Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Mỹ:Giá s/x tăng nhanh nhất trong lịch sử

Đã gửi: Thứ 4 Tháng 12 15, 2021 8:08 pm
by music123
Giá sản xuất ở Mỹ tăng nhanh nhất trong lịch sử

Trần Trung 12/15/21

Giá sản xuất tăng kỷ lục là một dấu hiệu nữa cho thấy áp lực lạm phát ở Mỹ đang rất cao. Điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến quyết định chính sách của Fed trong cuộc họp tuần này.


Giá đầu vào mà các nhà cung cấp đưa ra cho doanh nghiệp ở Mỹ tăng kỷ lục trong tháng 11, báo hiệu rằng áp lực giá trên diện rộng vẫn đang gia tăng trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bộ Lao động cho biết hôm thứ Ba rằng chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 9,6% trong tháng 11 so với một năm trước đó, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 2010. Còn PPI cơ bản, không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 7,7% so với năm trước, cũng là mức kỷ lục.

Hình ảnh

Chuỗi cung ứng đang tắc nghẽn khi chạy đua với nhu cầu tiêu dùng cao bất thường.

Dữ liệu giá sản xuất cao hơn dự kiến ​​cho thấy lạm phát tiêu dùng sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 khi áp lực giá cả duy trì. Tốc độ lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đạt mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ là 6,8% vào tháng trước

Chỉ số PPI, phản ánh tổng quát điều kiện nguồn cung trong nền kinh tế, tăng 0,8% so với tháng 10, cao hơn mức tăng 0,6% trong 3 tháng trước đó. Giá năng lượng, thực phẩm bán buôn, vận tải và kho bãi cao hơn góp phần làm tăng lạm phát.

“Đây là một bằng chứng cho thấy lạm phát tiếp tục mở rộng”, theo Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng tại Amherst Pierpont.

Giá cao liên tục chủ yếu phản ánh chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, khi các nhà sản xuất cố gắng chạy đua với nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ bất thường. Giá hàng hóa tiếp tục tăng cao hơn giá dịch vụ do chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng hóa vẫn tăng trong khi chi tiêu cho dịch vụ chỉ tăng nhẹ so với mức trước đại dịch.

Giá hàng hóa, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 0,8% trong tháng 11 so với tháng 10, nhanh hơn mức tăng 0,6% của tháng trước. Chỉ số dịch vụ tăng 0,7% trong tháng, cao hơn mức 0,2% trong tháng 10.

Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng của PNC, cho rằng việc mặc dù vẫn ở mức cao, tỷ lệ lạm phát cho hàng hóa dùng để làm ra các sản phẩm khác báo hiệu rằng lạm phát giá sản xuất đang gần đạt đến đỉnh. “Lạm phát PPI sẽ chậm lại vào năm 2022 khi giá năng lượng và nguyên liệu thô khác giảm do sản lượng lớn hơn, nhu cầu yếu hơn và các vấn đề về chuỗi cung ứng dần suy yếu”, ông cho biết. “Nhưng lạm phát PPI sẽ vẫn ở trên mức dài hạn do nhu cầu tiếp tục tăng mạnh đối với một số hàng hóa, dịch vụ và mức lương cao hơn”.

Cùng với dữ liệu lạm phát tiêu dùng tuần trước, dữ liệu sản xuất mới này bổ sung vào danh sách các lý do để Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tốc các kế hoạch cắt giảm những gói kích thích của mình, khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed họp trong tuần này. Tốc độ cắt giảm nhanh hơn sẽ mở đường cho việc tăng lãi suất vào mùa xuân để kiềm chế lạm phát.

Re: Mỹ:Giá s/x tăng nhanh nhất trong lịch sử

Đã gửi: Thứ 4 Tháng 12 15, 2021 8:09 pm
by music123
Lạm phát Mỹ tăng nóng

Trần Trung 12/15/21

Lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ tăng lên mức 0,9% trong tháng 6, cao nhất kể từ tháng 8/2008. Tình theo năm, lạm phát là 5,4%.


Lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 6 đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2008.

Bộ Lao động nước này thông báo vào hôm thứ Ba rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã tăng 0,9%, cao hơn mức 0,6% của tháng 5. Con số thực tế trong tháng 6 cao gần gấp đôi so với mức dự báo 0,5% của các nhà phân tích do Refinitiv khảo sát.

Giá xe cũ tăng mạnh 10,5% trong tháng trước, đóng góp hơn 1/3 vào mức tăng CPI. Giá năng lượng cũng tăng 1,5% và giá thực phẩm tăng 0,6% trong tháng.

Lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái đạt 5,4%, và đang có xu hướng ngày càng tăng. Các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát đã dự báo con số này là 4,9%.

Lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, là 0,9% trong tháng 6, cao hơn mức 0,7% trong tháng 5. Mức tăng lạm phát cơ bản 4,5% theo năm là cao nhất kể từ tháng 11/1991.

Hình ảnh

Giá thực phẩm ở Mỹ tăng 0,6% trong tháng 6.

Lạm phát ở Mỹ đang tăng mạnh khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các nút thắt chuỗi cung ứng xảy ra do đại dịch. Một số doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong việc tuyển dụng do các biện pháp hỗ trợ người thất nghiệp đã khuyến khích người lao động ở nhà.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khẳng định lạm phát là “nhất thời” và sẽ trở lại mức trước đại dịch khi sự mất cân bằng trên thị trường được khắc phục. Tuy nhiên, chủ tịch cơ quan này Jerome Powell đã thừa nhận rằng thời điểm đó là “không chắc chắn”

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm hôm thứ Ba do lo ngại về lạm phát mặc dù các ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh tích cực. Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones giảm 0,31%, trong khi chỉ số rộng hơn S&P 500 giảm 0,35%. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về ngành công nghệ cũng giảm 0,38%.

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng nhẹ khi nhà đầu tư lo ngại mức lạm phát cao nhất trong 13 năm có thể khiến Fed buộc phải tăng lãi suất sớm hơn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào hôm thứ Tư. Động thái này sẽ được các nhà đầu tư theo dõi sát sao với câu hỏi: Liệu Fed có thay đổi quan điểm của mình về lạm phát sau tháng tăng nóng thứ 3 liên tiếp?

Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này đã được thiết lập trên cơ sở coi lạm phát là nhất thời. Nhưng Fed có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ lỏng lẻo của mình sớm hơn dự kiến để hạ nhiệt lạm phát.

Một quan chức Nhà Trắng tiếp tục thể hiện quan điểm rằng lạm phát sẽ trở về mức vừa phải trong “một tương lai không xa”, nhưng không nói rõ khi nào. Người này cũng từ chối lặp lại những dự báo trước đó rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào những tháng mùa hè. “Chúng tôi đang theo dõi sát dữ liệu theo tuần và theo tháng”, người này nói.