Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
SF:Tỷ lệ ng gốc Á chết vì corona cao
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49867
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    SF:Tỷ lệ ng gốc Á chết vì corona cao

    by music123 » Thứ 4 Tháng 10 21, 2020 11:53 am

    TỶ LỆ NGƯỜI GỐC Á CHẾT VÌ COVID-19 ĐẶC BIỆT CAO Ở SAN FRANCISCO

    10/21/2020

    Cộng đồng người gốc Á ở San Francisco là nhóm tử vong nhiều nhất do Covid-19. Phân biệt chủng tộc và định kiến gương mẫu gán cho cộng đồng này khiến họ mong manh hơn trước virus.

    Mandy Rong vô cùng hoảng sợ khi đứa con gái 12 tuổi của cô mắc Covid-19. 2h sáng, con gái cô vẫn sốt dữ dội và ho liên tục. Vài loại thuốc có ở nhà đã hết hạn.

    Hai mẹ con cô Rong cùng với cha mẹ cô sống trong căn phòng rộng khoảng 7m2, không có cửa sổ, trong tòa nhà nhiều người nhập cư châu Á nghèo khó khác cư trú. Hành lang tòa nhà chật chội. Họ phải dùng phòng tắm và bếp chung, điều kiện lý tưởng để virus corona lây lan.

    Đêm đầu tháng ba đó như dài vô tận. Cô Rong, 42 tuổi, liên tục chạm vào trán Amy Rong và tự hỏi liệu con mình có chết trong căn gác xép nhỏ hai người ở chung hay không.

    Hình ảnh

    Khu phố người Nhật ở San Francisco, California đông đúc vào dịp lễ hội. Ảnh: Getty.


    Đến sáng, Amy hết sốt. Tuy nhiên, cô bé lại tiếp tục phát bệnh một tuần sau đó.

    Người nhà Rong không thể xét nghiệm Covid-19. Họ nghe nói việc xét nghiệm rất tốn kém. Cô Rong cũng sợ phản ứng từ những người hàng xóm.

    “Nếu bạn dương tính, mọi người sẽ sợ bạn”, cô Rong nói với USA Today. "Mọi người sẽ nghĩ bạn là ma quỷ".


    Cộng đồng vô hình

    Rất dễ nhầm San Francisco với một thiên đường thịnh vượng của người Mỹ gốc Á. Nơi đây có khu phố Tàu nhộn nhịp và khu của người gốc Nhật Bản. Người Hawaii bản địa, người dân đảo ở Thái Bình Dương, người Việt, người Ấn và người Philippines cũng xem nơi đây là nhà. Tổng cộng, người châu Á ở San Francisco đến từ trên 20 quốc gia khác nhau.

    Tuy nhiên, nhiều người Mỹ gốc Á nhập cư có cuộc sống mong manh và thậm chí còn bấp bênh hơn trong đại dịch. Cho đến nay, 38% trong số 123 ca tử vong do Covid-19 được Sở Y tế Cộng đồng San Francisco ghi nhận là người Mỹ gốc Á, nhiều hơn bất kỳ sắc tộc nào.

    Các chuyên gia lo ngại tỷ lệ dương tính của người Mỹ gốc Á ở San Francisco có thể cao hơn nhiều so với con số 12% được báo cáo. Đây là một trong những kết quả của nhiều thập kỷ cộng đồng này bị gán cho hình mẫu thành công về tài chính, thể chất khỏe mạnh và năng động. Niềm tin này khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á bị bỏ qua khi nói đến phúc lợi xã hội về nhà ở, việc làm và y tế.

    Hình ảnh

    Nhiều lá cờ khác nhau được treo ở khu phố Tàu, San Francisco vào ngày 28/9. Ảnh: USA Today.

    San Francisco là một trong số ít nơi theo dõi số ca tử vong do Covid-19 ở người Mỹ gốc Á. Trong khi đó, ở nơi khác, các quan chức không biết sắc tộc của gần một nửa trong số 7,8 triệu ca nhiễm virus corona trên toàn quốc. Khoảng 17 triệu người Mỹ là người gốc Á, chiếm 5,6% dân số, theo USA Today.

    Người Mỹ gốc Á ở San Francisco nhận được thông tin không chính xác hoặc không phải trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ về xét nghiệm, biện pháp an toàn, nhà ở và các dịch vụ chăm sóc quan trọng khác trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, cộng đồng này không được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, không thể tiếp tục đi làm và các trình báo về hành vi tội phạm vì thù ghét người châu Á ngày càng gia tăng.

    “Định kiến người thiểu số gương mẫu này không giống chúng tôi”, Judy Young, Giám đốc Trung tâm Phát triển Đông Nam Á - tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco chuyên giúp đỡ cư dân đến từ Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết. Bà nói 80% khách hàng của tổ chức đã mất việc làm giữa đại dịch.

    “Cộng đồng chúng tôi rất nhỏ nhưng có rào cản ngôn ngữ. Thành phố không nghĩ chúng tôi có bất kỳ vấn đề gì trong khi thực sự là có".

    Nguy cơ từ việc không được chú ý này còn tăng cao hơn trong đại dịch. Giới chức y tế thành phố chỉ thống kê số liệu Covid-19 của “người Mỹ gốc Á”, vì vậy, người ủng hộ các cộng đồng nhỏ hơn chỉ có thể đoán mò. Có bao nhiêu người tử vong? Những người đó có phải là người Mỹ gốc Nhật? Gốc Việt? Gốc Triều Tiên? Gốc Philippines? Không ai biết cả.

    “Tỷ lệ tử vong cao ở người Mỹ gốc Á nghĩa là họ không được xét nghiệm hoặc phải chờ quá lâu để được chăm sóc y tế”, Jeffrey Caballero, Giám đốc Hiệp hội các Tổ chức Y tế Cộng đồng Châu Á Thái Bình Dương, nói.

