Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thăngtrầm của đế chế ChristianDior
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Thăngtrầm của đế chế ChristianDior

    by music123 » Thứ 7 Tháng 9 25, 2021 9:49 am

    Thăng trầm của đế chế thời trang Christian Dior

    Thiên Minh 11:56 24/9/2021

    Thương hiệu Pháp có tên đầy đủ là Christian Dior S.A ra mắt giới mộ điệu vào năm 1947. Đây cũng là tên của người sáng lập thương hiệu. Từ một công ty với 85 nhân viên, hiện tại Dior đã trở thành hãng thời trang lớn trên thế thế giới.

    Trải qua nhiều biến cố, nhà mốt Pháp hiện là một trong những nhãn hàng xa xỉ nhận được sự quan tâm của giới mộ điệu và thương hiệu dẫn đầu về doanh thu trong tập đoàn LVMH, xếp sau Louis Vuitton.

    Chiến lược thành công của Dior

    Dior hiện là doanh nghiệp trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với thời điểm Toledano đảm nhiệm vị trí CEO vào năm 1998. Nghệ thuật và thương mại đã song hành cùng nhà mốt Pháp trong suốt nhiều năm.

    Sau khi Raf Simons từ chức, Dior đã lựa chọn Maria Grazia Chiuri trở thành nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của hãng. Bà cũng là nhà thiết kế góp phần làm hồi sinh Valentino. Maria hiểu được giá trị và sứ mệnh kinh doanh của Dior nhiều hơn người tiền nhiệm.

    Ở Dior, các nhà thiết kế luôn được giới thiệu tóm tắt về những gì họ cần tạo ra như quần áo, túi xách và mức giá của từng sản phẩm. Các giám đốc được tự do thể hiện tư duy thời trang trong khuôn khổ công ty yêu cầu. Những nhà sáng tạo biết rằng bản thân được ủng hộ và hỗ trợ về tài chính, nhưng họ phải tôn trọng quyết định kinh doanh của công ty.

    Doanh số của mảng thời trang và mỹ phẩm từ Dior ước tính tăng 24% vào năm 2020 so với con số khoảng 7,54 tỷ USD năm 2019, theo số liệu từ Morgan Stanley. Thậm chí, đôi giày Air Dior kết hợp cùng Nike cũng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội và được giới mộ điệu săn lùng khắp thế giới.

    Hình ảnh

    Nhà mốt Pháp thành công với bộ sưu tập kết hợp cùng Nike. Ảnh: Dior.


    Thành công của Dior đến từ tầm nhìn của các giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri và Kim Jones ở mảng thời trang nam nữ. Những dòng sản phẩm kết hợp với các thương hiệu hay nhà thiết kế khác như Nike, Matthew Williams của Alyx đã thúc đẩy sự quan tâm của khách hàng đến Dior và tăng trưởng doanh thu trong thời gian ngắn.

    Bên cạnh đó, doanh thu tại thị trường Hàn Quốc cũng phát triển mạnh mẽ giữa bối cảnh dịch Covid-19 nhờ vào chiến lược marketing nhạy bén của hãng, khi tận dụng các nữ ca sĩ có sức ảnh hưởng trong cộng đồng như Jisoo, Suzy cho các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội giúp tiếp cận gần hơn đối tượng khách hàng trẻ tiềm năng thuộc thế hệ Gen Z.

    Tờ Korea Times từng chia sẻ: "Doanh thu Dior đạt được trong 2 năm qua ấn tượng hơn nhiều so với các hãng thời trang khác cùng doanh số bán hàng tăng lần lượt 6% và 21,6% khi lựa chọn các gương mặt đại sứ phù hợp với thương hiệu".

    Dior đã trải qua nhiều thăng trầm và biến cố để đạt được thành công như hiện tại, cũng như góp mặt vào danh sách những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới.

    Hình ảnh

    Jisoo là đại sứ cho thương hiệu Dior. Ảnh: WWD.

    Biến cố thăng trầm của nhà sáng lập Dior


    Christian Dior sinh năm 1905 tại thị trấn Granville, Pháp. Nhà sáng lập đã nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, ông lựa chọn vào trường Khoa học Chính trị theo nguyện vọng gia đình.

