Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thách thức ngành phim ảnh HQ
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Thách thức ngành phim ảnh HQ

    by music123 » Thứ 4 Tháng 10 13, 2021 11:52 am

    Thách thức của ngành công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc

    Thanh ThịnhPhúc Nguyễn Thứ tư, 13/10/2021

    Sự bành trướng của các nền tảng giải trí đa quốc gia khiến những công ty giải trí nội địa tại Hàn Quốc chật vật tìm chỗ đứng.


    Theo The Korea Herald, sau thành công của Squid Game và Netflix tại Hàn Quốc, nhiều dịch vụ trực tuyến trên thế giới như Disney+ và Apple TV đang manh nha chen chân vào thị trường hơn 50 triệu dân. Các nền tảng nội địa buộc phải tăng tốc trong cuộc đua với đối thủ nước ngoài, những gã khổng lồ đã có lượng tài nguyên và người dùng toàn cầu.

    Bước ngoặt đến từ Squid Game

    Loạt phim sinh tồn của đạo diễn Hwang Dong Hyuk bất ngờ vụt sáng trên toàn thế giới nhờ vào độ phủ sóng của Netflix, dù nằm trong số các phim không nói tiếng Anh. Squid Game là ví dụ điển hình cho sự kết hợp thành công giữa nhà sản xuất phim nội địa và nền tảng trình chiếu nước ngoài.

    Theo Bloomberg, tác phẩm đang giúp ngành giải trí Hàn Quốc kiếm lời lớn với những hoạt động "ăn theo" và các xưởng phim thu hút được nguồn vốn đầu tư nhờ vào cổ phiếu.

    Hình ảnh

    Thành công của Squid Game góp phần thay đổi cục diện phim ảnh Hàn.


    Báo cáo hàng năm của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) ghi nhận tổng doanh thu từ OTT (Over-The-Top, thị trường các nền tảng phát sóng trực tuyến) trong năm 2019 đạt 58 triệu USD, tăng gấp 14 lần so với 4 triệu USD vào năm 2018. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng mạnh khi hình thức và nhu cầu giải trí có sự chuyển đổi lớn trong những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

    Ngoài hai gã khổng lồ Netflix và YouTube Premium, Wavve, TVING, Watcha là những cái tên nổi bật trong số các nền tảng được công ty nội địa phát triển.

    Dẫn đầu thị trường OTT là Netflix, ông trùm dịch vụ cung cấp phim ảnh trực tuyến này vừa có thêm 3,98 triệu người đăng ký mới trong quý đầu tiên của năm, trong khi đó năm 2020 với kỷ lục hàng quý là 15,8 triệu người dùng mới trong ba tháng đầu. Theo dữ liệu của Consumer Insight, Netflix chính thức trở thành nền tảng OTT phổ biến nhất ở Hàn Quốc vào năm ngoái, với một nửa số người dùng OTT ở đây đăng ký Netflix chỉ sau hơn bốn năm kể từ khi ra mắt vào 2016.

    Trên The Korea Herald, nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun cho biết, các nền tảng phát trực tuyến nội địa không dễ vượt qua đối thủ Netflix trong tương lai gần. Lý do được ông đưa ra là Netflix có sự đầu tư vào nội dung gốc (Netflix Original) và mạng lưới được xây dựng trên toàn cầu, điều mà các nền tảng được phát triển trong nước không thể thực hiện được.

    Đối mặt với thách thức qua thành công của Netflix

    Vốn là một nước châu Á có lòng tự tôn dân tộc cao, người dân Hàn Quốc thường ưu tiên sử dụng các dịch vụ và sản phẩm nội địa, những công cụ tìm kiếm quốc tế như Google được thay thế bằng Naver hay KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin quốc dân người Hàn nào cũng phải dùng để liên lạc. Tuy nhiên, thế cờ lại khác ở thị trường nền tảng phát trực tuyến, Netflix và YouTube Premium đang là hai nền tảng quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất.

    Hình ảnh

    Để đầu tư và hỗ trợ nội dung Hàn Quốc, Netflix đã thành lập hẳn một công ty con Netflix Entertainment Korea chuyên phụ trách sáng tạo.


    Theo các nguồn tin trong nước, TVING - nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc, do công ty giải trí và truyền thông CJ ENM điều hành, gần đây đã bắt đầu thu hút các khoản đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Động thái mới nhất này nhằm mục đích gây quỹ là để thúc đẩy nội dung gốc trên nền tảng phát trực tuyến.

