Đăng trả lời 44 bài viết
2 ns VN bị bắt@Spain:Quá trình tố tụng...
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Vụ 2 ns VN bị bắt@Spain vì cáo buộc hiếp dâm

    by music123 » Thứ 3 Tháng 7 05, 2022 12:45 pm

    Hồ Hoài Anh vướng cáo buộc cưỡng hiếp là điều chưa từng có ở Học viện

    Tâm An Thứ ba, 5/7/2022

    Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết đang chờ kết luận để có hướng xử lý đối với vụ việc liên quan đến giảng viên Hồ Hoài Anh.



    Trao đổi với Zing sáng 5/7, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cho biết lãnh đạo nhà trường vẫn đang chờ kết luận từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng xử lý tiếp theo đối với vụ việc của nhạc sĩ, giảng viên Hồ Hoài Anh.

    PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ vụ việc Hồ Hoài Anh vướng cáo buộc cưỡng hiếp là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

    "Chưa bao giờ có chuyện này. Bản thân Hồ Hoài Anh từ trước đến nay cũng chưa bao giờ vướng vào vụ việc tương tự", ông anh Tuấn chia sẻ.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vướng cáo buộc hiếp dâm ở Tây Ban Nha.



    Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, trước mắt, lãnh đạo trường vẫn đợi các kết luận từ cơ quan chức năng. Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện theo nội dung trong văn bản báo cáo gửi Bộ Văn hóa trước đó.

    Cụ thể, ông Tuấn cho biết sau khi trở về nước, Hồ Hoài Anh phải lập tức có mặt tại trường để trình diện và làm văn bản tường trình giải thích lý do ra nước ngoài không xin phép.

    "Trong thời gian này, tất cả hoạt động, những gì liên quan đến hình ảnh, công việc của Hồ Hoài Anh sẽ bị trường đình chỉ. Chúng tôi đang chờ Hồ Hoài Anh về để có hướng xử lý tiếp theo", ông Lê Anh Tuấn trao đổi thêm.

    Về phía Hồng Đăng, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: "Diễn viên Hồng Đăng đã vi phạm quản lý cán bộ viên chức của cơ quan, chúng tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao để có hướng xử lý cụ thể. Việc không xin phép khi ra nước ngoài của Hồng Đăng là sai. Chắc chắn Hồng Đăng phải chịu hình thức kỷ luật của Nhà hát".

    Sáng cùng ngày, trong cuộc họp công bố lệnh của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết sự việc liên quan đến nghệ sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vẫn đang là "nghi vấn".

    Theo ông, vụ việc chưa có thêm thông tin mới nhưng 2 người này vẫn tại ngoại, chưa có truy tố.

    "Đến sáng 4/7, hai người vẫn tại ngoại, chờ gặp thẩm phán và đã có luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý. Đại sứ quán đã cử người xuống tận nơi để giúp đỡ pháp lý", ông Đông thông tin.

    "Đối với hai trường hợp kia (Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh - PV), hiện pháp luật nước sở tại Tây Ban Nha chưa có kết luận nên chúng tôi đang chờ để xử lý các bước tiếp theo", Thứ trưởng Bộ Văn hóa trao đổi thêm.

    Trước đó, nhiều tờ báo của Anh và Tây Ban Nha đưa tin một cô gái 17 tuổi người Anh tố cáo 2 người đàn ông được giới thiệu là “một diễn viên và nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam” cưỡng hiếp nạn nhân tại khách sạn trên đảo Majorca.

    Cô gái 17 tuổi nói với cảnh sát rằng mình bị tấn công tại khách sạn ở Andratx, phía tây nam hòn đảo. Trước đó, cô gặp các nghệ sĩ ở một nhà hàng gần đó và giao lưu, uống rượu với họ.

    Theo Mirror, hai người đàn ông là "diễn viên và nhạc sĩ nổi tiếng ở quốc gia Đông Nam Á". Cả hai bị giữ tại khách sạn không nêu tên vào đầu giờ sáng 25/6. Họ hiện được tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi Tây Ban Nha.

    Cô gái người Anh được cho là đã rời hòn đảo cùng gia đình sau khi được thẩm phán phê chuẩn. Còn Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh vẫn chưa lên tiếng.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Vụ 2 ns VN bị bắt@Spain:Nghệ sĩ phát ngôn phản cảm

    by music123 » Thứ 3 Tháng 7 05, 2022 1:22 pm

    Nghệ sĩ phát ngôn phản cảm vụ Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh


    Ly Nguyễn Thứ ba, 5/7/2022

    "Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng", diễn viên Kiều Thanh bị chỉ trích gay gắt khi chia sẻ điều này.



    Ngày 1/7, thông tin "một diễn viên và một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, 37 và 42 tuổi” bị cô gái 17 tuổi người Anh tố cưỡng hiếp trên đảo Mallorca (Tây Ban Nha) được loạt báo quốc tế đăng tải.

