ĐámCưới 0NghiLễ CôngChúa Mako
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ĐámCưới 0NghiLễ CôngChúa Mako

    by music123 » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 3:08 am

    Công chúa Nhật kết hôn

    10/26/21

    Hoàng gia Nhật Bản thông báo Công chúa Mako đã kết hôn với Kei Komuro hôm nay, sau nhiều năm trì hoãn vì bê bối tài chính của mẹ chồng.

    Cơ quan Hoàng gia Nhật Bản hôm nay thông báo đã nộp giấy tờ đăng ký kết hôn cho Công chúa Mako và Kei Komuro, 4 năm sau khi hai người công khai quan hệ.

    Theo các nguồn thạo tin, Công chúa Mako sáng nay mặc chiếc váy xanh nhạt và cầm theo bó hoa nhỏ. Cô cúi đầu chào cha mẹ và em gái Kako nhiều lần trước khi lên xe rời dinh thự vào khoảng 10h.

    Hai chị em Công chúa Mako ôm chặt nhau trước khi cô lên xe rời đến một khách sạn ở Tokyo để họp báo, trong khi các thành viên gia đình liên tục vẫy tay tới khi cô đi khuất. Khoảng 10 quan chức hoàng gia Nhật Bản cũng ra tiễn công chúa.

    Hình ảnh


    Công chúa Mako cúi đầu chào gia đình khi rời dinh thự hoàng gia ở Tokyo sáng nay. Ảnh: Kyodo.

    Ban đầu, vợ chồng Công chúa Mako dự kiến tổ chức họp báo vào 14h (12h giờ Hà Nội), song đã quyết định chỉ đưa ra phát biểu mở đầu và trả lời bằng văn bản với 5 câu hỏi do truyền thông gửi trước.

    Quyết định được đưa ra vì Công chúa Mako cảm thấy "lo lắng tột độ" nếu phải trả lời trực tiếp các câu hỏi từ báo giới. Công chúa trước đó được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng khi chuẩn bị làm đám cưới trước sức ép dư luận.

    Sau khi kết hôn, Công chúa Mako sẽ từ bỏ địa vị hoàng gia và đổi tên thành Mako Komuro theo họ chồng. Trong thời gian chờ chuyển đến New York, Mỹ, sinh sống cùng chồng, cô sẽ ở trong một chung cư tại Tokyo. Công chúa sẽ lên đường tới Mỹ sớm nhất vào tháng sau.

    Mẹ chồng của Công chúa Mako từng bị hôn phu cũ cáo buộc chưa trả khoản vay 4 triệu yên (khoảng 36.500 USD) từ năm 2010 đến 2012, bao gồm cả học phí cho Komuro. Tuy nhiên, mẹ của Komuro khẳng định số tiền này là món quà hôn phu cũ tặng cho bà và bà không phải trả lại. Bê bối tài chính này đã khiến Công chúa phải hoãn cưới nhiều năm.

    Do sự phản đối từ công chúng, hôn lễ của Công chúa Mako diễn ra đơn giản, không có các nghi lễ hoàng gia truyền thống. Cô cũng từ chối khoản tiền hồi môn 150 triệu yên (hơn 1,3 triệu USD) thường được trao cho các nữ thành viên hoàng gia khi lập gia đình.

    Hình ảnh

    Công chúa Nhật Bản Mako và hôn phu Kei Komuro trong buổi họp báo năm 2017. Ảnh: Nikkei Asia.

    Ngọc Ánh (Theo Nikkei Asia)
    Sửa lần cuối bởi 2 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Công chúa Nhật kết hôn

    by music123 » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 11:10 am

    Áp lực đè nặng 3 thế hệ phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản

    Ánh Dương 10/26/21


    3 thế hệ công chúa, hoàng hậu Nhật Bản đều chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng về thể chất, tinh thần khi phải tuân theo những tiêu chuẩn tàn nhẫn của hoàng gia và công chúng.


