Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nghệ sĩ cl mua bán ve chai mưu sinh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Nghệ sĩ cl mua bán ve chai mưu sinh

    by music123 » Thứ 6 Tháng 1 21, 2022 6:42 pm

    Nghệ sĩ Tiến Phước ở tuổi 62: Tôi không xấu hổ khi mua bán ve chai mưu sinh


    Nguyễn Huy | 22/01/2022

    "Thấy bà con xung quanh làm nghề mua bán ve chai, tôi cũng làm thử. Đi từ sáng đến chiều cũng kiếm được vài chục, kiếm được hai bữa cơm", nghệ sĩ Tiến Phước tâm sự.


    "Khi cải lương xuống dốc, tôi phải đi làm thợ hồ, thợ xây để kiếm sống, và có ai mời thì bỏ việc đi hát. Dịch Covid-19 hoành hành, sân khấu đóng cửa, tôi bán vé chai mưu sinh. Có hôm thèm ăn một tô bún bò mà đành nhịn vì không đủ tiền.

    Thế nhưng, tôi chưa bao giờ mở lời xin tiền ai bao giờ, ai có lòng chủ động muốn giúp thì tôi nhận và ghi ơn",
    Nghệ sĩ Tiến Phước đã trải lòng với chúng tôi như thế.

    Trong bộ môn nghệ thuật cải lương, tuồng cổ theo phong cách Hồ Quảng rất khó hát. Bởi vì, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải vừa biết hát, biết vũ đạo, biết ý nghĩa của mỗi hành động và biết cả điển tích để không hát sai.

    Nghệ sĩ Tiến Phước là một trong những nghệ sĩ nắm rõ quy tắc của lối hát này, và bản thân ông hát và diễn xuất sắc. Ông thường hay góp ý thẳng thắn những người hát sai nên cũng bị nhiều người mất thiện cảm.

    Nghệ sĩ Tiến Phước từng 2 lần đoạt huy chương bạc cá nhân tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 và năm 1995.

    Khi cải lương xuống dốc, nhiều nghệ sĩ thất nghiệp, phải bỏ nghề. Trong số những người còn ở lại, chỉ một số ít ngôi sao trẻ có cơ hội được hát nhiều và kiếm được tiền. Những nghệ sĩ có tuổi, đành chấp nhận cảnh sống khó khăn để được đi trọn vẹn hành trình nghệ thuật.

    Nghệ sĩ Tiến Phước hiện tại ở tuổi ngoài 62, nhưng ông vẫn sống chết với nghề hát. Quá khó khăn, ông phải bán ve chai và làm thêm nghề thợ hồ để kiếm cơm qua ngày.

    Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông vào một ngày giáp Tết 2022, sau khi ông trở về nhà tại căn phòng trọ ở phường Bình Trị Đông, quận 6. Ông đã tâm sự về cuộc đời nghệ sĩ đầy bôn ba và thăng trầm của mình.

    Hình ảnh

    Nghệ sĩ Tiến Phước trước giờ lên diễn (ảnh trong bài do NVCC).

    Vừa đi hát vừa làm phụ hồ kiếm 2 bữa cơm qua ngày

    Xin nghệ sĩ Tiến Phước cho biết, vì sao ông có biệt danh "đạo cuồng"?

    Đối với tôi, thật không dễ dàng để trở thành một nghệ sĩ. Vì vậy, nghệ thuật trong trái tim tôi là đạo, còn tôi là một tín đồ cuồng đạo. Giờ đây, nghệ sĩ cải lương của chúng tôi ít khi được hát trên sân khấu đẹp đẽ và lộng lẫy như ngày xưa, phần lớn những người còn xót lại trong chúng tôi phải hát đình, miếu vào dịp lễ kỳ yên.

    Nhưng dù hát ở đâu, tôi vẫn xem nghệ thuật là thánh đường. Tôi nghèo nhưng phục trang phải đẹp và đúng. Ra sân khấu phải luôn thuộc tuồng và hát diễn hết khả năng. Ai làm sai, hát ẩu, tôi nói thẳng vào mặt. Tôi là người cuồng đạo.

    Thập niên 1990, cải lương xuống dốc, cuộc đời ông có rơi vào bước ngoặt đặc biệt nào không?

