Hàng nghìn người đưa tiễn thiền sư Thích Nhất Hạnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

    by music123 » Chủ nhật Tháng 1 23, 2022 5:13 am

    Tình bạn giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King

    1/23/22

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King chỉ quen nhau vài năm trước khi mục sư Mỹ bị ám sát, nhưng gắn bó nhờ tầm nhìn chung.

    Cuộc gặp đầu tiên giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ, diễn ra tại thành phố Chicago vào ngày 31/5/1966, do đại diện của Hội Thân hữu Hòa giải tại Mỹ sắp xếp. Hai người đã trao đổi riêng một lúc, thảo luận về cuộc chiến ở Việt Nam, sau đó tổ chức họp báo chung tại Khách sạn Sheraton-Chicago.

    Điểm đáng chú ý là không có ghi chú chi tiết về cuộc trao đổi riêng, cũng chưa xuất hiện bản ghi nội dung hay ghi âm họp báo nào. "Chúng tôi đã thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Chúng tôi nhất trí rằng không thể tiến thật xa nếu không xây dựng được một cộng đồng", thiền sư Thích Nhất Hạnh hé lộ về cuộc gặp trong buổi phỏng vấn với người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ Oprah Winfrey năm 2009.

    Bằng chứng lịch sử cho cuộc gặp năm 1966 là những bức ảnh chụp thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư King, được coi là biểu tượng cho tình bạn và tình đoàn kết. Họ không phải hai người hoạt động về những vấn đề riêng rẽ, mà cùng chung lý tưởng.

    Hình ảnh

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh (phải) và mục sư Mỹ Martin Luther King (giữa) tại cuộc gặp năm 1966 ở Chicago. Ảnh: Parallax Press.

    Điều này được thể hiện trong một đoạn tuyên bố chung giữa hai người sau cuộc gặp ở khách sạn Sheraton-Chicago, được ghi lại trong một cuốn sách của tác giả người Mỹ Marc Andrus.

    "Chúng tôi tin rằng các phật tử đã hy sinh bản thân họ, cũng như những người ra đi vì phong trào dân quyền, không nhằm mục đích gây tổn hại những kẻ đàn áp, mà chỉ muốn thay đổi chính sách. Kẻ thù của những người đấu tranh cho tự do và dân chủ không phải con người, mà là sự phân biệt đối xử, chuyên quyền, tham lam, hận thù và bạo lực, những điều nằm trong trái tim con người. Đó mới là kẻ thù thực sự, không phải bản thân con người", tuyên bố có đoạn.

    "Và chúng tôi tin rằng chỉ trong một thế giới hòa bình, quá trình xây dựng những xã hội tốt đẹp ở khắp nơi mới có thể tiến triển. Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi mà thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào ngày 1/6/1965 trong thư gửi Martin Luther King: 'Đừng giết người, dù là nhân danh con người. Xin hãy giết những kẻ thù thực sự hiện diện khắp nơi, trong chính trái tim và khối óc của chúng ta'", tuyên bố cho biết thêm.

    Đưa ra một tuyên bố chung ngay trong lần gặp đầu tiên được đánh giá là bước khởi đầu phi thường cho quan hệ giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư King. Theo tác giả Andrus, hai người đã bắt đầu một tình bạn ở vị trí trung tâm trong Cộng đồng Yêu thương, tầm nhìn chung về một tương lai mà tất cả sống hòa bình với nhau, mỗi cá thể trong cộng đồng đều được kết nối với xung quanh, mục tiêu mà cả hai đã dành cả đời để cống hiến.

    Tuy nhiên, cuộc gặp sau đó một năm vào tháng 5/1967 lại là lần gặp cuối cùng giữa hai người. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư King cùng tham gia một hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ, do Hội đồng Các giáo hội Thế giới tổ chức. Tờ NY Times đưa tin mục sư King khi đó đã "lên án gay gắt" cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành tại Việt Nam.

    Tác giả Andrus mô tả đây là cuộc gặp đầy ấm áp và vui vẻ giữa hai người bạn. Theo lời kể của thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông được sắp xếp ở tầng 4, còn mục sư Mỹ ở tầng 11 và đã mời ông ăn sáng. Tuy nhiên, thiền sư đến muộn do phải trả lời báo chí.