    Gần 30 năm trước, Hoàng hậu Michiko lúc bấy giờ gặp áp lực đến mức mất giọng sau khi bị báo lá cải Nhật Bản bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh, theo New York Times.

    10 năm sau, đương kim Hoàng hậu Masako, con dâu của bà Michiko, rút lui khỏi nghĩa vụ hoàng gia để điều trị căn bệnh trầm cảm do phải hứng chịu sự gièm pha từ nhà chồng và giới truyền thông về chuyện bà không sinh được con trai thừa kế.

    Đầu tháng 10, Hoàng gia Nhật Bản thông báo rằng Công chúa Mako (30 tuổi), cháu gái của bà Michiko, mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương vì công chúng không ngừng phản đối Kei Komuro, người mà cô sẽ kết hôn vào ngày 26/10 này.

    “Công chúa cảm thấy phẩm giá của mình bị chà đạp, và cô ấy nghĩ rằng bản thân không có chút giá trị nào”, bác sĩ tâm thần của Công chúa Mako cho biết trong một cuộc họp báo.


    Hình ảnh

    Công chúa Mako trên đường đi cầu nguyện trước hôn lễ của mình. Ảnh: Kyodo News/Reuters.


    Cho dù kết hôn hay sinh ra trong chế độ quân chủ, phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản phải tuân theo những tiêu chuẩn tàn nhẫn không chỉ bởi giới báo chí, công chúng mà cả quan chức triều đình - những người quản lý cuộc sống thường ngày của họ.

    Nói cách khác, phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản là phiên bản thu nhỏ của tình trạng bất bình đẳng giới tại xứ hoa anh đào - nơi xu hướng bảo thủ trong xã hội vẫn gán nữ giới vào những vai trò cứng nhắc.

    Vô vàn áp lực

    Mặc dù phụ nữ hoàng gia không đủ điều kiện để ngồi lên ngai vàng, những lời chỉ trích họ phải chịu đựng còn khắc nghiệt hơn cánh đàn ông trong gia đình.

    “Ngoài công việc hoàng gia, bạn còn phải duy trì phong cách thời trang đẹp, và sau khi kết hôn, nhiệm vụ của bạn là phải sinh con”, Rika Kayama, một giáo sư và bác sĩ tâm thần tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, nói.

    “Rồi công chúng sẽ thắc mắc rằng liệu bạn có làm mẹ tốt không? Quan hệ giữa bạn và mẹ chồng thế nào? Bạn hỗ trợ chồng mình ra sao? Quá nhiều công việc mà họ phải đảm đương một cách hoàn hảo, không được sai sót. Tôi không nghĩ những người đàn ông trong gia đình hoàng gia cũng bị soi mói kỹ đến vậy”, giáo sư chia sẻ.

    Nhật Bản đang dần thay đổi, với 2 phụ nữ ứng cử thủ tướng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền gần đây. Một số tập đoàn đang nỗ lực phối hợp để nâng cao nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí có thẩm quyền.

    Tuy nhiên, trên nhiều phương diện, xã hội Nhật Bản vẫn đối xử phụ nữ như những công dân hạng hai. Các cặp vợ chồng đã kết hôn không được phép khác họ, do đó hầu hết phụ nữ phải theo họ của chồng.


    Hình ảnh

    Công chúa Mako mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý do công chúng không ngừng phản đối việc cô chọn Kei Komuro làm hôn phu. Ảnh: Kyodo News/Reuters.


    Nữ giới vẫn còn ít xuất hiện trong ban lãnh đạo, Quốc hội và tại các trường đại học danh tiếng của đất nước. Đồng thời, những phụ nữ phản đối sự đối xử bất công hoặc ủng hộ quyền bình đẳng thường bị chỉ trích vì vượt quá ranh giới.

    Làn sóng phản đối trên mạng xã hội mà Công chúa Mako phải hứng chịu đang lặp lại cách xã hội đối xử với những phụ nữ lên tiếng về nạn tấn công tình dục hoặc quy tắc phải đi giày cao gót tại nơi công sở.

