Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Không có fan, không có ngôi sao
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Không có fan, không có ngôi sao

    by music123 » Thứ 2 Tháng 5 16, 2022 6:19 pm

    Không có fan, không có ngôi sao


    Minh Hạo Thứ hai, 16/5/2022

    Sports Khan chỉ ra fan đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Kpop. Do đó, hiện giờ các công ty giải trí rất chú trọng đến bộ phận quản lý người hâm mộ.



    Ngày 16/5, tờ Sports Khan có bài viết về tầm quan trọng từ người hâm mộ với sự phát triển hiện tại của Kpop. Theo bài viết, Kpop với hệ thống độc đáo và những màn trình diễn quyến rũ đang gia tăng sức ảnh hưởng trên toàn cầu từng ngày.

    Nhiều ca sĩ Hàn Quốc được yêu thích xuyên biên giới, trong đó có BTS - nhóm nhạc đang vẽ nên dấu ấn lớn không chỉ trong lịch sử âm nhạc Hàn Quốc mà cả âm nhạc thế giới. Theo Sports Khan, trung tâm của cơn sốt đó là các fandom và ngôi sao Kpop cũng như mối liên kết giữa họ. “Không có fan, không có ngôi sao”, Sports Khan nhấn mạnh ngay đầu bài viết.

    Cầu nối giữa nghệ sĩ và người hâm mộ


    Bài viết chỉ ra các công ty giải trí lớn tại Hàn Quốc sớm nhận ra tầm quan trọng của fan. Do đó, mỗi công ty đều chú trọng vào bộ phận tiếp thị người hâm mộ hay còn được gọi là quản lý người hâm mộ. Họ đóng vai trò như một bước đệm giữa ngôi sao và fandom. Khi thị trường Kpop và lĩnh vực hoạt động của fandom đã mở rộng đáng kể, những quản lý nói trên có vai trò không thể thiếu trong thế giới Kpop. Người quản lý đòi hỏi sự chuyên nghiệp để đảm bảo nhiệm vụ liên kết giữa nghệ sĩ và fandom.

    Công việc chi tiết của người quản lý người hâm mộ khác nhau giữa các công ty, nhưng nhìn chung đều liên quan đến việc tiếp thị người hâm mộ và phụ trách quảng bá nghệ sĩ thông qua các dịch vụ mạng xã hội (SNS), tổ chức sự kiện. Vì vậy, trước khi phát hành album, việc tìm hiểu nơi tiếp thị là quan trọng với người quản lý. Sau khi phát hành album, công việc của họ là tạo những hoạt động để nghệ sĩ và người hâm mộ tích cực giao lưu cùng nhau.


    Hình ảnh

    BTS bán được 214.000 vé và thu về 33,3 triệu USD nhờ 4 đêm nhạc trong chuỗi concert Permission to Dance on Stage.


    Hàn Quốc là thị trường âm nhạc mà nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ tích cực, thường xuyên nhất. Họ thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện trực tuyến để đọc tin nhắn và trả lời các thắc mắc, chia sẻ của fan. Thần tượng Kpop còn tổ chức nhiều concert, fan meeting... để nâng cao cơ hội giao lưu với khán giả yêu mến họ. Quản lý người hâm mộ thường là người lên kế hoạch cho những hoạt động đó.

    Đóng vai trò quan trọng nhưng quản lý người hâm mộ là những người thường đứng trong bóng tối. Một quản lý lấy bút danh Mr. Sparkle trao đổi với Sports Khan về công việc của anh.

    Anh đã làm việc trong ngành công nghiệp giải trí 8 năm. Người này bày tỏ mong muốn nhiều người biết đến sức hấp dẫn của việc tiếp thị người hâm mộ hơn.

    “Về cơ bản, tôi tuân theo lịch trình của nghệ sĩ, vì vậy công việc này luôn bận rộn, nhưng rất vui và thú vị. Không có công việc nào như thế này 30 năm trước, phải không? Tôi nghĩ mình may mắn. Ngành công nghiệp Kpop đã phát triển, nhưng vẫn có một số công ty không nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp thị người hâm mộ”, người này chia sẻ.

