Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ "vũ khí" giúp nước nước Mỹ duy trì
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ "vũ khí" giúp nước nước Mỹ duy trì

    by music123 » Chủ nhật Tháng 1 03, 2021 7:57 am

    Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ "vũ khí" giúp nước Mỹ duy trì vị thế đáng gờm

    1/3/21

    Hình ảnh

    Có lẽ đại dịch Covid đã thay đổi vĩnh viễn nhiều mảng dịch vụ như: y tế, nhà hàng, siêu thị, phòng tập gym… – hầu hết là theo chiều hướng tốt hơn.

    Nhìn lại những bài viết trong mục Thư từ nước Mỹ, được viết trong đại dịch Covid-19, tôi nhận thấy một màu sắc u ám bao trùm. Cả báo chí chính thống và truyền thông xã hội đều quanh quẩn trong sự bế tắc bởi đời sống chính trị tiêu cực cùng với những bi kịch của các gia đình do đại dịch gây ra. Chính vì vậy, cuộc sống năm 2020 bị bao trùm dưới bóng đen u ám mang tên Covid cũng là điều đương nhiên.

    Nhưng nếu chúng ta gạt bỏ yếu tố chính trị sang một bên thì sẽ thấy rằng chính giữa đại dịch, đời sống Mỹ vẫn không thiếu những điều tích cực.

    01.

    Tự cách ly và cách ly bắt buộc không hoàn toàn là điều tồi tệ


    Covid khiến nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa ở nhiều phương diện: đóng cửa trường học, nhà hàng, doanh nghiệp, nhà thờ và hơn thế nữa; cùng với hàng triệu người dân, trong đó có bản thân tôi phải tự cách ly - tất cả những điều này đã khiến người ta tư duy hướng nội hơn.

    Người ta có thể cho rằng tư duy hướng ngoại bao giờ cũng được chuộng hơn nhưng thực tế là tư duy hướng nội có rất nhiều điểm tích cực.

    Mỹ là đất nước của tinh thần "tự thân vận động". Khi kinh tế đóng cửa, người Mỹ không ngồi yên. Nhiều người bắt tay vào sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, cơ sở kinh doanh. Doanh thu của các siêu thị, cửa hàng vật liệu xây dựng tăng rõ rệt nhờ lượng lớn khách đến mua sơn, búa, đinh…. Rồi tiếp đó, nhu cầu thuê thợ sửa chữa chuyên nghiệp, có tay nghề tăng vọt bởi các gia đình sau khi tự làm thì nhận ra rằng mọi thứ cần được chỉnh trang lại bằng bàn tay chuyên nghiệp hơn. Và tất nhiên, các khoa cấp cứu của bệnh viện, phòng khám cũng tấp nập hơn với một lượng bệnh nhân là những nạn nhân của các dự án sửa chữa nghiệp dư tại gia.

    Trong thời gian bị cách ly, rất nhiều người quay sang đọc sách để khỏi phải chịu đựng các bộ phim và các chương trình truyền hình dở ẹc được phát đi phát lại trên ti vi. Đã gần 10 năm nay, mỗi năm tôi chỉ về Mỹ thăm nhà một hoặc hai lần. Trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã đặt mua hàng trăm cuốn sách – tất nhiên sách mua ở Mỹ nên chuyển thẳng về căn nhà tại Mỹ cho đỡ cước vận chuyển. Thành ra giờ đây tôi đang có trong tay một tủ sách đủ để đọc trong 20 năm nếu trời thương cho tôi thọ. Bao năm qua, sách cứ được chuyển về nhà và nằm đó – thời gian thăm nhà chỉ đủ cho tôi chiêm ngưỡng những cuốn sách còn chưa được mở đang yên vị trên giá sách – chỉ để tôi cảm thấy mình thật uyên bác.

    Hình ảnh

    Ảnh minh họa: insurancejournal

    Tình trạng bị cô lập trong căn nhà khép kín cũng khiến người ta có nhu cầu kết nối với những người bạn đã nhiều năm không gặp và bạn bè hiện tại. Điều may mắn nhất là chúng ta có cơ hội liên lạc miễn phí qua Viber, Facetime hoặc WhatsAp. Ngày nào tôi cũng trò chuyện với gia đình mình ở Việt Nam khoảng 2 tiếng: cứ thử hình dung nếu không có các dịch vụ này thì phí gọi điện thoại đường dài từ Mỹ về Việt Nam trong cả năm qua sẽ thế nào đây?

    Ngoài ra, các nền tảng khác như Facebook, Instagram, Snapchat, Twitter… cũng chứng kiến lượng sử dụng tăng mạnh khi con người cô đơn hơn. Nhiều người từng cho rằng đây là những công nghệ chết chóc, đẩy thế giới đến ngày hủy diệt. Nhưng hiện tại thì những nền tảng này quả thực đang cứu vãn thế giới – dù là vô tình hay cố ý.

    Dĩ nhiên, khi tận hưởng những điều kỳ diệu mà công nghệ mang lại thì chúng ta cũng đừng quên cái giá phải trả là sự theo dõi 24/7. Ý tôi không nói đến Trung Quốc hay Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Chỉ là sớm muộn kiểu gì bạn cũng nhận được quảng cáo bán hàng trên Amazon hay Facebook – bạn quan tâm gì, thích gì không còn là bí mật cá nhân nữa.

    02.

    Sự thay đổi tích cực ở nhiều lĩnh vực


    Có lẽ đại dịch Covid đã thay đổi vĩnh viễn nhiều mảng dịch vụ như: y tế, nhà hàng, siêu thị, phòng tập gym… – hầu hết là theo chiều hướng tốt hơn.

