Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thụy Điển và Phần Lan: Trung lập hay NATO?
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49963
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Thụy Điển và Phần Lan: Trung lập hay NATO?

    by music123 » Thứ 6 Tháng 5 13, 2022 2:31 pm

    Thụy Điển và Phần Lan trước ngã rẽ lịch sử: Trung lập hay NATO?

    Huyền Anh • Thứ sáu 13/5/22

    Hình ảnh

    Xe bọc thép của quân đội Thụy Điển tại bến cảng Visby, trên đảo Gotland, Thụy Điển vào ngày 14/9/2016. (Ảnh: Soren Andersson / Getty Images)

    Phần Lan và Thụy Điển có thể nộp đơn xin gia nhập NATO trong vòng vài ngày - một sự thay đổi mang tính lịch sử đối với hai quốc gia có truyền thống trung lập lâu đời và luôn lựa chọn đứng ngoài các liên minh quân sự.

    Nga cực lực phản đối việc hai quốc gia này gia nhập NATO và sử dụng việc mở rộng liên minh quân sự phòng thủ của phương Tây làm cái cớ cho cuộc chiến của họ ở Ukraine.



    Nếu làm như vậy, vị thế trung lập của Thụy Điển sau hơn 200 năm sẽ kết thúc. Phần Lan áp dụng chế độ trung lập sau thất bại cay đắng trước Liên Xô trong Thế chiến thứ II.

    Sự ủng hộ của công chúng Phần Lan đối với việc gia nhập NATO trong nhiều năm vào khoảng 20-25%. Nhưng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nó đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 76%, theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất của tờ YLE. Ở Thụy Điển, 57% dân số muốn tham gia, một lần nữa cao hơn nhiều so với trước chiến tranh.

    Thời điểm quyết định

    Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã đưa ra quan điểm của mình với NATO vào thứ Năm

    Dự kiến, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto sẽ tuyên bố quan điểm về việc gia nhập NATO trong ngày 12/5 (giờ địa phương). Các đảng cầm quyền của cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ nêu quan điểm chính thức vào cuối tuần này.

    Nếu câu trả lời là có, quốc hội 2 nước sẽ bỏ phiếu ủng hộ gia nhập NATO và sau đó, quá trình nộp đơn có thể bắt đầu.

    Trong khi đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan có khả năng cao ủng hộ gia nhập NATO, đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển vẫn chia rẽ về vấn đề này và hiện đang tiến hành các cuộc tham vấn nội bộ. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Thụy Điển dường như đang ngả theo hướng ủng hộ gia nhập liên minh quân sự.

    “Mọi thứ có vẻ như sẽ diễn ra theo hướng như vậy”, cựu Ngoại trưởng Phần Lan Margot Wallstrom cho biết.

    Mỹ bày tỏ tin tưởng nước này có thể giải quyết các lo ngại an ninh cho các quốc gia trong quá trình từ lúc nộp đơn đến lúc trở thành thành viên chính thức.

    Vì sao lại là thời điểm này?

    Hành động của ông Vladimir Putin đã phá vỡ cảm giác ổn định lâu đời ở Bắc Âu, khiến Thụy Điển và Phần Lan cảm thấy dễ bị tổn thương.

    Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho biết, việc tham gia liên minh là một "thỏa thuận đã hoàn thành" đối với đất nước của ông ngay sau khi quân đội Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

    Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist mô tả, ngày hôm đó là thời điểm nhà lãnh đạo Nga chứng tỏ ông "không thể đoán trước, không đáng tin cậy và chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu và tàn bạo". Sau lời hứa rằng Thụy Điển sẽ không bao giờ gia nhập NATO vào tháng 11 năm ngoái, giờ đây ông nói về việc hệ thống phòng thủ của khu vực Bắc Âu sẽ được tăng cường nếu cả hai quốc gia gia nhập liên minh.

    Hơn nữa, nhiều người dân Phần Lan và Thụy Điển đang tìm đến NATO với niềm tin rằng, tổ chức này sẽ đảm bảo an toàn cho một châu Âu 'không chắc chắn'.

    Đối với người dân Phần Lan, các sự kiện ở Ukraine mang lại cảm giác quen thuộc đầy ám ảnh. Liên Xô xâm lược Phần Lan vào cuối năm 1939. Trong hơn ba tháng, quân đội Phần Lan đã kháng cự quyết liệt, mặc dù quân số đông hơn rất nhiều.

    Họ đã tránh được sự chiếm đóng, đổi lại là việc bị mất 10% lãnh thổ.

    Theo bà Iro Sarkka, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Helsinki, đã theo dõi cuộc chiến ở Ukraine giống như hồi tưởng lại lịch sử. Bà nhận định, người dân Phần Lan đang nhìn vào biên giới dài 1.340 km (830 dặm) của họ với Nga và nghĩ: "Điều này có thể xảy ra với chúng ta hay không?"



    Thụy Điển cũng cảm thấy bị đe dọa trong những năm gần đây, với một số hành vi vi phạm không phận được báo cáo của máy bay quân sự Nga.

    Vào năm 2014, người dân Thụy Điển đã bị bất ngờ khi có báo cáo rằng, một tàu ngầm của Nga đang ẩn nấp trong vùng nước nông của quần đảo Stockholm.

    Hai năm sau, quân đội Thụy Điển quay trở lại hòn đảo Gotland nhỏ bé nhưng quan trọng về mặt chiến lược của Biển Baltic, sau khi bỏ rơi nó trong hai thập kỷ.

    Điều gì sẽ thay đổi?


