Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Phụ nữ Iran cần giấy chứng nhận còn trinh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49310
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Phụ nữ Iran cần giấy chứng nhận còn trinh

    by music123 » Thứ 7 Tháng 8 13, 2022 10:59 am

    Phụ nữ Iran cần giấy chứng nhận còn trinh


    8/13/22
    Firouzeh Akbarian & Sofia Bettiza

    BBC World Service


    Hình ảnh

    Ở Iran, trinh tiết trước hôn nhân là vô cùng quan trọng với nhiều cô gái và gia đình họ. Đôi khi đàn ông còn yêu cầu giấy chứng nhận còn trinh—một thông lệ bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là đi ngược lại nhân quyền. Tuy nhiên trong năm qua, ngày càng có nhiều người tham gia vận động chống lại điều này.

    “Cô lừa tôi cưới cô vì cô không còn trinh. Sẽ chẳng ai muốn lấy cô nếu biết sự thật.”


    Đây là câu chồng nói với Maryam sau lần quan hệ tình dục đầu tiên.

    Cô cố trấn an chồng rằng mình chưa từng có quan hệ nam nữ, dù không chảy máu. Nhưng chồng cô không tin và yêu cầu giấy chứng nhận còn trinh.

    Ở Iran, đây không phải là chuyện hiếm. Sau khi đính hôn, nhiều phụ nữ đi bác sĩ và làm xét nghiệm chứng minh họ chưa từng có quan hệ tình dục.

    Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, xét nghiệm trinh tiết không có giá trị khoa học.

    Giấy chứng nhận cho biết Maryam có màng trinh “co giãn”, có nghĩa là có thể không chảy máu sau tình dục thâm nhập.

    “Chuyện này làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Tôi chẳng làm gì sai nhưng cứ bị chồng xúc phạm”, cô nói. “Tôi không chịu đựng được nữa nên uống vài viên để tự sát.”

    Cô được đưa đến bệnh viện kịp thời và được cứu sống.

    “Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày đen tối đó. Trong thời gian đó tôi sụt 20kg.”

    Ngày càng nhiều lời kêu gọi bỏ thông lệ này



    Câu chuyện của Maryam là thực tế của nhiều phụ nữ Iran. Còn trinh trước hôn nhân vẫn là điều tối quan trọng với nhiều cô gái và gia đình họ, bắt nguồn sâu xa từ chủ nghĩa bảo thủ về văn hóa.

    Tuy nhiên gần đây, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Phụ nữ và nam giới khắp nước này đã vận động kêu gọi chấm dứt kiểm tra trinh tiết.

    Tháng 11 năm ngoái, một kiến nghị trên mạng nhận được 25.000 chữ ký trong vòng một tháng. Đây là lần đầu tiên chuyện kiểm tra trinh tiết bị nhiều người thách thức công khai ở Iran.


    Hình ảnh

    Neda nói “Đây là vi phạm quyền riêng tư, và làm người ta thấy nhục nhã.”

    Năm 17 tuổi, khi đang đi học ở Tehran, cô mất trinh với bạn trai.

    “Tôi phát hoảng. Tôi rất sợ chuyện gì sẽ xảy ra nếu gia đình phát hiện.”

    Vì vậy cô quyết định vá màng trinh.

    Trên thực tế, vá màng trinh không bất hợp pháp—nhưng nó có hệ lụy nguy hiểm, nên không bệnh viện nào cũng đồng ý thực hiện.

    Bởi vậy Neda phải tìm đến một phòng khám tư nhân sẵn sàng làm bí mật—với giá đắt.

    “Tôi tiêu hết tiền tiết kiệm. Tôi bán máy tính xách tay, điện thoại di động, và trang sức bằng vàng của mình”, cô nói.

    Cô phải ký một văn bản chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp sự cố xảy ra.

    Một nữ hộ sinh sau đó tiến hành thủ tục, mất khoảng 40 phút.

    Nhưng Neda phải mất vài tuần mới hồi phục.

    Cô nhớ lại “Tôi rất đau đớn. Tôi không thể cử động chân mình.”

    Cô phải giấu hết tất cả với cha mẹ.

    “Tôi cảm thấy rất cô đơn. Nhưng nỗi sợ bị phát hiện giúp tôi cắn răng chịu đau.”

