Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
1 Số ng Mỹ 0 còn coi y, bác sĩ là người hùng?
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49871
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    1 Số ng Mỹ 0 còn coi y, bác sĩ là người hùng?

    by music123 » Thứ 4 Tháng 10 20, 2021 4:51 am

    Nhiều người Mỹ không còn coi y, bác sĩ là người hùng


    Mai Hoàng Thứ tư, 20/10/2021 10:33 (GMT+7)

    Số vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện Mỹ đang gia tăng, nhất là trong làn sóng mới nhất của dịch Covid-19, theo The Atlantic.

    Khoa cấp cứu bệnh viện San Leandro, nơi y tá Mawata Kamara làm việc, gần đây đã bị phong tỏa. Một vị khách, trong cơn kích động khi không thể đến thăm người bệnh vì lệnh hạn chế Covid-19, đã đe dọa đem súng tới cơ sở bang California (Mỹ).

    Đây không phải lần đầu tiên khoa cấp cứu nhận những lời dọa nạt như vậy. Đầu năm nay, một bệnh nhân tâm thần trong khoa bỗng trở nên hung hãn, văng lời lẽ phân biệt chủng tộc, khạc nhổ và đấm nhân viên y tế trước khi dọa bắn súng vào mặt Kamara.

    "Bạo lực vẫn luôn ở đó. Đại dịch chỉ khiến nó trầm trọng hơn", Kamara nói.

    Những ngày đầu của đại dịch, người ta không ngớt ca ngợi sự dũng cảm của nhân viên y tế nơi tuyến đầu.

    Nhưng 18 tháng sau, ngày càng nhiều y, bác sĩ nước Mỹ đối mặt tình trạng bạo lực ở nơi làm.

    Hình ảnh

    Bệnh viện của y tá Mawata Kamara đã phải đối mặt với những lời đe dọa bạo lực. Ảnh: Kaiser Health News.

    Bạo lực bị bình thường hóa

    Vào tháng 9, một y tá làm chứng trước ủy ban nghiên cứu Thượng viện Georgia rằng cô từng bị bệnh nhân tấn công. Vụ việc nghiêm trọng đến nỗi cô phải đi cấp cứu trong chính bệnh viện của mình.

    Tại Trung tâm Y tế Nghiên cứu, thuộc thành phố Kansas, bang Missouri (Mỹ), đơn vị điều trị Covid-19 đã phải gọi đội ngũ an ninh khi một người nhà bệnh nhân hung hăng la mắng y tá về tình trạng của vợ anh ta.

    Ở bang Missouri, số vụ hành hung y tá tăng gấp 3 lần, khiến Trung tâm Y tế Cox Branson phải cấp nút bấm khẩn cấp để nhân viên đeo trên huy hiệu nhận dạng.

    Các bệnh viện đã dần thích nghi với tình trạng bạo lực tại nơi làm trước khi đại dịch ập đến. Nhưng sự căng thẳng vì Covid-19 đã làm tình hình tệ hơn.

    Trong khi một số bệnh viện đã làm việc để xử lý vấn đề, các y tá và nhân viên y tế đang gây sức ép cho luật pháp liên bang để tạo ra tiêu chuẩn có thể thực thi trên toàn quốc.

    Nhiều nghiên cứu cho thấy nhân viên y tế dễ trở thành nạn nhân của những vụ hành hung nghiêm trọng hơn người lao động trong các ngành khác.

    Theo dữ liệu liên bang, năm 2018, nhân viên y tế chiếm 73% số ca chấn thương không chết người do bạo lực tại nơi làm. Hiện còn quá sớm để có số liệu thống kê tổng quát trong đại dịch.

    Hình ảnh

    Nhân viên y tế thường xuyên gặp bạo lực tại nơi làm, nhưng đại dịch khiến tình trạng này tệ hơn. Ảnh: AFP.
    Dù vậy, Michelle Wallace, giám đốc điều dưỡng tại Hệ thống Y tế Grady, bang Georgia (Mỹ), cho biết tình trạng bạo lực có thể còn phổ biến hơn vì nhiều nạn nhân không báo cáo mình bị hành hung.