    Còn trong gia đình hoàng gia, nữ giới được kỳ vọng sẽ tuân thủ các giá trị của thời đại trước đó.

    “Có ý kiến cho rằng gia đình hoàng gia đại diện cho sự vĩnh cửu và họ không thuộc một phần của xã hội hiện đại”, Mihoko Suzuki, Giám đốc sáng lập Trung tâm Nhân văn tại Đại học Miami (bang Florida, Mỹ), người viết về phụ nữ trong các chế độ quân chủ, cho biết.

    Nạn nhân của sự chỉ trích gay gắt

    Sau Thế chiến 2, nhật hoàng bị tước bỏ địa vị thần thánh theo hiến pháp mới do Mỹ áp đặt. Và bằng nhiều cách, 3 thế hệ phụ nữ hoàng gia đã phản ánh sự phát triển của Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ kể từ đó.

    Khi đất nước trút bỏ xiềng xích của lịch sử thời chiến, Hoàng hậu Michiko trở thành thường dân đầu tiên trong nhiều thế kỷ được gả vào gia đình hoàng gia. Thay vì giao các con cho bảo mẫu hoàng gia nuôi dưỡng, bà tự tay chăm sóc chúng.

    Khi cùng chồng là Nhật hoàng Akihito chu du khắp Nhật Bản và quốc tế, bà đem lại cảm giác con người đến gia đình hoàng gia xa cách trước đây. Bà thậm chí quỳ xuống nói chuyện với những nạn nhân của thảm họa và người khuyết tật.

    Hình ảnh

    Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trong đám cưới của họ tại Hoàng cung ở Tokyo vào năm 1959. Ảnh: AFP.


    Tuy nhiên, báo chí tỏ ra bức xúc khi bà cải tạo lại dinh thự hoàng gia hoặc mặc quá nhiều trang phục khác nhau. Có tin đồn lan truyền rằng quan chức triều đình và mẹ chồng của bà Michiko đã không tôn trọng người con dâu thường dân này.

    Năm 1963, Hoàng hậu Michiko phải bỏ thai do mang thai trứng và chuyển đến tĩnh dưỡng tại một biệt thự suốt 2 tháng. Công chúng đồn đoán rằng bà bị suy nhược thần kinh. 30 năm sau, bà tiếp tục bị căng thẳng nặng, gây ra tình trạng mất giọng suốt nhiều tháng.

    Năm 1993, Hoàng hậu Masako, cử nhân tốt nghiệp ĐH Harvard (Mỹ) với sự nghiệp nhà ngoại giao xán lạn, nên duyên với Nhật hoàng Naruhito. Nhiều nhà bình luận hy vọng rằng bà có thể giúp hiện đại hóa Hoàng gia Nhật Bản và trở thành hình mẫu cho những nữ lao động trẻ Nhật Bản.

    Thế nhưng, thay vào đó, mọi động thái của bà đều bị theo dõi, phân tích xem có ảnh hưởng tới khả năng sinh con không.

    Sau một lần sảy thai, Hoàng hậu Masako hạ sinh Công chúa Aiko thành công. Song, sự ra đời của công chúa đã làm thất vọng những ai đang trông chờ một người nối dõi tông đường.

    Để bảo vệ tử cung của hoàng hậu, các quan chức triều đình đã hạn chế việc đi lại của bà, khiến bà phải rút lui khỏi nghĩa vụ hoàng gia. Bà cũng đưa ra tuyên bố rằng mình đang phải chịu đựng “sự kiệt quệ chồng chất cả về thể chất lẫn tinh thần”.

    Hình ảnh

    Năm 2001, Hoàng hậu Masako hạ sinh Công chúa Aiko. Ảnh: AFP.


    Trường hợp gần đây nhất, liên quan đến Công chúa Mako, cho thấy công chúng muốn cô đạt được kỳ vọng hoàng gia mặc dù cô sẽ không còn là công chúa sau khi kết hôn với dân thường.