    Tối cùng ngày, Bộ Ngoại giao cho biết hai công dân Việt Nam bị nhà chức trách Tây Ban Nha bắt với cáo buộc “xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi” và “xâm phạm quyền riêng tư”. Sau đó hai công dân được tại ngoại và trong quá trình chờ cơ quan chức năng Tây Ban Nha xử lý. Danh tính hai nghệ sĩ chưa được công bố.

    Những ngày qua, dư luận đưa ra những luồng ý kiến trái chiều quanh vấn đề của hai nghệ sĩ Việt. Đáng nói là một số người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng bày tỏ quan điểm cá nhân thông qua mạng xã hội và gây tranh cãi dữ dội.

    Sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết sự việc liên quan đến nghệ sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vẫn đang là "nghi vấn".

    Theo ông, vụ việc chưa có thêm thông tin mới nhưng 2 người này vẫn tại ngoại, chưa có truy tố.

    "Đến sáng 4/7, hai người vẫn tại ngoại, chờ gặp thẩm phán và đã có luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý. Đại sứ quán đã cử người xuống tận nơi để giúp đỡ pháp lý", ông Đông thông tin.

    Phát ngôn thiếu trách nhiệm

    Nhân vật đang hứng chịu chỉ trích là NSƯT Kiều Thanh (Nhà hát Kịch Hà Nội). Trên trang cá nhân có dấu tích xanh, diễn viên này chia sẻ quan điểm về "văn hóa đàn ông" - theo cách diễn đạt của cô.

    "Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng. Ở nước ngoài, các bạn phát triển dậy thì sớm từ 12, 13 tuổi. Vào đúng hai anh đẹp trai lại nổi tiếng nên thành to chuyện. Có khi là người bình thường thì bạn nữ kia 'ok' ngay", nghệ sĩ Kiều Thanh viết.

    Hiện tại, Kiều Thanh đã xóa bài đăng nhưng chị vẫn bị lên án gay gắt. Khán giả cho rằng phát ngôn của cựu diễn viên Phía trước là bầu trời rất phản cảm, thể hiện sự thiếu hiểu biết và không tôn trọng công chúng.

    Hình ảnh

    Những chia sẻ trên trang cá nhân của người nổi tiếng bị phản ứng gay gắt.
    "Theo tôi thì cách bảo vệ đồng nghiệp tốt nhất vẫn là im lặng và theo dõi diễn biến. Chứ chị nói vậy thì khán giả họ còn coi nghệ sĩ ra cái gì nữa. Đó là một sự thiếu tôn trọng nặng nề với khán giả và những người yêu mến, ngưỡng mộ từng cá nhân nói riêng và showbiz nói chung", thành viên Phạm Xuân Hùng bình luận.

    Một số người khác chia sẻ: "Ai cũng suy nghĩ như chị thì đồng nghĩa với việc đàn ông làm thế là đúng à. Nghệ sĩ mà suy nghĩ lệch lạc", "Nghệ sĩ mà cũng phát ngôn được câu đó", "Bênh vực cũng được nhưng đừng phân tích những thứ mình không hiểu biết"....

    Nhiều người cho rằng Kiều Thanh đang cổ xúy cho lối sống sai lệch, trong khi mang danh hiệu "nghệ sĩ ưu tú". Cách cô im lặng, âm thầm xóa bài viết càng không thể xoa dịu dư luận lúc này.

    Ngoài ra, một nữ diễn viên khác cũng gây khó hiểu khi liên tiếp chia sẻ vấn đề này trên trang cá nhân. Ngày 2/7, diễn viên Kim Oanh mở đầu bài viết bằng câu: "Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử".

    Ở phía dưới, chị trích dẫn một số đường link với nội dung khách du lịch bị tố tấn công tình dục tại Tây Ban Nha, rồi đi đến kết luận đảo Mallorca là "thiên đường cạm bẫy".

    "Nói chung đi chơi mà bị 'mời lên phường' thì đen rồi. Chết vì thiếu hiểu biết, chứ ngu gì mà hấp với chả diêm", diễn viên này viết thêm.

    Sau khi quan điểm này bị phản ứng mạnh, ngày 3/7, Kim Oanh tiếp tục đăng dòng trạng thái mới: "Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp của tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy".

    Phát ngôn lần thứ hai của Kim Oanh giống giọt nước tràn ly, khiến tranh cãi càng bùng lên. Nhiều người chất vấn phải chăng nghệ sĩ này đang thách thức dư luận khi thừa nhận "làm sai tôi cũng bênh". Ngay bên dưới bài đăng của Kim Oanh, có ý kiến cho rằng nghệ sĩ tồn tại với nghề là nhờ khán giả. Nghệ sĩ làm đúng, khán giả ủng hộ. Nếu nghệ sĩ làm sai, đương nhiên họ phải chấp nhận bị quay lưng, thậm chí tẩy chay.

