Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
‘Biết Đến Bao Giờ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Lam Phương
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ‘Biết Đến Bao Giờ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Lam Phương

    by music123 » Thứ 7 Tháng 5 14, 2022 8:28 pm

    ‘Biết Đến Bao Giờ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Lam Phương


    May 14, 2022


    SANTA ANA, California (NV) – “Biết Đến Bao Giờ,” trước hết, là một đoạn tình buồn. Bài hát chuyên chở tâm trạng của một người lính buồn cho quê hương, đất nước lâm cảnh chinh chiến, điêu tàn, và nhất là buồn cho thân phận của riêng mình vì mối duyên tình chưa vẹn nghĩa yêu thương.

    Hình ảnh


    Nhạc phẩm “Biết Đến Bao Giờ” của Lam Phương xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: Tài liệu)

    “Biết Đến Bao Giờ” là ca khúc nói lên những hy sinh vô bờ bến của người chiến sĩ Cộng Hòa, những người đem hết tuổi thanh xuân của đời mình ra phục vụ tổ quốc thân yêu. Đây là niềm tâm sự của một người lính xa nhà, ngày đêm miệt mài chiến đấu nơi rừng sâu, núi thẳm để bảo vệ quê hương khỏi tay quân Cộng Sản xâm lược thời Chiến Tranh Việt Nam.

    Người lính chiến trong nhạc phẩm này, trước khi bước chân vào quân ngũ, có quen với một người con gái ở hậu phương, nhưng vì hai người chưa kịp tỏ tình với nhau cho nên chàng vẫn mong có ngày gặp lại người yêu để tỏ lời nguyện ước ba sinh.



    Thế nhưng, ngày tháng dần trôi mãi nhưng chàng trai vẫn cứ phải miệt mài nơi chốn đèo heo hút gió, không có dịp nào ghé về thăm em một lần cho vơi đi niềm nhung nhớ. Những gì chàng trai có được giữa chốn núi rừng xa xôi chỉ là mấy cánh thư hồng nàng gởi cho để đêm đêm chàng ấp yêu, nhớ nhau đành tìm trong nét bút mà thôi.

    Trong nỗi niềm thất vọng, người trai lính chiến có cảm tưởng rằng, chừng nào thanh bình chưa trở lại trên quê hương dấu yêu, có lẽ chàng và nàng sẽ phải mãi chờ nhau cho đến khi tuổi Xuân đã về chiều…



    “Đời là vạn ngày sầu biết tìm vui chốn nào/ Ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu/ Nhiều khi anh cũng muốn biết bao giờ sẽ có tình yêu/ Cho lòng không thấy quạnh hiu khi núi rừng buông xuống tịch liêu.”

    Cuộc đời này quả đúng là buồn, thật là khó mà tìm được chốn nào vui trên bước đường đời vạn nẻo về đâu, đừng nói chi đến những mùa Xuân trên đỉnh bình yên. Rõ ràng là đôi mình từng quen nhau trên đường về, nhưng tiếc rằng khi mới quen nhau đôi ta chưa có dịp nắm tay nhau dặn dò trong ước vọng tình yêu, để lòng nuối tiếc hoài. Và để rồi giờ đây, giữa chốn núi rừng thâm u khi quạnh hiu về thấm không gian và buổi chiều chợt nhớ cồ nhân, lòng người chiến sĩ miền xa thêm khát khao chuyện đôi lứa sum vầy.

    “Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn/ Ta yêu nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi/ Từ khi anh là lính chiến ít về thăm ghé nhà em/ Không còn nghe tiếng cười thâu đêm buồn ơi sao là buồn.”

    Đời mình tuy còn dài, nhưng có mấy khi niềm vui được kéo dài, nhất là khi đôi ta chưa kịp nói tiếng yêu đầu, để rồi lòng vẫn lo sợ giấc mộng tình yêu không có cơ may trở thành hiện thực. Sau ngày lên đường chiến đấu, anh ít khi có được dịp trở về chốn cũ thăm em để nghe tiếng em vui đừa trong những đêm trăng tà soi mái đầu, hỏi sao không buồn, em ơi?
    “Ôi! Ước mơ nhiều cũng thế thôi/ Đời chỉ là bạn cùng sương gió/ Nghe gió đêm từng cơn ru cô đơn/ Biết chăng trong đêm nay/ Chiến chinh đem thân trai nơi rừng sâu/ Cuộc đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu.”