    Những người gặp phải vấn đề sức khoẻ cảm thấy lo sợ khi phải đến gặp bác sỹ hoặc phải đến bệnh viện vì lo nhiễm Covid. Hiện tại, 40% - 50% các "cuộc hẹn" với bác sỹ được thực hiện từ xa. Bác sĩ chẩn đoán, điều trị và kê đơn qua điện thoại hoặc các thiết bị cầm tay như Iphone, Ipad. Quy trình này ít tốn kém hơn, thuận tiện hơn và an toàn hơn. Không còn cảnh xếp hàng dài tại các cơ sở y tế nữa. Điều tuyệt vời nhất từ ​​trước đến nay là bạn có thể ngồi nhà trong bộ đồ ngủ để trao đổi với bác sỹ.

    Nhiều người đã ngừng đến các phòng tập Gym vì sợ Covid. Sự thực là các phòng tập Gym ở Mỹ khá an toàn. Nhưng những người đang phải cách ly đã tìm ra được cách tập luyện tại gia. Hãng NordicTrack và Peloton vừa cho ra mắt sản phẩm xe đạp thể dục, máy chạy bộ và các thiết bị tập luyện tại gia khác được kết nối với các nhóm tập thể dục thông qua màn hình máy tính và bộ điều khiển. Người dùng sẽ có trải nghiệm tương tự như đang tham gia giải đua xe đạp đường trường chuyên nghiệp Tour de France. Cũng không hoàn toàn đến mức như vậy!

    Còn khi đói bụng thì sẽ có ngay các công ty cung cấp đồ ăn như UberEats, DoorDash và GrubHub với dịch vụ "không cần tiếp xúc" nhanh chóng và ít tốn kém. Tương tự như vậy, gần như tất cả các siêu thị đều có dịch vụ đặt hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà miễn phí hoặc nhận hàng bên ngoài cửa siêu thị. Hầu hết các chuỗi thức ăn nhanh và nhà hàng lớn cũng có dịch vụ giao đồ ăn tại nhà miễn phí.

    Hình ảnh

    Mảng mua sắm trực tuyến trên Amazon.com phát triển mạnh đến mức công ty này bắt đầu sử dụng đội xe gồm 30,000 đầu xe với sự hỗ trợ của 50 máy bay phản lực thân rộng Boeing 767 phục vụ công tác giao hàng, bao gồm cả mặt hàng thực phẩm. Họ dự định tới đây sẽ tăng số lượng xe lên 100.000.

    Xu hướng mới nhất là tổ chức các cuộc họp của doanh nghiệp, các lớp học và các cuộc đoàn viên gia đình qua các nền tảng hội nghị truyền hình như Zoom. Nhiều người không khỏi cảm thấy miễn cưỡng khi không còn được tiếp xúc trực tiếp nhưng Covid đã buộc con người phải thay đổi để làm quen với hình thức mới này.

    Nhiều doanh nghiệp và chính phủ hiện đang cho phép người lao động được lựa chọn làm việc từ xa. Tùy chọn mới này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí từ không gian văn phòng và các tiện nghi khác. Còn chưa kể đến khoản tiết kiệm lớn từ chi phí đi lại, ô nhiễm, bãi đậu xe và những thứ tương tự. Lấy ví dụ như ở thủ đô Washington, phí đỗ xe cho một chiếc ô tô trong nội thành là 5.500 đô la/năm.

    Công bằng mà nói, các tổ chức truyền thống không thể hoặc không muốn thích ứng với "thế giới mới đầy táo bạo" sẽ gặp phải sự gián đoạn. Như ông Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại đã tuyên bố: "đổi mới hay là chết". Khắc nghiệt nhưng có lẽ đúng là như vậy.

    03.

    Những dấu ấn lớn trong đại dịch


    Nhiều người theo thuyết vị lai, trong đó có người sáng lập Microsoft, Bill Gates, trong nhiều năm qua đã đưa ra dự đoán về một đại dịch toàn cầu khiến thế giới trở tay không kịp. Rồi Covid ập đến đến y như cách con cá hồi vừa bắt được quẫy thẳng vào mặt anh ngư phủ.

    Có một điểm tích cực là thế giới sẽ không mất cảnh giác một lần nữa khi có đại dịch khác xảy ra trong tương lai. Ít nhất có thể hy vọng là như vậy.

    Bất chấp tất cả những chỉ trích, phán xét và phủ nhận, cách thức nước Mỹ đối phó với đại dịch Covid sẽ là mô hình cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tổng thống Donald Trump đã điều động rất nhiều các cơ quan liên bang cùng xử lý đại dịch, với cách tiếp cận toàn chính phủ ở quy mô lần đầu tiên được thực hiện – thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới đã phải khen ngợi điều này.

    Với nguồn lực khổng lồ của quân đội và các cơ quan ứng phó thảm họa, nước Mỹ đã có thêm hàng ngàn giường bệnh chuyên dụng, đảm bảo quần áo, đồ dùng bảo hộ, bao gồm cả khẩu trang được chuyển về từ khắp nơi trên thế giới, các loại thuốc điều trị và máy thở đã cứu sống rất nhiều người. Nước Mỹ cũng đã thiết lập được chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ nhằm đảm bảo sẵn sàng mọi nguồn lực cần thiết để chống dịch.

    Tổng thống Trump đã thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân theo mô hình Đối tác Công – Tư ở quy mô chưa từng có kể từ sau Thế chiến II: các công ty dược phẩm, các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các doanh nghiệp giao thông vận tải, các ngành công nghiệp cơ bản…

    Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ vũ khí giúp nước Mỹ duy trì vị thế đáng gờm - Ảnh 6.
    Khi nguồn cung máy thở khan hiếm, ngành công nghiệp ô tô đã đầu tư lại trang thiết bị cho các nhà máy của họ để sản xuất máy thở với số lượng lớn. Số lượng sản xuất ra thậm chí còn đủ để Mỹ có thể phân phối cho các nước khác có nhu cầu. Khi thiếu hụt nước rửa tay khô, một số nhà máy bia của Mỹ đã ngừng sản xuất bia và sử dụng nguyên liệu sản xuất bia rượu để chế nước rửa tay khô.

