Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thế khó của bom tấn Hollywood tại thị trường TQ
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Thế khó của bom tấn Hollywood tại thị trường TQ

    by music123 » Chủ nhật Tháng 1 16, 2022 6:37 pm

    Thế khó của bom tấn Hollywood tại thị trường Trung Quốc

    Quốc Minh Thứ hai, 17/1/2022

    Dù là Hollywood hay một số hãng phim nước ngoài khác, cơ hội tấn công thị trường Trung Quốc vẫn mong manh.



    Theo Variety, phim nước ngoài được phân phối ở Trung Quốc thông qua hai hình thức: phim chia sẻ doanh thu và phim trả phí cố định (hoặc mua lại). Hình thức thứ hai do công ty phân phối ở Trung Quốc thương lượng giá mua với công ty sản xuất nước ngoài để nắm quyền phát hành phim ở Trung Quốc, sở hữu toàn bộ doanh thu phòng vé.

    Tuy nhiên, điều khoản trong Hiệp định Điện ảnh Mỹ - Trung thay đổi khiến phim Hollywood khó chen chân vào thị trường tỷ dân. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã và đang nỗ lựa can thiệp nhưng quá trình đàm phán trì trệ, không tiến triển như mong đợi.

    "Dữ liệu phim rạp mới nhất cho thấy điện ảnh Trung Quốc năm 2021 lạc hậu và không đồng bộ với phần còn lại của thế giới", Variety khẳng định.

    Cụ thể, thị phần phim nước ngoài thu phí cố định và chia sẻ doanh thu của Mỹ tại Trung Quốc đều giảm, chỉ 39% tổng số phim nhập khẩu vào năm ngoái là của Mỹ, giảm 7% so với năm 2020 và 8% năm 2019. Năm 2021, Trung Quốc chiếu chưa đến 1/3 (28%) phim quốc tế nói chung.

    Hãng phim Mỹ hậm hực việc Trung Quốc kiểm duyệt và phê duyệt chiếu phim muộn, khiến họ có ít thời gian quảng bá tác phẩm ở thị trường này. Từ đó, phim Hollywood rơi vào thế bất lợi, bị chèn ép trước loạt tác phẩm nội địa.

    "Quy trình phát hành phim nước ngoài chỉ mang tính chiếu lệ ở Trung Quốc. Ngày phát hành được ấn định muộn đến mức ổ cứng của phim không thể đến rạp kịp thời gian công chiếu", nguồn tin bình luận.

    Phim chia sẻ doanh thu

    Theo Variety, trong 67 phim nước ngoài chiếu ở Trung Quốc năm ngoái, có 25 phim chia sẻ doanh thu (21 phim được gắn mác Mỹ) chiếm tỷ lệ 12,5% tổng doanh thu phòng vé hàng năm 926,9 triệu USD (5,89 tỷ NDT). Con số này tăng nhẹ hơn 2020, nhưng giảm hơn phân nửa so với năm 2019 và chẳng là gì khi so với những năm trước đây - khi Hollywood cạnh tranh với tựa phim Trung Quốc để giành ngôi vương phòng vé.

    Khoảng 40% phim chia sẻ doanh thu kiếm ít hơn 7,8 triệu USD (50 triệu NDT), trong khi chỉ 8% phim kiếm được hơn 157 triệu USD (1 tỷ NDT). Kết quả trái ngược hoàn toàn với thành tích năm 2019.

    Tác phẩm chia sẻ doanh thu có tiền bán vé cao nhất 2021 là Fast & Furious 9 (217 triệu USD) và thấp nhất là The High Note (41.000 USD). Cả hai đều do Universal phân phối.

    Hình ảnh

    Tài tử Vin Diesel trong một cảnh phim Fast and Furious 9. Ảnh: Universal.
    Số liệu cũng cung cấp thông tin khoảng 36% phim năm 2021 là phần tiếp theo hoặc thuộc nhượng quyền thương mại của loạt phim gốc. Không tác phẩm nào được dán nhãn R ở quê nhà Mỹ trong khi loại phim PG-13 chiếm 68%.

