Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mù hơn 30 năm... bắt cá để sống và nuôi em
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Mù hơn 30 năm... bắt cá để sống và nuôi em

    by music123 » Chủ nhật Tháng 10 02, 2022 9:36 am

    Người đàn ông mù hơn 30 năm ở miền Tây chuyên... bắt cá để sống và nuôi em

    Duy Tân 10/2/22

    Đôi mắt mù lòa nhưng hơn 30 năm qua ông Sơn Ngọc Hải (59 tuổi, ngụ ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, H.Kế Sách, Sóc Trăng) vẫn ngày ngày ra đồng bắt cá kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình.
    Ông Hải bị mù từ thuở niên thiếu, hiện sinh sống cùng sống cùng vợ, em vợ, con gái và cháu ngoại trong căn nhà lụp xụp do cha mẹ vợ để lại. Vợ ông đau ốm triền miên, mất sức lao động; còn em trai của vợ thì bị liệt hai chân.

    Biệt tài bắt cá ít ai sánh bằng

    Lúc chúng tôi ghé nhà, ông Hải đang chuẩn bị xách xô đi mò cá để đổi gạo với xóm giềng. Theo chân ông đến con sông gần nhà, ông đi trước dẫn đường, cầm nhánh trúc dò dẫm.

    Đến mé sông, ông dùng chân định vị mực nước rồi nói: “Hôm nay, nước sông dâng cao, khó bắt được cá, phải chuyển địa điểm khác thôi”. Nói rồi, ông men theo con đường nhỏ đầy rong rêu tới con mương nhỏ cách nhà chừng 100 m.

    Hình ảnh

    Hằng ngày, ông Hải đi bắt cá ngoài mương để lo bữa ăn cho gia đình và đem đổi gạo
    DUY TÂN

    Đến nơi, ông xuống giữa mương, tay mò mẫm tìm hang cá. Trời lấy đi của ông Hải đôi mắt thì đôi tay trở nên tinh anh đến lạ thường. Ông có thể cảm nhận được cá vẫy đuôi bơi di chuyển dưới nước và tóm gọn trong lòng bàn tay.

    Ngoài chiếc giỏ đựng cá được buộc dây ngang người kéo phía sau, ông chỉ có đôi tay trần. Chốc chốc sau ít phút ông Hải tóm gọn con cá rô đồng cá lóc đang quẫy đạp trên tay. Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ mò cá từ mương này sang mương khác, ông Hải bắt được gần 1 kg cá rô đồng.

    Hình ảnh

    Trời lấy đi đôi mắt nhưng cho ông Hải đôi tai thính và đôi tay nhanh nhẹn
    DUY TÂN

    Ông Hải cho biết, không muốn là gánh nặng cho gia đình nên ông tập luyện bắt cá, quyết tâm làm bằng được. Thời gian đầu rất khó khăn, có ngày chẳng bắt được con nào mà còn bị trượt té trầy xướt, tứa máu. Nhờ kiên nhẫn, cuối cùng ông đã bắt cá thuần thục.

    “Giờ ít bị trượt té như trước nhưng lúc đi mò dưới sông, mương lắm lúc cũng đạp phải miểng sành, gai nhọn đau nhức dữ lắm. Có khi vết thương nhiễm trùng, mưng mủ, hành sốt mà tôi không dám đi bệnh viện vì không có tiền, chỉ ra mua thuốc uống cho đỡ thôi”, ông Hải bộc bạch.

    Khi được hỏi có bí quyết gì để bắt cá tài tình như vậy, ông Hải cười hiền: “Tôi mù không thấy đường nên trời thương cho đôi tai thính, đôi tay nhạy. Đưa tay rà dưới nước là tôi biết nơi nào có nhiều cá, tôm. Giờ già rồi, tay chân không còn mau lẹ nữa. Có khi đi nửa ngày trời chỉ bắt được gần 2 kg cá là may mắn rồi. Cá nhiều thì đem ra chợ bán hoặc đổi gạo với hàng xóm”.

