Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chùa Nghệ sĩ sau hơn nửa thế kỷ
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Chùa Nghệ sĩ sau hơn nửa thế kỷ

    by music123 » Thứ 5 Tháng 6 23, 2022 1:42 pm

    Chùa Nghệ sĩ sau hơn nửa thế kỷ

    6/23/22


    TP HCMChùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp - nơi an nghỉ của hơn 500 nghệ sĩ sân khấu - xuống cấp một số hạng mục sau hơn 60 năm.

    Hình ảnh

    Chùa Nghệ sĩ (còn có tên Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự), nằm ở đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp. Ngày 18/6, Hội Sân khấu TP HCM gắn bảng mới đổi tên nơi này là Nghĩa trang nghệ sĩ với lý do hội không có chức năng quản lý chùa. Động thái bị dư luận phản ứng vì cho rằng có thể khiến điểm di tích đối diện nguy cơ bị xóa bỏ. Đến ngày 20/6, Hội tháo gỡ bảng trên, trả hiện trạng ban đầu cho cổng chùa.

    Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM với Ủy ban Nhân dân thành phố, nhằm ổn định lại hoạt động của Nghĩa trang Nghệ sĩ theo mục đích ban đầu khi thành lập, sau cuộc họp hồi tháng 1, Ban chấp hành Hội sân khấu thống nhất với chính quyền địa phương không tiếp tục để sư thầy cư trú tại đây, bởi Hội Sân khấu không có chức năng tổ chức hoạt động tôn giáo.

    Hình ảnh

    Ngay sau cổng tam quan là sân và chánh điện chùa với tên Nhựt Quang Tự, mái lợp tôn sơn đỏ. Bên hông là hội trường, phía trên có dòng chữ "Sân khấu là đời nhiều hệ luỵ/ Tu là cội phúc giải dây oan".

    Theo tài liệu của Hội Sân khấu TP HCM, năm 1957, bà Trương Phụng Hảo (nghệ sĩ Phùng Há) - Hội trưởng Hội Nghệ sĩ Ái hữu - vận động kinh phí để mua đất xây chùa và nghĩa trang cho giới nghệ sĩ, với diện tích 6.080 m2. Năm 1969, Chùa Nghệ sĩ được xây dựng với quy mô là am nhỏ, từ kinh phí vận động cúa nhà hảo tâm, dành làm nơi thờ phượng hài cốt nghệ sĩ.

    Sau 1975, nơi này do Hội Sân khấu thành phố tiếp quản từ Hội Ái hữu nghệ sĩ tương tế (không có giấy tờ pháp lý kèm theo) và giao cho Ban Ái hữu nghệ sĩ trực tiếp quản lý, đồng thời để các sư thầy về trọ và theo học tại các học viện Phật giáo.

    Hình ảnh

    Bên trong chánh điện rộng khoảng 100 m2, thờ các vị phật, bồ tát. Nhiều thời điểm trong năm, nghệ sĩ đến lễ thường biểu diễn ca cổ, cải lương giúp chùa phục vụ khách viếng thăm.

    Hiện, Sở Văn hóa và Thể thao giao Ủy ban Nhân dân Gò Vấp, Hội Sân khấu TP HCM làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp để hướng dẫn hoạt động thờ cúng nghệ sĩ tại đây.

    Hình ảnh


    Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, chùa dần xuống cấp. Các lớp sơn ở cột, tường bị bong tróc, nút nẻ, tôn mục nát, trần dột...

    Hình ảnh

    Quanh các bức tường trong chánh điện, hậu điện treo nhiều tranh ảnh cùng ca từ ẩn dụ về đời người nghệ sĩ.



    Khoảng sân rộng cạnh chánh điện là không gian tưởng niệm Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há - người góp đất xây chùa và nghĩa trang. Lối vào mộ phần bà lát gạch bông, xung quanh rợp bóng cây xanh.

    Sở Văn hóa và Thể thao nhận định Chùa Nghệ sĩ không chỉ là địa chỉ tôn kính đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ, có giá trị to lớn về mặt tinh thần trong đời sống của văn nghệ sĩ và là một nét đẹp văn hóa truyền thống của thành phố.

    Hình ảnh


    Mộ phần của nghệ sĩ Phùng Há (1911 - 2009) được xây kiên cố trong không gian rộng rãi. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương.

    Hình ảnh


    Phía sau là mộ phần của nữ nghệ sĩ Thanh Nga (1942-1978), được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu" của miền Nam lúc bấy giờ. Góc trái là nơi an nghỉ của ông Phạm Duy Lân, chồng nghệ sĩ Thanh Nga.

    Hình ảnh

    Sau khi thắp hương ở mộ phần diễn viên Lê Công Tuấn Anh, ông Nguyễn Văn Độ cho biết đã ở lại trông coi, dọn dẹp nghĩa trang suốt 16 năm nay. "Tôi muốn di tích này vẫn giữ cái tên như cũ, bởi đây là nơi quen thuộc của công chúng trong thành phố vài chục năm qua", người đàn ông 64 tuổi nói.

    Trong nghĩa trang nghệ sĩ còn có mộ và tro cốt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác như soạn giả cải lương Hoa Phượng, Hà Triều, Thu An, Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu, NSND Ba Vân, NSND Út Trà Ôn...

    Hình ảnh

    Toàn cảnh chùa (mái đỏ bên phải) và khu nghĩa trang phía sau (trái). Nghĩa trang từng có hơn 500 ngôi mộ nhưng nay còn khoảng 355 mộ do được thân nhân bốc đi. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 hũ tro cốt đang được giữ ở hai tháp trong chùa.

    Quỳnh Trần
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 124 khách