    Mang danh nghệ sĩ, mỗi chia sẻ phải đi kèm trách nhiệm

    Liên quan đến sự việc nghệ sĩ phát ngôn đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ với Zing về vấn đề này.

    Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong Bộ quy tắc ứng xử (dành cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành vào cuối năm 2021, một số nội dung nêu rất rõ nghệ sĩ nên và không nên làm gì trên không gian mạng.

    Cụ thể, mục 1 và 2 của Điều 8 ghi rõ cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước, bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.

    Ngoài ra, cá nhân không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.

    Chiếu theo bộ quy tắc, ông Sơn cho rằng phát ngôn của Kiều Thanh và một số nghệ sĩ khác trong trường hợp này rõ ràng không phù hợp. Nhất là khi sự việc hai nghệ sĩ Việt bị cáo buộc tại Tây Ban Nha còn chưa được làm sáng tỏ.

    "Người của công chúng cần phải cẩn trọng, tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội. Có thể đó là quan điểm cá nhân của bạn nhưng đã mang danh nghệ sĩ, mỗi chia sẻ phải đi kèm với trách nhiệm, sự tôn trọng dành cho công chúng. Tôn trọng công chúng cũng là tôn trọng chính mình, tôn trọng hình ảnh bản thân. Đừng để phát ngôn trở nên phản cảm, sai lệch chỉ vì suy nghĩ chủ quan", ông chia sẻ.

    PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: "Đối với vụ việc hai nghệ sĩ Việt tại Tây Ban Nha gây ồn ào những ngày qua, có những người trong giới giải trí lên tiếng bảo vệ với lý do 'bạn bè, đồng nghiệp'. Đó là về góc độ tình cảm. Còn để nhìn nhận khách quan, khi sự đúng - sai chưa được phân định, nghệ sĩ nên thận trọng khi phát ngôn, chia sẻ. Trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội đa chiều, thiếu định hướng, việc nghệ sĩ ủng hộ việc làm sai lầm dễ khiến công chúng càng trở nên nhiễu tâm, không tập trung cho những thông tin đúng đắn, không giúp định hướng phát triển nhân cách, lối sống cho công chúng".

    Ông Sơn bày tỏ thêm rằng tại Việt Nam, nhiều người hoạt động lĩnh vực nghệ thuật nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm đạo đức của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân. Theo ông, việc giữ gìn hình ảnh chuẩn mực của người nghệ sĩ rất quan trọng bởi nó góp phần định hướng đạo đức trong xã hội, tác động đến số đông.

    "Sau nhiều vụ việc người nổi tiếng phát ngôn không phù hợp trên mạng, tôi nghĩ mỗi cá nhân nghệ sĩ nên tự rút ra bài học cho mình. Người nổi tiếng nói gì, làm gì, chia sẻ gì cũng nên dựa trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, hướng đến điều tốt đẹp của cuộc sống, truyền thông điệp tích cực cho cuộc sống", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

    Ông Bùi Hoài Sơn đồng thời nhấn mạnh bộ quy tắc ứng xử, dù không có chế tài đi kèm, song đây là cơ sở quan trọng để đánh giá nghệ sĩ.


    Nếu không làm được gì tốt, nên im lặng


    Theo chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa, vụ việc hai nghệ sĩ tại Tây Ban Nha chưa có kết luận cuối cùng. Do đó, người của công chúng nói gì vào thời điểm này cũng không phù hợp.

    "Hiện nay chưa có kết luận của cơ quan điều tra và danh tính của hai nghệ sĩ Việt bị dính vào nghi án cũng chưa được phía nước bạn cung cấp, nên bênh vực hay phê phán họ thì đều dở cả, vừa gây bất lợi cho họ lại gây phiền phức cho mình. Nghệ sĩ, người của công chúng phải là người đi đầu trong việc tuân thủ pháp luật, bài trừ cái xấu, sống chuẩn đạo lý nên cái gì không đúng không nên ủng hộ", vị này nói.

    Thực tế đã có nhiều trường hợp người nổi tiếng "nói hớ" trên mạng xã hội và thậm chí phải xin lỗi, gần nhất có thể kể đến sự vụ nghệ sĩ Đức Hải. Câu hỏi đặt ra là nghệ sĩ Việt thiếu cẩn trọng, hiểu biết chưa đầy đủ, ngông cuồng hay không tôn trọng công chúng.

    Lý giải điều này, chuyên gia Lương Trọng Nghĩa bày tỏ: "Không phải họ thiếu hiểu biết mà họ đang không ý thức được mình là người nổi tiếng, được hâm mộ. Và trách nhiệm của người nổi tiếng với cộng đồng, với xã hội thế nào họ cũng chưa ý thức được. Họ nghĩ nghệ sĩ cũng là người bình thường nên được yêu ghét, thích thì nói. Chính suy nghĩ này đã 'giết chết' nhiều tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí".

