Nông sản vẫn đổ dồn lên các cửa khẩu Lạng Sơn
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Nông sản vẫn đổ dồn lên các cửa khẩu Lạng Sơn

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 16, 2021 1:58 pm

    Mất tiền triệu mỗi ngày để chờ xuất hàng ở cửa khẩu Móng Cái


    Quốc Nam Thứ năm, 16/12/2021

    Xe container ùn ứ tại cửa khẩu Móng Cái chờ xuất hàng sang Trung Quốc. Chủ xe phải bù lỗ cả triệu đồng mỗi ngày để chạy máy lạnh bảo quản hàng hóa và trả chi phí cho lái xe.



    Hình ảnh


    Từ cuối tháng 11 đến nay tình trạng xe container bị ùn ứ, xếp hàng dài diễn ra liên tục tại cửa khẩu thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

    Hình ảnh


    Ghi nhận của Zing, xe container xếp hàng dài gần 3 km chờ qua cửa khẩu Bắc Luân 2. Kho phục vụ kiểm đếm hàng hóa trong tình trạng chật cứng xe container. Nhà chức trách thành phố Móng Cái phải tận dụng bãi đất trống trước cửa khẩu để làm chỗ đỗ xe tạm thời.

    Hình ảnh


    Càng về cuối ngày 15/12, càng nhiều phương tiện dồn về trước cửa khẩu, đồn biên phòng bố trí lực lượng để điều phối giao thông. Một cán bộ thuộc ban quản lý cửa khẩu Móng Cái cho biết mỗi ngày, khoảng 400 container có nhu cầu xuất đi nhưng chỉ có 5 xe container làm xong thủ tục thông quan bên phía Trung Quốc. Thậm chí có ngày không có xe nào được thông quan.

    Hình ảnh


    Việc bị ùn tắc khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề khi phải tăng chi phí như bảo quản, lưu kho bãi. Chiếc xe container này đã nằm ở bãi đỗ tạm 4 ngày, lái xe không được đi ra ngoài và phải sinh hoạt trên xe để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Theo báo cáo của Chi cục cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hiện tại đang có trên 1.300 xe container bị mắc kẹt tại cửa khẩu. Trong đó có trên 300 xe chở trái cây nông sản như thanh long, mít, sầu riêng. Ngoài ra, còn khoảng 100 container hoa quả Thái Lan và 880 container hàng thủy hải sản đông lạnh.

    Hình ảnh


    Anh Ban (43 tuổi, Bình Định) cho biết anh lái xe container chở mít từ Tiền Giang và đã mắc kẹt tại Móng Cái hơn 4 ngày chưa được thông quan. Do là hàng trái cây nên mỗi ngày anh phải đổ hơn 80 lít dầu chạy máy lạnh để bảo quản hàng hóa.

    Hình ảnh


    "Chúng tôi được đưa hết vào bãi tập kết cách cửa khẩu hơn 1 km, ăn uống sinh hoạt hết ở trong này, không được di chuyển ra ngoài. Mấy anh em mang theo đồ nấu cơm thì góp tiền gửi người đi chợ, còn nếu không thì ngày nào cũng phải ăn cơm hộp", anh Ban nói.

    Hình ảnh


    Bà Trần Kim Phượng (Long An) tranh thủ gọi điện cho con dâu ở nhà. Bà là chủ xe container theo con trai chở thanh long thuê cho chủ hàng ra Móng Cái để xuất sang Trung Quốc. Mỗi ngày chi phí tiền dầu chạy máy phát bảo quản hàng hóa cùng với tiền ăn uống và thuê bãi đỗ mất đến cả triệu đồng.

    Hình ảnh


    "Đến hôm nay là tròn 15 ngày bị mắc kẹt ở cửa khẩu, giờ dầu chạy máy lạnh bảo quản sắp hết tôi không biết mua ở đâu. Toàn bộ chi phí phục vụ xe nằm chờ ở bãi đều do chủ xe chịu hết, xe của gia đình nên 2 mẹ con cố gắng dè xẻn ăn uống cầm cự chờ đợi ngày được xuất hàng", bà Phượng nói.