    "Ngài ấy đã giữ ấm bữa sáng và chờ đợi tôi. Tôi cất lời chào: 'Ngài King, Ngài King!', rồi ngài ấy cũng chào lại tương tự", thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết, thêm rằng họ đã tiếp tục thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng, cùng những biện pháp Mỹ có thể thực hiện để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

    "Tôi đã nói với ngài ấy: 'Martin, ngài biết không, ở Việt Nam họ gọi ngài là bồ tát đang cố gắng thức tỉnh những chúng sinh khác, giúp họ hướng tới thương yêu và thấu hiểu hơn'. Tôi mừng vì mình có cơ hội nói với ngài ấy điều này, bởi chỉ vài tháng sau ngài ấy bị ám sát ở Memphis", thiền sư Thích Nhất Hạnh cho hay.

    Martin Luther King bị ám sát khi đang đứng trên ban công nhà nghỉ Lorraine ở thành phố Memphis, bang Tennessee, vào ngày 4/4/1968. Buổi sáng sau khi nghe tin, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết một bức thư đau buồn gửi tới Raphael Gould, một trong các lãnh đạo của Hội Thân hữu Hòa giải và là bạn chung của ông với Luther King.

    "Đêm qua tôi không ngủ được. Họ đã giết Martin Luther King. Họ đã giết chúng ta. Tôi e là gốc rễ của bạo lực đã ăn quá sâu vào trái tim, tâm trí và cách cư xử của xã hội này. Họ giết ngài ấy và cũng dập tắt luôn hy vọng của tôi. Tôi chẳng biết phải nói gì. Ngài ấy đã gây ấn tượng quá tuyệt vời đối với tôi. Sáng nay, tôi cảm tưởng như mình không thể chịu đựng nỗi mất mát", bức thư có đoạn.

    Sau này, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hồi tưởng lại khoảnh khắc nghe tin dữ trong lúc ông đang ở New York, cho biết ông đã mất ăn mất ngủ vì quá đau lòng.

    "Tôi đã thề rằng sẽ tiếp tục xây dựng điều mà ngài ấy gọi là Cộng đồng Yêu thương, không chỉ cho bản thân tôi mà còn vì ngài ấy. Tôi đang làm những việc đã hứa với Martin Luther King. Tôi nghĩ rằng mình lúc nào cũng cảm nhận được sự ủng hộ từ ngài ấy", thiền sư cho biết.

    Lúc 0h ngày 22/1, thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96 tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

    Với những hoạt động không ngừng nghỉ, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là một trong những lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây.


    Ánh Ngọc (Theo Tricycle)
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

    by music123 » Chủ nhật Tháng 1 23, 2022 5:15 am

    Thế giới tri ân thiền sư Thích Nhất Hạnh

    1/23/24

    Khi đưa tin về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh, AFP ca ngợi ông mang chánh niệm tới phương Tây, giúp thay đổi cuộc đời nhiều người.

    "Tôi đã được vinh dự gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam năm 2019", thượng nghị sĩ Mỹ Mazie Horono hôm nay đăng trên Twitter. "Những lời dạy của ông về lòng yêu thương và chánh niệm sẽ tiếp tục soi sáng thế giới này. Xin hãy an nghỉ".

    Thông điệp được thượng nghị sĩ Horono đưa ra sau khi hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, ở tuổi 96. Trong một bài viết cũng vào năm 2019, tạp chí Time đã gọi ông là "thiền sư dạy cho thế giới về chánh niệm".

    Sinh thời, thiền sư, người thông thạo tiếng Anh và Pháp, đã tổ chức hàng nghìn buổi thuyết giảng, khóa tu trên khắp thế giới để truyền đi những quan điểm sống, cách nhìn nhận cuộc sống mang tính khai phá, gợi mở.

    Hình ảnh

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh phát biểu tại Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ 4 ở Bangkok, Thái Lan, hồi tháng 5/2007. Ảnh: AFP.

    Ở phương Tây, thiền sư Thích Nhất Hạnh đôi khi được gọi là "cha đẻ của chánh niệm" và được coi là nhịp cầu nối liền các truyền thống tâm linh Á - Âu. Theo thiền sư, "chánh niệm cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra trong cơ thể, cảm xúc, tâm trí chúng ta và thế giới. Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể tránh làm hại bản thân và người khác".

    Ron Funches, diễn viên và nhà văn người Mỹ, viết trên Twitter: "Những truyền thụ của thiền sư về chánh niệm đã thay đổi cuộc đời và con đường của tôi. Cảm ơn ngài về tất cả".

    Bà Marie Damour, đại biện lâm thời phái đoàn Mỹ tại Việt Nam hôm nay cũng gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự viên tịch của thiền sư Thích Nhất Hạnh. "Trong hơn 60 năm qua, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình cho đất nước của mình và trên khắp thế giới. Những lời giảng dạy của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ", bà Damour viết.

