Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
‘Cry Macho’: Nước mắt có làm đàn ông yếu đuối
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ‘Cry Macho’: Nước mắt có làm đàn ông yếu đuối

    by music123 » Thứ 7 Tháng 9 25, 2021 7:20 pm

    ‘Cry Macho’: Nước mắt có làm đàn ông yếu đuối

    9/25/21

    Nhân vật Mike Milo - Clint Eastwood đóng - dạy một cậu bé cách trở thành đàn ông trong phim cao bồi “Cry Macho”.

    * Bài viết tiết lộ nội dung phim

    Năm 1979, Mike Milo (Clint Eastwood) gần như mất tất cả ở tuổi xế chiều. Ông không vợ, không con, không nghề nghiệp, sống trong căn nhà trưng đầy ảnh và huy chương - gợi nhớ thời còn là ngôi sao đua ngựa. Một năm sau khi bị sa thải, Mike được chủ cũ Howard (Dwight Yoakam) thuê làm việc chưa từng nghĩ đến: vượt biên giới sang Mexico, đưa con trai Howard về bên cha. Đó là Rafo (Eduardo Minett), cậu bé 13 tuổi sống cùng người mẹ giàu có nhưng thờ ơ, chỉ thích tiệc tùng và rượu chè mỗi đêm.

    Tác phẩm thứ 39 do Clint Eastwood đạo diễn, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của N. Richard Nash, pha trộn thể loại viễn tây mới (neo-western) và phim hành trình (road movie). Nhịp phim chậm, thiên về thoại, khai thác tâm lý nhân vật nhiều hơn hành động. Nội dung không tập trung vào chuyện Mike tìm Rafo ở Mexico, mà kể lại quá trình họ trở về Texas. Suốt quãng đường, bộ đôi liên tục đối diện nhiều tình huống khó lường, phải cùng nhau tìm cách vượt qua.


    Hai nhân vật được xây dựng theo mô-típ một già một trẻ quen thuộc, gợi nhớ News Of The World đầu năm hay The Midnight Sky năm ngoái. Mike lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, xử lý mọi việc bằng sự bình tĩnh, cẩn trọng. Trải qua nhiều biến cố trong đời, dường như ông không còn lo ngại bất cứ điều gì. Rafo thì nhút nhát, luôn sống trong sợ hãi vì thiếu thốn tình thương của cha, lại còn bị mẹ bạo hành. Mâu thuẫn nảy sinh rồi được hóa giải, giúp xóa nhòa khoảng cách thế hệ, khiến hai bác cháu xích lại gần nhau.

    "Sự mạnh mẽ" (macho) là chủ đề được khai thác xuyên suốt. Ngay từ tên phim, đạo diễn nhắn nhủ: đàn ông cũng có quyền khóc. Định nghĩa về phái mạnh liên tục được cài cắm trong những đoạn hội thoại của hai nhân vật. Bằng kinh nghiệm, Mike dạy Mafo hiểu hơn về cách trở thành đàn ông thực thụ. Ông cho rằng vấn đề nam tính bị làm quá, mọi người cố tỏ ra nam tính bên ngoài để được tôn trọng. Theo Mike, đàn ông không nhất thiết phải ngồi trên lưng ngựa hay gồng mình mặc áo cao bồi. Ngược lại, nước mắt không làm con người trở nên yếu đuối.

    Hình ảnh


    Clint Eastwood (trái) và Eduardo Minett (phải) trong "Cry Macho". Phim chiếu trên HBO Max ngày 17/9. Ảnh: Claire Folger/Warner Bros

    Mike Milo đi ngược hình ảnh cao bồi thường thấy. Ông từng là những gì Mafo khao khát - nổi tiếng với tài cưỡi ngựa - nhưng rồi mất dần tất cả, bị cậu bé chê cười, gọi là kẻ "yếu đuối". Ở cuối phim, Mike lấy đời mình làm dẫn chứng cho Rafo và nói: "Con nghĩ rằng con có mọi câu trả lời, nhưng rồi già đi và nhận ra chẳng có gì. Đến lúc đó thì đã quá muộn màng"


    Thông điệp về sự mạnh mẽ còn được ẩn dụ qua chú gà trống Macho - bạn đồng hành của bộ đôi. Macho được Rafo nuôi nấng chăm sóc, luôn mang theo bên mình bất kể ngày đêm. Từ một chú gà nhỏ bé không biết suy nghĩ, Macho trở thành chiến binh thực thụ, đứng lên bảo vệ bạn đường trước kẻ địch.

