Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Khởi nghiệp từ vườn chôm chôm ế
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Khởi nghiệp từ vườn chôm chôm ế

    by music123 » Thứ 5 Tháng 5 19, 2022 12:13 pm

    Khởi nghiệp từ vườn chôm chôm ế

    Thứ năm, 19/5/2022

    BẾN TRENhìn cha mẹ thở dài trước vườn chôm chôm chín đỏ, giá chỉ 1.000 đồng mỗi kg mà không ai mua, chị Hồng quyết định bỏ việc về quê khởi nghiệp làm mứt hoa quả.

    Đó là thời điểm cuối năm 2016, chị Hồng tiếc rẻ vườn chôm chôm nên thử làm mứt để nhà ăn. Vài lần thử nghiệm, chị tìm ra cách làm loại mứt thơm, cùi dẻo, ăn được cả hạt có vị béo bùi lạ miệng. Bạn bè ăn thử ai cũng khen ngon. Lúc đó trong nhà có mấy chị em chăm con nhỏ không có việc làm, nên Hồng bảo mọi người làm để mình đăng lên mạng bán.

    Mứt chôm chôm xuất hiện vào Tết đã gây tò mò với thực khách nhiều nơi. "Mùa Tết ấy tôi bán được hơn 6 tấn mứt", Trần Thị Thu Hồng, 35 tuổi, ở ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, chia sẻ.

    Hình ảnh

    Chị Hồng tại vườn cây ăn quả của gia đình ở Cồn Dơi, Châu Thành, tỉnh Bến Tre, sáng 12/5. Gia đình dùng giống chôm chôm Java để làm mứt. Ảnh: Cô Chín

    Ban đầu, Hồng nghĩ đó là cơ duyên khiến chị bỏ việc ở một công ty chế biến thực phẩm để đến với nghề sản xuất các loại mứt và hoa quả sấy. Tuy nhiên nhìn lại Hồng biết đây là sự lựa chọn của số phận.

    Từ nhỏ đến lớn, hình ảnh quê hương luôn hằn sâu trong tâm trí Hồng là vườn chôm chôm chín đỏ trên đất phù sa ở Cồn Dơi, thủ phủ các loại trái cây Bến Tre.

    Nhà chị có một mảnh vườn hơn 50 gốc chôm chôm Java được trồng từ thời ông bà nội và gần 200 gốc chôm chôm nhãn của bố mẹ. Bài toán được mùa mất giá làm Hồng trăn trở mỗi mùa quả chín. Nhất là giống Java có những khi 1.000-2.000 đồng mỗi cân, thậm chí không ai mua. Ngày xưa chôm chôm xứ này bạt ngàn, nhưng thay đổi cây trồng mà nhiều gia đình đã đốn hạ. Chị Hồng xót xa về một ngày sẽ không còn mùa chôm chôm chín nữa.

    "Trong sâu thẳm thôi thúc tôi phải làm gì đó để bảo tồn sản lượng còn lại, cũng như thay đổi cuộc sống gia đình, thay đổi suy nghĩ về quả chôm chôm", chị Hồng nói.

    Khi con gái ngỏ ý nghỉ việc, vợ chồng bà Chín không biết nói sao. Hồng là người duy nhất trong bốn con của ông bà được đi học, những mong con thoát khỏi cảnh dầm mưa dãi nắng. "Nhưng rồi con thuyết phục chúng tôi: Khi làm công sở chỉ có mình con sướng. Nếu về con sẽ có khả năng thay đổi kinh tế của đại gia đình", bà Chín kể.

    Lúc mới khởi nghiệp, Thu Hồng tự tay làm mọi khâu. Thân gái nhưng cô làm việc như con trai, mỗi ngày chở tới nửa tấn hàng đi giao khách. Nhiều lúc chạy trên đường đất té lên té xuống. Có những lúc đi giao muộn, nửa đêm xe máy thủng săm không có chỗ thay, điện thoại hết pin không gọi ai giúp được.

    "Lần ấy tôi dắt xe hai tiếng trong đêm mới về được tới nhà. Cảm nhận rõ sự vất vả, hiểm nguy, nhưng lòng tôi không hề thấy tủi, bởi vì sau lưng luôn có một gia đình để phấn đấu", chị bộc bạch.

    Vụ đầu tiên, gia đình bán ra được hàng tấn mứt, tuy nhiên chưa có một công thức chuẩn. Mỗi ngày làm chục mẻ thì sẽ có 2-3 mẻ phải đổ đi, tương đương hơn 50 kg ruột chôm chôm. Cả nhà tìm hiểu mà không biết tại sao cũng cách làm đó mà có mẻ sên lên lại nhão, hạt một bên, cùi một bên. Phải qua cả trăm lần mất tiền tốn sức, Hồng mới rút ra được nguyên nhân nhân nằm ở độ chín của quả, thời gian ướp đường, cũng như độ lửa.


    Mùa Tết năm 2018 gia đình vốn kỳ vọng sẽ đắt hàng hơn cả năm trước. Nhưng rồi mưa bão ập đến, một tấn mứt thành phẩm làm ra không có nắng để phơi, phải đổ bỏ. Hàng gửi đi cho khách bị trả lại do không đạt chuẩn. Cả vụ với công sức của chục thành viên gia đình xem như công cốc. "Hồng áy náy với mọi người lắm, nhưng chúng tôi động viên con, là người thân có khó khăn cùng chịu, ngọt bùi cùng chia", bà Chín nói.

