Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chiến tranh Ukraine đã vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới như thế nào?
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Chiến tranh Ukraine đã vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới như thế nào?

    by music123 » Thứ 6 Tháng 9 23, 2022 4:49 am

    Chiến tranh Ukraine đã vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới như thế nào?

    Lam Giang • 23/09/22

    Hình ảnh

    Một tòa nhà bị phá hủy sau trận pháo kích ở trung tâm Kharkiv, Ukraine, vào ngày 18/9/2022. (Ảnh: Sergei Chuzavkov/AFP/Getty Images)


    Cuộc chiến Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ tám. Đến nay, các tiến triển của nó đã vượt xa khỏi các dự đoán ban đầu về một chiến thắng chớp nhoáng của Nga. Tất cả các dấu hiệu đều dẫn đến một viễn cảnh về một cuộc chiến tiêu hao đầy thương vong và chưa có hồi kết. Xung đột Ukraine về cơ bản đã vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới.

    Giao tranh tính đến nay

    Bất chấp những bước tiến đáng kể của Nga ở phía đông và phía nam trong việc chiếm được khoảng 20% diện tích lãnh thổ ​​Ukraine, cuộc xâm lược của Nga về cơ bản đã thất bại.


    Các lực lượng quân sự Ukraine đã ngăn chặn các nỗ lực của Nga nhằm bao vây thủ đô Kyiv và cuối cùng buộc họ phải rút quân khỏi miền tây Ukraine. Quan trọng hơn nữa, Nga đã thất bại trong việc giành quyền kiểm soát trên không, phá hủy hệ thống thông tin liên lạc, cũng như phá hủy khả năng chỉ huy và kiểm soát của quân đội Ukraine.

    Về phía Kyiv, nhờ được trang bị nguồn cung cấp vũ khí tinh vi ngày càng tăng của Mỹ và gần một thập kỷ huấn luyện quân sự của phương Tây, các lực lượng quân sự Ukraine đã thành công ngăn cản bước tiến của Nga, gây ra những tổn thất to lớn về nhân lực và vật lực cho Moscow.

    Hình ảnh

    Các quân nhân của lực lượng quân sự Ukraine di chuyển tên lửa FIM-92 Stinger do Mỹ sản xuất và các hỗ trợ quân sự khác được vận chuyển từ Lithuania đến Sân bay Boryspil ở Kyiv, Ukraine, hôm 13/2/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)


    Hai tuần trước, Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công bất ngờ nhằm nhanh chóng tái chiếm vài nghìn dặm vuông lãnh thổ trước đây do Nga chiếm đóng, bao gồm cả các trung tâm hậu cần quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Điện Kremlin.

    Những nỗ lực hòa giải đã không thành công. Chính quyền Ukraine đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ngoài việc việc Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine vào năm 2022, cũng như phần lãnh thổ Nga chiếm đóng hồi 2014.

    Đáp lại, Điện Kremlin tỏ ra không mấy quan tâm đến một thỏa thuận thương lượng, trong đó yêu cầu họ từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào đã chiếm được, đặc biệt nếu lãnh thổ đó bao gồm các khu vực như Crimea.

    Kyiv sẽ chiến đấu, miễn là Hoa Kỳ và các đồng minh NATO tiếp tục cung cấp viện trợ và chừng nào quân đội Nga còn chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.

    Về phần mình, chính quyền ông Biden tỏ ra mâu thuẫn về việc liệu Washington có hỗ trợ các mục tiêu xa như vậy hay không. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Liz Truss mới đây đã tuyên bố rằng, bà tin tưởng NATO nên tiếp tục hỗ trợ các lực lượng quân sự Ukraine cho đến khi toàn bộ lực lượng Nga bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước này.

    Có bốn hậu quả địa chính trị tức thì trong cuộc chiến Ukraine:

    Mối quan hệ của Nga với Liên minh châu Âu (EU)

    NATO và sự suy giảm sức mạnh quân sự của Nga

    Quan hệ của Moscow với Bắc Kinh

    Phản ứng của phương Tây đối với quan điểm chiến lược của Trung Quốc.

    Mối quan hệ của Nga và EU

    Mối quan hệ của Nga với EU đã bị phá vỡ và không thể phục hồi. Ít nhất sẽ mất khoảng một thế hệ trước khi các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu tin tưởng vào việc cung cấp năng lượng cho Điện Kremlin. Bất kể kết quả của cuộc chiến Ukraine như thế nào, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã nhận ra rằng, việc phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga tương đương với hành động tự sát về chính trị và kinh tế.

