Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ngọc Quyên: 'Tôi không muốn làm mẹ trực thăng'
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Ngọc Quyên: 'Tôi không muốn làm mẹ trực thăng'

    by music123 » Thứ 2 Tháng 12 06, 2021 11:50 am

    Ngọc Quyên: 'Tôi không muốn làm mẹ trực thăng'

    12/6/21

    Ngọc Quyên dạy con tự lập sớm vì muốn tốt cho tương lai của bé, hay nói yêu con mỗi ngày và chưa từng đánh con khi bất lực.

    Hình ảnh

    Ngọc Quyên và bên con trai Jiraiya, sáu tuổi, học mẫu giáo lớn. Sinh đầu năm nên em lớn hơn các bạn cùng trang lứa nhưng chưa tới lúc được nhập học lớp 1.

    Ngọc Quyên cho biết cô chưa phải người mẹ giỏi nhưng luôn muốn nỗ lực học hỏi để tốt hơn và không mất bình tĩnh khi dạy con.

    'Mẹ trực thăng' có cái hay nhưng...

    - Con trai sáu tuổi, chị chọn phương pháp giáo dục nào: khuyến khích bé tự lập hay làm thay bé?

    - Tôi nghĩ để bé tự lập ngay từ nhỏ là điều tốt vì con cái ở Mỹ đủ 18 tuổi sẽ ra khỏi nhà để sống một mình. Khi tập tự lập sớm, bé sẽ mạnh mẽ hơn và không trở thành mamaboy - chàng trai phụ thuộc vào mẹ. Đồng thời, chiều con quá cũng không tốt.

    Jiraiya thích tự làm mọi việc, cũng có thể vì bố mẹ chia tay sớm. Biết con thiệt thòi nên tôi không ép con, nếu con muốn tự làm gì, tôi cho con làm hết, trừ những việc nguy hiểm. Khi con làm sai, tôi sẽ bảo con: "Con thấy mẹ nói đúng không?" và để con nhận ra không làm điều đó nữa.

    Ngày xưa tôi hay phải tắm rửa cho con, còn bây giờ bé tự tắm, tự đi vệ sinh. Khi ăn, con sẽ ra bàn ngồi tự ăn, nhưng thi thoảng tôi phải ép, đút cho con vì bé mải chơi, quên ăn. Khi con học với cô, tôi sẽ đi ra chỗ khác để bé tập trung học. Lúc đi xe với mẹ, bé sẽ tự thắt dây an toàn, chỉ đôi lúc tôi mới giúp khi con gặp khó khăn. Tối đến, con tự ngủ một mình một phòng.

    Về học vấn, nếu con được trời thương, cho con khả năng, tôi sẽ giúp đỡ con những gì cần thiết. Cũng may, con có vẻ rất thích học, tự làm bài vở không cần nhắc, lúc học online sẽ tập trung, không chạy lòng vòng; cô giáo cho nghỉ giải lao, con mới rời ghế.

    Khi tôi cho bé đi ship hàng cùng, bé thường muốn giúp tôi bỏ đồ vào thùng, tôi sẽ cho con làm. Mặc dù bé làm sẽ chậm hơn mẹ, tôi không bao giờ từ chối con kiểu: "Ôi, con không làm được đâu" bởi vì nếu tôi chưa cho bé làm thì làm sao tôi biết con làm không được (cười). Khi bé đề nghị giúp tôi, tôi thử bảo con: "Lớn lên con phụ mẹ nhé" và con nói: "Có ạ". Tôi nghe những câu của con thấy mắc cười mà dễ thương lắm.

    Khi dẫn con ra tiệm, tôi nói với con: "Con lấy cho mẹ túi để đựng đồ cho khách đi". Các việc bé giúp mình là nhỏ nhưng mỗi khi được làm, con sẽ thấy vui. Tuy vậy, cha mẹ cũng đừng nên nhờ con quá thường xuyên vì nếu phải làm nhiều, con sẽ cảm thấy mệt.