    Trung Quốc không có hệ thống phân loại chính thức, nhưng cơ quan quản lý có thể áp dụng biện pháp cắt giảm phim nếu họ muốn. Ước tính có 8% phim Mỹ đã trải qua một số hình thức kiểm duyệt hoặc bị cắt giảm ở Trung Quốc năm 2021.

    Theo Variety, năm qua, Warner Bros. đứng đầu với 6 phim chiếu tại Trung Quốc, Disney theo sau với 4 phim, Sony Paramount và Universal với 3 phim, 20th Century là 2 phim. Hãng National Alliance of Arthouse Cinemas của Trung Quốc cũng nhập khẩu 4 phim.

    Tuy nhiên, thị phần của các hãng phim Hollywood tại phòng vé Trung Quốc lại giảm khác nhau. Thị phần giảm dần từ Universal (32%), Warner Bros. (31%), 20th Century Studios (18%), bỏ xa Disney (7,5%), Paramount (6,9%) và Sony (4%). Hãng Sony tụt dốc vì lỡ cơ hội phát hành bom tấn Spider-Man: No Way Home.

    Một vấn đề khác được mổ xẻ là lịch ra mắt phim bị chậm. Chỉ 28% phim được phát hành ở Trung Quốc trước Mỹ hoặc trong vòng ba ngày kể từ khi công chiếu ở Bắc Mỹ. Con số này tăng hơn năm 2020, nhưng giảm so với 2019.

    Phim trả phí cố định


    Ảm đạm và thất bại là những gì Variety miêu tả thị trường phim trả phí cố định. Chỉ 42 phim được phát hành dưới hình thức này trong năm 2021, giảm so với 87 phim hồi năm 2019.

    Đi vào chi tiết hơn, trong 42 tác phẩm, gần 1/2 phim thu về 784.000 USD trong khi chỉ 1/10 phim bán được 15,7 triệu USD tiền vé. Doanh thu của các phim chiếm tỷ lệ thấp kỷ lục 2,7% trong tổng doanh thu phòng vé hàng năm, giảm lần lượt 1,7% và 4,1% so với hai năm trước.

    Danh sách phim trả phí cố định năm 2021 gồm 11 phim từ Nhật Bản, 5 phim từ Mỹ, 4 phim từ Italy, 3 phim từ Nga, 2 phim từ Anh và một phim của Argentina, Ireland, Pakistan, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Mexico, Na Uy, Thái Lan, Tây Ban Nha và Hungary.

    Nhật Bản là quốc gia nổi bật của thị trường này với 27% tác phẩm được phê duyệt trong ba năm 2019 đến 2021 nhờ vào nhượng quyền thương mại phim hoạt hình. Còn với Mỹ, số lượng phim đã giảm từ 18% năm 2019 xuống 12%.

    Trong diễn biến khác, Trung Quốc quyết định tăng số phim nhập khẩu từ các quốc gia (trừ Mỹ) có quan hệ ngoại giao tốt.


    Hình ảnh

    Nhân vật quen thuộc xuất hiện trong phim hoạt hình Stand By Me Doraemon 2. Ảnh: YT.


    Dựa trên số liệu mới, phim trả phí cố định thành công nhất là tác phẩm hoạt hình Stand By Me Doraemon 2 của Nhật Bản, thu 43,6 triệu USD phòng vé. Phim có thành tích tệ nhất lấy đề tài người chết với doanh thu chưa đến 10.000 USD.

    Variety ước tính khoảng 19% phim thu phí cố định đã bị kiểm duyệt theo một cách nào đó, bằng chứng là lượng phim đã giảm 1/4 trong hai năm 2019 và 2020, hiện chỉ còn 7% phim được phát hành từ năm 2021.

    Giới chuyên gia cho rằng tình hình ảm đạm này vẫn tiếp tục kéo dài đến hết 2022.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 113 khách