    "Nếu một cá nhân không làm được gì tốt cho xã hội, cho cộng đồng thì tôi nghĩ tốt nhất nên im lặng để cơ quan chức năng quyết định sự việc", ông Lương Trọng Nghĩa nói.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Vụ 2 ns VN bị bắt@Spain vì cáo buộc hiếp dâm

    by music123 » Thứ 3 Tháng 7 05, 2022 3:04 pm

    Bộ Văn hóa: Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh đã có luật sư, đang chờ gặp thẩm phán

    7/5/22

    Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Tạ Quang Đông cho biết đến thời điểm hiện tại, sự việc của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh vẫn là nghi vấn. Hiện hai người vẫn đang tại ngoại, chờ ngày ra tòa và đã có luật sư.

    Hình ảnh

    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Tạ Quang Đông - Ảnh: GIA HÂN

    Tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào sáng 5-7, phóng viên đã đặt một số câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch liên quan đến sự việc của hai nghệ sĩ Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.

    Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Tạ Quang Đông cho biết, sự việc liên quan đến nghệ sĩ Hồng Đăng, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vẫn đang là "nghi vấn".

    Ông nói, hiện nay chưa có thêm thông tin mới nhưng 2 người này vẫn tại ngoại, chưa có truy tố.

    "Đến sáng chủ nhật (3-7), hai anh vẫn tại ngoại, đang chờ gặp thẩm phán và đã có luật sư để xử lý các vấn đề pháp lý. Phía đại sứ quán đã cử người xuống tận nơi để giúp đỡ pháp lý" - ông Đông thông tin.

    Về ý kiến cho rằng, từ câu chuyện của Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh đi nước ngoài không xin phép cho thấy việc quản lý viên chức lỏng lẻo, ông Đông khẳng định ý kiến này không đúng.

    Ông nêu rõ, không chỉ viên chức của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch mà tất cả các bộ, ngành, cơ quan thì công chức, viên chức được quản lý theo luật. Đồng thời, quản lý việc đi nước ngoài đối với công chức, viên chức đều phải xin phép thủ trưởng đơn vị hoặc cơ quan chủ quản


    Đối với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã phân cấp và không có chuyện đặc thù theo kiểu nghệ sĩ được ưu tiên hơn hay có đặc quyền, đặc lợi. Tất cả được xử lý theo đúng luật.

    "Vì vậy, bất cứ ai phạm luật đều bị kỷ luật theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức đã ban hành," ông Đông nêu rõ.

    Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nêu quan điểm, dù là nghệ sĩ vẫn phải là công dân, tuân thủ đúng pháp luật của Nhà nước và người nổi tiếng càng phải giữ gìn hơn.

    "Chúng tôi đã quán triệt cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ thuộc quản lý là điều đầu tiên là công dân phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và đi ra nước ngoài phải tuân thủ pháp luật nước sở tại trong thời gian đi công tác hay được đi nghỉ.

    Tất cả những việc trái pháp luật Việt Nam, pháp luật các nước sở tại sẽ được xử lý theo quy định. Đối với hai trường hợp kia, hiện pháp luật nước sở tại Tây Ban Nha chưa có kết luận nên chúng tôi đang chờ kết luận để xử lý các bước tiếp theo", ông Đông thông tin thêm.

    THÀNH CHUNG
    Sửa lần cuối bởi 1 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Vụ 2 ns VN bị bắt@Spain vì cáo buộc hiếp dâm

    by music123 » Thứ 4 Tháng 7 06, 2022 3:03 am

    GS Tây Ban Nha: '2 nghệ sĩ Việt chỉ về nước nếu được xử trắng án'



    Phương LinhHải LinhChâu Nguyễn 7/6/22


    Chuyên gia Tây Ban Nha nhận định dựa vào thông tin hiện có, vụ việc của 2 nghệ sĩ Việt có thể "khá nặng" khi tội phạm tình dục ở nước này được coi là nghiêm trọng.

    Vụ 2 nghệ sĩ Việt Nam bị tố hiếp dâm một cô gái 17 tuổi tại Tây Ban Nha đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Đến nay, tòa án Tây Ban Nha chưa có phán quyết cuối cùng. Hai nghệ sĩ đang được tại ngoại nhưng bị thu giữ hộ chiếu.

    Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình điều tra và xét xử vụ việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Patricia Faraldo Cabana, giáo sư luật hình sự tại Đại học A Coruña, Tây Ban Nha. Bà cũng là người tham gia hỗ trợ soạn thảo “Only yes means yes” - dự luật mang tính bước ngoặt về sự đồng thuận trong bạo lực tình dục ở Tây Ban Nha đã được Hạ viện thông qua.

    Quy trình tố tụng và xét xử ở Tây Ban Nha

    - Sau khi nghi phạm bị bắt, thủ tục tiêu chuẩn cho một vụ án là gì?