    - Luôn khuyến khích con tự lập, chị nghĩ sao về cách dạy của con của các ông bố, bà mẹ trực thăng - những người tham gia vào mọi quyết định trong cuộc đời con cái, như trực thăng giám sát con cái?

    - Tôi nghĩ ông bố, bà mẹ trực thăng cũng có cái hay khi kiểm soát con nhưng chỉ nên ở một chừng mực nào đó chứ không nên kiểm soát 100 %. Chính tôi cũng có mẹ luôn theo sát mình, giúp tôi bớt được các cám dỗ, cạm bẫy khi hoạt động nghệ thuật, có được thành công hôm nay. Khi đã trải qua các vấp váp trong cuộc sống, tôi mới hiểu ngày xưa mẹ đã phải cực với mình như thế nào. Bây giờ, tôi rút kinh nghiệm cách mẹ dạy mình và cố gắng không dạy các cái sai của mình với con.

    Đồng thời, tôi thấu hiểu mẹ mình hơn, biết nuôi một đứa trẻ là điều khó khăn, không phải mình nói là con sẽ nghe. Nhưng để kết luận, tôi không muốn làm bà mẹ trực thăng của con. Tôi muốn lắng nghe, hiểu trên góc độ, phương diện của con.

    Bố mẹ kiểm soát con cái vừa phải để hướng con vào điều đúng một cách nhẹ nhàng, tránh nguy hiểm cho con. Tôi nghĩ phụ huynh cần lắng nghe con mình xem tại sao con muốn điều đó và nó giúp con như thế nào. Có những cái bố mẹ phải cứng rắn, có những điều phải ứng xử mềm mại, mà thực sự để làm được cũng khó lắm, kể cả tôi cũng vậy. Thế nên, tôi ráng mỗi ngày nhẹ nhàng hơn chút xíu với con, hướng dẫn con từ từ dù đôi lúc con khá cứng đầu.

    - Không thuê bảo mẫu, chị gặp các khó khăn gì?

    - Sức người lớn chơi với trẻ con không nổi vì mỗi lần xếp logo cùng con, lưng tôi như muốn gãy luôn. Nên tôi chỉ chơi với con được khoảng một, hai tiếng đồng hồ, còn sau đó đành để con tự chơi. Mỗi tuần, con đều có đồ chơi mới nên sẽ không chán.

    Bây giờ, tôi cũng ráng cho con dọn dẹp nhà cửa vì một mình tôi làm không hết việc. Tôi cũng chưa cho tiền bé để làm việc nhà. Tôi chưa phải bà mẹ giỏi nên hay học hỏi từ người xung quanh vì mỗi người mẹ có cái hay khác nhau về việc dạy con.


    Hình ảnh

    Từ lúc 3-4 tuổi, bé Jiraiya hút bụi, thích làm việc nhà bắt chước người lớn. Ảnh chụp màn hình

    - Ở nhiều gia đình, khi không có thời gian chơi với con, bố mẹ sẽ đưa cho con iPad, còn gia đình chị thế nào?

    - Hồi trước tôi cũng làm thế hoặc đưa điện thoại cho con coi nên Jiraiya hơi chậm nói. Còn bây giờ, tôi đã tìm ra một phương pháp là mua một con mèo về nhà để con chơi cùng. Tôi giới hạn thời gian chơi iPad của bé chỉ khoảng hai tiếng/ngày và thời gian chơi ít dần đi vì con được đi học tại trường và học thêm tại nhà.

    Sau này, tôi năng mời các bạn con qua nhà chơi để con bớt phụ thuộc thiết bị điện tử. Lúc ăn cơm, tôi cũng không cho con chơi iPad để bé tập trung ăn uống. Tôi cũng dự định khi nào mẹ tôi qua Mỹ, tôi sắp xếp để cho con học đá banh, bơi, võ, nhạc cụ... Tôi luôn mong muốn dành thời gian cho con nhiều hơn, cho bé ra ngoài chơi.

