Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nhà máy 'mắc kẹt' giữa Nga và Mỹ
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Nhà máy 'mắc kẹt' giữa Nga và Mỹ

    by music123 » Thứ 7 Tháng 5 21, 2022 7:20 am

    Nhà máy 'mắc kẹt' giữa Nga và Mỹ

    Hải Linh Thứ bảy 5/21/22

    Nhà máy Samara, thuộc tập đoàn Mỹ Arconic, là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng vũ khí của Nga. Cơ sở này đang đối mặt với quyết định khó khăn do chiến sự ở Ukraine.



    Nhà máy luyện kim Samara - một khu phức hợp rộng lớn với diện tích tương đương 12 khu phố ở Tây Nam nước Nga - là nền tảng cho ngành công nghiệp nhôm của Moscow. Cơ sở này cũng là nguồn cung các bộ phận quan trọng cho máy bay chiến đấu và tên lửa đang được Moscow sử dụng cho "chiến dịch quân sự" ở Ukraine.

    Samara thuộc sở hữu của tập đoàn Arconic - một trong những công ty gia công kim loại lớn nhất của Mỹ.

    Arconic không trực tiếp sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, những lò rèn tinh vi của tập đoàn này ở Samara nằm trong số ít máy móc có thể chế tạo các bộ phận hàng không vũ trụ lớn ở Nga.

    Theo một thỏa thuận với chính phủ Nga, Arconic được phép hoạt động tại Samara từ năm 2004, với điều kiện cung ứng cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Ngay cả khi mối quan hệ giữa Moscow và Washington chuyển biến xấu do xung đột ở Ukraine, hoạt động của Arconic tại Samara vẫn được duy trì, bất chấp sự phức tạp về pháp lý và chính trị ngày càng tăng.

    Tuy nhiên, giờ đây, ban lãnh đạo của Arconic đang đứng trước một lựa chọn khó khăn.

    Quyết định khó khăn

    Các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Moscow đang khiến việc duy trì hoạt động của Arconic tại Nga gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nếu ngừng sản xuất, các nhân viên của họ ở Samara có thể phải ngồi tù, theo luật của Nga về việc duy trì hoạt động sản xuất chiến lược.

    “Xung đột ở Ukraine khiến chúng tôi không thể tiếp tục hiện diện ở Nga, dẫn đến quyết định bán lại cơ sở ở Samara”, ông Timothy Myers, giám đốc điều hành Arconic, cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản hôm 20/5.

    Trước đó, vào ngày 18/5, hội đồng quản trị Arconic đã thông qua một kế hoạch vốn được xem xét trong nội bộ suốt nhiều tuần qua. Đó là bán hoàn toàn nhà máy.


    Hình ảnh

    Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin có cuộc hội đàm vào năm 2002. Ảnh: AP.


    Khu phức hợp nhà máy Samara rơi vào tay các tập đoàn Mỹ kể từ năm 2004, trong nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế giữa Moscow và Washington.

    "Chúng ta là đối tác", Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin tuyên bố tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow, vào năm 2002.

    Sau đó, cựu tổng thống Mỹ khuyến khích công ty trong nước mua lại các cơ sở công nghiệp bị phá sản của Nga, mở đường cho một loạt thương vụ sáp nhập, trong đó có thương vụ mua lại khu phức hợp Samara của tập đoàn công nghiệp khổng lồ Alcoa (công ty mẹ của Arconic) vào năm 2004. Bên trong cơ sở này là một máy ép rèn khổng lồ, có thể tạo ra các bộ phận của máy bay và tên lửa lớn nhất.

    “Những cỗ máy này rất cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng”, ông Martino Barbon, đại diện công ty Gasparini Industries, cho biết và gọi chúng là “xương sống” của hoạt động sản xuất.

    Khi mua nhà máy Samara, Alcoa không có ý định trở thành nhà cung cấp vũ khí của Nga, nhưng đây là điều kiện của Moscow. Và cho đến nay, điều kiện đó vẫn còn hiệu lực.

    Các tài liệu của công ty ghi rõ nghĩa vụ pháp lý là "sản xuất các sản phẩm hàng không vũ trụ và quốc phòng" để cung cấp cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga.