    Tiếp đó là sự thiếu hụt khẩu trang, bởi thông thường người Mỹ không dùng khẩu trang nên thị trường không có sẵn. Các công ty và cá nhân lập tức bắt tay vào sản xuất. Giờ thì đi đâu cũng thấy người Mỹ đeo khẩu trang. Tuy nhiên, điều thú vị nhất là thiết kế khẩu trang giờ lại đắt hàng với đủ loại kiểu dáng. Và việc đeo khẩu trang thực sự đã góp phần ngăn chặn lây lan virus.

    Dấu ấn đậm nét nhất trong năm dại dịch là Chiến dịch Vắc xin thần tốc. Nhiều người tin rằng Chiến dịch này sẽ đi vào lịch sử như một thành tựu y học vĩ đại nhất. Chính phủ Mỹ đã hợp tác với các công ty sản xuất vắc-xin để đảm bảo thế giới có vắc xin vào tháng 12/2020. Thông thường, phải mất 5-10 năm để một chế phẩm vắc xin được đưa vào cuộc sống. Nhưng vắc xin phòng ngừa Covid-19 được bắt đầu bào chế vào mùa hè và đến cuối năm thì người dân đã bắt đầu được tiêm phòng.

    04.

    Những anh hùng thầm lặng trong đại dịch


    Tôi cho rằng một đóng góp đáng khâm phục nhất cho nhân loại khi đại dịch hoành hành chính là khả năng chống chọi của ngành công nghiệp thực phẩm và đội ngũ nhân sự. Họ là một trong những anh hùng thực sự trong đại dịch, và thật đáng buồn khi những đóng góp và hy sinh của họ chưa được ghi nhận một cách thoả đáng.

    Chúng ta hãy thử nghĩ thế này: khi đại dịch bùng phát vượt tầm kiểm soát vào tháng 3, người dân nào cũng lo sợ rằng nguồn cung cấp thực phẩm của nước Mỹ sẽ bị cắt. Người người đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng vơ vét, tích luỹ thực phẩm, đồ thiết yếu. Nhưng thật may mắn, điều họ sợ hãi đã không xảy ra.

    Các hộ nông dân tái cơ cấu lại sản xuất để đảm bảo đủ lương thực cung cấp cho thị trường.

    Các nhà máy đóng gói thịt, ban đầu là điểm nóng do đặc thù của ngành này là dây chuyền sản xuất buộc công nhân phải đứng liền kề sát nhau khi làm việc và virus có thể tồn tại trên sản phẩm thịt. Bất chấp nguy cơ cao, đội ngũ công nhân vẫn tiếp tục làm việc tại các nhà máy trong khi ban lãnh đạo tìm mọi cách bảo vệ công nhân của mình và bảo vệ nguồn cung sản phẩm cho người dân.



    Những người lái xe tải đã không mệt mỏi rong ruổi trên từng cây số để đưa nông sản đến các trung tâm phân phối và siêu thị, cửa hàng. Lái xe tải là công việc rủi ro rất cao: người lái xe phải lấy hàng hóa từ các nhà máy- rất có thể chính là ổ virus, rồi sau đó vận chuyển số hàng hoá này đến các thành phố như New York, nơi dịch bệnh đang lan tràn.

    Nhân viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng tạp hoá cũng phải đối mặt với rủi ro cao. Hàng ngày, họ phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng đến mua thực phẩm. Nguy cơ nhiễm virus rất cao, nhưng họ vẫn có mặt làm việc không thiếu ngày nào.

    Còn biết bao người xứng đáng được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng này: đó là những công nhân vệ sinh, những nhân viên bưu tá, những bác sỹ, y tá, cảnh sát và lính cứu hỏa, các nhân viên cứu thương, những nhân viên cứu hộ khẩn cấp, và rất nhiều người khác nữa. Bất chấp đại dịch không ngừng cướp đi biết bao sinh mệnh, những người này luôn có mặt tại vị trí công việc của mình.

    Tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ không không bao giờ quên những gì mà họ đã làm cho đất nước.

    05.

    Nhìn về tương lai

    Tương lai sẽ tươi sáng khi người ta kiến tạo nó bằng cái tâm. Nền kinh tế đã tổn thương nặng nề nhưng vẫn đang duy trì sản xuất ở mức kỷ lục. Khi đại dịch kết thúc, chắc chắc kinh tế sẽ có đà nhảy vọt.

    Đại dịch đã cho thấy một tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ và năng lực đổi mới sáng tạo không giới hạn của nước Mỹ. Chắc chắn điều này sẽ tiếp tục trong tương lai khi con người đã quen như vậy.

    Người Mỹ đã học cách sống khác, và có lẽ cũng là cách sống tốt hơn sau đại dịch. Nước Mỹ xứng đáng tự hào về cách người dân cùng nhau vượt qua và vươn lên trong đại dịch. Và sẽ không ai quên những người đồng bào của mình đã thiệt mạng trong cơn khủng hoảng.

    Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm cả những thách thức chưa ai hình dung ra được thì kinh nghiệm đối phó đại dịch trong năm qua sẽ giúp vực dậy tinh thần Mỹ để nước Mỹ mãi là một đối thủ đáng gờm trong tương lai. Người Mỹ không bao giờ được quên tinh thần này!

    * Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

    Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Thư từ nước Mỹ: Giữa u ám chết chóc, vẫn luôn có một thứ "vũ khí" giúp nước nước Mỹ duy trì

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 07, 2021 11:00 am

    Thư từ nước Mỹ: Những chuyện không thể tin nổi về "đội quân" áo đen đang tàn phá nước Mỹ

    12/6/20

    Hình ảnh


    Phần lớn nhóm này là người da trắng. Đâu có người da đen nào lại ngốc đến mức độ tự tay đốt phá chính khu phố của mình trên danh nghĩa bảo vệ nó.

    Có lẽ vì sự chán nản vô tận của những ngày tháng đóng cửa do đại dịch, những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và chống phát xít nhưng lại tự coi mình như "những nhà cách mạng" – đã quyết định tạo ra một chút phấn khích cho cuộc sống cô lập thời Covid. Đặc điểm chung của nhóm này: nam giới, da trắng, ở độ tuổi thanh niên hiếu chiến và đều để tóc dài búi ngược lên (kiểu tóc man bun) – họ gặp nhau ở một sở thích chung nữa: đốt phá những khu phố sầm uất khắp nước Mỹ.

    Bắt đầu từ tháng 5, nước Mỹ chìm trong bạo loạn, cướp bóc, đốt phá và cả việc sát hại những người dân vô tội sau khi cảnh sát giết chết một người đàn ông da đen không vũ trang - George Floyd - người bị cáo buộc phạm tội ăn cắp một tờ 20 đô la giả. Sự việc này châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình lớn khắp nước Mỹ, sau đó là bạo lực lan rộng. Cho đến nay đã có 600 cuộc bạo động bạo lực và vài nghìn cuộc bạo động "ôn hòa".

    Hàng trăm "nhà cách mạng" kiểu này tiếp tục coi đây là cơ hội để đóng góp vào nền văn hóa và kinh tế Mỹ bằng cách phá hủy nó. Minh hoạ cho điều này chính là hình ảnh của thành phố không tên.

    Đó là thành phố mà cư dân hầu như là người da trắng, cả chính phủ và người dân đều mang tư tưởng cực tả. Vào những năm 1960, đây là nơi sinh sống của những người theo trào lưu hippi, những thanh niên chối bỏ mô hình xã hội thông thường mà dùng hoa để tượng trưng cho những lý tưởng phổ quát, hoà bình và tình yêu (flower children), và những người theo phong trào chống đối giới chóp bu chính trị. Thành phố không tên này giờ lại trở thành nơi trú ngụ cho những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và chống phát xít với chủ trương cách mạng bạo động.


    Hình ảnh

    Họ là những người đã tự cho mình cái quyền thay mặt cho người da đen bị áp bức đứng lên biểu tình để tưởng nhớ George Floyd. Làm gì có cách nào tốt hơn là đốt phá các cơ sở kinh doanh và khu dân cư của người da đen. Không lý lẽ nào có thể xuyên thủng được bộ não của đám người này. Họ đâu chịu hiểu rằng người da đen không cần hoặc không muốn vài gã da trắng đột ngột xuất hiện và lên lớp với họ về việc phải làm gì hoặc hành động thay cho họ.

    Họ luôn nổi bật giữa bất kỳ đám đông nào. Phần lớn trong số họ là thanh niên, ngoài một phần nhỏ là người lớn tuổi hơn, tham gia vì muốn sống lại "những tháng năm rực rỡ" tranh thủ lúc đang thất nghiệp. Hầu hết số này là nam giới. Vậy chẳng có lẽ là họ làm mọi việc chỉ để tìm cách gặp gỡ phụ nữ chăng?

    Phần lớn nhóm này là người da trắng. Đâu có người da đen nào lại ngốc đến mức độ tự tay đốt phá chính khu phố của mình trên danh nghĩa bảo vệ nó. Vậy mà chỉ riêng những "nhà cách mạng" tự xưng này thì lại cứ tin điều đó một cách bền bỉ, sắt son.

    Hình ảnh

    Họ tuyên bố chống lại chủ nghĩa phát xít, nhưng vì không hiểu biết ngọn ngành lịch sử, họ vô tình mặc nguyên đồng phục của những kẻ phát xít khét tiếng nhất – Áo sơ mi đen của Benito Musolini, cha đẻ của Chủ nghĩa Phát xít Ý và Schutzstaffel, một tổ chức bán quân sự dưới trướng Adolf Hitler và Đảng Quốc xã. Trang phục của họ tuyền màu đen. Khẩu trang cũng màu đen, nhưng không phải đeo để chống Covid mà để không ai thấy được mặt họ. Họ trang bị cho mình mũ bảo hiểm đi xe đạp và quần áo giáp cá nhân giống của quân đội – lý do chỉ vì họ sợ bị trúng đạn cao su và để trông cho "ngầu". Một số người khác lại tin rằng mặc đồ đen khiến họ không bị phát hiện.

    Nhóm này toàn là những người siêu gầy, có thể là do lạm dụng chất kích thích quá mức và họ còn cố tình làm nổi bật cơ thể xương xẩu của mình bằng cách diện "quần bò bó". Chỉ cần xoay người sang ngang là họ trở nên "vô hình".

    Tất cả đều đeo ba lô có đựng vũ khí, đặc biệt là đá viên, gậy bóng chày, xăng, pháo hoa và kiểu gì cũng phải có chai nước. Cả lúc mải mê đốt phá chính đồng bào của mình thì vẫn không được quên uống đủ nước!

    Những kẻ này đã dạy cho dân tộc một bài học quý giá: thật không thông minh cho lắm khi châm ngòi một quả bom xăng trong lúc bản thân đang mặc đồ dễ bắt lửa và lưng đeo ba lô đầy pháo hoa và xăng. Việc yêu thích của nhóm người này là ném bom xăng vào những thực khách đang ngồi ăn ngoài trời. Mới gần đây, khi một kẻ trong số này vô tình tự gây hoả hoạn cho bản thân thì các thực khách đã vui vẻ vỗ tay tán thưởng bởi nghĩ mình đang được xem một màn trình diễn.