    Họ đã đưa ra những lời chỉ trích, đánh giá cay nghiệt về lựa chọn hôn phu của cô. Do rắc rối tài chính của mẹ ruột, Kei Komuro, bạn trai từ thời đại học của Công chúa Mako, bị gọi là kẻ đào mỏ, không đủ tư cách kết hôn với cô.

    Quyền can dự


    Thái tử Akishino, bố của Công chúa Mako, ban đầu từ chối chấp thuận cuộc hôn nhân sau khi đôi uyên ương này tuyên bố đính hôn vào năm 2017.

    Thái tử nói rằng ông muốn công chúng chấp nhận mối duyên này trước khi mình chúc phúc.

    Một số người dường như đã khắc ghi những lời đó của thái tử.

    “Tôi nghĩ người Nhật Bản cảm thấy hoàng gia đại diện cho họ theo một cách nào đó, bởi vậy chúng tôi có quyền đưa ra ý kiến của mình”, Yoko Nishimura (55 tuổi), một người đang đi dạo bên trong khu vườn Cung điện Hoàng gia ở Tokyo, nói với New York Times.

    Cuối cùng, Thái tử Akishino cũng chấp thuận hôn lễ. Thế nhưng, báo chí và mạng xã hội tiếp tục bàn tán. Các cuộc công kích vẫn không ngừng lại, ngay cả khi Công chúa Mako và hôn phu chỉ âm thầm chuẩn bị cho một đám cưới riêng tư, không có sự phô trương của hoàng gia.


    Hình ảnh

    Gia đình Hoàng gia Nhật Bản trong lần xuất hiện trước công chúng tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo vào năm 2020. Ảnh: Franck Robichon/EPA/Shutterstock.



    Giữa tháng 10, một nhóm người tổ chức biểu tình ở Ginza, khu phố mua sắm nổi tiếng Nhật Bản. Họ đem theo những tấm biểu ngữ có nội dung “Đừng vấy bẩn hoàng gia bằng cuộc hôn nhân nguyền rủa” và “Hãy làm tròn trách nhiệm hoàng gia trước khi kết hôn”.

    Một cây viết trên tạp chí Gendai Business công khai phản đối lựa chọn của Công chúa Mako, nói rằng cô ấy sẽ khiến “cả Nhật Bản phải hổ thẹn trên trường quốc tế”.

    Trên Twitter, nhiều người gọi công chúa là “kẻ trộm tiền thuế” mặc dù cô đã từ bỏ của hồi môn hoàng gia trị giá 1,4 triệu USD. Một số khác cáo buộc công chúa chỉ đang giả mạo chứng bệnh tâm thần của mình.

    Những so sánh với Hoàng gia Anh cũng là điều khó tránh khỏi. Tương tự Meghan Markle và Hoàng tử Harry, Công chúa Mako và Komuro dự kiến sẽ chuyển đến Mỹ sinh sống, nơi anh sẽ làm việc tại một văn phòng luật ở New York.

    Cả Hoàng tử Harry và Meghan đều từng cởi mở về cái giá phải trả cho sức khỏe tâm thần. Sự thẳng thắn của hoàng tử đã giúp mở ra các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần ở Anh.

    Phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản cũng có thể truyền cảm hứng để tạo ra nhiều cuộc thảo luận hơn về sức khỏe tâm thần ở nơi vẫn coi đó là một chủ đề tế nhị.

    “Tôi không nghĩ phụ nữ trong gia đình hoàng gia công khai các vấn đề sức khỏe tâm thần để làm tiền đề cho những cuộc trò chuyện về chủ đề đó. Nhưng theo tôi, họ thật dũng cảm khi thừa nhận”, Kathryn Tanaka, Phó giáo sư văn học và văn hóa Nhật Bản tại Đại học Hyogo, chia sẻ.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Công chúa Nhật kết hôn

    by music123 » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 11:15 am

    Ngày cưới khác lạ của công chúa Nhật Bản


    Lê Vy Thứ ba, 26/10/2021

    Không váy cưới hay yến tiệc, Công chúa Mako và Kei Komuro chỉ đăng ký kết hôn, tổ chức họp báo. Điều này trái ngược với truyền thống cưới xin của hoàng gia trên khắp thế giới.