    EU sẽ phải đối mặt với khó khăn từ hai đến ba năm tới trong việc cắt giảm năng lượng từ Nga. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như tỏ ra cam kết rất mạnh mẽ đối với việc này.

    Vẫn còn có những nguồn cung khác đối với than và dầu, mặc dù giá cả sẽ đắt hơn trước đây và có thể tiếp tục tăng trong vài năm tới.

    Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thì khó kiếm hơn. Theo thời gian, lượng LNG xuất khẩu từ Hoa Kỳ, Úc và Vùng Vịnh, có thể thông qua các đường ống mới để chuyển đến Bắc Phi và Địa Trung Hải, dần dần sẽ thay thế khí đốt của Nga. LNG cần có đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể cả ở các điểm xuất khẩu và nhập khẩu. Tất cả những điều này đều có thể làm được, nhưng sẽ cần có thời gian và vốn.

    Trong khi đó, EU sẽ nhấn mạnh việc bảo tồn và quay trở lại năng lượng hạt nhân và sản xuất nhiệt điện than để lấp đầy khoảng trống năng lượng. Những quốc gia có nguồn tài nguyên khí đốt chưa được khai thác, đặc biệt là dầu đá phiến (shale gas) ở Vương quốc Anh, Đức, Ba Lan và Romania, sẽ được ưu tiên phát triển. Việc bãi bỏ các quy định về công nghệ khai thác dầu bằng thủy lực cắt phá (anti-fracking) ở nhiều nước EU, đặc biệt là Đức và Pháp, là điều không thể tránh khỏi.

    Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu sẽ có kế hoạch bảo vệ công dân của họ khỏi chi phí năng lượng tăng vọt bằng cách giới hạn chi phí tiêu dùng và trợ cấp cho các công ty điện. Bằng không, họ sẽ phải đối mặt với những tổn thất khó vãn hồi trong quá trình vận hành. Đó là cách duy nhất để tầng lớp chính trị của châu Âu tồn tại trước sự giận dữ của cử tri.

    Những khoản trợ cấp này sẽ rất tốn kém và có nguy cơ gây ra thâm hụt lớn cho chính phủ. EU sẽ bù đắp một số chi phí đó bằng cách áp thuế lợi nhuận siêu ngạch (excess profit taxes) đối với các nhà sản xuất năng lượng và quốc hữu hóa các tài sản năng lượng của Nga ở châu Âu. Berlin đã công bố quốc hữu hóa các nhà máy lọc dầu của Rosneft ở Đức. Các cổ phiếu quan trọng của Gazprom ở châu Âu cũng sẽ bị thu giữ.


    Khí đốt của Nga không chỉ là nguyên liệu chính trong việc sản xuất điện và sưởi ấm của châu Âu. Đây cũng là nguyên liệu thô sơ cấp, là nền tảng của các ngành công nghiệp cốt lõi, từ phân bón đến hóa dầu cũng như hàng ngàn loại mặt hàng thứ cấp khác.

    Chi phí nguyên liệu và năng lượng tăng vọt sẽ làm tê liệt các phân khúc lớn của cơ sở công nghiệp của châu Âu. Một đồng euro rẻ sẽ bù đắp cho một phần thiệt hại đó. Tuy nhiên, cho đến khi phần lớn châu Âu có khả năng tự cung tự cấp về năng lượng, các phân khúc lớn của nền kinh tế châu Âu sẽ khó có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đây là viễn cảnh rất khó xảy ra trong thập kỷ này.

    Liệu các thành viên EU có thể phát hành hàng nghìn tỷ euro nợ mới trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank) đang theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ? Những ngày tươi đẹp nhất của đồng euro đã trở thành dĩ vãng.

    Các ngân hàng trung ương của châu Âu sẽ hoài niệm về sự tương quan giữa đồng dollar và đồng euro, khi họ đối mặt với thực tế là đồng euro mất giá mạnh. Việc đồng euro cuối cùng chạm đáy ở đâu tùy thuộc vào dự đoán của mỗi người, nhưng một đồng euro giảm xuống mức 75 xu không nằm ngoài khả năng này. Một đồng euro rẻ sẽ định ra kẻ thắng và người thua trong cuộc đua tài chính.