    “Điều kiện chính của thỏa thuận là nghĩa vụ đảm bảo nguồn cung liên tục cho các chương trình hàng không và quốc phòng của nhà nước Nga”, ông Myers nói.

    Ông cho biết thêm chính phủ Mỹ biết về các điều khoản này khi chấp thuận thương vụ của Alcoa.

    Theo tài liệu New York Times thu thập được, trong các đối tác của Arconic có khoảng 6 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Moscow, chẳng hạn N.P.O. Novator và Komsomolsk-on-Amur. Nhìn chung, các nhà sản xuất vũ khí này chủ yếu cung cấp tên lửa hành trình, tên lửa xuyên lục địa ICBM, trực thăng tấn công, và nhiều thiết bị quan trọng khác.


    Hình ảnh

    Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thăm nhà máy Komsomolsk-on-Amur vào tháng 7/2021. Ảnh: AFP.

    Chẳng bao lâu sau vụ sáp nhập, quan điểm của phương Tây về Nga thay đổi và mối quan hệ Nga - Mỹ ngày càng xấu đi.

    Moscow không còn chào đón các tập đoàn Mỹ như trước. Thay vào đó, Điện Kremlin đã hệ thống hóa các luật “chống độc quyền”, cho phép hạn chế hoặc trục xuất các công ty nước ngoài tham gia vào các ngành công nghiệp nhạy cảm.

    Đặc biệt, các công ty Mỹ có khả năng phải đối mặt với cuộc điều tra chính thức, thường đi kèm với những hạn chế khiến việc kinh doanh của họ trở nên khó khăn.

    Vào năm 2020, Arconic đã phải trải qua một cuộc điều tra tương tự. Các quan chức Nga cấm Arconic giải ngân lợi nhuận của mình từ Samara hoặc tái cơ cấu lãnh đạo công ty con điều hành nhà máy tại Nga.

    Tuy nhiên, khác với nhiều công ty Mỹ, Arconic vẫn chưa rời khỏi Moscow. Nhà kinh tế học Richard Connolly, Đại học Birmingham, người tư vấn cho các công ty kinh doanh ở Nga, cho rằng điều này "rất đáng ngạc nhiên".

    Hình ảnh

    Công nhân làm việc tại nhà máy Samara, Nga. Ảnh: Arconic.


    Trong khi đó, New York Times nhận định việc ép chủ sở hữu của Samara bán nhà máy như một số doanh nghiệp Mỹ khác trong những năm qua, thực sự mang lại một số rủi ro cho Nga, chẳng hạn làm gián đoạn hoạt động quân sự của nước này.

    Tiến sĩ Connolly cũng gợi ý rằng Nga vẫn coi trọng công nghệ của Mỹ tại nhà máy Samara. “Họ nhận ra rằng có thể họ không tự sản xuất được mọi thứ”, ông nói.

    Kể từ khi Nga tấn công xâm lượcUkraine vào ngày 24/2, bộ phận rèn của Samara đã ghi nhận kết quả kinh doanh quý tốt nhất, với sản lượng tăng 82% so với năm trước.

    Tuy nhiên, ngay cả khi doanh số bán hàng tăng cao, ban lãnh đạo của Arconic vẫn đang tìm cách rời khỏi Nga hoàn toàn, theo thông tin nội bộ.

    Song, bất kỳ thương vụ nào cũng cần có sự chấp thuận của chính phủ Nga, cũng như VSMPO-Avisma, công ty liên kết với Điện Kremlin mà Arconic đã thành lập quan hệ đối tác chung. Việc bán nhà máy cũng cần có giấy phép từ Bộ Ngân khố Mỹ để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt.

    Lãnh đạo tập đoàn cho rằng chiến sự sẽ còn kéo dài, kèm theo nhiều lệnh trừng phạt cũng như các hạn chế đối với khả năng hoạt động của Arconic.

    Trong khi đó, tiến sĩ Connolly cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa Arconic và Nga tương tự quyết định xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt và dầu từ Nga đến châu Âu. Cả hai được thực hiện với hy vọng dùng hội nhập kinh tế để ràng buộc lẫn nhau và ngăn chặn xung đột.

    Tuy nhiên, chiến sự ở Ukraine hiện nay đã khiến “những hy vọng này vụt tắt”.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 88 khách