    Thủ tục rút gọn ở Tây Ban Nha xét xử các tội danh có án phạt tù với thời hạn lên tới 9 năm. Thủ tục bắt đầu với đơn tố cáo do nạn nhân trình báo, nhưng cũng có thể với bản báo cáo của cảnh sát hoặc thẩm định của công tố viên.

    Các thông báo chính thức sẽ được gửi đến một địa chỉ ở Tây Ban Nha của bị đơn. Họ có quyền đại diện truy tố bởi luật sư riêng.

    Quá trình này có ba giai đoạn: Thẩm định, chuẩn bị phiên tòa xét xử trực tiếp bằng lời nói, phiên tòa xét xử trực tiếp bằng lời nói.

    Hai giai đoạn đầu tiên sẽ được tổ chức bởi Tòa Dự thẩm (Juzgado de Givingucción).

    Phiên tòa xét xử trực tiếp bằng lời nói sẽ diễn ra tại tòa án tương ứng về mặt pháp lý, tùy theo hành vi phạm tội. Những tội danh mà bản án quy định từ 5 năm tù trở xuống sẽ xét xử tại Tòa án hình sự địa phương (Juzgado de lo Penal). Những tội danh phạt tù 5-9 năm sẽ xét xử tại Tòa án cấp tỉnh (Audiencia Provincial).

    Tòa Dự thẩm phụ trách điều tra tội phạm, bối cảnh, hoàn cảnh, thủ phạm và bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến hành vi phạm tội. Công tố viên phải đảm bảo quyền của bị cáo được tôn trọng và quyền của nạn nhân được bảo vệ.

    Các bị cáo sẽ xuất hiện trong phiên xét xử trực tiếp với luật sư tại tòa. Nếu vắng mặt, phiên tòa sẽ tạm hoãn và tòa án sẽ ban hành lệnh khám xét. Bằng chứng các bên, đã được nguyên đơn và luật sư của bị đơn đệ trình trong các văn bản buộc tội tương ứng, sẽ được đề cập trong giai đoạn cuối.

    Quá trình xét xử sẽ hoàn tất khi tòa án đưa ra bản án. Bị cáo có thể kháng cáo. Nếu xét xử tại Tòa án hình sự địa phương thì kháng cáo lên Tòa án cấp tỉnh, còn nếu xét xử tại Tòa án cấp tỉnh thì kháng cáo lên Tòa án quốc gia.

    Thủ tục thông thường ở Tây Ban Nha khi xét xử các tội danh có án phạt tù có thời hạn trên 9 năm. Giống trong thủ tục tố tụng hình sự rút gọn, quá trình này cũng có ba giai đoạn.

    Giai đoạn điều tra gồm chuẩn bị xét xử và điều tra thêm để xác định chắc chắn có hành vi phạm tội và xác định trách nhiệm của những người bị buộc tội. Tòa Dự thẩm và Tòa án cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm quá trình này. Truy tố trong giai đoạn này được giữ kín với các bên thứ 3. Trách nhiệm dân sự của bị đơn cũng sẽ được xác định trong giai đoạn này.

    Giai đoạn thứ hai, chuẩn bị xét xử trực tiếp sẽ diễn ra tại Tòa án cấp tỉnh. Các thủ tục bổ sung sẽ được thực hiện, để xác nhận việc truy tố; hoặc ra lệnh nộp hồ sơ vụ án khi xác định chưa có hành vi phạm tội, hoặc bị đơn không thực hiện hành vi phạm tội đó.

    Trong quá trình xét xử trực tiếp, các bên có thể trình bày bằng văn bản về hành vi phạm tội, trách nhiệm của người bị buộc tội, chứng cứ và hình phạt. Bằng chứng của các bên sẽ được xem xét trong quá trình này.

    Trong giai đoạn này, các bên phải trình bày các bản khai cuối cùng bằng văn bản. Trước khi thẩm phán tuyên án, các bên có quyền đưa ra bản khai cuối cùng. Bản án mà thẩm phán quyết định có thể đem lên kháng cáo trước Tòa án Tối cao (Tribunal Supremo).

    Hình ảnh


    Bà Patricia Faraldo Cabana đã xuất bản mười cuốn sách, trong đó có một cuốn bằng tiếng Anh, về luật hình sự và cảnh sát hình sự. Ảnh: La Vozde Galicia.

    - Xét các tình tiết được đưa ra cho đến nay, trong đó có việc hai nghệ sĩ được tại ngoại, bà đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của trường hợp này nếu các bị cáo bị khởi tố?

    Tội phạm tình dục được coi là tội nghiêm trọng ở Tây Ban Nha. Khi được tại ngoại, thông thường, họ sẽ phải báo cáo thường xuyên với cảnh sát. Điều này tùy thuộc vào yêu cầu của tòa án.

    - Quá trình điều tra kéo dài bao lâu trước khi vụ án bị đưa ra xét xử?