    Nga là kẻ thua cuộc lớn từ sau sự sụp đổ của quan hệ kinh tế với EU. EU là khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga và cũng là một nguồn cung đáng kể về công nghệ, hàng tiêu dùng và công cụ máy móc tiên tiến của nước này.

    Trong ngắn hạn, Điện Kremlin sẽ thu được nguồn lợi từ giá dầu và khí đốt tăng vọt. Tuy nhiên, về dài hạn, việc mất thị trường cũng như mất khả năng tiếp cận hàng hóa của EU sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga. Những tổn thất đó không thể được bù đắp bằng việc gia tăng thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ. Sau khi bút toán giảm (written down) giá trị tài sản của Nga và rời khỏi đất nước, rất ít công ty phương Tây quan tâm đến việc quay trở lại Moscow, bất kể kết quả cuối cùng của cuộc chiến Ukraine có ra sao đi nữa.

    Sự sụp đổ của quan hệ kinh tế EU-Nga hoàn toàn thuộc về lỗi của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Từ lâu, ông Putin luôn tin tưởng rằng, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga là đòn bẩy chiến lược mang tính chất quyết định.

    Ông Putin đã sai rồi. Năng lượng của Nga đã không bẻ cong được châu Âu theo ý muốn của Nga. Nó không chứng tỏ đây là vũ khí chiến lược mà ông Putin có thể lường trước được. Ông không thể đổ lỗi thất bại này là do cách thừa hành của các tướng lĩnh của ông, hay do sự yếu kém của các cơ quan tình báo. Tính toán sai lầm này thuộc về cá nhân ông và Nga sẽ phải trả giá đắt vì sai lầm đó.

    NATO và sự suy giảm sức mạnh quân sự của Nga

    Về mặt chính thức, cuộc chiến Ukraine là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trên thực tế, đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO chống lại quân đội Nga. Hệ quả cuối cùng chính là sự suy giảm đáng kể nhân lực và trang thiết bị của Nga.

    Thật khó để biết được tổng mức tổn thất của quân đội Nga. Lầu Năm Góc ước tính số binh lính Nga thiệt mạng khoảng 15.000 người, còn quân đội Ukraine ước tính khoảng hơn 50.000. Con số thương vong dao động từ 50.000 đến 100.000, tùy thuộc vào nguồn tin.

    Nga sở hữu tài sản quân sự đáng kể. Nếu tính cả lực lượng dự bị, thì quân đội Nga có khoảng 2 triệu người. Nga có lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới và một kho vũ khí hạt nhân đáng kể. Moscow cũng sở hữu một tổ hợp quân sự - công nghiệp (military-industrial complex) tiên tiến và khả năng phát triển vũ khí tối tân.

    Tuy nhiên, những tài sản quân sự đó không mang lại lợi ích gì cho Điện Kremlin nếu chúng không thể phát huy hiệu quả. Lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới sẽ trở nên vô dụng nếu nó không được tiếp nhiên liệu. Tương tự như vậy, hiệu quả của đội quân 2 triệu người sẽ nhanh chóng bị xói mòn nếu quý vị không đủ khả năng nuôi quân. Việc Moscow tìm đến Triều Tiên để mở ra nguồn cung vũ khí cho thấy, Nga gặp vấn đề về vũ khí trên diện rộng.

    Bên cạnh đó, học thuyết quân sự của Nga đã không có nhiều tiến triển kể từ hậu Chiến tranh Lạnh và Thế chiến II. Thanh lịch trên lý thuyết nhưng hỗn loạn trên thực tế, học thuyết này vẫn dựa vào việc áp dụng sức mạnh quá mức và bừa bãi. Quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng phá hủy mọi thứ trên đường đi, bất kể là họ đang trên đà tiến công hay thoái lui.

    Quyền lực rất quan trọng trên chiến trường, nhưng sức mạnh áp đảo được áp dụng một cách bừa bãi là một chiến thuật kém hiệu quả hơn trong chiến đấu hiện đại so với quá khứ. Vũ khí tinh vi, trí thông minh vượt trội và phản ứng có chủ đích đã cho phép quân đội Ukraine ngăn chặn và đẩy lui một lực lượng quân sự lớn hơn nhiều. Hãy tưởng tượng nếu quân đội Nga phải đối mặt với một lực lượng quân sự của NATO được đào tạo bài bản và trang bị vũ khí tối tân, cùng sức mạnh không quân đáng kể, kết quả sẽ thế nào?