    Nhóm người này còn in chữ "A" màu đỏ trên "đồng phục" của mình, có lẽ để biểu thị rằng họ là "những kẻ khốn nạn" (bởi từ này trong tiếng Anh bắt đầu bằng chữ A). Có thể, họ không ý thức được rằng chữ A màu đỏ là một biểu tượng — trong văn học Mỹ — tượng trưng cho người đã vi phạm lòng tin và chuẩn mực chung.

    Đặc điểm nổi bật nhất của nhóm này là họ đều để búi tóc "man bun". Kiểu đầu này buộc họ phải nuôi tóc dài chấm vai, sau đó cuộn lại và búi ngược lên cao sau gáy như hình vỏ con tôm hùm. Rõ ràng, những cái búi tóc này chỉ có thể là để doạ những kẻ thù của nhóm vô chính phủ, chống phát xít hoặc để mê hoặc phụ nữ. Vậy nhưng họ đâu biết rằng điều khiến những người phát xít và phụ nữ sợ hãi chính là việc "các nhà cách mạng" tự xưng chẳng mấy khi chịu tắm rửa. Họ sống trong những túp lều tạm, dưới tầng hầm hoặc ghế đá công viên.

    Hình ảnh

    Điều rất thú vị là các quan chức lãnh đạo của chính quyền thành phố luôn phủ nhận sự tồn tại của "các nhà cách mạng" tự xưng. Thậm chí, họ còn phủ nhận việc bạo loạn đang diễn ra. Họ cho rằng đó chỉ đơn giản là người biểu tình thực hiện quyền tự do ngôn luận. Rồi thậm chí, họ còn tham gia xuống đường cùng các nhóm này, tất nhiên không thể thiếu nhân viên an ninh đi cùng. Tôi đoán đây là lý do tại sao chúng ta không biết gì về các nhóm này: các quan chức đã nói rồi, họ đâu có tồn tại!

    Dường như, lãnh đạo của các thành phố tin rằng việc gọi những kẻ bạo loạn là những kẻ bạo loạn sẽ làm hoen ố chân dung chính trị của họ. Có thể đúng như vậy thật! Tuy nhiên, thật nực cười khi nghe người đứng đầu của một thành phố bác bỏ sự tồn tại của các nhóm quá khích ngay giữa lúc đội quân hàng trăm người đeo khẩu trang kín mặt, mặc áo đồng phục với chữ A màu đỏ trước ngực hùng hổ ném bom xăng vào các toà nhà, tàn sát trong thành phố. Sự nực cười chỉ kết thúc khi "các nhà cách mạng" tự xưng đốt phá chính toà chung cư của ngài thị trưởng. Quả báo! Rồi ngài thị trưởng xin lỗi vì đã không có mặt trong toà nhà và không bị thiêu sống.

    Để nhất quán với việc không có khả năng nhận thức được là những kẻ bạo loạn đang gây bạo loạn, các công tố viên của thành phố ra tay hậu thuẫn bằng cách không truy cứu hình sự đối với hành vi bạo loạn. Nói một cách chính xác hơn thì những kẻ bạo loạn đã bị bắt đều được trả tự do ngay lập tức. Các công tố viên cho rằng những người này chỉ là đang giải toả căng thẳng chút thôi. Nhưng việc chính quyền tuyên bố như vậy lại khiến một số kẻ bạo loạn cảm thấy bị xúc phạm: họ thực sự muốn có tiền án để khoe khoang thành tích với bạn bè.

    Hình ảnh

    Việc đưa tin của truyền thông chỉ đơn thuần là một sự đồng loã. Đài CNN đã trở nên nổi tiếng một phóng sự hiện trường: một phóng viên đang nói về sự ôn hoà của các cuộc biểu tình thì một toà nhà bùng cháy ngay trước máy quay. Rồi phóng viên vẫn thao thao bất tuyệt về cuộc biểu tình ôn hoà, máy quay vẫn tiếp tục chiếu cảnh toà nhà phát nổ ở hậu cảnh. Hầu hết báo chí không đưa tin về các cuộc bạo động, bởi trong mắt họ việc này không tồn tại.

    Khi bạo động vượt khỏi tầm kiểm soát, các quan chức lãnh đạo thành phố lại loan tin rằng thủ phạm thực sự của các vụ bạo loạn chính là những kẻ phát xít trá hình. Điều này nghe ra hợp lý bởi vì những người chống phát xít đã hành động y hệt những kẻ phát xít, khiến người ta khó mà phân biệt được thật giả. Nhưng tuyên bố này lại khiến những "kẻ phát xít thực sự" không tham gia các cuộc bạo loạn nổi giận: chính bản thân nhóm này muốn gây bạo loạn mà bây giờ nhóm chống phát xít lại tranh làm mất.

    Nghịch lý hay ho nhất về đám người chống phát xít là họ không chỉ ăn mặc y hệt những kẻ phát xít mà còn sử dụng đúng các chiến thuật phát xít khi hành động bạo lực. Hitler nổi tiếng với những cuộc tấn công vào đêm muộn của đội quân soi đuốc, nhắm vào các cơ sở làm ăn và các khu dân cư của người Do Thái, và những người dân Do Thái vô tội. Nếu không nắm được tình huống, khi nhìn cảnh bạo loạn trên đường phố Mỹ bạn sẽ nghĩ rằng mình đang xem lại những thước phim chiếu cảnh quân Đức Quốc xã những năm 1930.