    "Chúng tôi thường tự nhủ: 'Đây là một phần công việc của mình'", Wallace chia sẻ.

    Y tá Jenn Caldwell, làm việc tại bang Missouri, kể rằng cô lần đầu bị tấn công tại nơi làm sau gần 3 tháng bắt đầu công việc. Một bệnh nhân đã khạc nhổ vào cô.

    Trong 4 năm tiếp theo, Caldwell ước tính rằng cô bị tấn công bằng lời lẽ hoặc vũ lực ít nhất 3 tháng một lần.

    "Dù không ai mong muốn xảy ra những vụ việc như vậy, sự bạo lực đã được chấp nhận. Chúng tôi cũng có nhiều bệnh nhân với vấn đề tâm lý", cô nói.

    Muốn đi làm trong bình yên

    Theo báo cáo tháng 2 từ National Nurses United, công đoàn mà Kamara và Caldwell là đại diện, một yếu tố khả thi dẫn đến tình trạng bạo lực là do nguồn nhân sự không đủ để nhận diện và làm dịu tình huống căng thẳng, dễ biến động.

    Y tá tại đơn vị điều trị Covid-19 phải gánh vác thêm trách nhiệm trong đại dịch. Những công việc như cho người bệnh ăn, lấy máu, dọn phòng thường sẽ được thực hiện bởi các nhân viên khác trong bệnh viện. Tuy nhiên, để giảm số người làm trong phòng bệnh nhân Covid-19, đội ngũ y tá đã xắn tay vào việc.

    Công việc tăng, trong khi số bệnh nhân phải chăm sóc không đổi, khiến các y tá không có thời gian lắng nghe tâm sự, lo lắng của người thăm bệnh.

    Vào tháng 9, 31% y tá được khảo sát bởi National Nurses United cho biết họ gặp tình trạng bạo lực tại nơi làm. Con số này nhiều hơn 22% so với tháng 3.

    Sự hung bạo ngày càng gia tăng khi dịch bệnh kéo dài, nhất là với làn sóng Covid-19 gần đây.

    "Nhân viên y tế tại tuyến đầu đã ở trên chiến trường suốt 18 tháng. Họ kiệt sức rồi", Bryce Gartland, chủ tịch chuỗi bệnh viện thuộc hệ thống Emory Healthcare (bang Georgia, Mỹ), cho biết.

    Hình ảnh

    Nhân viên y tế, từng được ngợi ca là anh hùng, giờ bị tấn công, đe dọa. Ảnh: PBS.

    Một số tiểu bang, gồm California, đã ban hành luật để giải quyết bạo lực tại bệnh viện. National Nurses United đang kêu gọi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Phòng chống Bạo lực Nơi Làm việc cho Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe và Dịch vụ Xã hội.

    Y tá tại các bang đã ban hành luật vẫn có thể bị tấn công, nhưng họ có tiêu chuẩn để dựa vào khi yêu cầu xử lý vụ việc.

    Destiny, y tá từng làm chứng ở bang Georgia, khởi kiện bệnh nhân đã tấn công cô. Ủy ban Thượng viện của tiểu bang đang xem xét luật cho năm tới.

    Kamara nói rằng khi tình trạng bạo lực gia tăng, bệnh viện của cô đã cung cấp khóa tập huấn về giảm căng thẳng tình huống. Tuy vậy, cô không hài lòng với cách làm này.

    Với những nhân viên y tế như Kamara, sự thù ghét này khác xa thời gian đầu đại dịch, khi y, bác sĩ được ca tụng như người hùng.

    "Tôi không muốn là anh hùng. Tôi chỉ mong được coi trọng như một người yêu công việc mình đã chọn, xứng đáng đi làm trong bình yên, không sợ bị làm hại", cô nói.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot], music123 và 161 khách