    Chưa từng đánh con khi bất lực

    - Trẻ nhỏ hay ăn vạ, không nghe lời. Chị xử lý như thế nào trong tình huống này?

    - Ngày xưa, tôi phải năn nỉ con, con khóc là tôi ôm. Vì vậy, bé muốn gì, bé đều giãy lên, khóc lóc đòi. Có lần qua Anh, tôi bế bé suốt và tới khi chịu hết nổi, tôi buông con xuống, nói con tự đi. Và hai năm nay, tôi thấy nếu chiều con kiểu đó, tôi sẽ rất mệt nên bây giờ bé ăn vạ, tôi sẽ làm lơ luôn và đi ra chỗ khác. Sau khoảng 10 phút, bé tự động ôm tôi xin lỗi.

    - Nếu bất lực với con, chị sẽ xử lý như thế nào?

    - Tôi chưa bao giờ đánh con bởi ở Mỹ đánh con là phạm pháp. Bây giờ, tôi cũng gần như không la mắng con. Khi nào bực lắm, tôi mới la tên con và khi ấy, con biết tôi đang bực, con sẽ đứng yên. Tôi bực, tôi sẽ đi ra ngoài vì khi mình tỏ thái độ gay gắt, con cũng sợ, tội nghiệp con.

    Jiraiya đôi lúc vẫn cứng đầu nên một vài người bạn bảo tôi: "Trời ơi, sao em để nó hư như vậy? Em phải dạy nó chứ!". Những lúc ấy, tôi đáp: "Dạy con cũng phải từ từ chứ không thể ngày một ngày hai, con ngoan ngay được. Có thể người lớn không hài lòng nhưng em thấy con đã cố gắng rất nhiều. Không thể đòi hỏi một đứa bé hoàn hảo. Bé chỉ cần không có thói xấu là đã đỡ rồi".

    Tôi dạy bé trong khả năng của mình và tôi thấy con cũng đã ngoan lên. Là bố mẹ, mình phải thừa nhận những điểm tốt của con. Nếu thấy điều gì con làm tốt, tôi sẽ khen con ngay, ví dụ như: "Mẹ tự hào về con", "Thank you"... Mỗi lần như thế, bé khoái lắm.

    Tôi thấy nếu người lớn mắng trẻ nhiều, đứa bé cũng sẽ cáu kỉnh. Tôi không đồng tình việc phụ huynh dùng vũ lực vì sau này con lớn, con có khả năng cũng sẽ hành động như vậyc. Và nếu dạy con theo kiểu nhẹ nhàng, con sẽ nghe lời và cư xử nhẹ nhàng.

    - Khi bé đi học ở trường, chị từng phải xử lý các vấn đề gì của con?

    - Có lần bạn của con vô tình làm đau con mà không xin lỗi. Lúc đó, tôi phản ánh với cô giáo để bạn đó xin lỗi con. Không phải tôi làm khó mà nếu tôi không vì con, con sẽ im lặng khi tình huống không mong muốn xảy ra và có những hệ luỵ về sau. Tôi dạy con, nếu có người đánh con, thứ nhất con cần nói cho cô, cho mẹ biết vì như thế là nguy hiểm và để người ta tôn trọng mình.

    Hình ảnh

    Bé Jiraiya được nhận giấy khen học kỳ 1 của trường.

    Luôn nói yêu con mỗi ngày để vun đắp tình cảm

    - Chị và con có các hoạt động chung nào để tình cảm mẹ con đi lên?


    - Tôi hay nói: "I love you" (Mẹ yêu con) để tập thành thói quen cho con và bé cũng đáp lại tôi như vậy. Khi đi đâu, tôi cũng cho con theo cùng để hai mẹ con gần gũi nhất có thể. Bây giờ, tôi không ra tiệm nhiều nên gần như ở 24/24h với con vào các tuần tôi đón con về.