    Sáng 26/10, Công chúa Mako, cháu nội của cựu Nhật hoàng Akihito, chia tay gia đình, cúi đầu chào công chúng, sau đó một mình lên xe đến văn phòng đăng ký kết hôn ở Tokyo.

    Một cuộc họp báo diễn ra chiều cùng ngày sẽ thay thế cho toàn bộ nghi thức cưới xin truyền thống đã được lược bỏ, theo New York Times.

    Để tránh những câu hỏi gây khó chịu, Công chúa Mako và chồng mới cưới, Kei Komuro, chỉ trả lời bằng văn bản cho 5 câu hỏi đã gửi trước từ các phóng viên. Để tránh bị cáo buộc lãng phí tiền thuế của dân, cặp đôi đã tự trả tiền thuê phòng họp báo.

    Ngay cả khi không có đám cưới trên truyền hình hay nụ hôn trước sự chứng kiến của hàng nghìn người, cả hai vẫn có cách khẳng định tình cảm riêng.

    "Tôi yêu Mako. Tôi muốn dành trọn cuộc đời cho người mình yêu", chú rể Komuro đã nhìn thẳng vào máy quay và tuyên bố trong buổi họp báo chính thức.

    Ngày cưới của công chúa Nhật bản rất khác so với bối cảnh cổ tích của những hôn lễ hoàng gia từng thu hút sự chú ý của công chúng trước đây.

    Hình ảnh

    Công chúa Mako và Kei Komuro tại cuộc họp báo chiều 26/10. Ảnh: Nicolas Datiche.


    Cảnh trái ngược

    Tại cuộc họp báo, được tổ chức ở một khách sạn cách hoàng cung chưa đầy 1,6 km, vợ chồng Công chúa Mako ngồi cạnh nhau và đối mặt với rất nhiều phóng viên cùng một dàn máy ảnh.

    Cô dâu mặc chiếc váy liền thân màu xanh nhạt và áo khoác có đính ngọc trai, trong khi chú rể Komuro mặc bộ vest sọc tối màu.

    Không chỉ đặc biệt về trang phục, tuyên bố trong ngày cưới của Công chúa Mako cũng khác xa so với kịch bản hôn lễ hoàng gia.

    Công chúa Mako xin lỗi vì bất kỳ rắc rối nào do cuộc hôn nhân của cô gây ra. "Tôi cũng biết ơn những người đã tiếp tục ủng hộ tôi. Đối với tôi, Kei là người không thể thay thế", công chúa nói ở buổi họp báo.

    Hình ảnh

    Công chúa Mako vẫy tay chào cha mẹ và em gái. Ảnh: Kyodo.



    Còn Komuro cho biết: "Tôi cảm thấy rất buồn khi Mako đã ở trong tình trạng tồi tệ, cả về tinh thần lẫn thể chất, bởi những cáo buộc sai trái".

    Trước đám cưới của Công chúa Mako, công chúng vốn đã quen thuộc với sự xa hoa của hôn lễ hoàng gia ở Nhật Bản nói riêng và châu Á, thế giới nói chung.

    Theo SCMP, năm 2005, hàng nghìn người đã xếp hàng trước cung điện khi Công chúa Sayako, con gái duy nhất của cựu Nhật hoàng Akihito, lên xe đến nơi tổ chức hôn lễ và tiệc chiêu đãi là một trong những khách sạn hàng đầu Tokyo.

    Ngoài Nhật Bản, Đông và Đông Nam Á còn có 5 quốc gia khác gồm Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Brunei và Bhutan vẫn do các quốc vương trị vì với tư cách là nguyên thủ quốc gia có quyền hành hạn chế hoặc tối cao.

    Ảnh hưởng và sức mạnh của các hoàng gia châu Á khiến thành viên hoàng tộc luôn thu hút sự chú ý của công chúng. Đám cưới của họ cũng không ngoại lệ.

