Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
‘Người Yêu Của Lính,’ nhạc tình mùa chinh chiến củaTTT
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49319
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ‘Người Yêu Của Lính,’ nhạc tình mùa chinh chiến củaTTT

    by music123 » Thứ 7 Tháng 8 06, 2022 7:25 pm

    ‘Người Yêu Của Lính,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trần Thiện Thanh

    August 6, 2022


    SANTA ANA, California (NV) – Cũng như những bản “nhạc lính” khác của Trần Thiện Thanh, bài hát “Người Yêu Của Lính” vừa ra đời (vào năm 1965) là đã nổi tiếng ngay và được ưa chuộng từ chốn học đường yên ả cho tới nơi chiến trường vang rền tiếng súng.

    Hình ảnh

    Nhạc phẩm “Người Yêu Của Lính” của Anh Chương – CH. (Hình: Tài liệu)

    “Người Yêu Của Lính” là một nhạc phẩm viết về tình cảm thương yêu thắm thiết giữa những người trai lính chiến và các nữ sinh ở hậu phương, đặc biệt là các cô học trò của hai trường nữ trung học Gia Long và Trưng Vương tại thủ đô Sài Gòn thời Chiến Tranh Việt Nam.

    “Nếu em không là người yêu của lính/ Em sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh/ Em sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng/ Và giữa chốn muôn trùng/ Ai viết tên em lên tay súng.”



    Nếu không là người tình của các anh chiến sĩ Cộng Hòa thì những người em gái hậu phương chẳng có gì để nhớ nhung, tiếc nuối trong những ngày Chủ Nhật đẹp trời ngày xưa cùng nhau sánh vai dạo phố. Trong khi đó, từ chốn xa xăm bạt ngàn gió lạnh, lại có kẻ thơ thẩn lấy bút ra mà viết tên của người mình yêu lên cây súng cho thỏa lòng mong nhớ thuở lâm hành oanh chưa bén liễu, hẹn ngày về ước nẻo quyên ca.

    “Nếu em không là người yêu của lính/ Ai thương nhớ em chiều dừng hành quân/ Ai khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần/ Để thấy cánh sao gần/ Không dịu bằng hồ mắt giai nhân.”



    Và nếu không là người yêu của lính thì sẽ chẳng có người nào đó đang thương nhớ đến em, để rồi lại khe khẽ cất tiếng gọi tên em lúc dừng bước quân hành, cũng chỉ vì đôi mắt em còn dịu dàng và lóng lánh hơn cả ánh sao trời đó thôi.

    “Hỡi người em gái anh thương ơi/ Hỡi người em chốn xa xôi/ Ước mơ chưa thành đôi/ Biết em không buồn vì người em yêu là lính chiến/ Cớ sao lòng anh vẫn nhiều lo âu sợ má em phai màu.”



    Hỡi người em thương mến ở nơi chốn xa, với ước vọng lứa đôi chưa có điều kiện thực hiện! Dẫu biết cho rằng em chẳng hề hối tiếc gì khi đã yêu một người lính chiến, anh vẫn cảm thấy lo lắng vẩn vơ làm sao ấy, lo rằng ngày tháng đợi chờ sẽ làm nhạt phai đi màu má hây hây của em chăng.

    “Hỡi người em gái Gia Long ơi/ Hỡi người em gái xa xôi/ Áo trinh thơm mùi giấy/ Biết em không buồn vì người em yêu là lính chiến/ Cớ sao lòng anh vẫn nhiều lo âu sợ má em phai màu.”

    Ôi, người tình nữ sinh Gia Long với chiếc áo trinh nguyên thơm mùi giấy học trò từ chốn xa xăm biền biệt kia của anh! Dẫu biết cho rằng em chẳng hề hối tiếc gì khi đã yêu một người lính chiến, anh vẫn cảm thấy lo lắng vẩn vơ làm sao ấy, lo rằng thời gian chờ đợi sẽ làm nhạt phai đi màu má hây hây của em chăng.