    Khi yêu ai mà chẳng ước mơ, nhưng ước mơ nhiều mà đời lại không bấy nhiêu vì mơ ước trắng như mây chiều. Cuộc đời anh dường như chỉ biết làm bạn cùng sương gió kể từ khi anh dấn thân vào cuộc chiến, bùn đen in dấu giày nơi biên cương xa xăm. Vắng em, anh đâu biết lấy gì để ấp yêu ngoài mấy cánh thư hồng từ bàn tay tiên của em nắn nót từng nét gởi cho anh, để anh vui bước đường quân hành.

    “Rừng là rừng chập chùng giá lạnh trai chiến trường/ Đêm nay xa quê hương xa lìa tiếng nói người thương/ Ngày anh lên đường chiến đấu hoa lòng đã nở tình yêu/ Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu chờ đến Xuân về chiều.”

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương trong một buổi sinh nhật. (Hình: Triết Trần)


    Giờ đây, vùng trước mặt của anh chỉ là núi đồi âm u, suối rừng vi vu với sương lạnh chiếu Đông vương tiếng thở của bao người trai nơi chiến tuyến. Lại một đêm nữa, một đêm dài nhớ em, khi anh phải xa em cùng dư âm của tiếng nói ngây thơ. Ngày ra đi, anh cảm nhận tình yêu giữa đôi mình đã chớm nở rồi, chỉ còn cần thời gian để đơm bông, kết trái. Nhưng em ơi, biết chờ em, chờ đến bao giờ? Không lẽ đôi ta phải chờ nhau cho đến lúc mái đầu điểm sương, bởi vì vẫn chưa thấy đâu ngày tàn của cuộc chiến này trên đất mẹ dấu yêu?

    ***

    Nhìn chung, dân tộc Việt Nam là một dân tộc buồn nhiều hơn vui qua những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm với bao chết chóc, chia lìa, cùng với thiên tai, địa họa và những mâu thuẫn kéo dài giữa các triều đại hoặc các tập đoàn cai trị – chỉ với mục đích tranh giành quyền làm chủ đất nước – vẫn thường xuyên diễn ra trong suốt chiếu dài của lịch sử hơn 4,000 năm dựng nước và giữ nước.

    Người buồn nên nhạc cũng buồn theo, khiến hầu hết các bài hát Việt Nam, dù là nhạc tiền chiến hay nhạc “boléro,” dù viết cho những cuộc tình dang dở hay cho đời lính phong sương, nay đây, mai đó trên quê hương chiến chinh đã bao năm lầm than, anh còn đi chống xâm lăng… Đâu đâu cũng phảng phất những điệu buồn Nam ai, “lựa chi những khúc tiêu tao, thiệt lòng người cũng nao nao lòng người,” như lời Kim Trọng than trách tiếng đàn bạc mệnh của nàng Kiều thuở xưa.



    Ngoài những ca khúc tình cảm sướt mướt nói về tình yêu và thân phận con người trên quê hương Việt Nam chiến tranh, Lam Phương còn sáng tác nhiều bản “nhạc lính” rất du dương và đáng yêu, chẳng khác gì nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cùng thời với ông.

    Nhưng các bản “nhạc lính” của Lam Phương có khác với “nhạc lính” của Trần Thiện Thanh ở một điểm nổi bật là cái nỗi buồn da diết trong mỗi bản nhạc do Lam Phương sáng tác. Trong khi những bài ca của lính do Trần Thiện Thanh viết nên, cho dù có phải diễn tả những tình huống bi thương đến cách mấy đi nữa thì người ta cũng vẫn thấy nó không thể nào buồn bằng nhạc của Lam Phương được. Có thể đó cũng là do cái nhìn cuả nhạc sĩ Trần Thiện Thanh về chiến tranh có phần lạc quan hơn là cái nhìn của Lam Phương.

    Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ra ở quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, miền Nam Việt Nam, trong một gia đình không mấy khá giả. Năm lên 10 tuổi, cậu bé được mẹ gởi lên Sài Gòn sống với người bác ruột, nhờ đó mà có dịp học nhạc với các nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương.