    Hoa Kỳ và NATO đang làm suy giảm lực lượng quân sự của Nga mà không giải quyết hậu quả của một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga. Hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính mà NATO cung cấp cho Ukraine chỉ bằng một phần nhỏ so với cái giá mà NATO phải trả - cả về chính trị và kinh tế - để triển khai lực lượng của mình trên chiến trường.


    Điện Kremlin hiểu rõ rằng họ đang gây chiến với NATO - thông qua lực lượng ủy nhiệm Ukraine. Moscow cũng nhận ra rằng, với thành tích của mình ở Ukraine, các lực lượng quân sự của Nga không đủ khả năng để chiến đấu trong một cuộc chiến toàn diện với NATO. Đó là một cuộc xung đột mà họ đảm bảo sẽ thua cuộc.

    Mặt khác, ông Putin cũng nhận ra rằng, xét trên bình diện về quân sự, chính trị hay tâm lý, NATO 'không có cửa' trong việc chống trả một cuộc chiến toàn diện với Nga. Sự đồng thuận chính trị về việc buộc các lực lượng NATO tham gia một cuộc xung đột với Nga không tồn tại. Tuy nhiên, việc tiếp tục tiết lộ các hành động tàn bạo của Nga hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường có thể thay đổi điều đó.

    Theo quan điểm của Điện Kremlin, một chiến lược để buộc NATO giảm sự ủng hộ của họ đối với Ukraine có thể là gây ra một cuộc chiến tranh thực sự giữa NATO và Nga - một kế hoạch leo thang để giảm thang. Một cuộc xâm lược của Nga vào các nước Baltic sẽ buộc NATO phải huy động lực lượng của mình hoặc tìm kiếm một giải pháp nào đó ở Ukraine.

    Một cuộc tấn công vào NATO sẽ là bước đi nguy hiểm và liều lĩnh của ông Putin. Mặt khác, vị thế của ông chủ Điện Kremlin đang ngày càng trở nên tuyệt vọng, đặc biệt nếu ông cho rằng một siloviki - tầng lớp thống trị của quân đội, tình báo và nhân viên an ninh của Nga - có khả năng chống lại ông.

    Chính siloviki đã đưa ông Putin lên nắm quyền. Bất chấp thành công của ông Putin trong việc loại bỏ các phe phái khác nhau đối chọi nhau, siloviki sẽ thay thế ông nếu họ tin rằng ông đang hạ gục họ và cả nước Nga.

    Mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh

    Hiện nay Nga đã trở thành chư hầu của Trung Quốc - không chỉ là một nhà cung cấp hàng hóa để nuôi sống nền kinh tế Trung Quốc theo các điều kiện và giá cả do Bắc Kinh quy định. Người ta tự hỏi Ngân hàng Trung ương Nga sẽ làm gì với hàng núi nhân dân tệ mà họ tích lũy được.

    Sự xói mòn quyền lực và ảnh hưởng của Nga sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, đặc biệt là ở Trung Á, khu vực mà Moscow và Bắc Kinh đang cạnh tranh về sức ảnh hưởng.

    Về mặt quân sự, Nga và Trung Quốc đang ở trong một liên minh quân sự trên thực tế. Cuộc tập trận Vostok 2022 (Phương Đông) gần đây giữa Nga và Trung Quốc đã chứng minh về phạm vi và chiều sâu trong hợp tác quân sự giữa hai nước.

    Theo quan điểm của Washington, cần phải cân nhắc khả năng quân sự tổng hợp của cả hai nước khi đánh giá mối đe dọa của họ đối với Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, kho vũ khí kết hợp giữa Nga và Trung Quốc hiện đã vượt xa so với kho vũ khí của Mỹ và khoảng cách ngày càng tăng. Điều đó khiến các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân trong tương lai khó có thể xảy ra.

    Sự chuyển biến của mối quan hệ Trung-Nga đã được nhấn mạnh trong cuộc họp gần đây của các nguyên thủ tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan. Cuộc họp lần thứ 22 của SCO cũng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công du nước ngoài kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.