    Tháng 5/2019, Quốc vương Vajiralongkorn của Thái Lan thông báo kết hôn với phó cảnh vệ riêng chỉ vài ngày trước khi đăng cơ.

    Hình ảnh trong lễ sắc phong sau đó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Các kênh truyền hình Thái Lan đã phát sóng trực tiếp buổi lễ này.

    Công chúa Tunku Tun Aminah Maimunah Iskandariah, con gái duy nhất của quốc vương Johor (Malaysia), và cầu thủ người Hà Lan Dennis Muhammad Abdullah đã tổ chức đám cưới xa hoa vào năm 2017.

    Để mừng ngày trọng đại, nhiều đường phố ở Malaysia được trang hoàng lại. Lễ cưới tại cung điện hoàng gia, Istana Besar, đã được phát trực tiếp trên màn hình lớn dựng ở quảng trường thành phố Johor Bahru.

    Một năm sau đó, người dân Malaysia lại tiếp tục chứng kiến đám cưới hoàng gia đắt đỏ của Cựu vương Sultan Muhammad V và Nữ hoàng sắc đẹp Nga Oksana Voevodina.

    Hôn lễ của Majeedah Nuurul Bulqiah, con gái quốc vương Brunei, cũng xa hóa không kém. Sự kiện được ăn mừng bằng màn bắn đại bác. Trong lễ rước dâu bằng chiếc Roll Royce màu vàng, hàng nghìn người dân đứng đợi hai bên đường để được nhìn thoáng qua công chúa.

    Hình ảnh

    Đám cưới của Cựu vương Sultan Muhammad V và Nữ hoàng sắc đẹp Nga Oksana Voevodina. Ảnh: Instagram.
    Sức hút của hoàng gia


    Giáo sư Dennis Altman, Phó hiệu trưởng tại Đại học La Trobe (Australia), cho biết mặc dù nhiều quốc gia đã bãi bỏ chế độ quân chủ, khoảng 40 nước trên thế giới vẫn có vua hoặc nữ hoàng là người trị vì.

    Và dường như sức mạnh mê hoặc của những người cai trị trong quá khứ không bao giờ biến mất.

    "Những câu chuyện về hoàng gia vẫn phổ biến ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ điều này là do sự pha trộn giữa hoài niệm, chủ nghĩa dân tộc và sự tôn thờ danh nhân. Cuộc sống và bi kịch của các gia đình hoàng gia luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta và nhiều người đồng cảm với họ", Altman, tác giả cuốn sách God Save the Queen: the strange persistence of monarchies, nói.

    Altman nói rằng có nhiều mô hình quyền lực khác nhau ở châu Á. Các quốc vương ở những nước như Brunei và Thái Lan vẫn sở hữu quyền lực chính trị đáng kể.

    Hình ảnh

    Công chúa Brunei Majeedah Nuurul Bulqiah (giữa) trong lễ cưới của cô với Pengiran Khairul Khalil vào ngày 1/6/2007. Ảnh: AFP.


    Còn hầu hết chế độ quân chủ tại các quốc giá khác đều tồn tại theo hệ thống hiến pháp, với quốc vương có quyền lực hạn chế và thực quyền tập trung vào cơ quan dân cử.

    Saad Salman, nhà quan sát điều hành trang web Royal Watcher, cho biết chế độ quân chủ đại diện cho một liên kết thần bí với văn hóa và lịch sử. Trong thế giới mà trẻ em lớn lên với truyện cổ tích, các gia đình hoàng gia đương đại là hiện thân cho trí tưởng tượng của nhiều người.

    Salman cho biết mặc dù nhiều quốc vương hiện đại không có nhiều quyền hành thực tế, những người này đóng vai trò quan trọng trong kiểm tra và cân đối quyền lực.