    Biến cố gia đình xảy đến khiến Christian Dior quyết định theo học nghệ thuật thêu và dệt tại Balearic. Mẹ mất, anh trai phải điều trị bệnh thần kinh, gia đình phá sản đã khiến ông bị trầm cảm nặng. Cuộc sống nghèo khổ dẫn đến căn bệnh lao và bạn bè đã gom góp tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa trị.

    Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, ông gia nhập quân ngũ. Sau hiệp ước đình chiến Pháp - Đức, nhà thiết kế được xuất ngũ, trở về sống cùng cha và em gái tại Callian, Pháp.

    Công việc thiết kế thời trang của nhà thiết kế bắt đầu năm 30 tuổi. Một trong những nhân vật đầu tiên đưa ông đến với thời trang cao cấp là Robert Piguet. Năm 1942, Christian Dior làm việc cho nhà thời trang Lucien Lelong cùng với Pierre Balmain.

    Hình ảnh

    Chân dung nhà mốt Christian Dior cùng các người mẫu. Ảnh: Anothermag.

    Thiết kế New Look huyền thoại

    Tháng 2/1947, nhà sáng lập Christian Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Avenue Montaigne, Paris (Pháp) với tên gọi New Look bao gồm 90 thiết kế. Bộ sưu tập mang ý nghĩa về sự khởi đầu và diện mạo mới cho ngành thời trang.

    Toàn bộ thiết kế đều chú trọng vào phom dáng "thắt đáy lưng ong" nhằm phô diễn đường cong gợi cảm của phụ nữ. Phom dáng New Look vừa cổ điển, vừa mang dáng dấp thời đại với chi tiết thắt eo nhỏ, phối cùng đầm phồng và sử dụng áo khoác Bar jacket, biến tấu từ phong cách menswear tiêu tốn 20 m vải.

    Thiết kế của Dior thời bấy giờ mang tinh thần nữ quyền, sự quyến rũ và lãng mạn của kinh đô thời trang Paris. Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar - Carmel Snow - cũng dành lời ca ngợi về tầm nhìn thời trang của nhà mốt Pháp.

    Sự ra mắt bộ sưu tập mang đến tiếng vang cho Christian Dior. Đồng thời, New Look được xem như cuộc cách mạng trang phục của phái nữ, phá bỏ rào cản về giới tính.

    Sau đó, nhà mốt Pháp tiếp tục cho ra đời những bộ sưu tập liên tiếp như Chérie (1947), Junon (1949-1950), Váy chữ A (1955), và Đầm dạ hội chữ Y (1955-1956)...

    Hình ảnh

    Biểu tượng New Look huyền thoại của Dior. Ảnh: ELLE.

    Sự lung lay của thương hiệu

    Năm 1949, Christian Dior quyết định mở rộng mô hình kinh doanh từ Paris sang New York, Mỹ. Đây được xem là cột mốc đáng nhớ khi thương hiệu tăng kim ngạch xuất khẩu thời trang lên đến 75%.

    Giai đoạn 1952-1953, thương hiệu xa xỉ tiếp tục mở rộng thị trường sang các nước như Canada, Mexico, Italy. Doanh thu ngày càng phát triển kéo theo hệ lụy về vấn nạn hàng nhái trên thị trường.

    Dòng son môi đầu tiên của Dior được tung ra thị trường vào năm 1955. Kỷ niệm mười năm thành lập công ty, nhà mốt Pháp đã bán được 100.000 bộ quần áo.

    Năm 1957, nhà thiết kế Christian Dior qua đời do cơn đau tim. Sự ra đi của ông gây ra khủng hoảng và sự xáo trộn trong nội bộ thương hiệu.

    Thời điểm bấy giờ, giám đốc điều hành - Jacques Rouët - suy nghĩ về việc đóng cửa tất cả chi nhánh của thương hiệu này trên thế giới. Tuy nhiên, quyết định không thành hiện thực do sự phản đối gay gắt của giới thời trang tại Pháp.

    Để vực dậy thương hiệu, Jacques đã mời Yves Saint Laurent làm giám đốc nghệ thuật cho hãng. Saint Laurent được ca ngợi như một "người hùng" khi cứu vãn Dior và nền công nghiệp thời trang của Pháp. Tuy nhiên, năm 1960, Yves Saint Laurent nhập ngũ và buộc phải rời Dior sau khi thiết kế 6 bộ sưu tập.