    Theo một số cơ quan tình báo, ông Putin đã yêu cầu ông Tập hỗ trợ toàn diện về quân sự và tài chính, bao gồm cả quân đội Trung Quốc. Ông Tập đã không làm những gì mà ông Putin yêu cầu. Thay vào đó, ông Tập đã đọc một thông cáo do Bắc Kinh soạn thảo nhằm tái khẳng định thế giới quan của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng Moscow sau này sẽ nhảy theo giai điệu của Bắc Kinh.

    Di sản của Chiến tranh Ukraine định hình thế giới quan của Bắc Kinh như thế nào?
    Theo một phương diện nào đó, Bắc Kinh là người hưởng lợi lớn trong cuộc chiến Ukraine. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đang khiến Nga thêm phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là thị trường chính xuất khẩu hàng hóa và là nguồn cung cấp công nghệ và vốn cho nước này. Hơn nữa, bằng cách nâng cao mối đe dọa do Nga gây ra đối với châu Âu, cuộc chiến Ukraine khiến Hoa Kỳ phân tâm khỏi tầm quan trọng của mối đe dọa do Trung Quốc gây ra đối với lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới.

    Mặt khác, giá năng lượng và lương thực tăng vọt - cả hai mặt hàng mà Trung Quốc nhập khẩu - đều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.

    Hơn nữa, bằng cách liên kết rõ ràng với Nga, Trung Quốc đã bị vấy bẩn bởi cùng một hành động gây hấn vô cớ đã làm vấy bẩn Moscow. Sự tương đồng giữa hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine và viễn cảnh Trung Quốc gây hấn tương tự đối với Đài Loan cung cấp một khuôn mẫu để phản ứng nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan.

    Các mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ và EU đã đạt đến mức đỉnh điểm. Sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Đông Á - đặc biệt là phản ứng thâm độc, theo chủ nghĩa dân tộc trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi - đã thúc đẩy Hoa Kỳ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Trung Quốc.


    Nhà Trắng gần đây đã tuyên bố rằng để đối phó với hành vi hung hăng của Bắc Kinh, Washington sẽ cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Trung Quốc. Trong đó có thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, khung máy bay, các thiết bị và phụ tùng hàng không công nghệ tiên tiến.

    Không rõ liệu những hành động này có báo hiệu quyết tâm của chính quyền ông Biden trong việc chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc hay không và liệu chúng có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan hay không.

    Tuy nhiên, động thái đó đánh dấu sự suy thoái trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung được khởi động từ chính quyền cựu Tổng thống Trump.

    Đó là tin xấu đối với các công ty Mỹ đầu tư mạnh vào Trung Quốc. Lấy bài học của các công ty phương Tây tách rời khỏi Nga làm kinh nghiệm. Các công ty Mỹ có khả năng bút toán điều chỉnh giảm giá trị tài sản của Trung Quốc, khi con đường kinh tế Mỹ-Trung ngày càng khác biệt và đối kháng nhau.

    Việc Trung Quốc gây hấn với Đài Loan có thể sẽ khiến Trung Quốc đối mặt với các lệnh trừng phạt leo thang, cũng như cắt giảm thương mại và đầu tư ổn định với các quốc gia khác.

    Về mặt kinh tế, Trung Quốc quan trọng hơn Nga đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng với trọng tâm là Trung Quốc sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng trên toàn thế giới. Nó sẽ dẫn đến áp lực lạm phát tăng mạnh, cũng như thiếu hụt đáng kể hàng hóa và các mặt hàng thiết yếu.

    Mặt khác, sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ gây tổn hại cho chính Trung Quốc, nếu không muốn nói là nhiều hơn thiệt hại mà nó sẽ gây ra cho phần còn lại của thế giới. Nga phần lớn tự cung tự cấp về năng lượng và lương thực, còn Trung Quốc thì không.

    Các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên Bắc Kinh có thể nhấn chìm phần lớn dân số Trung Quốc trong giá lạnh, đói rét và bóng tối. Việc ĐCSTQ có dám mạo hiểm với viễn cảnh đó hay tiếp tục sống sót với kết cục như vậy là điều ai cũng lường trước được.

    Cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi cơ bản trật tự thế giới từng tồn tại từ trước đại dịch COVID-19. Trong khi kết quả cuối cùng của cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa ngã ngũ, thực tế là thế giới đã thay đổi. Không có vấn đề gì xảy ra ở Ukraine, chỉ có điều chúng ta sẽ không trở lại như trước kia được nữa!

    Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

    Lam Giang

    Theo The Epoch Times
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 113 khách