    Hình ảnh


    "Chúng tôi ăn tạm bợ cho qua bữa còn máy lạnh thì cứ chạy 3 tiếng lại dừng một chút rồi chạy tiếp để tiết kiệm dầu. Do chưa trả được hàng nên lái xe cũng bị mắc kẹt cùng xe luôn", anh Võ Văn Luận ngụ Quảng Ngãi cho biết thêm mỗi chuyến chạy container đưa thanh long từ miền Nam sang Trung Quốc được chủ trả công 10 triệu đồng cho 2 lái xe.

    Hình ảnh

    Việc thông quan hàng hóa vẫn phụ thuộc vào phía Trung Quốc, với số lượng container tồn đọng tại cửa khẩu Móng Cái đang được dự đoán sẽ tăng cao vào những ngày tới.

    Trao đổi với Zing, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, cho biết thành phố lập tổ công tác liên ngành gồm hải quan, biên phòng, Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để giải quyết nhanh các thủ tục. Đồng thời chuẩn bị thêm các bãi đỗ và giải quyết nhanh các thủ tục để giảm thiểu thời gian xe hàng phải chờ ở phía Việt Nam.

    "Hàng ngày chúng tôi có những trao đổi thông tin với bên bạn (Trung Quốc) làm sao giải quyết nhanh các thủ tục, giải quyết nhanh các hạ tầng để phục vụ cho việc xuất nhập khẩu", ông Nam cho biết thêm.
    Sửa lần cuối bởi 12 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re:Tài xế, chủ hàng 'ngồi trên lửa' chờ xuất hàngsang TQ

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 16, 2021 3:14 pm

    Tài xế, chủ hàng 'ngồi trên lửa' khi nông sản mắc kẹt nửa tháng

    12/16/21


    LẠNG SƠNNhững ngày qua, anh Hường, quê Bình Định, cùng hàng nghìn tài xế khác bị kẹt trong dòng xe ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh.

    Container chở hơn 45 tấn xoài từ Tiền Giang được anh Hường đưa lên biên giới nửa tháng, song chưa thể xuất sang Trung Quốc. Đỗ xe bên đường, tài xế Hường nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày trong tiếng máy xe kêu rầm rầm để làm lạnh trái cây.

    Hình ảnh

    Tài xế Hường xin ý kiến chủ hàng mở cửa container kiểm tra hơn 45 tấn xoài. Ảnh: Ngọc Thành

    Sáng 16/12, nóng ruột vì chờ đợi quá lâu, anh Hường gọi điện cho chủ hàng xin phá niêm phong bằng chì để kiểm tra hàng trăm thùng xoài phía trong. Cánh cửa lâu ngày không mở rỉ sét, khi bung mở mùi thơm của xoài xộc thẳng vào mũi. Anh Hường thở dài khi thấy nhiều thùng xoài chuyển qua màu vàng. Thông thường trái cây được xuất khi còn xanh, để được lâu ngày, còn đã chín nghĩa là không giữ được lâu.

    Tài xế quê Bình Định sau đó cầm chiếc điện thoại quay lại hiện trạng, rồi gửi cho chủ hàng xin ý kiến. Bên kia đầu dây, giọng một người phụ nữ nói vọng lại "thôi cố chờ thêm ít ngày nữa". Hường đóng sập cửa lại rồi lên cabin nằm chờ.
    Sau nửa tháng chờ đợi, nhiều tài xế như anh Hường chung tình trạng "ngồi trên đống lửa", họ không thể quay về và cũng không biết bao giờ mới xuất được hàng, trong khi "năm đã hết, Tết gần đến".

    Anh Huỳnh Xuân Thái, một tài xế quê Bình Định, cho hay đã 7 ngày không tắm, còn 40 tấn mít trong thùng xe của anh "bắt đầu đen vỏ".

    "Ở đây chúng tôi không kiếm đâu ra nước để sinh hoạt hàng ngày", anh Thái nói. Để có nước rửa mặt, đánh răng... nhiều tài xế phải lấy xô hứng nước chảy ra từ máy lạnh, cứ một ngày thì đầy xô. Hàng tuần, Thái đi bộ hơn 2 km lên một bãi xe để tắm dịch vụ với giá 20.000 đồng. Mỗi ngày kẹt lại, anh nhẩm tính tốn khoảng 1,5 triệu đồng. "Tiền ăn uống không đáng mấy nhưng tiền xăng dầu, bến bãi tốn nhiều", Thái cho hay.