    Trọng tâm trong thành công của các nền tảng là nguồn nội dung gốc, không chỉ là đại diện cho nền tảng đó mà còn giúp giữ chân khán giả. Sự đầu tư của Netflix vào nguồn nội dung gốc hay các chương trình giới hạn không dừng lại ở văn hóa đại chúng phương Tây, các bộ phim, chương trình ngày càng mang tính “nội địa hoá” khi được sản xuất và lấy cảm hứng trực tiếp từ nguồn tài nguyên trong nước.

    Sử dụng nguồn lực tại chỗ và văn hóa mang tính khu vực, nội dung phim ảnh được sản xuất theo mô hình này dễ tiếp cận đối tượng khán giả quốc nội, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới với phạm vị tiếp cận gần như toàn cầu - trừ Trung Quốc, Syria và Bắc Triều Tiên là những thị trường duy nhất mà các công ty đa quốc gia khó xâm nhập.

    Lợi thế mà các nền tảng quốc tế mang lại cho nền điện ảnh nội địa là sức quảng bá trên phạm vi toàn cầu. Các nền tảng như Netflix giúp thúc đẩy tiêu thụ phim điện ảnh và phim truyền hình Hàn Quốc bằng cách giúp khán giả nước ngoài dễ tiếp cận hơn thông qua các nội dung gợi ý và hệ thống phụ đề được cập nhập liên tục.

    Kang Dong Han, phó chủ tịch phụ trách nội dung tại Netflix Hàn Quốc, trả lời The Korea Herald: "Netflix trở thành một nền tảng mới truyền bá văn hóa Hallyu thông qua các chương trình như Kingdom, Vincenzo và Squid Game".

    Hình ảnh

    Hàn lưu (Hallyu) là trào lưu văn hóa phẩm Hàn Quốc được du nhập ra nước ngoài, xuất hiện từ những năm cuối thập niên 90s.


    Bắt đầu từ những cơn sóng Hallyu ở thập niên trước, văn hoá giải trí Hàn ngày càng lớn mạnh và phổ biến trên toàn cầu. D.P., Hometown Cha-Cha-Cha, Hospital Playlist là những bộ phim Hàn Quốc mới đây nhất trên nền tảng này đã gây tiếng vang trong thị trường phim ảnh quốc tế. Thông qua những bộ phim này, khán giả thế giới được tiếp cận nhiều khía cạnh và vấn đề trong xã hội ở xứ sở kim chi.

    Tận dụng sự vươn mình quốc tế của Kpop và nền điện ảnh đang trên đà phát triển, Netflix cho biết sẽ tập trung khai thác và tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp sáng tạo nói riêng và ngành công nghiệp giải trí nói chung tại quốc gia châu Á này.

    Chiến lược toàn cầu của những nền tảng trình chiếu trực tuyến đa quốc gia là tách biệt các hoạt động dịch vụ và sáng tạo nội dung. Các công ty này cần thấy được tiềm năng của thị trường nội địa để bắt đầu các kế hoạch đầu tư dài hạn. Những nơi có nền giải trí sôi động như Hàn Quốc, Nhật Bản đã được Netflix tiên phong rót vốn từ nhiều năm trước.

    Đối với những quốc gia Đông Nam Á, nơi có nền giải trí chưa vươn tầm khu vực như Việt Nam, Thái Lan hay Campuchia rất khó thu hút sự chú ý của các nền tảng phát trực tuyến trong vấn đề đầu tư sản xuất. Riêng tại thị trường Việt Nam, hiện tại chỉ có thể loại phim hài được công chúng đón nhận mạnh mẽ nhất. Chính vì sự thiếu hụt tính đa dạng, nền điện ảnh Việt Nam hiếm khi là lựa chọn đầu tư của các nguồn quỹ nước ngoài.

    Ngoài ra, khâu kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt ở Việt Nam khiến nhiều tác phẩm không đến được với công chúng. Điều này dấy lên mối e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào dự án sáng tạo nội địa. Ngoài ra, những nền tảng trình chiếu trực tuyến ở Việt Nam chưa có phong phú nguồn nội dung độc quyền. Chất lượng giải trí không đáp ứng được nhu cầu khiến các khán giả có xu hướng lựa chọn phim nước ngoài trên các nền tảng quốc tế.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 130 khách