    Anh tiếp tục: “Đó là lý do ngay cả khi đã cố gắng trở thành một người quản lý tốt, tôi nhanh chóng nghỉ việc vì sự đối xử không thỏa đáng của công ty. Điều quan trọng là công ty phải có hiểu biết về tiếp thị người hâm mộ. Bạn cần cẩn thận mô tả công việc hoặc chế độ đãi ngộ trong quá trình tuyển dụng. Cá nhân tôi, khi có một cuộc phỏng vấn, tôi có xu hướng ghi chép và chú ý mọi thứ. Nếu các phòng ban không được phân chia rõ ràng, bạn có thể phải chịu trách nhiệm cho các nhiệm vụ khác ngoài việc tiếp thị người hâm mộ”.


    Hình ảnh

    Nhóm nhạc ITZY gặp mặt người hâm mộ sau khi hoàn thành chương trình âm nhạc.

    Lấy trái tim của người hâm mộ

    “Vì có nhiều hoạt động trong lĩnh vực này như đêm nhạc, concert, fan meeting và ký tặng người hâm mộ, do đó điều quan trọng nhất là lấy được lòng tin của khán giả. Tôi cũng hiểu cảm xúc của họ là muốn điều tốt nhất cho thần tượng họ yêu thích, vì vậy tôi đang cố gắng tìm hiểu xem mình có thể làm được gì hơn cho họ không?”, người quản lý trao đổi.

    “Khi các chương trình âm nhạc tiến hành ghi hình trước, mỗi fandom chỉ cho phép một số lượng người nhất định tới xem và ủng hộ thần tượng. Tôi thường đợi đến phút cuối cùng để xem có còn chỗ ngồi thừa hay không. Tôi cố gắng tạo điều kiện và phối hợp nhịp nhàng với lực lượng bảo vệ hiện trường để tăng lượng fan tới xem nhiều nhất có thể. Khi quyết định thứ tự fandom tham gia concert chung, việc oẳn tù tì giỏi cũng giúp ích rất nhiều. Nó có thể dành sự ưu ái đặc biệt cho một số người hâm mộ nhất định”, người này kể.

    Trao đổi với Sports Khan, Mr. Sparkle cho biết ở nhiều công ty giải trí, lĩnh vực tiếp thị người hâm mộ được chia nhỏ để hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhân viên tiếp thị người hâm mộ phải thực hiện công việc một cách tổng thể. Khi đó, việc nâng cao tinh thần tích cực, sự tốt đẹp của nghệ sĩ thông qua mạng xã hội cũng rất quan trọng.



    “Để làm được điều đó, tôi cũng cần có tình cảm và sự hiểu biết cao đối với người nghệ sĩ tôi phụ trách. Cho dù đó là một chiến dịch quảng cáo đơn giản hay một sự kiện, kết quả sẽ tốt hơn nếu bạn lập kế hoạch bằng cách giao tiếp với nghệ sĩ và hiểu được điểm mạnh”, anh tiếp tục.

    “Một khi các nghệ sĩ bắt đầu hoạt động, cường độ làm việc của họ sẽ khá cao. Tôi sẵn sàng đối mặt với công việc khó khăn ngay khi tôi mới gia nhập công ty. Tuy nhiên, nó thường vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Vì vậy, tôi thấy công việc này đòi hỏi sự quyết tâm, vững vàng và thể lực tốt. Đây là yêu cầu quan trọng”, chuyên gia bày tỏ.

    Anh nhấn mạnh: “Ở môi trường đó, tôi may mắn được gặp gỡ những nghệ sĩ và nhân viên giỏi để không ngừng cố gắng, đặt ra những mục tiêu và đón nhận thử thách mới, đồng thời tiếp tục công việc lâu dài. Có những lúc thật buồn khi không có nhiều fan manager trong nghề lâu năm như tôi. Là một người quản lý người hâm mộ, ước mơ của tôi là làm việc đủ lâu để trở thành giám đốc điều hành của một công ty. Tôi cũng đang cố gắng làm việc chăm chỉ để chuyên môn của tôi được công chúng biết đến và yêu thích”.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 54 khách