    Hình ảnh

    Ông Hải dò đường đi bắt cá, vợ theo sau đi hái rau đem bán
    DUY TÂN

    Trụ cột của gia đình

    Ông Hải kể, ông Hải được sinh ra với cơ thể lành lặn, khỏe mạnh. Sau khi cưới bà Thạch Thị Tha (59 tuổi), cả 2 dọn về nhà vợ sinh sống cùng cha mẹ vợ và em vợ. “Hồi còn sức khỏe, ai thuê mướn gì tôi cũng làm để lo cho gia đình. Rảnh thì tôi đi mò cua, bắt cá; còn vợ hái rau đem bán chăm lo cho cả nhà. Tuy nghèo nhưng hạnh phúc lắm”, ông Hải kể.

    Hình ảnh

    Cá rô đồng do ông Hải mò bắt được
    DUY TÂN

    Biến cố ập đến. Cách đây hơn 30 năm, ông Hải bị đau ban. Do nhà nghèo, không có tiền chữa trị nên đôi mắt mờ dần rồi mù vĩnh viễn. Từ đó cuộc sống ngày càng nhiều khó khăn. Đã vậy, vợ chồng ông còn phải chăm sóc em vợ là Thạch Tâm (53 tuổi) bị liệt hai chân.

    "Em vợ tật nguyền, đầu óc không tỉnh táo nên chẳng làm được gì; thậm chí chuyện sinh hoạt cá nhân cũng phải hỗ trợ. Sống chung riết quý nhau, có khổ cũng ráng đùm bọc nhau mà sống, không thể bỏ nó bơ vơ được. Vợ chồng tôi chết đi rồi không biết ai lo cho nó đây", ông Hải thở dài.

    Hình ảnh

    Vợ chồng ông Hải nuôi người em vợ tật nguyền đôi chân
    DUY TÂN

    Thời gian chung sống, vợ chồng ông Hải sinh được người con gái duy nhất là Sơn Thị Cẩm Tú (22 tuổi). Do gia cảnh nghèo khó, chị Tú nghỉ học từ sớm, đi làm thuê. Hiện, chị đã lập gia đình và vừa sinh con nên không thể phụ giúp cha mẹ trang trải chi phí cuộc sống. Chồng chị đi làm công nhân ở xa, mỗi tháng gửi tiền về cũng chỉ đủ mua sữa, tã cho con.Hiện, do lao lực quá sức, bà Tha mắc bệnh triền miên, mất sức lao động. Biết vợ bệnh nhưng không có tiền lo thuốc thang, ông Hải cũng bất lực. Nhiều lúc phải cậy hàng xóm cho mượn ít tiền thuốc thang.

    “Trước kia, cha mẹ tôi có cho gần 100 m2 đất để trồng rau, cây ăn trái bán kiếm sống. Nhưng vì nghèo, vợ đau bệnh hoài đành phải bán đi. Giờ cả nhà sống tạm bợ trên miếng đất nhỏ. Căn nhà xập xệ do cha mẹ vợ để lại”, ông Hải rầu rĩ.

    Ông Huỳnh Hữu Lộc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Mỹ cho biết, tuy bị mù nhưng ông Hải là tay sát cá có hạng ở xóm, đặc biệt là bắt bằng tay. Người mắt sáng chưa chắc bắt cá giỏi như ông. Gia cảnh ông Hải thuộc hộ nghèo và là hộ khó khăn nhất của xã. “Căn nhà đang ở cũng đã xuống cấp, nhà sau dột nát nhưng ông bà không có tiền sửa. Hiện, cuộc sống gia đình chủ yếu nhờ ông Hải bắt cá để trang trải bữa ăn hằng ngày và đem bán kiếm chút ít. Những khi vận động được quà, gạo từ các nhà hảo tâm, địa phương luôn ưu tiên hỗ trợ gia đình ông Hải”, ông Lộc cho biết.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 144 khách