    Gần đây, những kẻ bạo loạn đã được miễn trừ khỏi lệnh đóng cửa của các thành phố và tiểu bang bởi những hành động của nhóm này được coi là quan trọng, tượng trưng cho nền tự do Mỹ. Còn người dân đi dự lễ nhà thờ, khách mời đến dự đám cưới hoặc dự tiệc tối tại gia đình, hay tiệc ngày lễ đều không thuộc đối tượng được miễn trừ. Lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi người dân lên tiếng tố giác bất kỳ ai không thực hiện giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang – những người bị tố giác sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng nề. May mắn thay, "các nhà cách mạng" tự xưng đều đeo khẩu trang và hiển nhiên việc giãn cách xã hội được tuân thủ tuyệt đối khi họ rút chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát. Mọi sự nghe ra đều hợp lý cả!

    Nhóm này khá "dũng cảm" khi đối đầu với cảnh sát. Lãnh đạo thành phố đã ra quy định cấm cảnh sát sử dụng bất kỳ phương tiện tiêu chuẩn nào để kiểm soát những kẻ bạo loạn: không hơi cay, không đạn cao su, không vòi rồng và không dùi cui. Vậy là đám bạo loạn cứ thoải mái tự tung tự tác khỏi sợ chế tài.

    Rồi cái sự tự tung tự tác đó đột ngột kết thúc khi quân đội được điều động đến các thành phố. Đang xung, đột nhiên thấy "các nhà cách mạng" bỏ chạy. Là bởi vì họ đâu thể đùa với những người lính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có một kẻ đáng thương trong số này đã bị bắt. Thay vì anh dũng hô khẩu hiệu phản kháng, anh ta ngã khuỵ, cuộn tròn như một quả bóng và bắt đầu khóc lóc: "Xin đừng làm tôi đau!"

    Hình ảnh

    Cuộc bạo động gần đây nhất vừa diễn ra đúng Ngày Lễ Tạ ơn (26/11) đã phần nào đó đúc kết lại phong trào của những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ và chống phát xít. "Các nhà cách mạng" tự xưng đã lật đổ và phá huỷ tượng đài Tổng thống George Washington với tuyên bố rằng họ đang chống lại chủ nghĩa thực dân. Đúng là những kẻ ngu xuẩn! Washington là một nhà cách mạng chân chính, người đã lãnh đạo nước Mỹ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

    * Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
    Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49860
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Thư từ nước Mỹ: "Giấc mơ Mỹ", chiếc xúc xích gớm ghiếc và một chính sách đáng hổ thẹn

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 07, 2021 11:02 am

    Thư từ nước Mỹ: "Giấc mơ Mỹ", chiếc xúc xích gớm ghiếc và một chính sách đáng hổ thẹn

    2/7/21

    Hình ảnh

    Nếu bạn đến nhà máy đóng gói thịt để xem công nhân làm xúc xích, xem xong, có thể bạn sẽ không bao giờ muốn ăn xúc xích nữa. Nhìn cách người ta xây dựng chính sách nhập cư của Mỹ cho cảm giác hệt như vậy.


    Người nhập cư có vai trò vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ. Nước Mỹ cần công nhân, doanh nhân, các nhà cải cách, các nhà đầu tư và những người đi làm đóng thuế để thúc đẩy nền kinh tế. Nước Mỹ cần sự phong phú từ những ý tưởng và cách tư duy mới, và từ các nền tảng văn hóa khác nhau để định kỳ đổi mới xã hội và văn hóa. Thiếu những điều này, nước Mỹ sẽ trở thành một quốc gia lạc hậu và cô lập khi chỉ còn là ngôi nhà lớn của lớp người già ở tuổi hưu trí đang dần chết mòn.

    Mặc dù nhận thức rõ điều này, các chính trị gia, các cử tri, các nhà vận động chính sách, các nhà nghiên cứu, các luật sư về người nhập cư, trong suốt hơn 100 năm qua, đã xoay xở mọi cách để khiến hệ thống nhập cư rối tinh rối mù. Có vẻ như chính sách nhập cư đã bị chính trị hóa đến mức nó thậm chí không còn một chút gì gọi là đại diện cho lợi ích tốt nhất của đất nước hoặc sự công bằng cho hàng triệu người nhập cư đã đến hoặc đang muốn đến đây.

    Thật khó có thể thay đổi thực trạng này trong ngày một ngày hai.

    Các nhà phê bình cho rằng chỉ riêng nhìn vào cách thức hoạch định chính sách công đã thấy có vấn đề: Cảm giác giống như đến một nhà máy đóng gói thịt để xem công nhân làm xúc xích. Sau khi xem xong, bạn sẽ không bao giờ ăn xúc xích nữa. Nhiều khả năng là bạn sẽ trở thành người ăn chay.

    Hình ảnh

    Chúng ta hãy cùng xem xét hai chính sách liên quan đến người nhập cư không giấy tờ: Chính sách xây dựng bức tường biên giới Mexico-Mỹ và Chính sách ân xá cho con cái của những người nhập cư không giấy tờ.

    Hình ảnh

    Việc xây dựng bức tường dài 2,000 dặm dọc theo biên giới Mexico để ngăn chặn những người nhập cư không giấy tờ, những kẻ buôn bán ma túy, buôn người, những kẻ khủng bố, những kẻ lây lan Covid xâm nhập vào Mỹ được cho là vấn đề cấp bách nhất của chính sách đối với người nhập cư không giấy tờ. Tuy nhiên, chỉ riêng trong 30 năm qua, các Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã xoay đi, lật lại chính sách xây tường biên giới nhiều lần đến mức không ai còn có thể hiểu được chính sách này là cái quái gì nữa. Và đó cũng chính là đặc trưng nổi bật nhất của chính sách nhập cư nói chung.

    Năm 1990, Tổng thống George H. W. Bush của đảng Cộng hòa là người xây dựng "hàng rào" đầu tiên dọc biên giới Mexico. Hàng rào dài 14 dặm, ngăn biên giới Tijuana giáp ranh với San Diego. Chính tôi đã đến đó và tận mắt chứng kiến ​​những người di cư tự do băng qua biên giới ở dặm số 15, nơi hàng rào kết thúc. Có lẽ đó là điểm bắt đầu của nhiều diễn biến sau này.