    Trước khi bị kẹt ở biên giới, mỗi tháng anh Thái có thể chạy được hai chuyến xe chở nông sản từ Nam ra Bắc, mỗi chuyến tiền công gần 5 triệu đồng. "Cứ nghĩ cố gắng đợt này cố lên 3-4 chuyến mỗi tháng để có tiền sắm Tết, không ngờ bị kẹt lâu như thế này, coi như gặp xui xẻo cuối năm", anh Thái chia sẻ.

    Hình ảnh

    Một tài xế dùng nước chảy ra từ máy lạnh xe chở hàng để rửa mặt. Ảnh: Phạm Chiểu

    Khác với các đồng nghiệp đã lên biên giới nhiều lần, tài xế Nguyễn Tuấn Phúc cho hay trong lần đầu chạy xe lạnh lên cửa khẩu đã bị kẹt lại. Trước đó, trên đường di chuyển, tài xế Phúc đã nghe thông tin ùn ứ nhưng "xe chạy rồi thì vẫn phải lên biên theo lệnh chủ hàng, không thể quay về".

    Từng ngày trôi qua, anh Phúc chỉ mong trái cây trong thùng xe không bị hỏng và Trung Quốc sớm cho hàng qua cửa khẩu. "Chúng tôi là tài xế lo một, thì các chủ hàng lo mười, vì chờ lâu quá họ sẽ mất vốn", anh Phúc nói.

    Trưa 16/12, ông Phạm Thế Lộc, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Phú Lộc, cho hay đang từ Bình Thuận đến Lạng Sơn để tìm cách giải quyết tình trạng xe hàng bị mắc kẹt. Tại cửa khẩu, công ty của ông Lộc có 110 xe hàng thanh long đang nằm chờ ở bãi, giá trị hàng hóa lên tới cả trăm tỷ đồng chưa thể thông quan.

    "Nếu không xuất được sớm, số thanh long bị hỏng, công ty có thể phá sản", ông Lộc nói, cho hay một số xe của công ty ông đi từ 22/11 thì tới 15/12 mới được thông quan, những xe xuất phát sau đó vẫn phải chờ.

    Bà Thoan, một tiểu thương chuyên buôn trái cây, nói "trái cây chỉ được giá khi còn xanh, để lâu chín sẽ bị ép giá, lúc đó có bán tháo vẫn không đủ tiền cước xe".

    "Xe chạy từ Tiền Giang ra tới Lạng Sơn chưa tính tiền hàng, chỉ riêng tiền cước và các chi phí khác đã là 130 triệu đồng. Nếu bán tháo, mỗi container chỉ được khoảng 80 triệu đồng. Như vậy thiệt hại tiền hàng vào khoảng 300 triệu đồng", bà Thoan cho hay.

    Hình ảnh

    Hàng nghìn xe hàng đang chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Ngọc Thành

    Theo thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), đến sáng 16/12, lượng phương tiện chờ xuất khẩu tồn 4.550 xe. Trong đó, cửa khẩu Tân Thanh nhiều nhất với 2.601 xe, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 1.263 xe, Chi Ma là 687 xe. Lượng xe tồn chủ yếu là nông sản như mít, xoài, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử.

    Ông Hoàng Khánh Duy - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, cho hay với năng lực xuất khẩu những ngày gần đây, sẽ phải mất từ 15-22 ngày nữa mới xuất hết số xe hàng đang tồn ở Tân Thanh "với điều kiện không có xe hàng mới lên".

    Cũng theo ông Duy, bằng thời điểm này năm ngoái, lượng xe lên Lạng Sơn tương đương song không ùn ứ như hiện nay. Ông Duy nêu 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm thông quan là Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch Covid-19 và lỗi hệ thống mạng tại cửa khẩu nước này; các cửa khẩu khác thông quan chậm (Quảng Ninh, Cao Bằng) hoặc dừng thông quan (Lào Cai) nên tất cả "đổ dồn về Lạng Sơn".

    Các cơ quan chức năng ở Lạng Sơn đang tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để sớm thông qua các xe hàng. Tỉnh này cũng khuyến cáo các địa phương xem xét không đưa nông sản lên cửa khẩu trong thời gian này.