    Để thuật lại câu chuyện của Mike và Rafo, Clint Eastwood sử dụng phong cách làm phim tối giản với lối kể tuyến tính. Đạo diễn đặt góc máy rộng, bắt trọn không gian vắng bóng người của Mexico, chỉ có núi đồi và những bãi đất trống. Âm nhạc chủ đạo trong phim là country với tiếng guitar rải đều. Đặc biệt, đạo diễn mở đầu và kết thúc phim bằng ca khúc Find A New Home của Will Banister, lời hát mang ý nghĩa về niềm tin và hy vọng.

    Vai Mike Milo đánh dấu sự trở lại của Clint Eastwood với phim cao bồi sau ba thập niên kể từ Unforgiven (1992). Ở tuổi 91, tài tử không thể chống lại quy luật thời gian khi xuất hiện với mái đầu bạc, tóc thưa, gương mặt nhiều nếp nhăn. Đôi lúc, ông đi nặng nề trước ống kính. Trái lại, Eastwood gây thiện cảm bởi lối diễn tự nhiên, không lên gân. Một số cảnh quay ông chỉ nhoẻn miệng cười hay vẫy tay chào cũng đủ mang lại cảm xúc cho khán giả.


    Hình ảnh

    Clint Eastwood tái xuất với vai cao buổi ở tuổi 91. Ảnh: Warner Bros

    Bạn diễn cùng Clint Eastwood là diễn viên không chuyên Eduardo Minett. Cậu bé nói được tiếng Anh lẫn tiếng Mễ, nhưng chưa thực sự tự tin trước ống kính. Điều đó vô tình giúp Minett lột tả được cảm giác của nhân vật Rafo, thể hiện đúng ý đồ của đạo diễn.

    Giới phê bình có đánh giá trái ngược về phim, với 5.5/10 điểm trên Rotten Tomatoes và 59/100 điểm trên Metacritic. Tác giả Leah Greenblatt của EW chấm mức C+, nhận xét Clint Eastwood chọn giọng kể đơn giản, không bằng các tác phẩm trước như The Unforgiven (1992), Gran Torino (2008) hay American Sniper (2014). Cây viết Sara Stewart của New York Post chấm 3/4 sao, cho rằng đây là tác phẩm "quyến rũ nhất" của Eastwood trong nhiều năm qua. Tờ New York Times lại khen đạo diễn, âm nhạc và quay phim.

    Phát hành ngày 17/9, phim lỗ vốn khi thu chưa được 5 triệu USD toàn cầu, dù tổng kinh phí là 33 triệu USD. Trên IMDb, khán giả chấm 6/10 điểm, kết quả bình chọn của CinemaScore ở mức B. Số khán giả chấm điểm tích cực theo báo cáo của PostTrak là 73%.

    Hành trình làm phim gian nan. N. Richard Nash viết kịch bản từ thập niên 1970, bị 20th Century Fox từ chối hai lần nên quyết định phát triển thành tiểu thuyết, xuất bản năm 1975. Clint Eastwood từng được mời đóng phim năm 1988 nhưng ông lắc đầu, đề xuất Robert Mitchum. Dự án liên tục trì hoãn nhiều lần với vai chính dự kiến thuộc về Roy Scheider, Burt Lancaster, Pierce Brosnan hay Arnold Schwarzenegger. Sau năm thập niên, Clint Eastwood quyết định làm phim, không thay đổi tinh thần nguyên tác, khiến câu chuyện có phần cũ kỹ.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 117 khách