    Ca khúc đầu tay do Lam Phương sáng tác là bản “Chiều Thu Ấy” lúc ông mới 15 tuổi. Chỉ ba năm sau đó, Lam Phương đã có thể tung ra hàng loạt những ca khúc viết về quê hương và tình người, trong đó nổi tiếng nhất là “Khúc Ca Ngày Mùa,” từng được hầu hết các trường học ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long chọn để dựng thành hoạt cảnh trong các buổi văn nghệ nhà trường.

    Năm 1958, Lam Phương gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và khi hết hạn quân dịch thì được lệnh tái ngũ, gia nhập đoàn văn nghệ Bảo An (tiền thân của Địa Phương Quân). Kế đó, Lam Phương hoạt động trong ban văn nghệ Hoa Tình Thương, và sau cùng là Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ vào tay quân Cộng Sản năm 1975.
    Trong suốt khoảng thời gian dài này, Lam Phương đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm giá trị, hầu hết là các bản nhạc tình, trong đó có những bản “nhạc lính” cùng với những bản nhạc nền cho những vở kịch nổi tiếng của vợ ông, là Túy Hồng, một nữ diễn viên kịch cũng nổi tiếng chẳng kém gì người chồng nhạc sĩ lúc bấy giờ.



    Ngày 30 Tháng Tư, Lam Phương cùng gia đình theo đoàn tàu di tản vượt thoát khỏi miền Nam Việt Nam. Gia đình Lam Phương đươc đưa đi định cư tại Virginia, Hoa Kỳ, rồi sau đó chuyển về Texas, và cuối cùng là California, nơi ông vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục sự nghiệp âm nhạc tại hải ngoại.

    Sau khi ly dị với Túy Hồng, Lam Phương dời sang sống tại Pháp, nơi ông tiếp tục làm đủ thứ nghề để mưu sinh trong khi tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình.

    Năm 1995, Lam Phương quay trở lại Hoa Kỳ, nhưng chỉ bốn năm sau đó thì ông bị tai biến mạch máu não và liệt nửa người.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương thời trai trẻ. (Hình: Tài liệu)


    Lần xuất hiện sau cùng của Lam Phương trước công chúng là vào Tháng Tám, 2016, khi ông cùng đoàn nghệ sĩ của Trung Tâm Thúy Nga sang Đông Nam Á thực hiện chương trình “Tình Ca Lam Phương tại Singapore.” Người nhạc sĩ tài danh và được người Việt khắp nơi mến mộ qua đời vào ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, tại California, thọ 83 tuổi.

    Lam Phương rất nổi tiếng với các nhạc phẩm: “Biển Tình,” “Biết Đến Bao Giờ,” “Bức Tâm Thư,” “Buồn Chi Em Ơi,” “Chiều Hành Quân,” “Khúc Ca Ngày Mùa,” “Kiếp Nghèo,” “Kiếp Tha Hương,” “Lầm,” “Tan Vỡ,” “Thành Phố Buồn,” “Thiên Đàng Ái Ân,” “Thu Sầu,” “Tiễn Người Đi”… (Vann Phan) [qd]

    Nhạc phẩm “Biết Đến Bao Giờ” của Lam Phương

    Đời là vạn ngày sầu biết tìm vui chốn nào
    Ta quen nhau bao lâu nhưng tình đã có gì đâu
    Nhiều khi anh cũng muốn biết bao giờ sẽ có tình yêu
    Cho lòng không thấy quạnh hiu khi núi rừng buông xuống tịch liêu

    Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn
    Ta yêu nhau đi thôi cho mộng không vỡ thành đôi
    Từ khi anh là lính chiến ít về thăm ghé nhà em
    Không còn nghe tiếng cười thâu đêm buồn ơi sao là buồn




    Đ.K.:

    Ôi! Ước mơ nhiều cũng thế thôi
    Đời chỉ là bạn cùng sương gió
    Nghe gió đêm từng cơn ru cô đơn
    Biết chăng trong đêm nay
    Chiến chinh đem thân trai nơi rừng sâu
    Cuộc đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu

    Rừng là rừng chập chùng giá lạnh trai chiến trường
    Đêm nay xa quê hương xa lìa tiếng nói người thương
    Ngày anh lên đường chiến đấu hoa lòng đã nở tình yêu
    Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu chờ đến Xuân về chiều.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: ‘Biết Đến Bao Giờ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Lam Phương

    by music123 » Thứ 7 Tháng 5 14, 2022 8:29 pm

    Biết Đến Bao Giờ || Minh Hiếu - Tác giả: Lam Phương


    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 116 khách