    “Hỡi người trai lính em yêu ơi/ Hỡi người anh chốn xa xôi/ Áo xanh pha màu lá/ Có khi em ngỡ rằng mình quen nhau từ kiếp trước/ Đến bây giờ mơ ước thành duyên tơ để má em thêm hồng.”



    Ôi, người trai lính chiến mến yêu với màu áo trận xanh như màu lá rừng, người chiến sĩ của lòng em! Phải chăng đôi ta đã quen biết nhau trong tiền kiếp, để rồi đến kiếp này lại mong được cùng nhau xe duyên cho đẹp tình đôi lứa, và để cho đôi má hồng hồng của em càng thêm sắc hương?

    “Nếu em không là người yêu của lính/ Ai đem cánh hoa rừng về tặng em/ Ai băng gió sương cho em đợi chờ/ Và những lúc anh về/ Ai kể chuyện đời lính em nghe.”

    Và nếu em chẳng phải là người tình trăm năm của anh lính trận ngoài biên thì sẽ chẳng có ai lặn lội đi hái trộm hoa rừng về trao một người ngày xưa anh đã hứa, và cũng chẳng có ai phải băng mình vào sương gió để sống trọn kiếp trai hùng, và để cho em phải đơi, phải chờ! Rồi đến ngày anh được về phép, nếu em chẳng có anh thì đâu còn ai, còn ai nữa trên cõi đời này, trên cõi đời này, có thể kể lại chuyện buồn, vui đời lính cho em nghe?

    ***

    “Người Yêu Của Lính” do chính nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác nhưng lấy bút danh là Anh Chương và mượn tựa đề từ tiểu thuyết “Người Yêu Của Lính” (xuất bản năm 1965) của Văn Quang, một nhà văn quân đội tại miền Nam Việt Nam.

    Với điệu slow rock du dương, cộng với lời ca chải chuốt, tình tứ và thiết tha, “Người Yêu Của Lính” là một trong những bản “nhạc lính” hát mãi không thấy chán. Vì cả lời ca lẫn nhạc điệu đều tuyệt vời, các ca sĩ trình bày nhạc phẩm này thường tùy hứng thay đổi thứ tự các phiên khúc và điệp khúc, hoặc thêm thắt vào lời ca gốc trong bản nhạc bằng những từ ngữ nào hay ho và thích hợp với môi trường sinh hoạt của mình, chẳng hạn như từ “Hỡi người em gái Gia Long ơi” chuyển thành “Hỡi người em gái Trưng Vương ơi,” thật trơn tru, êm ái và tài tình.



    Nếu gọi “Người Yêu Của Lính” là một bản nhạc tình tha thiết của “anh tiền tuyến, em hậu phương” thì đúng rồi. Nhưng nếu coi “Người Yêu Của Lính” là một sản phẩm văn nghệ mang tính tâm lý chiến sâu sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì cũng đúng luôn.

    Phải biết rằng chế độ cộng hòa tại Miền Nam Tự Do thời chiến tranh trong thế kỷ trước là một chế độ có tính nhân bản và đầy tình người chứ không phải là một chế độ độc tài, đảng trị, nơi tình cảm riêng tư của người dân, trong đó có tình yêu trai gái, không được coi trọng bằng lý tưởng đấu tranh giai cấp, với mục tiêu tối hậu là “giành lấy chính quyền về tay nhân dân.” Để thực hiện lý tưởng này, tất cả mọi thành phần trong xã hội phải dẹp bỏ hết mọi ước mơ riêng để phục vụ cho mục tiêu chung, đó là tiêu diệt chế độ tự do, dân chủ của miền Nam nhằm giành lấy quyền cai trị đất nước vào tay đảng Cộng Sản Việt Nam bằng mọi giá.

    Với nguyên tắc chỉ đạo đó, nền văn hóa và văn nghệ tại miền Bắc Cộng Sản chỉ tập trung ca ngợi đảng Cộng Sản chứ ít khi đề cao tình cảm riêng tư của con người, trong đó có tình yêu trai gái, mặc dù, thỉnh thoảng, các “chiến sĩ gái” từ Trường Sơn Đông heo hút vẫn có quyền nhớ về các anh bộ đội đang gian khổ ở Trường Sơn Tây, như được diễn tả trong một bản tình ca thời chiến của miền Bắc Cộng Sản.