    Thập niên 1990, cải lương rơi vào khó khăn, xuống dốc. Các đoàn nhỏ ở tỉnh không cầm cự nổi, rã đám. Tôi quay về Sài Gòn.

    Một thời gian sau, các đoàn mạnh ở mảnh đất màu mỡ của cải lương cũng ngưng hoạt động. Vài người bạn rủ tôi chuyển sang làm nghề khác mưu sinh. Tôi ngẫm nghĩ rất nhiều và cuối cùng, vẫn quyết theo nghề hát.

    Tôi về đoàn cải lương tuồng cổ 1, TP.HCM (tiền thân là đoàn Minh Tơ). Suất diễn ít, nên nghệ sĩ không ai đủ tiền để sống với nghề. Tôi theo bạn làm thợ hồ để kiếm hai bữa cơm qua ngày. Lúc đó tôi 33 tuổi.

    Tôi được xem là kẻ sáng dạ nên học nghề nhanh. Từ phụ hồ tôi lên thợ xây, chủ rất thương. Nhưng chất nghệ sĩ vẫn đầy tràn trong tôi. Đang làm công trình nhưng nghe kêu đi hát là tôi bỏ ngang đi diễn. Vì thế, tôi bị đuổi việc liên tục và cũng thất nghiệp liên tục, sống cảnh bữa đói bữa no.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Nghệ sĩ Tiến Phước trong trang phục biểu diễn.

    Về sau, cải lương càng "đuối", tôi chỉ còn đi hát chầu ở đình, miếu, nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ hát. Tôi làm thợ hồ suốt nhiều tháng, đến mùa lễ kỳ yên, tôi cất bộ đồ lao động, khoác vào mình xiêm y lộng lẫy và thăng hoa vào các nhân vật, tại những sân khấu là sân đình, sân chùa.

    Hát ở nơi chỉ có vài chục khán giả, sân khấu, phông màn tạm bợ. Ấy vậy mà, tôi vẫn hạnh phúc. Khi niềm đam mê đã ngấm vào máu, người nghệ sĩ sẽ mãi mãi không thể rời xa lời ca tiếng hát.

    Dù hát ở sân khấu nghèo, một người thực sự xem nghệ thuật là đạo, vẫn cảm nhận được niềm vui tột cùng. Ai thực sự yêu nghệ thuật, không đến với nghệ thuật bằng khát vọng nổi danh và kiếm tiền, sẽ hiểu được điều tôi nói.

    Nghề hát thu nhập quá thấp làm sao ông chu toàn cho gia đình?


    Tôi và vợ tôi có với nhau một con trai. Chúng tôi chấp nhận sống nghèo bên nhau nhiều năm. Con trai tôi đã trưởng thành, đã đi làm nhưng mùa covid-19 vừa qua cháu thất nghiệp.

    Cách đây vài năm, má vợ tôi mất ngay lúc tôi có show đi diễn. Khổ một nỗi, quanh năm rất ít cơ hội được nhận show, nên tôi không thể bỏ hát về chịu tang đầy đủ.

    Ngày cha ruột tôi mất, tôi cũng đi hát và chỉ kịp về thắp nhang trước khi ông được đi chôn cất. Hành động này khiến vợ tôi buồn và bà ấy đã quyết định ly hôn với tôi. Kể từ đó, tôi đi thuê nhà khác sống.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    ghệ sĩ Tiến Phước lúc không lên sân khấu, mưu sinh bằng nghề thu mua vai chai.


    Bế tắc sau dịch, đi bán ve chai mưu sinh


    Mùa covid-19 vừa qua, rất nhiều nghệ sĩ nghèo lâm vào cảnh khốn đốn, ông thì sao?

    Thông thường chúng tôi được hát vào lễ kỳ yên nhằm giữa tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Sau đó, là tháng 7 và tháng 8 và tháng 12 âm lịch. Nhưng covid-19 khiến tất cả các đình chùa đều không dám tập trung đông người, không được hát.

    Các công trình xây dựng cũng đóng cửa. Vậy là tôi vừa không được hát, vừa không được ra công trường. Mất thu nhập hoàn toàn. Tôi đành nương tựa vào số tiền tôi và con trai đã thắt lưng buộc bụng.

