Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mỹ, Ấn Độ phải hợp tác bất chấp những bất đồng về Nga
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Mỹ, Ấn Độ phải hợp tác bất chấp những bất đồng về Nga

    by music123 » Thứ 6 Tháng 12 09, 2022 3:55 pm

    Những lo ngại chung về Trung Quốc buộc Mỹ, Ấn Độ phải hợp tác bất chấp những bất đồng về Nga



    12/9/22

    Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thử thách mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ trong năm nay khi New Delhi bỏ phiếu trắng, không lên án cuộc xâm lược của Moscow và nhập khẩu thêm nhiều năng lượng của Nga. Thông tín viên Sarah Zaman của VOA tường thuật rằng bất chấp khác biệt của họ về Nga, mối quan ngại chung của Mỹ và Ấn Độ về Trung Quốc đã giữ cho họ gần gũi với nhau.

    Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xua quân xâm lược Ukraine, Mỹ đã làm việc với các đồng minh để cô lập Nga về ngoại giao và tài chính.

    Tổng thống Joe Biden phát biểu: “Putin là một kẻ xâm lược. Ông ấy là kẻ xâm lược, và Putin phải trả giá.”

    Tuy nhiên, lập trường của Ấn Độ đã tạo ra vấn đề nan giải cho Washington. New Delhi kêu gọi hòa bình nhưng bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. New Delhi cũng mua thêm dầu của Nga.

    Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, nói: “Theo đánh giá của chúng tôi, điều quan trọng là tất cả các nước, nhất là những nước có đòn bẩy, gây sức ép buộc Putin chấm dứt chiến tranh.”

    Nhưng quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới lập luận rằng họ cần năng lượng giá rẻ cho nhu cầu ngày càng tăng của họ.

    Subrahmanyam Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, phát biểu: “Chúng tôi đã thấy mối quan hệ Ấn Độ-Nga có lợi cho chúng tôi. Nếu nó có lợi cho chúng tôi, chúng tôi muốn tiếp tục giữ mối quan hệ đó.”

    Moscow đã trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của New Delhi trong năm nay khi nhập khẩu của nước này tăng vọt. Các cựu quan chức Ấn Độ hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.

    Đại sứ Manju Seth, nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ, chia sẻ: “Chúng tôi có xu hướng tự chủ chiến lược. Điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn đưa ra tất cả các quyết định dựa trên lợi ích của Ấn Độ. Mỹ là đối tác rất quan trọng đối với chúng tôi. Và chúng tôi lưu ý lợi ích của họ, nhưng chúng tôi cũng muốn xem điều gì là tốt nhất, điều tốt nhất là hành động cần thiết cho lợi ích quốc gia của chúng tôi.”

    Mặc dù Tổng thống Joe Biden gọi phản ứng của Ấn Độ về Ukraine là chông chênh, các chuyên gia cho rằng phản ứng tương đối nhẹ nhàng của ông là do Washington cần sự hỗ trợ của Ấn Độ trước một đối thủ lớn hơn.

    Tamanna Salikuddin, Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết: ‘Mặc dù trong thời gian trước mắt, chúng tôi rất muốn các quốc gia có chung lập trường với chúng tôi chống lại Nga, nhất là với cuộc xâm lược Ukraine, nhưng mối đe dọa chiến lược lớn hơn và chiến lược hơn thực sự là Trung Quốc, và chúng tôi xem Ấn Độ là đối tác rất quan trọng trong việc này – chống Trung Quốc.”

    Chiến lược an ninh quốc gia của Biden được công bố hồi tháng 10 dựa vào Ấn Độ để giúp đối trọng với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chủ yếu thông qua Bộ Tứ - liên minh không chính thức giữa Mỹ, Ấn, Nhật và Úc.

    Đại sứ Manju Seth, nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ, nhận định: “Vì vậy, chúng tôi thực sự muốn tham gia tổ chức này, vốn có thể giúp ngăn chặn hành vi quyết đoán của Trung Quốc và ở mức độ nào đó thậm chí còn nhắm vào Ấn Độ.”

    Nhưng Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ và Ấn Độ nằm trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Bắc Kinh lãnh đạo. Tuy nhiên, mối quan hệ sâu sắc của Trung Quốc với kẻ thù của Ấn Độ là Pakistan và tranh chấp biên giới với Ấn Độ là lý do khiến New Delhi hợp tác với Washington để kiềm chế tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
    Tamanna Salikuddin, Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho rằng: “Cách tiếp cận của họ có thể khác. Tôi nghĩ rằng phạm vi hay phương pháp mà họ đang cân nhắc về Bộ Tứ hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay ngăn chặn Trung Quốc có thể khác về chất lượng, nhưng tôi không có nghi ngờ gì về mục tiêu của họ.”

    Trong năm 2023, các nhà phân tích trông chờ các quan chức Mỹ và Ấn Độ sẽ công khai tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu chung về Trung Quốc và ít hơn vào sự khác biệt về Nga.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 116 khách