    Hình ảnh

    Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton, dưới áp lực của Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm đa số lúc đó đã cho kéo dài hàng rào thêm vài dặm. Điều này có nghĩa là các đoàn người người di cư sẽ chỉ cần cố đi thêm một vài dặm nữa đến điểm kết thúc của hàng rào để vượt biên vào Mỹ.

    Năm 2006, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của lưỡng đảng tại quốc hội, Tổng thống Cộng hoà George W. Bush đã xây thêm được 580 dặm cho "bức tường" biên giới. Các Thượng nghị sĩ Dân chủ bao gồm Barack Obama, Joe Biden và Hillary Clinton đều nhiệt tình bỏ phiếu ủng hộ việc xây dựng bức tường!

    Năm 2008, trong chiến dịch tranh cử chạy đua với bà Hillary Clinton, ông Obama đã lên tiếng phản đối việc xây tường biên giới. Tuy nhiên, khi trở thành tổng thống vào năm 2009, ông Obama đã cho xây dựng tiếp 130 dặm. Sau đó, năm 2012, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã quyết định không xây thêm.

    Năm 2016, chính sách tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump là hoàn thiện bức tường biên giới. Đối thủ của ông là bà Hillary Clinton, lúc này lại thay đổi quan điểm, quay sang chống việc xây tường biên giới. Ông Trump đã có một động thái khiến dư luận nổi sóng là yêu cầu Tổng thống Mexico Pena Nieto và người Mexico nói chung "trả tiền xây dựng bức tường" với chi phí lên đến hàng tỷ đô la. Mexico từ chối chi trả.

    Hình ảnh

    Trong suốt thời gian từ 2017 đến 2020, phe Dân chủ đã làm mọi cách để ngăn cản ông Trump xây dựng bức tường. Họ đệ đơn kiện, ngăn chặn việc cấp ngân sách và tìm mọi cách trì hoãn. Phản ứng lại việc này, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đe dọa đóng cửa chính phủ, tuy nhiên cả hai nỗ lực của ông đều thất bại. Mặc dù vậy, ông Trump vẫn thành công trong việc kéo dài bức tường thêm được một nửa số dặm như đã hứa.

    Vừa tháng 1 vừa qua, Tổng thống Biden ra lệnh chấm dứt việc cấp ngân sách xây tường biên giới. Tiếp theo sau đây toà án sẽ bận bịu với các vụ kiện, những công nhân đang xây dựng bức tường sẽ bị sa thải và các công ty xây dựng sẽ đóng cửa.

    Bất kể bức tường biên giới có phải là một điều tốt hay không, có tốn kém hay không, có nhân văn hay không hoặc có thân thiện với môi trường hay không, thì có một điều quan trọng là quy trình đưa ra chính sách này hoàn toàn không hiệu quả. Tôi cho rằng nước Mỹ vẫn còn quá may mắn khi không phải chứng kiến cảnh cứ người trước xây thì người sau phá đi xây lại mỗi khi có người mới lên đưa ra chính sách mới.

    Hình ảnh


    Nguyên lý cao nhất của một hệ thống chính quyền có Quốc hội và Tổng thống là Quốc hội ra luật và Tổng thống thực thi. Điều này thì mọi đứa trẻ trong trường học cũng đều nắm rõ. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Và đây chính là "điều bình thường mới" trong chính sách nhập cư.


    Năm 1964, các liên đoàn lao động - khu vực bầu cử quan trọng của đảng Dân chủ - phàn nàn rằng chương trình "lao động nước ngoài" Bracero (1942-1964) đang khiến công nhân Mỹ mất việc làm và bị giảm lương. Đảng Dân chủ đã huỷ bỏ chương trình này. (Chương trình Bracero là các luật và thoả thuận ngoại giao được khởi xướng ngày 4 tháng 8 năm 1942 khi Mỹ và Mexico kí Thoả thuận Lao động Nông trại Mexico).

    Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan vào những năm 1980, Quốc hội đã thông qua chương trình cải cách nhập cư, theo đó đảng Dân chủ sẽ được quyền ân xá cho 3 triệu người di cư, đổi lại đảng Cộng hòa được quyền thắt chặt an ninh biên giới và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người sử dụng lao động là người nhập cư không có giấy tờ. Phe Dân chủ tiến hành ân xá, nhưng lại không thực hiện cam kết đã hứa với phe Cộng hoà.

    Sau đó, chính sách của Đảng Dân chủ dường như lại đảo ngược. Năm 1993, Tổng thống Dân chủ Bill Clinton bổ nhiệm Nghị sỹ Barbara Jordan đứng đầu Uỷ ban cải cách nhập cư. Bà Jordan, một phụ nữ da đen, được coi như một biểu tượng dân quyền, phát hiện ra rằng nhập cư bất hợp pháp đang gây tổn hại đến việc làm và tiền lương của người lao động Mỹ. Tiếp đó nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Latin, Cesar Chavez, người đi đầu trong việc ủng hộ người lao động nhập cư làm việc tại các nông trại, cũng đứng lên chống lại nhập cư bất hợp pháp.

    Năm 1996, bà Jordan qua đời và nỗ lực tìm kiếm một chính sách chặt chẽ hơn đối với nhập cư bất hợp pháp cũng ra đi cùng với bà. Tổng thống Clinton bắt đầu đảo ngược một số cải cách do bà đề xuất lúc sinh thời.