    Tôi không thể đưa ra con số cụ thể vì thời gian điều tra phụ thuộc vào các tình tiết và bối cảnh vụ án, cũng như hồ sơ tồn đọng (nếu có) của tòa án. Trên thực tế, thường phải mất vài tháng, thậm chí vài năm trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

    Nếu một người bị buộc tội nhẹ, người đó có thể trải qua các thủ tục tố tụng nhanh (juicio rápido). Trong trường hợp đó, phiên điều trần có thể diễn ra vài ngày sau khi bị bắt.

    Trong trường hợp của hai nghệ sĩ Việt, đến thời điểm này, họ vẫn chưa được tố tụng nhanh. Điều đó có nghĩa trường hợp này khá nặng.

    Việc 2 nghệ sĩ này được tại ngoại có nghĩa thẩm phán thấy hai người không có dấu hiệu tái phạm, đi về nước hoặc gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng trong lúc được tại ngoại.


    "Họ chỉ có thể về nước khi được xử trắng án"


    - Thủ tục tố tụng hình sự đối với người nước ngoài có điểm gì khác so với người Tây Ban Nha?

    Người nước ngoài có tất cả quyền tố tụng của công dân Tây Ban Nha. Ngoài ra, họ có thêm một số quyền sau:

    - Quyền được thông báo cho bên thứ ba khi bị tước quyền tự do, được phép liên lạc với người thứ ba hoặc cơ quan lãnh sự khi bị tước quyền tự do (theo Điều 520.2.e và 520.3 của Luật Tố tụng hình sự Tây Ban Nha).

    Cụ thể, người bị nghi ngờ hoặc bị buộc tội có quyền thông báo cho một người thân (hoặc một người mà họ chỉ định) về tình hình của bản thân và nơi họ bị giam giữ hoặc tạm giữ.

    Họ cũng có thể gọi cho bên thứ ba với sự có mặt của cảnh sát hoặc cơ quan tương đương do thẩm phán chỉ định. Nếu là người nước ngoài, họ có quyền thông báo và liên lạc với cơ quan lãnh sự của nước mình.

    - Quyền sử dụng biên phiên dịch (Điều 123-127 Luật Tố tụng hình sự Tây Ban Nha): Khả năng tiếp cận với người biên dịch hoặc phiên dịch là một trong những đảm bảo cụ thể về quyền bào chữa.

    Quyền này được đảm bảo từ những giai đoạn đầu của cuộc điều tra, tại sở cảnh sát, từ cuộc thẩm vấn đầu tiên hoặc trong các cuộc trao đổi với luật sư. Quyền tiếp cận biên phiên dịch cũng được đảm bảo trong suốt quá trình tố tụng, bao gồm tất cả hoạt động điều tra và các phiên tòa trực tiếp.

    Đặc biệt, đối với việc dịch thuật, tất cả tài liệu “thiết yếu” để đảm bảo quyền bào chữa (trừ một số trường hợp ngoại lệ) phải được dự đoán trước và dịch trong khoảng thời gian hợp lý. Trong thời gian đó, thời hạn tố tụng sẽ bị đình chỉ.

    Chi phí dịch thuật cũng sẽ do các cơ quan hành chính quốc gia (Tây Ban Nha) chi trả bất kể kết quả của quá trình tố tụng.

    - Thủ tục tố tụng hình sự của Tây Ban Nha có bất lợi gì với người nước ngoài?

    Thủ tục tố tụng hình sự có một số bất lợi đối với người nước ngoài. Bất lợi chính là việc giam giữ trước khi xét xử thường được áp dụng đối với người nước ngoài hơn là đối với công dân trong nước. Nguyên nhân rất rõ ràng.

    Các căn cứ để yêu cầu giam giữ trước khi xét xử được liệt kê trong Điều 503(1)(3) của Luật Tố tụng hình sự Tây Ban Nha.

    Thứ nhất, có thể ra lệnh tạm giam trước khi xét xử để đảm bảo sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, nếu xét thấy người này có nguy cơ di chuyển sang nước khác.

    Việc rủi ro đó có hiện hữu hay không cần được xác định trên cơ sở: Bản chất của hành vi phạm tội, mức độ nghiêm trọng của bản án có thể áp dụng đối với người phạm tội, hoàn cảnh gia đình, tài chính, công việc của bị cáo, và thời điểm phiên tòa diễn ra.

    Người nước ngoài không có ràng buộc ở Tây Ban Nha tự động được coi là có nguy cơ bay sang nước khác.

    Thứ hai, yêu cầu giam giữ trước khi xét xử cũng có thể được đưa ra để tránh khả năng thay đổi, tiêu hủy hoặc che giấu bằng chứng liên quan đến vụ án (theo Điều 503 (1)(3)(b) của Luật Tố tụng hình sự Tây Ban Nha).

    Thứ ba, có thể yêu cầu tạm giam trước khi xét xử nhằm ngăn chặn bị cáo thực hiện hành vi chống lại lợi ích (hợp pháp) của nạn nhân.

