Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
TNParis với ‘Về Đây Nghe Em’ nơi có quê hương, đồng bào…
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    TNParis với ‘Về Đây Nghe Em’ nơi có quê hương, đồng bào…

    by music123 » Thứ 4 Tháng 9 15, 2021 7:03 am

    Thúy Nga Paris với ‘Về Đây Nghe Em’ nơi có quê hương, đồng bào…

    9/15/21

    FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Về Đây Nghe Em” là chương trình ca nhạc mới nhất và có lẽ sâu lắng và nhiều tình người nhất mà trung tâm Thúy Nga Paris vừa thực hiện hôm 5 Tháng Chín tại Saigon Performing Arts Center, Fountain Valley.

    Hình ảnh

    Trước giờ lên sân khấu, từ trái, MC Lê Xuân Trường, Khánh Liên, Thanh Tuyền, Như Hảo, và Elvis Phương. (Hình: Lê Xuân Trường cung cấp)

    Ông Tô Văn Lai, người sáng lập trung tâm Thúy Nga Paris, nói với phóng viên Người Việt: “Sài Gòn hôm nay không còn là Sài Gòn ngày ấy cùa chúng ta nữa. Sài Gòn bây giờ tràn ngập sự thiếu thốn và nỗi bất an.”

    Ông nhấn mạnh: “Nhưng sự khác biệt đó không làm chúng ta quên rằng nơi ấy, quê hương mình đang đau khổ vì cơn dịch COVID-19 quái ác và ở nơi ấy, đồng bào chúng ta, những bà mẹ già, những đứa bé thơ đang đói khát mòn mỏi đợi mong sự giúp đỡ của chúng ta.”

    Nhạc phẩm chủ đề “Về Đây Nghe Em,” qua giọng ca Tuấn Ngọc, thật sự làm khán giả nhói lòng khi nghe lại câu ca chân chất tình tự quê hương guốc mộc của Trần Quang Lộc và thấy dáng ông ẩn hiện trên màn hình…

    “…Về đây nghe em, về đây nghe em/Về đây đứng khóc trên sông nước này/Chở lòng người trở về quê hương/Chở hồn người vào dòng suối mát/Chở thật thà vào lòng dối trá…”

    “Về Đây Nghe Em” là một lời cám ơn Thượng Đế cho chúng ta bình an, hạnh phúc được sống trên một đất nước thanh bình và nhu cầu vật chất không còn là vấn đề mà còn được hưởng món ăn tinh thần âm nhạc hôm nay.



    Lời cám ơn này được dâng lên trong ca khúc quen thuộc đối với những giáo dân Công Giáo “Lạy Mẹ Con Xin Vâng,” với bốn giọng ca Carol Kim, Anh Dũng, Đình Bảo, và Thiên Tôn, khiến khán giả ngạc nhiên và thích thú nhận thấy họ sắp đón nhận một chương trình âm nhạc thật sâu lắng, dành cho tâm hồn, khác hẳn những chương trình văn nghệ thương mại quần chúng đầy náo động mà họ từng quen thuộc trước đây.

    Như để trấn an khán giả rằng, đúng như vậy, “Về Đây Nghe Em” quả là một phút lắng lòng để cùng nhau hướng về cố hương nghèo nàn, gầy gò, mỏi mệt xa tít tắp bên kia bờ biển Thái Bình Dương, giọng ca Anh Dũng vút lên, chao lượn với nhạc phẩm “Về Mái Nhà Xưa” bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ngay sau lời ca dâng Đức Mẹ…

    “Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn/Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn/Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế/Qua đáy tim chưa đọng song mê/Qua ước mơ duyên tình đơn sơ…”



    Rồi Anh Dũng lại khuấy động vùng trời ký ức, tuy xa xăm nhưng gần gũi, khơi lại bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của ấm êm, của gia đình, của ngày xửa ngày xưa, cổ tích mẹ kể đêm mưa với nỗi lòng xao xuyến…

    “…Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi/Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ/Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày/Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi/Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ/Những câu chuyện cổ mẹ kể năm nào…” trong “Quê Hương Tuổi Thơ Tôi” của nhạc sĩ Từ Huy.

    Hình ảnh

    Một phút giải lao, từ trái, Thanh Tuyền, Thái Thịnh, Lê Xuân Trường, Thanh Lan, Lệ Hoa, Elvis Phương, và Carol Kim. (Hình: Lê Xuân Trường cung cấp)


    Ca sĩ Thanh Lan, giọng ca nũng nịu duyên dáng muôn thuở phác họa trong không gian ký ức một vùng trời quê hương còn mãi trong lòng chúng ta với liên khúc “Gọi Người Yêu Dấu” của Vũ Đức Nghiêm và “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy.