    Mỗi ngày tan học, con đều líu la líu lo, tự kể hết cho mẹ nghe chuyện hôm nay thế nào. Hoặc tôi cũng gợi mở, hỏi con: "Hôm nay, con đi học như thế nào?" và nghe con chia sẻ, nói thích chơi với bạn này, bạn kia, muốn mời bạn đến nhà chơi... Do đó, tôi cũng muốn tạo các play day (Ngày chơi đùa) để mời các bạn của con tới chơi cùng con, tạo cộng đồng cho bé, chứ nếu mẹ cứ đưa con đi, đón con về luôn thì con không có bạn và điều đó không tốt.

    Ngoài ra, ở tiệm thời trang của tôi, tôi cũng hay nghe các khách hàng khuyên: "Quyên ơi, em đừng theo công việc nhiều quá, cố gắng gần con vì khi con lớn, mẹ muốn cũng không đến gần con được nữa đâu". Đây cũng là lý do tôi không thuê bảo mẫu, hạn chế đi chơi với bạn vì muốn con gần mình. Bởi nếu đi với bạn, tôi khó để ý nhiều tới con. Lúc bé thấy mẹ không để ý, bé nói: "Mẹ không nghe con". Những lần như vậy, tôi lo con buồn, chịu tổn thương, sợ sau này con không chịu chia sẻ với mình nữa nên tôi ráng làm xong việc, tranh thủ ở nhà chơi với con. Nói chung, con không gần mình là do mình chứ không phải do con.

    Điều tôi mong muốn hiện tại là con khoẻ mạnh, nghe lời cô giáo và được đón mẹ ruột tôi qua Mỹ để tôi không cô đơn.

    - Ngoài lời nói, chị còn các cách nào để thể hiện tình cảm với con?

    - Bây giờ tôi ráng tranh thủ hôn con vì tôi biết một ngày nào đó, con sẽ nói 'không'. Các bé khoảng 9, 10 tuổi thường không cho bố mẹ ôm, hôn, nắm tay vì chúng xấu hổ. Chúng cũng không muốn bạn bè biết mình đang ngủ chung với bố mẹ chẳng hạn.

    - Là single mom, chị thấy điều gì cần trau dồi nhất?

    - Kiên nhẫn và nghĩ cho con mình. Thực ra nói như vậy cũng hơi một phía vì đó là suy nghĩ của tôi. Ly hôn xong, con được tôi đặt lên hàng đầu, còn có những người ưu tiên cho cảm xúc của họ thì tôi không ý kiến vì mỗi người có một suy nghĩ khác nhau.

    Làm mẹ đơn thân mà cực như tôi thì nên có kế hoạch rõ ràng và suy nghĩ xem mình muốn gì, mình muốn tốt cho con mình hay muốn tốt cho riêng mình. Nếu người mẹ muốn tốt cho riêng mình, người mẹ nên để con cho người kia nuôi. Còn nếu muốn tốt cho con, đã ở với con, là mẹ đơn thân thương con thì nên tập trung cho con.

    Gia đình là gốc, còn những chuyện khác có thể đến và đi bất cứ lúc nào, mình không thể kiểm soát được. Vì vậy, tại sao không xây cho mình một nền móng chắc chắn để khi những mối quan hệ nếu có tới, nó sẽ tới? Và nếu tình yêu mới có ra đi, chúng ta cũng sẽ không bận lòng.

    Ngọc Quyên sinh năm 1988, vào nghề người mẫu từ năm 16 tuổi. Cô từng góp mặt trong một số phim như Tuyết nhiệt đới, Hoa dã quỳ, Có lẽ nào ta yêu nhau, Mẹ chồng, Mỹ nhân kế... Hiện, cô sống tại bang California, Mỹ với con trai Jiraiya. Người đẹp việc kinh doanh áo dài và các sản phẩm may mặc.

    Hằng Trần thực hiện
    Ảnh: NVCC
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 117 khách