Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Trải nghiệm bị đột quỵ suýt chết của cụ ông
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27911
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Trải nghiệm bị đột quỵ suýt chết của cụ ông

    by VietNews » Thứ 4 Tháng 12 16, 2020 9:34 am




    AUSTRALIA- Sau khi nhập viện do cơn đột quỵ, “sự sống” là ý niệm duy nhất tồn tại trong tâm trí Kevin Handforth, 78 tuổi.

    Cụ ông sống một mình ở ngoại ô thành phố Perth, thức dậy trên sàn phòng ngủ vào đầu giờ sáng, mất hoàn toàn cảm giác ở phần bên trái cơ thể.

    "Tôi nhìn thấy máu khắp nơi vì ngã đập đầu và nhận ra mình đã bị đột quỵ. Tôi cố gắng đứng dậy nhưng không thể và đã nghĩ rằng ‘Làm sao để thoát khỏi tình trạng này đây?’", ông kể lại.

    Handforth cho biết khi cơn đột quỵ xảy ra, ông vẫn ý thức được mình cần gọi cấp cứu. Song điện thoại di động của ông lại để trên bàn phòng khách.

    "Tôi đã nằm ngửa trên sàn và dùng chân lê người đi. May mắn là trong nhà không có thảm", ông nói.

    Ông cẩn thận lết qua phòng ngủ, dọc hành lang và vào phòng khách để lấy điện thoại. Chợt nhận ra mình không thể mở cửa chính, ông bắt đầu lấy một chiếc ghế có bánh xe và leo lên.

    Hành trình đó mất tới 4 tiếng đồng hồ. Vì vậy khi ông tới bệnh viện, đã quá muộn để thực hiện ca phẫu thuật giảm thiểu tổn thương lâu dài. Ông bị nhũn não nghiêm trọng - tình trạng khiến bệnh nhân sống sót sau đột quỵ bị liệt nửa người.

    Ông Handforth trở thành một trong số 150 bệnh nhân đột quỵ tham gia chương trình nghiên cứu tại Bệnh viện Osborne Park, nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh. Ông cũng thuộc 7% số người hiếm hoi bị liệt nửa người nặng đã hồi phục đủ để trở về nhà sau hồi phục chức năng.

    Hình ảnh
    Cụ ông Kevin Handforth mong được trở lại sân golf sau khi hồi phục đột quỵ. Ảnh: ABC News

    Khi mới đến trung tâm trị liệu, ông cần hai người hỗ trợ để đi, đứng và ngồi dậy khỏi giường. 4 tháng sau, ông có thể tự đi lại và leo cầu thang. Dù không thể vẽ và viết trở lại như sở thích, ông vẫn đủ sức vung gậy đánh golf ở sân sau và mạnh dạn đặt cược với bạn bè 150 USD rằng mình sẽ trở lại sân tập vào tháng 7 năm sau.

    Điều phối viên vật lý trị liệu Jess Nolan, người dẫn đầu nghiên cứu tại Osborne Park, cho biết ông Handforth là minh chứng rõ nhất cho thông điệp chính của công trình.

    "Kevin cho thấy những người bị đột quỵ vẫn có thể thay đổi tình trạng và phục hồi chức năng", bà nói.

    Song bà lo ngại còn quá nhiều bệnh nhân không thể khỏe lại.

    "Có những người không được tạo cơ hội để phục hồi chức năng, đặc biệt trong trường hợp đột quỵ hoặc liệt nửa người nặng. Họ bị coi là không đủ năng lực hồi phục", bà nói.

    Bà Nolan bổ sung thêm: "Đây là lý do vì sao nghiên cứu của chúng tôi đặc biệt quan trọng. Chúng tôi chỉ ra rằng hầu hết mọi người, ngay cả trong tình trạng xấu nhất, vẫn có thể thay đổi".

    Nhóm chuyên gia tiến hành đánh giá các bệnh nhân ba tháng một lần trong tối đa một năm sau khi họ bị đột quỵ. Giai đoạn đầu, hiện đã hoàn thành, sử dụng cơ sở dữ liệu từ bệnh viện để xem xét hơn 1.000 trường hợp đột quỵ kể từ năm 2005.

    Các chuyên gia hy vọng nghiên cứu sẽ thúc đẩy việc bổ sung ngân quỹ nhằm phục hồi chức năng cho người đột quỵ não bị liệt nửa người. Họ dường như không được hệ thống y tế chú ý nhiều, dù chiếm một nửa số ca sống sót sau đột quỵ.

    Hình ảnh
    Cụ ông Handforth trong bài tập phục hồi chức năng cùng điều dưỡng Yee Ching Wong. Ảnh: ABC News

    "Chúng tôi đã nghiên cứu mô hình y tế và nhận ra rằng thời gian hỗ trợ hồi phục chức năng cho người đột quỵ não liệt nửa người không đủ dài. Tăng chi phí hồi phục chức năng có thể giúp giảm chi phí chăm sóc dài hạn", bà Nolan nói.

    Tại Australia, cứ 10 phút lại có một ca đột quỵ và cứ 4 người lại có một người bị đột quỵ ít nhất một lần trong đời. Từ năm 1980 đến năm 2016, tỷ lệ từ vong do đột quỵ giảm khoảng 75%.

    Bà Nolan nói: "Sẽ có nhiều người Australia sống trong di chứng của đột quỵ trong những năm tới. Vì vậy, điều quan trọng là đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của họ. Một khía cạnh của nghiên cứu là đề ra phương pháp phục hồi chức năng tốt cho bệnh nhân bị chứng teo cơ".

    Đây là công trình lớn nhất trong lĩnh vực đột quỵ cho đến nay, đang nhận được tài trợ của Cơ quan Y tế WA và Quỹ Nghiên cứu Y khoa Raine. Nghiên cứu dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Trong khi đó, ông Handforth vẫn quyết tâm tiếp tục cải thiện tình trạng sức khỏe.

    "Tôi đã thử lát gạch, trộn vữa như trước đây, nhưng hơi khó khi dùng một tay. Những gì tôi từng làm suốt cuộc đời, tôi muốn làm lại. Tôi biết điều này bất khả thi nhưng vẫn cố gắng", ông chia sẻ.

    Thục Linh (Theo ABC)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 120 khách