    "Vai trò phi chính trị của các hoàng gia thậm chí mang đến cho họ sự ngưỡng mộ lớn hơn tính quyết định của chính quyền bầu cử", Salman nói.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: ĐámCưới 0NghiLễ CôngChúa Mako

    by music123 » Thứ 3 Tháng 10 26, 2021 12:00 pm

    Đám cưới không nghi lễ của Công chúa Nhật

    10/26/21

    Hôn lễ của Công chúa Nhật Mako và chồng Komuro diễn ra lặng lẽ, không nghi lễ truyền thống và không tổ chức tiệc mừng.

    Công chúa Mako và chồng Kei Komuro hôm nay nên vợ chồng sau nhiều năm gặp sóng gió vì những bê bối tài chính liên quan tới mẹ của Komuro. Hôn lễ hai người diễn ra khác thường và không thể đơn giản hơn, khi hoàng gia Nhật chỉ thông báo họ đã đăng ký kết hôn, sau đó vợ chồng mới cưới tổ chức họp báo tại một khách sạn, thay vì dinh thự hoàng gia.

    Sau khi Cơ quan Hoàng gia Nhật thông báo đã nộp giấy tờ đăng ký kết hôn, Mako chính thức mất tước vị công chúa. Thay vì bộ kimono lộng lẫy, Mako mặc một bộ váy xanh nhạt đơn giản, rời dinh thự của bố mẹ đẻ ở Tokyo, ôm tạm biệt mọi người trong gia đình trước khi lên xe tới khách sạn tổ chức họp báo.

    Chồng của cô cùng lúc cũng rời khỏi nhà ở Yokohama để chuẩn bị cho buổi họp. Anh cúi đầu đi thật nhanh trước vòng vây của báo giới và không phát ngôn bất cứ điều gì.

    Tại cuộc họp báo ngắn, cả Mako và Kei đều khẳng định tình yêu dành cho nhau và đám cưới là điều mà họ quyết tâm thực hiện, bất chấp tất cả những gì đã xảy ra, bởi đây là "điều trái tim mách bảo".

    Đây là lần đầu trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến, hôn lễ hoàng gia không được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Công chúa Mako cũng từ chối khoản tiền hồi môn 1,3 triệu USD.

    Hôn lễ đơn giản của Mako được so sánh với đám cưới năm 2018 của Công chúa Ayako, cũng kết hôn với một thường dân. Công chúa Ayako khi ấy diện bộ kimono đỏ thẫm vốn dành riêng cho nữ quý tộc, với mái tóc vuốt ngược theo phong cách truyền thống. Cô cùng chồng là Kei Moriya mỉm cười rạng rỡ trước công chúng trong ngày trọng đại.

    Với Mako, các nghi lễ trang trọng và tiệc chiêu đãi trong lễ cưới đều không được tổ chức. Trong họp báo sau khi công bố kết hôn, vợ chồng cô cũng chỉ chào ra mắt và trả lời câu hỏi từ báo giới qua văn bản, thay vì phát biểu trực tiếp.

    "Đó là sự khác biệt hoàn toàn về những gì người ta trông chờ ở một thành viên nữ trong hoàng gia Nhật Bản. Cô ấy sẵn sàng hy sinh tài chính và rời bỏ cuộc sống thoải mái, an toàn cùng hàng loạt đặc quyền chỉ để theo đuổi con đường của riêng mình", Shihoko Goto, chuyên gia địa kinh tế tại Trung tâm tư vấn Wilson, trụ sở ở Washington, nhận định về Công chúa Nhật.

    Hình ảnh


    Công chúa Ayako và chồng Kei Moriya trong hôn lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống năm 2018. Ảnh: AP.

    Sau khi kết hôn, Mako và chồng sẽ chuyển tới Mỹ. Không rõ cô có đi làm ở Mỹ hay không, song Mako là người có học vấn cao, từng theo học ngành nghệ thuật và di sản văn hóa tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo và dành một năm học tại Đại học Edinburgh. Cô cũng có bằng thạc sĩ về ngành Nghiên cứu Bảo tàng tại Đại học Leicester của Anh.

    Ngọc Ánh (Theo SCMP)
    Hình ảnh

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 120 khách