    Hồi chưa có dịch, tôi đã sống cảnh thiếu thốn. Nhiều khi thèm tô bún bò, tô phở lắm mà không có tiền mua ăn. Vào dịch, cả thành phố khan hiếm lương thực thì tôi đã quen với việc ăn uống kham khổ. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng được.

    Cái sĩ diện của người nghệ sĩ không cho phép tôi van xin, may mà anh chị em nghệ sĩ có điều kiện đã tìm đến và chia sẻ, nên tôi cũng được tiếp sức, chịu đựng được đến lúc thành phố mở cửa trở lại.

    Thành phố bước vào tình trạng bình thường mới, thì "mùa hát" đã qua, công trình cuối năm cũng không có nên không ai thuê. Tôi gần như bế tắc.

    Thấy bà con xung quanh làm nghề mua bán ve chai, tôi cũng làm thử. Đi từ sáng đến chiều cũng kiếm được vài chục, kiếm được hai bữa cơm. Nhưng tiền thuê nhà hơi căng vì tôi chỉ kiếm đủ tiền cơm rau ngày hai bữa.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Dù cuộc sống muôn vàn vất vả, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn, nặng gánh tiền thuê nhà nhưng nghệ sĩ Tiến Phước cho biết, ông hạnh phúc vì không phải ngửa tay xin tiền cộng đồng.

    Là một nghệ sĩ, ban đêm khoác lên mình bộ cánh ông hoàng bà chúa, tướng lãnh uy nghi lẫm liệt. Ban ngày lại lao động khổ cực thế này, ông có tủi thân?


    Hồi cách đây 30 năm, lần đầu đi làm thợ hồ, tôi có thương cảm cho thân phận nghệ sĩ thời khốn khó. Nhiều khán giả gặp tôi cũng ngỡ ngàng vì không ngờ người nghệ sĩ họ thấy tối hôm qua trên sân khấu lại là anh thợ hồ lam lũ. Ánh mắt thương hại của họ có làm tôi trằn trọc.

    Nhưng rồi, tôi nhớ lại, tôi đang làm một công việc lương thiện, và công việc ấy nuôi dưỡng được đam mê nghệ thuật trong tôi. Tôi chấp nhận và trân trọng nó.

    Bây giờ cũng vậy, tuổi tôi đã cao lại mắc bệnh thận khiến đôi chân bị sưng, làm việc nhanh mệt, nhưng nếu không làm thì sống thế nào đây. Đói thì đầu gối phải bò thôi.

    Gần đây, một nam nghệ sĩ tên tuổi lâm vào cảnh khó khăn, được NSƯT Trịnh Kim Chi cứu giúp bằng tiền riêng của chị và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, nhưng sau cùng, anh ấy quay lại buộc tội người giúp mình. Ông nghĩ gì về điều này?

    Tôi thấy tội nghiệp cho anh ấy. Anh ấy vẫn còn tay, còn chân mà buộc phải nhờ người khác giúp đỡ. Anh ấy đã vô tình khiến cho hình ảnh nghệ sĩ thê thảm quá.

    Tôi có theo dõi hoạt động từ thiện của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và hiểu rõ được tấm lòng chị ấy. Chị ấy đã giúp đỡ người nghèo khó nhiều năm nay, tất cả đều rất rõ ràng và minh bạch. Đó là những trái tim ấm áp khiến cho nghệ sĩ chúng tôi đỡ mủi lòng.

    Hình ảnh

    Dẫu sống nghèo khổ thì nghệ sĩ Tiến Phước cũng khẳng định, sẽ không bao giờ bỏ nghề.

    Nếu bây giờ ai đó cho ông một số tiền lớn và yêu cầu ông bỏ nghề hát vĩnh viễn, ông đồng ý không?

    Tôi cảm ơn người nào đó muốn giúp tôi, nhưng buộc tôi nghỉ hát, thì tôi xin từ chối tấm lòng đó. Tôi có đói khổ thế nào, vẫn không bỏ nghề hát, thậm chí nếu được chết trên sân khấu thì đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất.

    Chúc ông khỏe mạnh và đạt được tất cả những điều mong muốn
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 118 khách