    Tại Miền Nam Tự Do, thay vì dùng tư tưởng chính trị và kỷ luật sắt thép mà “động viên” tình thần chiến đấu của các chiến binh thuộc phái nam và phái nữ như ở miền Bắc, ngành chiến tranh tâm lý tại miền Nam lại cỗ võ cho tình yêu đôi lứa giữa người trai nơi chiến tuyến và người em gái chốn quê nhà. Trong ý hướng đó, văn thơ và ca nhạc tại miền Nam thường đề cao các anh chiến sĩ Cộng Hòa là những người hùng bảo vệ quê hương, những chàng trai thế hệ bằng lòng hy sinh hạnh phúc riêng tư và ngay cả mạng sống của mình để chiến đấu chống quân xâm lược và giữ gìn cuộc sống yên lành cho người dân, trong đó luôn có những người em gái hậu phương đáng mến, đáng yêu. Các chàng trai lính chiến tự nhiên cảm thấy mình đang được trao cho sứ mạng bảo vệ hạnh phúc của những người yêu bé nhỏ nơi chốn xa trong lúc cầm súng bảo vệ quê hương ngoài chiến tuyến: “Anh, nếu thương cho một đời hoa, thì xin giữ yên quê nhà.” (“Cánh Hoa Thời Loạn” – Y Vân)



    Đáp lại, những người em gái hậu phương thường hãnh diện được trở thành những “người yêu của lính.” Không bị bắt buộc phải cầm súng lên đường đi chiến đấu tại các chiến trường xa xôi cùng với các anh bộ đội của miền Bắc, nữ giới tại miền Nam được khuyến khích tham gia các hoạt động yểm trợ cho những người trai tiền tuyến bằng những cuộc viếng thăm nơi đồn vắng chiều Xuân, viết thư khích lệ các anh chiến sĩ, ca hát giúp vui cho các đơn vị chiến đấu, thăm viếng và ủy lạo các thương bệnh binh, và thêu khăn tay hoặc đan áo ấm gởi tặng các anh chiến sĩ ngoài chiến trường: “Có người con gái Đông về đan áo ấm ra sa trường.” (“Chuyện Người Đan Áo” – Trường Sa)

    Trong số các lý do dẫn đến sự sụp đổ của Miền Nam Tự Do trước cuộc tổng tấn công sau cùng của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt, có người cho rằng đó là vì các sách lược tâm lý chiến – tức chiến tranh chính trị – của Việt Nam Cộng Hòa yếu kém so với các hoạt động tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt.

    Sự thật thì đường lối tâm lý chiến hoặc chiến tranh chính trị của Miền Nam Tự Do chẳng những không yếu kém mà lại còn rất hữu hiệu nữa, với hai kết quả cụ thể: một là hàng ngàn cán binh Bắc Việt đã từ bỏ hàng ngũ Cộng Sản mà trở về với chính nghĩa Quốc Gia (qua chương trình Chiêu Hồi do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và Bộ Thông Tin cũng như Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian chiến tranh), và hai là hàng triệu người dân Việt Nam đã rùng rùng bỏ nước ra đi để lánh nạn sau khi quân Cộng Sản Bắc Việt chiếm lấy Miền Nam Tự Do hồi năm 1975.

    Kết quả, tuy muộn màng, này cho thấy đường lối tâm lý chiến của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất hữu hiệu và thành công, chứ không phải là không có tác dụng gì về mặt ý thức hệ như người ta vẫn tưởng. Cái thất bại của miền Nam Việt Nam chủ yếu là về mặt quân sự, sau khi bị Đồng Minh Hoa Kỳ bỏ rơi và cắt hết mọi nguồn viện trợ, trong khi Cộng Sản Bắc Việt vẫn được Cộng Sản Quốc Tế chi viện cả người lẫn của để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam cho đến ngày chiến thắng.