    Đến đây thì vùng trời quê hương trong tâm tưởng người nghe đang là một khái niệm mơ hồ bỗng trở nên rõ nét là một Sài Gòn từ những ngày xưa thanh bình đến những ngày mập mờ làn khói súng với những chia lìa, tan vỡ, nhưng vẫn ăm ắp nỗi nhớ thương, một Sài Gòn của miên viễn.


    “Gọi người yêu dấu bao lần/Nhẹ nhàng như gió thì thầm/Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi/Gọi người yêu dấu trong hồn/Ngập ngừng tha thiết bồn chồn/Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương/Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi/Người yêu dấu ơi…”

    Pha lẫn vào lời gọi nhẹ nhàng mà tha thiết ấy của Vũ Đức Nghiêm là một lời bồi hồi từ giã sân trường, từ giã Sài Gòn để lên đường ra đi về miền vô định của Phạm Duy…

    “Anh sẽ ra đi về miền cát trắng/Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng/Anh sẽ ra đi về miền mênh mông/Cơn gió cao nguyên, từng đêm lạnh lùng…”

    Rồi giọng ca mãi mãi đầy đặn và vuông vắn Elvis Phương gợi lại nỗi niềm những mối tình dở dang và những trọn đời nuối tiếc qua “Chờ Người” và “Trăm Nhớ Ngàn Thương” của nhạc sĩ đa tình Lam Phương.

    “Chờ em chờ đến bao giờ/Mấy thu thuyền đã xa bờ/Nhiều đêm cô đơn nhìn cây trút lá/Buồn quá cơn mưa hắt hiu/Đưa hồn về trong cô liêu…”

    Elvis Phương lại tiếp tục nhắc nhở ai đã từng yêu đương, từng nhung nhớ, đợi mong ở Sài Gòn, từng một chiều chợt bàng hoàng kêu lên…

    “Mất em rồi xa em rồi/Hoa đã tàn nhụy đã phai/Chiều hôm nay trời thanh vắng/Em đi về, về với ai…”

    Hình ảnh

    Ông Tô Văn Lai (trái) và nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả bài “Về Đây Nghe Em,” lúc sinh thời. (Hình: Tô Văn Lai cung cấp)


    Tiếng guitar gỗ mộc mạc qua ngón đàn điêu luyện của danh cầm thủ Phương Thảo vô cùng khéo léo, tế nhị điểm tô để những tiếng lòng nức nở qua ca từ không trở nên quá thảm thương bi lụy.

    Vẫn với thanh âm của cây đàn gỗ ấy, Phương Thảo lại âm thầm chấm phá giọng ca Thanh Tuyển trong “Thương Hoài Ngàn Năm” của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương.



    Thanh Tuyền vẫn là Thanh Tuyền của sông nước Sài Gòn của những ngày ấy quê hương…

    “Ngàn năm thương hoài một bóng hình ai/Tình đã khơi rồi mộng khó nhạt phai/Trăng khuyết rồi có khi đầy/Ngăn cách rồi cũng xum vầy/Mây bay bay hoài ngàn năm…”

    Tiếng đàn Phương Thảo lại chào đón tiếng hát trầm ấm và hết sức đàn ông của Tuấn Ngọc trong nhạc phẩm “Tạ Ơn Em,” thơ Du Tử Lê, nhạc Từ Công Phụng.

    “…Ơn em ngực ngải môi trầm/Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan/Ơn em hơi thoảng chỗ nằm/Giấu quanh giấu quẩn nỗi buồn một nơi/Tạ ơn em…”

    “Em” ở đây có thể là một người tình sống mãi trong tim một người tình nhưng cũng có thể là một Sài Gòn vĩnh viễn không thể xóa mờ của triệu triệu người Việt xa xứ.

    Trong không gian bập bùng âm thanh diễm ào đêm “Về Đây Nghe Em” lập lòe hương xưa ký ức, không ai có thể khẳng định “em” là ai.

    Là ai đi nữa thì “Về Đây Nghe Em” cũng là một lời mời mà trung tâm Thúy Nga Paris muốn kêu gọi những đứa con Lạc Việt xa quê hương.

    Cùng các ca sĩ Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Thanh Lan, Thanh Tuyền, Trần Thu Hà, Đình Bảo, Thiên Tôn, Ngọc Linh. Đặng Hà Duy, Quang Lê, Gerald Williams, Ngọc Ngữ, Tuấn Quỳnh, Mai Thanh Thúy và Diễm Sương, trung tâm Thúy Nga muốn mời gọi mọi người hãy hướng lòng về với quê hương, với đồng bào đau khổ. [đ.d.]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 116 khách