    Thụy Điển và Phần Lan trở thành đối tác chính thức của NATO vào năm 1994 và từ đó trở thành các quốc gia đóng góp tích cực cho liên minh. Họ đã tham gia một số nhiệm vụ của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

    Một thay đổi lớn sẽ là việc áp dụng "Điều 5" của NATO, coi một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh. Lần đầu tiên, Phần Lan và Thụy Điển sẽ có sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia hạt nhân.

    Mặc dù cuộc tranh luận đã chuyển sang ủng hộ tư cách thành viên rất nhanh chóng ở cả hai nước, nhà sử học Henrik Meinander cho rằng Phần Lan đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó. Ông nói, các bước nhỏ hướng tới NATO đã dần được thực hiện kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

    Năm 1992, Helsinki mua 64 máy bay chiến đấu của Mỹ. Ba năm sau, nước này gia nhập Liên minh Châu Âu cùng với Thụy Điển. Ông nói, mọi chính phủ Phần Lan kể từ đó đã xem xét lại cái gọi là lựa chọn NATO. Quân đội, với dân số 5,5 triệu người, có sức mạnh thời chiến là 280.000 binh sĩ và tổng số 900.000 quân dự bị.

    Thụy Điển đã đi một con đường khác trong những năm 1990, giảm quy mô quân đội và thay đổi các ưu tiên từ phòng thủ lãnh thổ sang các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới. Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine. Nhu cầu quay trở lại và chi tiêu quốc phòng được tăng cường. Vào năm 2018, mỗi hộ gia đình đều nhận được những cuốn sách nhỏ dành cho quân đội có tựa đề 'Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra - lần đầu tiên chúng được gửi đi kể từ năm 1991.

    Phần Lan đã đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng theo thỏa thuận của NATO là 2% GDP và Thụy Điển đã lên kế hoạch để thực hiện điều này.

    Rủi ro là gì?


    Tổng thống Putin thường xuyên sử dụng viễn cảnh NATO mở rộng sang Ukraine để biện minh cho cuộc xâm lược của mình. Vì vậy, việc Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh sẽ bị coi là một hành động khiêu khích.

    Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cả hai nước đã được cảnh báo về "hậu quả" nếu tham gia liên minh này. Ông Dmitry Medvedev, một đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Nga, đã cảnh báo rằng sự gia nhập của NATO có thể khiến Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad, khu vực giáp ranh giữa Ba Lan và Litva của Nga.

    Mặc dù không bác bỏ những mối đe dọa này, ông Alexander Stubb cho thấy một nguy cơ thực tế hơn. Đó là các cuộc tấn công mạng của Nga, các chiến dịch thông tin sai lệch và các vi phạm không phận thường xuyên.

    NATO có giúp cho Thụy Điển và Phần Lan an toàn hơn?


    Có một thiểu số đáng kể, ít nhất là ở Thụy Điển, những người tin rằng điều đó sẽ không xảy ra.

    Bà Deborah Solomon, thuộc Hiệp hội Trọng tài và Hòa bình Thụy Điển, cho rằng khả năng răn đe hạt nhân của NATO làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ dấy lên cuộc chạy đua vũ trang với Nga. Điều này làm phức tạp các nỗ lực hòa bình và khiến Thụy Điển trở thành một nơi kém an toàn hơn.

    Một mối lo ngại khác là nếu gia nhập liên minh quân sự, Thụy Điển sẽ mất vai trò tiên phong trên toàn cầu trong các nỗ lực giải trừ hạt nhân.



    Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Phần Lan Wallstrom nhắc lại việc các ngoại trưởng NATO từng bị Mỹ gây sức ép để không gia nhập các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân của Liên Hợp Quốc năm 2019.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Hultqvist cho rằng, không có bất cứ mâu thuẫn nào giữa tư cách thành viên NATO với các tham vọng giải trừ hạt nhân của Thụy Điển.

    Ở Thụy Điển, rất nhiều nhân vật hoài nghi NATO đã nhìn lại giai đoạn 1960-1980, khi nước này tận dụng vị trí trung lập để trở thành một nhà trung gian hòa giải quốc tế và đồng minh của thế giới thuộc địa. Thụy Điển từng lên tiếng chỉ trích Liên Xô và Mỹ, trong thập kỷ 1970, Helsinki đã từng tuyên bố rằng họ là quốc gia phương Tây duy nhất ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc của Nam Phi.

    Nếu Thụy Điển gia nhập NATO, nước này sẽ “từ bỏ giấc mơ” trở thành nhà hòa giải, bà Solomon nhận định.

    Tính chất trung lập của Phần Lan lại rất khác biệt. Đó là một điều kiện của hòa bình mà Liên Xô ra đặt trong “thỏa thuận hữu nghị” năm 1948. Đây cũng được xem như giải pháp thực dụng để tồn tại và duy trì độc lập của Phần Lan.

    Tính chất trung lập của Thụy Điển là vấn đề bản sắc và ý thức hệ, trong khi ở Phần Lan đó là câu hỏi về sự tồn tại, theo nhà sử học Henrik Meinander. Ông cho rằng một phần lý do Thụy Điển vẫn còn đang tranh cãi về tư cách thành viên NATO là vì nước này coi Phần Lan và Baltic như một “vùng đệm”.

    Phần Lan đã hướng về phương Tây từ sau khi Liên Xô tan rã. Gia nhập EU không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích an ninh.

    Nhà khoa học chính trị Sarkka cho rằng việc gia nhập NATO được xem là bước đi quá lớn đối với Phần Lan vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên, thời gian và quan điểm về rủi ro đã thay đổi. Hiện giờ phần lớn người Phần Lan đều nói rằng, họ đã sẵn sàng gia nhập liên minh quân sự.

    Huyền Anh

    Theo BBC
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot], music123 và 154 khách