc DC Films, năm phim hậu truyện hoặc làm lại do Disney hay Pixar sản xuất.

    Càng ngày, tên tuổi diễn viên càng đóng vai trò thứ yếu khi khán giả tìm hiểu một tựa phim. Họ có xu hướng bị thu hút bởi những yếu tố như liên kết giữa tác phẩm này với một thương hiệu lớn, quen thuộc hơn. Sự kết nối ấy dần trở thành yếu tố quyết định thành bại của một bộ phim ra rạp.

    Diễn viên chết chìm dưới cái bóng của phim siêu anh hùng

    Phim siêu anh hùng không phải bệ phóng sự nghiệp hoàn hảo cho một diễn viên. Không còn bộ giáp siêu anh hùng, nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội tỏa sáng trong dự án điện ảnh tiếp theo.

    Vai Iron Man đã giúp Robert Downey Jr. vực dậy sự nghiệp. Nhưng sau khi nói lời tạm biệt gã tỷ phú đa cảm, dự án tiếp theo của Downey Jr. - Dolittle (2020) - đã lỗ sâu khi ra rạp.

    Sau vai Thor, Chris Hemsworth có cơ hội nhận vai trong nhiều thương hiệu điện ảnh lớn. Nhưng cả Men in Black: International (2019), Ghostbusters (2016) hay The Huntsman: Winter’s War (2016) đều chỉ gặt hái thành công khiêm tốn.

    Hình ảnh


    Dolittle là cú sảy chân của Robert Downrey Jr. hậu MCU. Ảnh: IMDb.

    Chris Evans từng thành công với các vai diễn trong Snowpiercer (2013) và Knives Out (2019) sau khi thủ vai Captain America của vũ trụ Marvel. Tuy nhiên, trong hai năm qua, tài tử vẫn chưa có một tác phẩm mới đủ sức gây tiếng vang toàn cầu.

    Nền văn hóa đại chúng đang thay đổi. Khán giả không còn chờ đón một phim của Robert Downey Jr. Họ chờ đón một bộ phim Iron Man có Robert Downey Jr. trong vai chính. Người xem đại chúng không bận tâm Tom Holland là ai, nhưng họ biết bộ phim Spider-Man có Tom Holland.

    Trong tương lai, nếu Uncharted thành công, Holland sẽ là một trong số ít các diễn viên trẻ thoát được vũng lầy chết vai. Tuy nhiên, Uncharted về cơ bản cũng là bộ phim được xây dựng dựa trên trò chơi điện tử và tương lai sẽ còn nhiều hậu truyện nữa ra đời.

    Ngày nay, rất ít diễn viên có thể làm mới mình khi thủ vai nam chính trong nhiều hơn một thương hiệu điện ảnh nhiều phần như những gì Harrison Ford (Star Wars, Indiana Jones) và Keanu Reeves (The Matrix, John Wick) đã làm được. Hollywood đã thay đổi. Khán giả, nghệ sĩ, dù có nuối tiếc và cay đắng khi Hollywood thời kỳ “tiền MCU” đang dần mất đi, cũng buộc phải thích nghi và tiếp tục lao động nghệ thuật.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 118 khách