Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
SK âm nhạcSG ảm đạm dịp cuối năm
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    SK âm nhạcSG ảm đạm dịp cuối năm

    by music123 » Chủ nhật Tháng 11 28, 2021 4:39 pm

    Sân khấu âm nhạc TP.HCM ảm đạm dịp cuối năm


    Hải Thanh Thứ hai, 29/11/2021

    Nghệ sĩ, nhà sản xuất cảm thấy mạo hiểm khi tổ chức đêm diễn khiến nhiều sân khấu âm nhạc phải đóng cửa.



    Sau khi thành phố có thông báo mở cửa trở lại, các sân khấu kịch cũng như âm nhạc ở TP.HCM vẫn im lìm. Mới đây, đạo diễn Thái Huân, Giám đốc sản xuất âm nhạc Hoàng Nhã cùng ê-kíp gây bất ngờ khi giới thiệu The Show Việt Nam.

    Theo kế hoạch mỗi tháng, ê-kíp sẽ tổ chức một đêm nhạc riêng gắn với từng ca sĩ. Cụ thể số mở đầu là sự góp mặt của ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Đây là show diễn hiếm hoi có kế hoạch tổ chức nhưng vẫn chưa thể xua tan không khí ảm đạm của sân khấu nhạc miền Nam hai năm qua.

    Sân khấu đìu hiu


    Trao đổi với Zing về việc tổ chức show nhạc ở thời điểm dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đạo diễn Thái Huân cho hay: "Nếu ai cũng lo sợ thì không biết đến bao giờ có một đêm nhạc. Ngay cả nhà chức trách cũng phải thay đổi tư duy chống dịch từ "Zero Covid" đến "sống chung với Covid". Tôi nghĩ sau thời gian ở nhà, âm nhạc nghệ thuật sẽ là món ăn tinh thần cho mọi người. Hàng quán mở, mọi người cũng đã hào hứng rồi. Vì vậy, chúng tôi hy vọng show diễn sẽ được đón nhận".


    Hình ảnh

    Đạo diễn Thái Huân và ca sĩ Phương Thanh. Ảnh: BTC.



    Nhìn nhận về sân khấu ca nhạc TP.HCM hai năm qua, Thái Huân đánh giá tình hình ảm đạm. Không chỉ có ít ỏi show diễn mà địa điểm tổ chức show cũng đóng cửa dần. Cụ thể sân khấu 126 không còn, Trống Đồng hầu như đóng cửa. Hai tụ điểm sân khấu ngoài trời này, trước đây, từng sáng đèn hầu hết ngày trong tuần. Một số phòng trà lớn như WE, Tiếng xưa, Đồng dao hầu như không có lịch diễn mới từ khi thành phố mở cửa.

    Lý giải về điều này, đạo diễn Thái Huân cho rằng đang có sự chuyển đổi về cách làm của nghệ sĩ cũng như công ty quản lý.

    "Sân khấu ca nhạc đìu hiu và nếu tổ chức rất khó bán vé. Trong giai đoạn này, ai làm show chắc được gắn huy chương dũng cảm. Những năm trước, ca sĩ đi hát, biểu diễn khắp nơi để kiếm tiền. Ngoài ra, nguồn thu của họ cũng đến từ việc bán băng đĩa. Vì vậy, thời điểm đó có nhiều show diễn, đêm nhạc diễn ra. Hiện tại, nghệ sĩ không cần lên sân khấu vẫn có thể kiếm tiền được nhờ mạng xã hội, YouTube. Do đó, ca sĩ, quản lý cũng không mặn mà làm live show, chưa kể đó là điều mạo hiểm", anh nói.

    Theo Thái Huân, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng, độ viral của các sản phẩm phát hành trên mạng hơn hẳn các đêm nhạc với số lượng khán giả giới hạn.

    "Không những thế, nghệ sĩ đã được khai thác quá nhiều, gần như cạn kiệt trên sóng truyền hình. Do đó, khán giả không còn mặn mà đến sân khấu gặp gỡ thần tượng. Trước đây, tôi tổ chức show diễn, khán giả ngồi chờ 1h sáng để được nghe ca sĩ ngôi sao hát. Thời đó, họ không có gì để giải trí cả", nam đạo diễn chia sẻ.

    Tương lai của sân khấu nhạc TP.HCM


    Câu hỏi đặt ra: Sự thay đổi của thời cuộc và phát triển của nền tảng trực tuyến sẽ đưa sân khấu nhạc TP.HCM đi đâu? Đạo diễn Thái Huân cho rằng đây chỉ là sự tạm nghỉ ngơi để chờ đón con đường khác ở phía trước. Anh khẳng định sân khấu không thể mai một vì luôn có giá trị riêng.


    Hình ảnh

    Phan Mạnh Quỳnh là người mở màn chuỗi live show The Show Việt Nam.



    Anh nhấn mạnh: "Nghệ sĩ đang tìm chỗ đứng và danh tiếng, họ cần có công nghệ. Nhưng khi họ đã thành công, lại trở về với giá trị thực. Khi ấy, nghệ sĩ muốn hát live, cùng ban nhạc, dàn nhạc. Họ muốn đứng trước người thật lắng nghe, theo dõi mình dù con số có thể ít hơn số view trên mạng. Tôi tin rằng dù công nghệ phát triển thế nào thì cảm giác khi nghe hát live cũng là một trời một vực với trên mạng. Giá trị thực không bao giờ mất đi".

    Cùng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cũng cho rằng sân khấu, phòng trà đang gặp khó khăn nhưng mô hình này vẫn là lựa chọn hàng đầu của người yêu nhạc. Bản thân anh cũng yêu nhạc, biểu diễn cũng như tổ chức show nên không ngại mạo hiểm đầu tư làm phòng trà.

    Sau 6 tháng đóng cửa, thua lỗ, Nguyễn Minh Cường khẳng định sẽ không bỏ cuộc. Anh cho biết nếu không thể gồng gánh được phí trả mặt bằng lớn, sẽ đóng cửa và tìm quán nhỏ hơn thay thế.

    Trong khi đó nhà sản xuất Đồng Đăng Giao lại cho rằng tương lai của sân khấu nhạc TP.HCM rất ảm đạm và khó có khả năng phục hồi nếu không có sự đột phá, kết hợp với nền tảng công nghệ.

    "Nếu cứ tư duy tổ chức như cũ thì sân khấu không thể tồn tại. Những khán giả tìm đến sân khấu để thưởng thức nghệ thuật, văn hóa thật sự rất hiếm và không đủ nuôi sống một chương trình, sân khấu. Đa số khán giả muốn giải trí. Sân khấu mà không bán vé được, không có nguồn thu thì sao tồn tại", anh nói.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 120 khách