    Sau lần đó, chị Hồng tham gia Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) và được tặng máy sấy hoa quả. Từ lúc này, việc sản xuất của gia đình không còn phụ thuộc thời tiết và đỡ được nhân công.

    Hình ảnh

    Chị Hồng đang kiểm tra mẻ chôm chôm sấy tại cơ sở của gia đình ở Cồn Dơi, huyện Châu Thành, Bến Tre, tháng 12/2021. Ảnh: Cô Chín

    Khi sản xuất đâu vào đấy thì hạn mặn khốc liệt đã làm thiệt hại 50% diện tích chôm chôm, bưởi, sầu riêng... của huyện Châu Thành. Trong đó, gần 3.000 ha diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 70% và hơn 1.200 ha bị thiệt hại hơn 70%. Nhiều vườn chôm chôm trồng hơn 20 năm chết khô, bao nhiêu công sức vun trồng bay theo gió. Không có nguyên liệu nên gia đình Hồng phải sản xuất cầm chừng. Cùng lúc dịch Covid -19 ập đến, kinh tế đình trệ, từ chỗ đang tạo việc cho chục người, nay cơ sở của Hồng chỉ còn vài người có việc.

    "Khó khăn đến độ nhiều bạn bè bảo mình bỏ nghề, quay lại làm công sở đi cho khỏi nặng đầu", người phụ nữ 35 tuổi kể. Nhưng nghĩ lại mục tiêu theo nghề vì đam mê với nông sản địa phương và mong muốn giải quyết việc làm cho các chị em không tay nghề nên càng khó, chị càng không có ý định chuyển sang cái khác.

    Nguyên liệu chôm chôm ít, Hồng sản xuất thêm chuối sấy dẻo phủ mè dừa, làm thêm mứt tắc, khóm, me và chùm ruột. Nhờ đó chỉ sau thời gian ngắn gián đoạn, người thuyền trưởng này vẫn duy trì cuộc sống cho tổ ấm của mình cũng như các anh chị.

    Như con diều chuẩn bị cất cánh bay lên cao, nếu không điều chỉnh đúng hướng gió, diều sẽ rớt và có thể phải bắt đầu lại. Khi sản phẩm đã tung ra thị trường và bước đầu được ghi nhận, cô gái Cồn Dơi tích cực tham gia nhiều hội chợ, thậm chí không tiếc gửi tặng sản phẩm, để xin ý kiến phản hồi và hoàn thiện hơn.

    Có người phản ánh ngọt, Hồng thêm nước tắc hoặc khóm (quất hoặc dứa) giảm vị ngọt, tạo vị chua, bớt độ ngán. Nếu như trước đây gia đình chỉ làm mứt chôm chôm dẻo ngọt, có hạt, nay có thêm các loại chua cay được nhiều các chị em ưa chuộng, loại tách hạt thích hợp với người già và trẻ nhỏ.

    "Có lần tôi mang đến hội chợ, khách ăn mứt chôm chôm rồi tỏ vẻ hoài nghi: 'Có phải bạn nhét hạt điều vào bên trong cùi chôm chôm không?'. Họ không dám tin hạt chôm chôm có thể ăn được ngon đến thế", chị Hồng hồi tưởng.

    Tháng 4 vừa qua, sản phẩm mứt chôm chôm của gia đình đã đạt chứng chỉ OCOCP (Mỗi xã một đặc sản). Ngày hôm đó, đại gia đình tổ chức bữa cơm thân mật. Hồng ôm lấy mẹ nói lời cảm ơn. Giờ đây thương hiệu mang tên mẹ cô đã đến tay khách hàng nhiều tỉnh thành và nước ngoài. Với chứng chỉ này, gia đình được tiếp thêm hy vọng sản phẩm thủ công của họ sẽ có mặt trên nhiều kệ hàng thực phẩm sạch hơn nữa.

    Hình ảnh


    Bên cạnh mứt chôm chôm (trên cùng bên trái), gia đình chị Hồng sản xuất thêm nhiều lọai mứt khác từ các loại cây trồng ở địa phương. Ảnh: Cô Chín

    Tại xã Phú Đức chỉ có duy nhất cơ sở sản xuất của chị Hồng làm mứt từ nông sản quê hương, đã giúp tiêu thụ cả trăm tấn hoa quả cho các nhà vườn, cũng như giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho những lao động không có tay nghề.

    "Chị Hồng rất năng động, chịu thương chịu khó và khát khao nâng tầm chôm chôm của địa phương. Chính quyền cũng tạo cơ hội cho chị tham gia những hoạt động khởi nghiệp, mở nhà xưởng, mua máy móc", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phú Đức cho biết.

    Chỉ còn vài tuần nữa là đến mùa chim gọi bầy ríu rít trên những vườn chôm chôm chín đỏ. Sau ba năm hạn mặn, những vườn cây đã hồi sinh. Thị trường cũng khởi sắc trở lại sau đại dịch Covid-19.

    "Đây cũng là dịp tổng tấn công của gia đình tôi để mang sản phẩm mứt chôm chôm đi khắp cả nước và ra thế giới", từ thủ phủ các loại trái cây ngon lành nhất xứ dừa, Thu Hồng tràn trề hy vọng nói.

    Phan Dương
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 93 khách