    Phạm Chiểu - Ngọc Thành
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Ăn bờ ngủ bụi, vạ vật ở biên giới

    by music123 » Chủ nhật Tháng 12 19, 2021 7:18 pm

    Ăn bờ ngủ bụi, vạ vật ở biên giới

    12/20/21

    Chiếc hộp sắt là chạn bát đựng đủ thứ mắm muối, gạo, dầu ăn... và mấy chiếc bếp gas du lịch. Bảo vệ thu chiếc này, tài xế lôi chiếc khác ra dùng. Nhóm bốn tài xế chạy cùng một chủ xe, đang "góp gạo thổi cơm chung" đã... 24 ngày tại bãi xe..

    Hình ảnh

    Hàng nghìn container nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Ảnh: VŨ TUẤN
    Trời đất ơi! Tui bằng này tuổi đầu rồi mà họ cho tui tắm nước lạnh! Mai tui bệnh, ho hen, phải đi cách ly thì hàng họ của tui tính sao?

    Ông Chín (tài xế hơn 50 tuổi, đang bị kẹt tại biên giới Lạng Sơn)
    Tin không vui từ bên kia biên giới Lạng Sơn báo về: tạm ngưng nhập xe mít vì có người bán mít nhiễm COVID-19. Cánh tài xế container thấp thỏm nhìn bãi xe hàng nghìn chiếc chen chúc chưa biết khi nào giao xong hàng.

    Đặng Đức Thuận giật mình nhìn đồng hồ, 2h sáng. Anh bật cửa xe, vẫn quần cộc và áo thun lập cập trong cái rét 16 độ C. Tiếng máy nổ khàn đục gầm lên giữa đêm. Bên cạnh, "hàng xóm" lục tục bật dậy, nổ máy. Tiếng động cơ, tiếng gọi nhau í ới, ánh đèn pin loang loáng trong đêm.

    Cạn cả dầu chạy máy

    "Không được ngủ đâu anh! - Thuận nói - Chúng tôi phải liên tục chạy máy lạnh để thanh long không hỏng. Nóng quá thì ủng thối, lạnh quá thì nhanh bị khô, xuống màu. Hàng mà hỏng thì chúng tôi với chủ xe phải đền tiền, cực lắm!".

    Anh Thuận phải nằm đợi ở bãi xe tạm trước cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) gần 2 tuần nay. Đây chỉ là bãi đỗ tạm thời, anh chưa biết khi nào vào bãi đỗ chính sát cửa khẩu để được làm thủ tục hải quan. Đồng nghiệp anh đã chờ ở cửa khẩu 3 tuần, vẫn chưa có thông tin khi nào được thông quan.

    Đêm ở biên giới Tân Thanh, hàng trăm xe container hoa quả mòn mỏi nằm chờ đến lượt. Đây là khu đất trống được quy hoạch để xây dựng các công trình thuộc khu mậu dịch phi thuế quan giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không còn một chỗ trống, cả con đường bêtông dài gần 2 cây số đã xếp kín xe, chỉ còn một lối đi ở giữa vừa đủ một chiếc xe lách qua.

    Anh cán bộ biên phòng trực chốt cho hay tuần trước mỗi ngày có đến 300 xe vào khu vực bãi tạm này, giờ còn 80 xe. Đây là con số cho phép khi 80 xe ở bãi đỗ chính được thông quan thì sẽ có 80 xe được vào. Còn lại, các bãi xe khác ở Đồng Đăng và TP Lạng Sơn vẫn tiếp tục nhận thêm hàng trăm xe mới từ miền Nam ra.

    Tài xế Thuận đã có hơn 10 năm chạy xe container chở hoa quả lên biên giới. Năm nào cũng gặp chuyện tắc biên, ùn ứ nhưng chưa năm nào nghiêm trọng kéo dài như năm nay. Téc dầu chạy máy lạnh đã hết, anh rút dầu ở đầu kéo để chạy. Số này cũng sắp cạn, phải thuê xe ôm mua dầu từ ngoài vào.

    Cách mấy chiếc xe, tài xế Nguyễn Văn Hà, quê Quảng Nam, mở cửa thùng kiểm tra mấy quả thanh long. Vỏ vẫn đỏ nhưng không còn bóng như ban đầu. Anh tạm yên tâm, khóa cửa rồi vòng qua xem kỹ nhiệt kế trên máy lạnh. Anh cho biết: "Mình không thể chủ quan được, nhiệt độ của máy lạnh báo ở đầu công thôi, còn cuối công lại khác. Tụi em phải thức, kiểm tra bằng giác quan của mình để hàng không bị nóng mà cũng không bị khô quá".