    Cuối cùng, lệnh tạm giam trước khi xét xử có thể được áp dụng để tránh nguy cơ bị cáo phạm tội khác.

    - Theo bà, khi nào hai nghệ sĩ sẽ được phép về nước?

    Không có quy định chung về việc cho phép nghi phạm trở về nước, nhưng thông thường các điều kiện áp đặt đối với bị cáo khi tại ngoại trong thời gian chờ xét xử khiến họ không thể trở về.

    Chẳng hạn, họ phải giao nộp hộ chiếu, trình diện tại đồn cảnh sát hàng ngày hoặc hàng tuần, hay phải ở lại một thị trấn nhất định của Tây Ban Nha,...

    - Theo luật Tây Ban Nha, các nghi phạm bị dẫn độ về Việt Nam trong những trường hợp nào? Họ có khả năng xét xử ở Việt Nam không?

    Dẫn độ là thủ tục pháp lý đề cập đến việc chuyển giao một người bị buộc tội hoặc kết án phạm tội từ một quốc gia khác đến quốc gia đưa ra yêu cầu này, để họ có thể bị truy tố hoặc chấp hành bản án đã áp dụng.

    Trong trường hợp (của hai nghệ sĩ), các nghi phạm sẽ không bị dẫn độ về Việt Nam. Họ chỉ có thể về nước khi được xử trắng án. Trong quá trình xem xét, họ vẫn xem như người bản xứ, xử theo luật của địa phương.

    Nếu họ được phép quay trở lại đất nước hoặc trốn khỏi Tây Ban Nha trong khi chờ xét xử, họ có thể bị dẫn độ trở lại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, thủ tục dẫn độ khá phức tạp và khắt khe, liên quan đến cả chính phủ Tây Ban Nha, chính phủ Việt Nam và các tòa án liên quan, với nhiều yêu cầu. Nhiều quốc gia không dẫn độ công dân của họ.

    Hình ảnh

    Cảnh sát Tây Ban Nha có mặt ở hiện trường liên quan đến vụ 2 nghệ sĩ Việt Nam bị tố hiếp dâm. Ảnh: Majorca Daily Bulletin.

    Sự khác nhau giữa tấn công tình dục và lạm dụng tình dục

    - Luật pháp hiện hành của Tây Ban Nha định nghĩa như thế nào về hành vi bạo lực tình dục?

    Tội phạm tình dục, bao gồm cả hiếp dâm, được quy định theo Điều 178 của Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, trong đó phân biệt giữa “tấn công tình dục” và “lạm dụng tình dục”.

    Với tấn công tình dục, người đó có hành vi xúc phạm quyền tự do tình dục của người khác bằng cách sử dụng bạo lực hoặc đe dọa. Bạo lực và đe dọa coi là hành vi tương đương nhau vì cả hai đều chứa các yếu tố như ép buộc hoặc gây thương tích. Cần xác định rõ ràng những yếu tố này ảnh hưởng đến ý muốn của nạn nhân.

    Người phạm tội tấn công tình dục bị phạt tù 1-5 năm. Khi có hành vi tấn công tình dục - bao gồm hành vi giao cấu, đưa các bộ phận cơ thể và đồ vật qua bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng - người phạm tội sẽ bị kết tội hiếp dâm (tấn công tình dục nặng hơn), với mức án 6-12 năm, thậm chí kéo dài 12-15 năm trong trường hợp đặc biệt.

    Các trường hợp đặc biệt là:

    Khi có hành vi bạo lực hoặc đe dọa mang tính hạ thấp hoặc sỉ nhục rõ ràng;

    Khi hành vi được thực hiện bởi hai người trở lên;

    Khi nạn nhân đặc biệt dễ bị tổn thương do tuổi tác, bệnh tật, hoặc hoàn cảnh..., ngoại trừ những quy định tại Điều 183;

    Khi để thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội lợi dụng mối quan hệ cấp trên, họ hàng, do là con, cháu hoặc anh chị em ruột, con nuôi hoặc vợ chồng của nạn nhân;

    Khi thủ phạm sử dụng vũ khí hoặc các phương tiện nguy hiểm tương đương khác, dễ dẫn đến tử vong hoặc bất kỳ thương tích nào được nêu trong các Điều 149 và 150 của bộ luật này, mà không ảnh hưởng đến hình phạt tương ứng với cái chết hoặc thương tích gây ra.

    Bên cạnh tấn công tình dục, Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha có tội lạm dụng tình dục. Những ai không có hành vi bạo lực hoặc đe dọa, nhưng thực hiện các hành vi trái ý muốn, chống lại quyền tự do tình dục của người khác, sẽ bị kết tội lạm dụng tình dục với mức án phạt 1-3 năm, hoặc phạt tiền 18-24 tháng.

    Cần xem xét thêm hành vi lạm dụng tình dục không có đồng thuận thực hiện khi nạn nhân bất tỉnh hoặc bị rối loạn tâm thần, hoặc dùng chất gây nghiện, ma túy hoặc mọi chất tự nhiên hoặc hóa học nào khác để thực hiện các hành vi trái ý muốn của nạn nhân.