    Nhưng cuối cùng những đau đớn Neda trải qua là hoàn toàn uổng phí.

    Một năm sau, cô gặp một người muốn kết hôn với mình. Nhưng khi họ có quan hệ tình dục, cô không chảy máu. Phẫu thuật vá màng trinh không thành công.

    “Bạn trai buộc tội tôi lừa kết hôn. Anh ấy gọi tôi là kẻ dối trá và bỏ tôi.”

    Áp lực gia đình


    Bất chấp việc WHO lên án xét nghiệm trinh tiết là vô đạo đức và thiếu khoa học, điều này vẫn xảy ra ở một số quốc gia, bao gồm Indonesia, Iraq, và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Tổ chức Y tế Iran khẳng định họ chỉ xét nghiệm trinh tiết trong một số trường hợp cụ thể--chẳng hạn như kiện tụng hoặc cáo buộc hiếp dâm.

    Tuy nhiên, phần lớn các yêu cầu xác nhận trinh tiết vẫn đến từ các cặp đôi đang có ý định kết hôn. Vì vậy họ tìm đến các phòng khám tư nhân—thường có mẹ đi cùng.

    Một bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh sẽ kiểm tra rồi làm giấy chứng nhận. Trong đó có tên đầy đủ người phụ nữ, tên cha, số căn cước, và đôi khi có hình người phụ nữ. Tờ chứng nhận mô tả tình trạng màng trinh, kèm với dòng chữ “Cô gái này có vẻ là trinh nữ”.

    Trong những gia đình bảo thủ hơn, tờ chứng nhận sẽ có chữ ký của hai nhân chứng—thường là các bà mẹ.

    Bác sĩ Fariba đã cấp giấy chứng nhận nhiều năm nay. Bà thừa nhận đây là một thủ tục gây hổ thẹn, nhưng tin rằng mình đang giúp đỡ nhiều phụ nữ.

    “Họ chịu áp lực như vậy từ gia đình. Đôi khi tôi nói dối cho một cặp nào đó. Nếu họ ngủ với nhau và muốn kết hôn, tôi sẽ nói trước mặt hai gia đình là người phụ nữ vẫn còn trinh.”

    Nhưng với nhiều đàn ông, cưới một phụ nữ còn trinh vẫn là nguyên tắc.


    Hình ảnh

    Ali, một thợ điện 34 tuổi từ Shiraz, nói “Nếu một phụ nữ mất trinh trước hôn nhân, cô ta không thể tin cậy, có thể bỏ chồng theo người khác.”

    Ali nói mình đã có quan hệ tình dục với 10 phụ nữ. “Tôi không cưỡng lại được.” Anh thừa nhận xã hội Iran có tiêu chuẩn kép, nhưng nói rằng không thấy lý do gì để thoát khỏi truyền thống.

    “Chuẩn mực xã hội chấp nhận là đàn ông được nhiều tự do hơn phụ nữ.” Cách nhìn của Ali cũng giống nhiều người khác, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và bảo thủ ở Iran.

    Mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối kiểm tra trinh tiết, quan niệm này đã ăn sâu vào văn hóa Iran nên nhiều người tin rằng sẽ không sớm có lệnh cấm từ chính phủ và các nhà lập pháp.



    Hy vọng cho tương lai

    Bốn năm sau khi tìm cách tự kết liễu cuộc đời và phải chung sống với một người chồng bạo hành, Maryam cuối cùng cũng được tòa án thông qua ly dị.

    Cô trở thành độc thân vài tuần trước.

    “Sẽ rất khó để tin đàn ông được nữa”, cô nói. “Tôi không thấy mình kết hôn lại trong tương lai gần.”

    Cùng với hàng ngàn phụ nữ khác, cô cũng ký một trong những đơn kiến nghị xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng kêu gọi chấm dứt chứng nhận trinh tiết.

    Dù không có hy vọng có thay đổi sớm, thậm chí thay đổi khi mình còn sống, cô vẫn tin ngày nào đó phụ nữ sẽ được bình đẳng hơn trên đất nước mình.

    “Tôi tin chắc ngày nào đó chuyện đó sẽ xảy ra. Hy vọng trong tương lai không cô gái nào phải trải qua những chuyện tôi đã trải qua.”

    Tất cả người được phỏng vấn đều đã được đổi tên để bảo vệ danh tính.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot], music123 và 113 khách