    Hình ảnh

    Yves Saint Laurent từng làm giám đốc sáng tạo của thương hiệu Pháp sau khi nhà sáng lập Christian Dior qua đời. Ảnh: ELLE.

    Trở lại thời kỳ đỉnh cao

    Năm 1989, Gianfranco Ferré thay thế Marc Bohan trong vai trò giám đốc sáng tạo cho Dior. Nhà thiết kế gốc Italy không phát triển theo hướng truyền thống lãng mạn phóng khoáng của hãng, mà giới thiệu quan điểm và phong cách riêng đầy sự tao nhã giúp bộ sưu tập đầu tiên cho thương hiệu đoạt giải Dé d’Or năm 1989.

    Doanh thu của nhà mốt Pháp tăng từ 129 triệu USD năm 1990 lên 177 triệu USD năm 1995. Trong khi đó thu nhập ròng tăng từ 22 triệu USD lên 26,9 triệu USD chỉ trong vòng 5 năm.

    Năm 1996, ông chủ đứng đằng sau Dior - Bernard Arnault - muốn thay đổi một phong cách sáng tạo mới cho dòng thời trang của nhà mốt Pháp nên quyết định lựa chọn nhà thiết kế John Galliano làm giám đốc sáng tạo Dior thay cho người tiền nhiệm Gianfranco Ferré.

    Bernard Arnault giải thích cho lý do chọn nhà thiết kế người Anh thay vì người Pháp vì tài năng không phân biệt quốc tịch và thậm chí so sánh John Galliano với nhà sáng lập Christian Dior.

    Tuy nhiên, Galliano trở thành nhân tố gây tranh cãi trong quá trình vực dậy tên tuổi của Dior, khi nói lên những vấn đề chính trị nhạy cảm thông qua các show diễn như Homeless hay S&M show. Những thị phi đã thúc đẩy doanh số kinh doanh quần áo cũng như nước hoa và phụ kiện của Dior tăng trưởng mạnh mẽ.

    Hình ảnh

    John Galliano gây tranh cãi khi thiết kế trang phục cho Dior. Ảnh: WWD.


    Năm 2001, nhà thiết kế Hedi Slimane đảm nhiệm vai trò dẫn dắt thương hiệu. Bộ sưu tập của ông dành cho nam nhận được sự ủng hộ từ dàn ngôi sao Hollywood nổi tiếng như Brad Pitt, Mick Jagger...

    Năm 2012, Raf Simons thay thế Hedi Slimane chính thức đảm nhận vị trí giám đốc nghệ thuật cho Dior và được xem là giai đoạn đưa thương hiệu cao cấp trở về đúng tinh thần của nhà sáng lập.

    Các bộ sưu tập của Raf Simons có thể mặc được trong bất kỳ dịp nào và hoàn toàn không mang đến sự nhàm chán. Những bộ trang phục thu hút các khách hàng bao gồm người nổi tiếng như nữ diễn viên Jennifer Lawrence, ca sĩ Rihanna.

    Năm 2015 ông chính thức nói lời giã từ thương hiệu vì không chịu nổi áp lực khi phải thực hiện 6 bộ sưu tập trong một năm.

    Từ năm 2016, Dior chính thức có giám đốc sáng tạo là phụ nữ. Maria Grazia Chiuri đảm nhận vị trí này nhằm mong muốn nói lên giá trị của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

    Toàn bộ các thiết kế đều đề cao tinh thần nữ quyền và giúp nữ giới đấu tranh trước những bất công trong xã hội, cũng như phá bỏ lằn ranh giới tính.


    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Chân dung 3 giám đốc dẫn dắt thương hiệu Dior ở mảng thời trang nữ theo thời gian là Hedi Slimane, Raf Simons và Maria Grazia Chiuri. Ảnh: Businessoffashion.
    Sửa lần cuối bởi 1 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Thăng trầm của đế chế Christian Dior

    by music123 » Thứ 7 Tháng 9 25, 2021 7:25 pm

    :!:
    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 111 khách