    Hình ảnh

    Năm 2005, Quốc hội đề xuất Đạo luật Dreamer (luật nhập cư dành cho những người nhập cư trẻ tuổi và không có giấy tờ, còn gọi là thế hệ Dreamer) với sự hậu thuẫn của cả hai đảng - đạo luật này sẽ đưa ra lộ trình giúp 1 triệu trẻ em được cha mẹ đưa đến Mỹ bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ. Nhóm này sẽ được hỗ trợ giáo dục, y tế và phúc lợi, và nếu trở thành thành viên hữu ích của xã hội, họ sẽ được cấp quyền công dân. Năm 2010, Đạo luật thất bại.

    Tới năm 2013, một nhóm Thượng nghị sĩ từ cả hai đảng — Nhóm Tám người — dường như đã đưa ra được một thỏa thuận cải cách, tương tự như thỏa thuận dưới thời Tổng thống Reagan nhưng toàn diện hơn. Tuy nhiên, các Hạ nghị sỹ Cộng hoà đã đặt dấu chấm hết cho sáng kiến ​​này, giống như cách đảng Dân chủ đã làm với Tổng thống Reagan.

    Ông Obama không còn giữ được bình tĩnh trước việc Quốc hội không đưa ra được hành động gì nên đã tự tay giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Sử dụng Lệnh hành pháp, ông bắt đầu bằng việc ân xá cho 1 triệu người nhập cư diện "Dreamer" để họ tạm thời không bị trục xuất khỏi nước Mỹ và có thể đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Dreamer nhằm được cấp quyền công dân.

    Khi ông Trump tranh cử tổng thống, ông đã cam kết sẽ chấm dứt chương trình Dreamer, một chương trình đã kéo theo rất nhiều các vụ kiện cáo khiến những người nhập cư thế hệ Dreamer cảm thấy bấp bênh về tương lai của mình. Ông Trump đã ký Lệnh hành pháp để xoá sổ chương trình này.

    Sau đó vào tháng 1 năm nay, ông Biden đắc cử Tổng thống và bắt đầu ban hành các Sắc lệnh hành pháp của mình để đảo ngược mọi sắc lệnh hành pháp trước đó của ông Trump. Lúc này, rất có thể ông Biden đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý giống như ông Obama và ông Trump.

    Vấn đề đặt ra ở đây là: dường như không ai hiểu một điều là khi Quốc hội không đồng ý với Tổng thống có nghĩa là những cử tri đã bỏ phiếu cho các nghị sĩ không đồng ý với Tổng thống. Tuy nhiên, các Tổng thống không màng đến điều này mà cứ tiếp tục ban hành các Sắc lệnh hành pháp, đặc biệt là những sắc lệnh này thường không mang tính dân chủ, không hợp pháp và không bền vững về mặt chính trị.

    Hình ảnh

    Hình ảnh

    Ông Trump muốn xây dựng được bức tường biên giới trong nhiệm kỳ của mình trong khi đảng Dân chủ muốn thực hiện Chương trình Dreamer. Năm 2019, ông Trump đã đề nghị thoả hiệp để đảng Dân chủ thực hiện Chương trình Dreamer nếu họ đồng ý cấp thêm ngân sách cho ông xây dựng bức tường biên giới. Đảng Dân chủ xác định rằng họ thà để những người nhập cư diện Dreamer phải chịu thiệt còn hơn giúp ông Trump thành công với bức tường biên giới, vì như vậy họ sẽ được lợi hơn về mặt chính trị.

    Hình ảnh

    Những câu chuyện không có hồi kết về bức tường biên giới và những người nhập cư diện Dreamer chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong những chiêu trò chính sách đối với nhập cư bất hợp pháp: mở cửa biên giới, giải thể Lực lượng tuần tra biên giới, các thành phố tự nguyện làm nơi trú ẩn an toàn cho người nhập cư không giấy tờ, tách trẻ em khỏi cha mẹ tại biên giới, trục xuất, hệ thống tòa án bị đình trệ bởi các vụ kiện tồn đọng, vắc xin Covid-19 cho người nhập cư không giấy tờ, xử lý đơn xin tị nạn tại Mexico, thành viên băng đảng và những kẻ buôn người trà trộn vào các nhóm người tị nạn, giam giữ tội phạm, phúc lợi và chăm sóc y tế cho người nhập cư không giấy tờ, ….


    Ngay lúc này, nước Mỹ đang phải đối mặt với việc các đoàn người di cư lại một lần nữa đổ dồn về biên giới bởi họ tin vào tuyên truyền của đảng Dân chủ về việc mở cửa biên giới cho bất kỳ người nào muốn đến Mỹ. Dưới thời của chính quyền Obama, đỉnh điểm là mỗi tháng có đến 100.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.

    Vấn đề đặt ra trước mắt khi đại dịch Covid vẫn đang hoành hành là tỷ lệ thất nghiệp cao và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải đóng cửa. Làm thế nào để hàng chục nghìn người nhập cư không giấy tờ có việc làm? Họ có được ưu tiên hơn công dân Mỹ hay không? Nếu họ không có việc, liệu họ có nhận được đầy đủ phúc lợi, giáo dục và chăm sóc y tế hay không? Liệu người nhập cư không giấy tờ có khiến các hệ thống chăm sóc y tế và phúc lợi vốn đang gặp khó khăn lại tiếp tục bị quá tải hay không?

    Còn một vấn đề nữa. Điều gì sẽ xảy ra với những người nhập cư hợp pháp còn đang phải chờ đến lượt xử lý hồ sơ? Liệu họ có bị gạt sang một bên hay không? Liệu có xảy ra việc các hồ sơ xin nhập cư hợp pháp sẽ bị giảm bớt để giành chỗ cho người nhập cư không giấy tờ hay không?

    Giải pháp là cả hai đảng cần phải gạt những bất đồng của họ sang một bên và điều chỉnh lại chính sách nhập cư. Nhưng liệu họ có làm được như vậy hay không: Không.

    Hình ảnh

    Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý
    Hình ảnh
Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 74 khách