    Hình phạt tương tự cũng được áp dụng khi người phạm tội nhận được sự đồng ý khi lợi dụng ưu thế của bản thân để tước đoạt quyền tự do lựa chọn của nạn nhân.

    Cần chú ý rằng mọi trường hợp hành vi lạm dụng tình dục - có thêm hành vi giao cấu, đưa các bộ phận cơ thể và đồ vật qua âm vật, hậu môn, miệng - sẽ bị kết tội lạm dụng tình dục nghiêm trọng, với mức án tù 4-10 năm.

    Cùng với những điều khoản này, Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha cũng có một số điều khoản đặc biệt về lạm dụng tình dục, tấn công tình dục và các tội danh tình dục khác cho trẻ dưới 16 tuổi và 16-18 tuổi.

    - Sự khác biệt giữa hiếp dâm và tấn công tình dục là gì?

    Sự khác biệt giữa tấn công tình dục và lạm dụng tình dục tập trung vào yếu tố có sử dụng bạo lực hoặc đe dọa hay không.

    Về mặt pháp lý, Tây Ban Nha, cũng như các quốc gia thành viên EU khác, công nhận tấn công tình dục là hiếp dâm, hay còn gọi là hành vi tấn công tình dục nghiêm trọng, khi vụ việc có yếu tố quan hệ tình dục không mong muốn bằng miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục thông qua bạo lực hoặc đe dọa.

    Theo tình tiết được tiết lộ trong trường hợp của 2 nghệ sĩ Việt, tôi không thấy đề cập tới chi tiết bạo lực hoặc đe dọa nên có thể họ sẽ bị kết tội lạm dụng tình dục.

    Hình ảnh

    Thị trấn Andratx, phía tây nam đảo Mallorca, được cho là nơi hai nghệ sĩ gặp gỡ nạn nhân. Ảnh: Gites.

    - Tội danh tấn công tình dục một cô gái 17 tuổi và xâm phạm quyền riêng tư có nghiêm trọng đến mức bị phạt tù không?

    Có, tùy trường hợp có thể bị phạt tù tối đa 15 năm.

    - Sự việc có thể được dàn xếp ngoài tòa án bằng một thỏa thuận giữa hai bên không?

    Sự việc chỉ có thể được giải quyết ngoài tòa án nếu nạn nhân rút đơn khiếu nại, bỏ cáo trạng và công tố viên quyết định không theo đuổi vụ án.

    Công tố viên có thể quyết định tiếp tục vụ án nếu việc đó là vì lợi ích của cộng đồng. Chẳng hạn, nếu nghi phạm đang bị truy tố về một loạt tội danh chống lại người khác, họ có thể bị khởi tố vì lợi ích cộng đồng.

    Nếu không thuộc trường hợp này, luật sư bào chữa có thể đạt được thỏa thuận với công tố viên để có bản án nhẹ hơn. Trong những trường hợp như vậy, bị cáo xuất hiện tại tòa chỉ để thông qua lời nhận tội và bản án.

    Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng Luật Tố tụng hình sự Tây Ban Nha chỉ quy định ​​thương lượng khi mọi đồng phạm đều thừa nhận sự thật và nhận tội. Không thể tránh một phiên điều trần trực tiếp bằng lời nói nếu bất kỳ đồng phạm nào từ chối nhận tội.
    Thông tin liên quan đến nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng gây xôn xao những ngày qua. Sáng 5/7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết hai nghệ sĩ đã có luật sư và đang tại ngoại, chờ gặp thẩm phán tại Tây Ban Nha.
    Theo nguồn tin của chúng tôi, luật sư của Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh không phải là người Việt, mà là người nước ngoài có chứng chỉ hành nghề tại Tây Ban Nha.

    Trước đó, các tờ báo Anh và Tây Ban Nha đưa tin cô gái 17 tuổi người Anh tố cáo 2 người đàn ông được giới thiệu là "diễn viên và nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam" cưỡng hiếp nạn nhân tại khách sạn trên đảo Mallorca.

    Bộ Ngoại giao cho biết hai công dân Việt Nam bị nhà chức trách Tây Ban Nha bắt với cáo buộc “xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi” và “xâm phạm quyền riêng tư”. Vụ bắt giữ xảy ra vào ngày 25/6, theo thông tin Bộ Ngoại giao cung cấp ngày 1/7 dựa trên báo cáo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha.

    Hiện 2 công dân đã được tại ngoại và trong quá trình chờ cơ quan chức năng Tây Ban Nha xử lý.

    Ngay sau khi nhận tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã triển khai bước đầu các biện pháp bảo hộ công dân, làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, đề nghị phía Tây Ban Nha đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam cũng như kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình xử lý cho Đại sứ quán.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 44 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 125 khách