    Đại biện lâm thời Mỹ cho rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như một trong những lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. "Thông qua những lời dạy và tác phẩm văn chương của ông, di sản của ông sẽ còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau", bà nhấn mạnh.

    Trong cuốn sách "Điều kỳ diệu của Chánh niệm", thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định chánh niệm đã cứu sống ông trong giai đoạn trầm cảm nặng sau cái chết của mẹ.

    Theo bình luận viên Sylvia Thompson của Irish Times, thông điệp của thiền sư "đơn giản nhưng sâu sắc". "Thông qua nhận thức về hơi thở của chúng ta và những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể biến đổi và chữa lành cuộc sống và hòa đồng với những người khác trong tình yêu thương cũng như lòng trắc ẩn", bà viết trong một bài bình luận hồi năm 2012.

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của hơn 100 cuốn sách, trong đó hướng dẫn mọi người cách tìm thấy bình yên mà theo ông là "luôn hiện hữu trong mọi khoảnh khắc cuộc sống".

    "Thầy dạy chúng tôi sống mọi khoảnh khắc một cách có ý thức, biết ơn những điều tốt đẹp và giải quyết những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong chính bản thân mình và cả bên ngoài thế giới", sơ Jina, một trong 50 nữ tu và tu sĩ từng đồng hành cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến thăm Anh và Ireland hồi năm 2012, cho hay.

    Trong một khóa tu do thiền sư hướng dẫn tại Mỹ, bác sĩ Jon Kabat-Zinn lần đầu tiên nhận ra mối tương quan của chánh niệm trong điều trị các bệnh mạn tính. Sau này, Kabat-Zinn đã đưa những lời dạy của thiền sư vào khóa học "Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm" của ông. Khóa học này trở nên nổi tiếng và hiện được áp dụng ở hàng nghìn bệnh viện, trung tâm y tế trên khắp thế giới.

    Nhiều người nổi tiếng toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm sống, thế giới quan của thiền sư. Tỷ phú truyền thông Mỹ Oprah Winfrey từng có cơ hội phỏng vấn thiền sư và nói rằng ông đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của bà.

    Christiana Figueres, cựu thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, hồi năm 2016 chia sẻ rằng bà khó lòng thúc đẩy thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thành công "nếu không có những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng hành".

    Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Sau khi gặp thiền sư năm 1966, nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam.

    "Tôi không biết có ai xứng đáng với giải Nobel hơn nhà sư Phật giáo hiền lành đến từ Việt Nam này", mục sư người Mỹ viết trong thư đề cử thiền sư cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. "Những ý tưởng của ông ấy về hòa bình, nếu được áp dụng, sẽ tạo động lực cho chủ nghĩa đại kết, cho tình anh em thế giới, cho toàn nhân loại".

    Peter Phan, giảng viên Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học Georgetown, Mỹ, cho biết ông biết ơn trước những nỗ lực vì hòa bình và công lý của thiền sư, cũng như những hướng dẫn tinh thần của ông đối với hàng triệu người thuộc các tôn giáo khác nhau.

    "Những lời dạy và bài viết của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ mãi mãi là nguồn thông tin trí tuệ, mang đến cái nhìn sâu sắc, không chỉ cho những người bình thường mà còn cho các học giả tôn giáo hay nhà thần học thuộc mọi tín ngưỡng", ông nói.

    Năm 2003, thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức các khóa tu thiền ba tuần cho người Israel và người Palestine để hòa giải, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau tại Làng Mai, tu viện của ông ở miền nam nước Pháp.

    "Họ không nói chuyện với nhau chứ đừng nói đến nhìn nhau. Phải mất ba tuần để tự chuyển hóa và chữa lành", thiền sư cho hay, thêm rằng chìa khóa hòa giải là "lắng nghe bằng lòng từ bi". "Lắng nghe bằng lòng từ bi để giúp đối phương bớt khổ đau. Nếu nhận ra người khác cũng như mình, chúng ta không còn tức giận họ nữa".

    Năm 2008, thiền sư nói rằng chiến tranh Iraq là kết quả của nỗi sợ hãi, hiểu lầm và bạo lực "tự nuôi sống chính nó". "Chúng tôi biết rất rõ rằng máy bay, súng đạn và bom mìn không thể xóa bỏ nhận thức sai lầm. Chỉ có lời nói bác ái và lắng nghe bằng lòng từ bi mới có thể giúp mọi người sửa chữa điều đó. Nhưng các lãnh đạo không được đào tạo với tư tưởng đó, họ chỉ dựa vào lực lượng vũ trang để loại bỏ khủng bố", ông chia sẻ.