    Hình ảnh

    Ca sĩ Mỹ Lan trong một đêm nhạc tưởng nhớ cố ca nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh. (Hình: Mỹ Lan cung cấp)


    Có điều, những lý luận dùng trong cuộc chiến tranh tư tưởng của Miền Nam Tự Do đều dựa trên sự thật, và các sách lược tâm lý chiến đều trông chờ vào ý thức tự giác của quần chúng để thực thi chứ không hề cưỡng bách họ phải nghe theo luận điệu của nhà cầm quyền như phía Cộng Sản đã làm, trong đó có biện pháp hăm dọa và trừng phạt các đối tượng nào không tuân theo những lời tuyên truyền của chính quyền. Điều chính yếu vẫn là không hề có tính dối gạt và “sắt máu” trong đường lối tâm lý chiến của phía Việt Nam Cộng Hòa so với cách thức tuyên truyền của phe Cộng Sản. Ngôn ngữ tuyên truyền của Cộng Sản, nhờ có phần xảo trá trong đó, rất dễ mê hoặc con người, và chỉ sau khi đã nằm dưới ách cai trị của những người Cộng Sản thì người dân hoặc cộng đồng nhân loại mới có thể thấu hiểu được chủ nghĩa Cộng Sản tác hại như thế nào và đến đâu. Vào lúc đó, mọi sự đều trở nên quá muộn rồi, và việc đảo ngược tình thế là điều cực kỳ khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.

    Trong tinh thần đó, ca khúc “Người Yêu Của Lính” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã thực hiện thành công cùng một lúc hai vai trò. Thứ nhất, là vai trò của một bản nhạc tình diễm lệ, và thứ hai, là vai trò của một bài ca tâm lý chiến đầy sức thuyết phục, với những lời ca, ý nhạc vừa trữ tình và bay bướm mà cũng vừa chan chứa tình cảm yêu thương giữa những người “anh tiền tuyến” và các cô “em hậu phương:” “Nếu em không là người yêu của lính/ Em sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh;” “Nếu em không là người yêu của lính/ Ai thương nhớ em chiều dừng hành quân;” “Biết em không buồn vì người em yêu là lính chiến/ Cớ sao lòng anh vẫn nhiều lo âu sợ má em phai màu;” “Ai băng gió sương cho em đợi chờ/ Và những lúc anh về/ Ai kể chuyện đời lính em nghe”… (Vann Phan) [qd]




    Nhạc phẩm “Người Yêu Của Lính” của Anh Chương – CH

    Nếu em không là người yêu của lính
    Em sẽ nhớ ai Chủ Nhật trời xinh
    Em sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng
    Và giữa chốn muôn trùng
    Ai viết tên em lên tay súng

    Nếu em không là người yêu của lính
    Ai thương nhớ em chiều dừng hành quân
    Ai khẽ nhắc tên em muôn nghìn lần
    Để thấy cánh sao gần
    Không dịu bằng hồ mắt giai nhân



    Đ.K. 1:
    Hỡi người em gái anh thương ơi
    Hỡi người em chốn xa xôi
    Ước mơ chưa thành đôi
    Biết em không buồn vì người em yêu là lính chiến
    Cớ sao lòng anh vẫn nhiều lo âu sợ má em phai màu

    ĐK. 2
    Hỡi người em gái Gia Long ơi
    Hỡi người em gái xa xôi
    Áo trinh thơm mùi giấy
    Biết em không buồn vì người em yêu là lính chiến
    Cớ sao lòng anh vẫn nhiều lo âu sợ má em phai màu

    Đ.K. 3
    Hỡi người trai lính em yêu ơi
    Hỡi người anh chốn xa xôi
    Áo xanh pha màu lá
    Có khi em ngỡ rằng mình quen nhau từ kiếp trước
    Đến bây giờ mơ ước thành duyên tơ để má em thêm hồng

    Nếu em không là người yêu của lính
    Ai đem cánh hoa rừng về tặng em
    Ai băng gió sương cho em đợi chờ
    Và những lúc anh về
    Ai kể chuyện đời lính em nghe.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot], music123 và 114 khách