    Hà vừa canh nhiệt độ vừa canh dầu máy. Xe công vào đây nằm "chết gí" một chỗ, không thể ra ngoài mua dầu. Chạy hết dầu, anh phải thuê xe ôm mua từng can đổ vào. Hà chưa bao giờ gặp cảnh phải nằm một chỗ lâu như bây giờ. Có những chuyến tắc biên cùng lắm chỉ phải đợi 5 ngày. Đời tài "công" quanh năm suốt tháng trên đường gần như không có ngày nghỉ. Thế nhưng khi được ở một chỗ, Hà lại đứng ngồi không yên. Anh lo hàng trái cây bị hư hỏng, lo máy móc trục trặc, lo hết tiền, không có lương, lo cả cái tết đang đến gần chưa có đồng nào cho vợ.

    Mỗi chuyến hàng chạy từ Bình Thuận ra biên giới, chủ xe trả công 11 triệu đồng cho hai tài xế. Hết tháng, chưa giao hàng xong, Hà chưa nhận được hơn năm triệu tiền công. "Tụi em tài xế đường dài là đi chuyến, lương là lương chuyến. Giao hàng xong, về lại là tính được một chuyến. Còn nằm ở đây cả tháng thì cũng chỉ được một chuyến, nhiều khi còn sợ bị trục trặc nữa, xe cộ nó hỏng nữa, không nằm lâu được" - Hà lo lắng kể.

    Hình ảnh

    Túi thức ăn góp chung của nhóm tài xế quê Bình Định - Ảnh: VŨ TUẤN

    Bữa cơm góp dưới gầm xe

    Đinh Công Trưởng, tài xế quê ở Bình Định, xách túi thức ăn nhét vào gầm xe. Cả nhóm bốn tài xế đều quê ở Bình Định, chạy cho cùng một chủ xe, đang phải "góp gạo thổi cơm chung" đã... 24 ngày tại bãi xe. Túi đồ có vài mớ rau, cân thịt ba rọi, chục trứng và mấy món đồ khác có giá hơn 600.000 đồng.

    Góc bếp "dã chiến" được đặt ngay dưới gầm container. Chiếc hộp sắt là cái chạn bát đựng đủ thứ mắm muối, gạo, dầu ăn... và mấy chiếc bếp gas du lịch. Bảo vệ thu chiếc này, tài xế lại lôi chiếc khác ra dùng. Chiếc thùng phuy dưới gầm xe đủ nước để 2 tài xế tắm rửa, nấu ăn trong 5 ngày. Nằm ở bãi xe quá lâu, nhóm anh Trưởng phải mua từng bịch nước nhỏ, đục lờ nhờ về nấu ăn.

    "Anh em chúng tôi sợ nhất là dịch. Bãi xe này có cả vài nghìn người, đi ta bà khắp nơi về, ăn ở căngtin nhỡ nhiễm covid, xe hàng coi như bỏ, tiền đâu đền?" - Trưởng nói. Chui dưới gầm xe, anh Trưởng rửa rau, đổ nước rồi bật bếp gas. Gầm xe bên cạnh cũng đang đỏ lửa, mùi kho quẹt thơm lừng khiến tài xế nao nao nhớ nhà.

    Nguyễn Văn Đại, quê Ninh Thuận, dọn bữa ngay bậc lên xuống của đầu kéo. Bữa cơm đạm bạc có rau cải luộc và bát thịt chưng mắm mang từ quê ra. Trong cabin còn ít bánh tráng, cá khô và túm gạo nhỏ. Mì gói, cà phê đã hết, anh Đại chỉ mong bỏ xong hàng rồi cùng chiếc đầu kéo rong ruổi Bắc Nam.

    Trưởng dọn cơm ngay cạnh gầm xe để tránh nắng. Bốn tài xế quây quần trong bữa cơm đạm bạc. Chuông điện thoại reo, anh Trưởng bật camera cho vợ con nhìn bữa cơm có đủ rau, thịt. Vợ anh lo lắng vì chuyến đi dài nhất kể từ ngày anh cầm vôlăng. Anh không cho vợ con xem mặt mình, chỉ cười chua chát. "Ba tuần không cạo râu, không ngủ, đã vậy lại còn chọt mũi xét nghiệm chục lần. Mũi to, tóc xù xấu hoắc à! Vợ chê tội nghiệp tui lắm!" - Trưởng gượng pha trò, cánh tài xế cười mà mặt méo xẹo.