    Hình ảnh

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Hàn Quốc năm 2013. Ảnh: Phatgiao.org.

    Năm 2015, thiền sư được trao giải Hòa Bình trên Trái Ðất, giải thưởng thường niên của Thiên chúa giáo toàn cầu. Ông là "người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý", chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho thiền sư có đoạn viết.

    Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Ðất được Giáo hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 nhằm vinh danh những người tạo dựng thành tựu về hòa bình và công lý, không chỉ riêng cho đất nước họ mà cho toàn thế giới. Martin Luther King Jr. cũng từng giành giải thưởng này.
    Năm 2019, thiền sư được quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới trao giải Hòa bình nội tâm, một hạng mục trong giải thưởng Hoà bình Luxembourg, vì những bài pháp thoại đầy thuyết phục và những cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình.

    "Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một tu sĩ hiền lành, khiêm nhường, người mục sư Martin Luther King gọi là tông đồ của hòa bình và bất bạo động", quỹ Hoà bình Schengen nêu.

    Thông điệp của Luther King cũng được nhà nhân chủng học Michael Oman-Reagan, giáo sư tại Đại học Newfoundland, Canada, dẫn lại trên Twitter hôm nay.

    "Tôi tin rằng nếu chúng ta hỏi thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái chết của ông, ông sẽ trả lời bằng một nụ cười", giáo sư Oman-Reagan viết. "Và ông sẽ nói: Các vị không thấy dạng thức mới của thầy sao? Một đóa hoa, đám mây, cơn mưa, biển cả, gió, cây cối, nhà sư. Tất cả đều là sự nối tiếp của thầy. Các vị cũng là sự nối tiếp của thầy".


    Huyền Lê - Vũ Hoàng (Theo Korea Times, TIME, Irish Times)
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Hàng nghìn người đưa tiễn thiền sư Thích Nhất Hạnh

    by music123 » Thứ 6 Tháng 1 28, 2022 8:04 pm

    Hàng nghìn người dân đưa tiễn thiền sư Thích Nhất Hạnh

    Thứ bảy, 29/1/2022

    THỪA THIÊN - HUẾLinh cữu thiền sư Thích Nhất Hạnh được di quan từ chùa Từ Hiếu lên Công viên vĩnh hằng vườn địa đàng Huế để hỏa táng, sáng 29/1.

    Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân, tăng ni đã đến chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân) để đưa tiễn, dự lễ di quan thiền sư Thích Nhất Hạnh lên Công viên vĩnh hằng vườn địa đàng Huế để thực hiện nghi lễ trà tỳ (hỏa táng).

    Trước lễ di quan, đại diện đạo tràng Làng Mai, chùa Từ Hiếu đã nhắc lại tiểu sử của thiền sư Thích Nhất Hạnh và cảm tạ các bậc chư tăng, tôn đức, các cơ quan, cá nhân đã dự, hỗ trợ lễ tang trong những ngày qua.

    Hình ảnh


    Linh cữu thiền sư Thích Nhất Hạnh được di quan khỏi thiền đường Trăng Rằm. Ảnh: Võ Thạnh

    Khoảng 7h30, linh cữu của thiền sư Thích Nhất Hạnh được di chuyển khỏi chùa Từ Hiếu. Hàng dài tăng ni, người dân chầm chầm bước theo sau. Quãng đường từ chùa Từ Hiếu đến nơi hỏa táng khoảng 8 km. Người dân đi bộ gần 2 km sau đó di chuyển bằng các phương tiện cá nhân.

    Lễ trà tỳ sẽ diễn ra lúc 9h. Đạo tràng Làng Mai, chùa Từ Hiếu sẽ cùng các tăng ni thiền hành quanh khu vực trà tỳ để tâm niệm và mật niệm cúng dường. Họ cũng sẽ ngồi thiền, nghe đọc bài thơ "Tìm nhau" và "Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai" của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

    Hình ảnh

    Hàng nghìn người dân, tăng ni đưa tiễn thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Võ Thạnh

    Dự kiến 6h sáng 30/1, các tăng ni sẽ cung thỉnh xá lợi thiền sư trở về Tổ đình Từ Hiếu. Xá lợi sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

    Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96.

    Võ Thạnh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Hàng nghìn người đưa tiễn thiền sư Thích Nhất Hạnh

    by music123 » Thứ 6 Tháng 1 28, 2022 8:06 pm

    Hàng ngàn người tiễn đưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lễ Trà Tỳ | VTC Now

    Hình ảnh

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 126 khách