    Khốn khổ vì định kiến


    Với nhiều người Mỹ gốc Á ở San Francisco, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao có liên quan trực tiếp đến tác động của định kiến thiểu số gương mẫu, ông Tung Nguyen, giáo sư y khoa của Đại học California, San Francisco, cho biết.

    Ông Nguyen là đồng tác giả một báo cáo vào tháng 5 của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Người Mỹ gốc Á. Báo cáo chỉ ra thực tế 50% trong số 31 ca tử vong do Covid-19 ở San Francisco vào thời điểm đó là người Mỹ gốc Á, tỷ lệ không cân xứng khi họ chỉ chiếm hơn 1/3 dân số.

    Mặc dù tỷ lệ đã giảm xuống, ông Nguyen nói việc thiếu dữ liệu chi tiết về người Mỹ gốc Á nghĩa là quỹ của thành phố không được phân bổ cho cộng đồng này.

    Chắc chắn tài sản và đóng góp của nhiều người Mỹ gốc Á đã tăng vọt trong những thập kỷ qua. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, thu nhập trung bình hàng năm của 22 triệu gia đình người Mỹ gốc Á là 73.060 USD, cao hơn so với con số 53.600 USD của tất cả hộ gia đình Mỹ.

    Hình ảnh

    Người dân mua sắm trong một khu chợ ở khu phố Tàu vào ngày 29/9. Ảnh: USA Today.

    Tuy nhiên, những câu chuyện thành công này làm lu mờ thực tế đáng lo ngại nhiều người Mỹ gốc Á phải đối mặt.

    Xem xét kỹ hơn, 20 nhóm người gốc Á khác nhau ở San Francisco đang gặp khó khăn về tài chính. Khoảng 43% trong số đó không nói tiếng Anh, theo USA Today.

    “Với người Mỹ gốc Á, mức trung bình luôn được những người rất thành công kéo lên. Điều này nghĩa là bạn bỏ lỡ những nhóm rõ ràng không phải như vậy”, Margaret Simms, thành viên trung tâm nghiên cứu The Urban Institute ở Washington, D.C, cho biết. Tổ chức này phát hiện gần 13% người Mỹ gốc Á cao tuổi sống trong cảnh nghèo đói, trong khi mức trung bình của cả nước là 9%.

    Phân biệt đối xử cũng khiến một số người Mỹ gốc Á không được xét nghiệm Covid-19. Trang web Stop AAPI Hate đã ghi lại hơn 2.500 vụ phân biệt đối xử trên khắp nước Mỹ với người gốc Á và các đảo Thái Bình Dương từ giữa tháng 3. Họ bị tấn công bằng lời nói đến bạo lực thể xác.

    “Định kiến ​​về chúng tôi rất rộng, từ quan điểm tất cả chúng tôi đều hiếu học, chúng tôi không phạm tội và ngay cả những người nghèo cũng không gặp vấn đề về sức khỏe”, Ellen Wu, giáo sư lịch sử tại Đại học Indiana ở Bloomington, cho biết.

    Bà Wu cũng là tác giả của quyển sách “The Color of Success: Asian Americans and the Origins of the Model Minority” (tạm dịch Màu sắc của thành công: Người Mỹ gốc Á và nguồn gốc của định kiến thiểu số kiểu mẫu). “Quan điểm đó thay đổi hoàn toàn so với trước Thế chiến II, nhiều người gốc Á bị coi là dơ bẩn và dễ mắc bệnh”.

    Người Mỹ gốc Á ở San Francisco nói nhiều ngôn ngữ như tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Tagalog, tiếng Lào, tiếng Samoan, tiếng Tongan, tiếng Việt và tiếng Hindi. Trong khi đó, thông tin về Covid-19 trên trang web của thành phố chỉ có tiếng Anh, Trung Quốc, Philippines và Tây Ban Nha.

    Những nỗ lực của giới chức y tế thành phố nhằm thông báo cho người gốc Á về xét nghiệm và các biện pháp phòng ngừa Covid-19 bằng ngôn ngữ mẹ đẻ đôi khi dẫn đến bản dịch khó hiểu hoặc sai hoàn toàn.

    Chờ ngày tiếp tục giấc mơ Mỹ

    Rong không biết liệu con gái mình có bị nhiễm Covid-19 hay không, nhưng cô vẫn phải sống từng ngày trong sợ hãi.


    Vài tháng qua, gia đình cô hầu như không có tiền ăn hoặc trả tiền thuê nhà, đến 750 USD một tháng. Đôi khi, hàng xóm cho họ thức ăn. Những lần khác, cô Rong đến tổ chức từ thiện địa phương.

    Hiện tại khác xa so với cuộc sống cô đã tưởng tượng. Ở Quảng Đông, Trung Quốc, Rong có công việc ổn định ở cửa hàng quần áo. Theo sự thúc giục của cha mẹ chồng cũ, 12 năm trước, cô di cư đến California và làm người gác cổng. Từ khi đại dịch xảy ra, cô phải nhận bảo hiểm thất nghiệp.

    Gia đình cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở lại căn hộ tại khu phố Tàu.

    Hình ảnh

    ăn bếp chung chật chội của những người dân trong một tòa nhà ở khu phố Tàu. Ảnh: USA Today.
    Rong không biết ai đã nhiễm virus. Với những người hàng xóm của cô, xét nghiệm là một nỗi sợ hãi chung.

    Giờ đây, Rong đếm từng ngày đợi dịch qua đi, ngày mà cô có thể ra ngoài an toàn, ngày giấc mơ Mỹ của cô có thể tiếp tục.

    Hình ảnh

    Như Trần Theo USA Today
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 148 khách