    Ai nấy mặt mày hốc hác, mắt thâm quầng. "Xe vô đây bị kẹt cứng rồi thì cứ như chui vào rọ, đi tiếp không được, quay về không xong. Thiếu nước, thiếu tiền... cố đợi chờ mà sống thôi, chỉ mong tết này kịp về đến nhà" - Trưởng chia sẻ.

    Bãi xe ngay bên cạnh cửa khẩu Tân Thanh luôn có gần 1.000 xe nằm chờ. Tương ứng là khoảng 2.000 lái xe, phụ xe... Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày của họ là phập phồng ngóng tin từ bên kia biên giới, kiểm tra máy lạnh, mua dầu và tìm cách đối phó với bảo vệ.

    Phí bến bãi mỗi ngày 400.000 đồng, tiền dầu, tiền ăn, tiền nước, tiền vệ sinh... cứ thêm ngày nào tài xế mất cả triệu ngày ấy. Khoảng một nửa tài xế trong bãi xe này đã 20 ngày chờ đợi, chưa biết khi nào được giao hàng...

    Hình ảnh

    Đã nhiều ngày, tài xế này phải ăn uống sơ sài chống đói ở biên giới - Ảnh: VŨ TUẤN
    Ngày 18-12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế, UBND các tỉnh thành giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản tại Lạng Sơn.

    Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục đàm phán với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc để có giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Đồng thời, bộ này cần giải quyết các vấn đề phát sinh trong giao, nhận hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu...
    VŨ TUẤN
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: 6.200 xe hàngvật vã ở cửa khẩu phía Bắc

    by music123 » Thứ 3 Tháng 12 21, 2021 7:30 am

    Khoảng 6.200 xe hàng đang tập trung ở cửa khẩu phía Bắc


    Thanh Thương Thứ ba, 21/12/2021

    Do cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh đã tạm dừng thông quan nên năng lực giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) chỉ khoảng 100 xe/ngày.


    Tại họp báo chuyên đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc chiều 21/12, ông Âu Anh Tuấn - Quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan - cho biết tính đến ngày 21/12, tổng lượng hàng hóa tồn tại các cửa khẩu khoảng 6.200 xe, tương đương khoảng 12.000 người (gồm lái xe chính và lái xe phụ) đang tập trung tại các khu vực cửa khẩu. Riêng tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn là hơn 4.400 xe.

    Hiện nay, do cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh đã tạm dừng thông quan nên năng lực thông quan hàng hóa ở Lạng Sơn chỉ khoảng 100 xe/ngày tại cửa khẩu Hữu Nghị.

    "Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề hệ lụy đến an ninh xã hội, cũng như vệ sinh an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp", ông nhìn nhận.

    Đặc biệt, mới đây phía cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc thông báo dừng thông quan cho người, hàng hóa từ 0h ngày 21/12 đến khi có thông báo mới. Ông Tuấn đánh giá nếu áp dụng biện pháp này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

    Về nguyên nhân ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại các cửa khẩu nhiều ngày qua, ông Tuấn cho rằng do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 khiến việc thông quan bị giảm mạnh, nhiều cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% so với ngày thường. Một số cửa khẩu yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa, yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe.


    Hình ảnh

    Hiện, tại Lạng Sơn, mỗi ngày chỉ có khoảng 100 xe hàng được thông quan. Ảnh: Thạch Thảo.


    "Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng", ông nói.

    Hơn nữa, ông cho biết khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết, càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên.

    "Công tác thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế", ông nhìn nhận.

    Ngoài ra, theo ông cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế nên thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.

    Ông Tuấn cho biết ngay từ tháng 6, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, Tổng cục Hải quan đã có công điện số 14/TCHQ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh; phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

    Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa, lãnh đạo Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan để tăng thời gian thông quan tại các khu vực cửa khẩu. "Phối hợp với VCCI và thông qua các hiệp hội ngành hàng, sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cả trên bao bì chứa đựng hàng hóa", ông đề xuất.

    Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hoá, đảm bảo không có virus Covid-19. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc.

    Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục, thường xuyên đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế để kiểm tra nhanh các chứng thư kiểm dịch động thực vật và thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
    Hình ảnh

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 117 khách