Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
‘Mùa Xuân Của Mẹ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trịnh Lâm Ngân
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49818
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ‘Mùa Xuân Của Mẹ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trịnh Lâm Ngân

    by music123 » Thứ 7 Tháng 1 28, 2023 5:38 pm

    ‘Mùa Xuân Của Mẹ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trịnh Lâm Ngân

    January 28, 2023

    SANTA ANA, California (NV) – Nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” của Trịnh Lâm Ngân nói lên tâm tình thiết tha của một anh chiến sĩ Cộng Hòa xa quê hương, nhớ mẹ hiền nhân khi Tết đến, Xuân về.

    Hình ảnh

    Nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” của Trịnh Lâm Ngân. (Hình: Tài liệu)


    Cũng như bao năm qua, vì phải ở lại đơn vị ngoài tiền tuyến để gìn giữ an ninh cho đồng bào miền Nam vui hưởng một cái Tết an lành trong lúc đất nước đang còn chiến tranh, nay người chiến binh bâng khuâng nghĩ đến mẹ già một nắng, hai sương đang vò võ một mình cùng những kỷ niệm êm đềm ngày xa xưa lúc chiến tranh chưa tràn về.

    Rồi người chiến binh tự hứa với lòng mình rằng, cho dù ngày Tết và mùa Xuân đã qua đi, anh vẫn quyết chí tìm cơ hội trở về quê xưa mà thăm mẹ già một lần, bởi vì mẹ chính là mùa Xuân bất tận của đứa con trai, cho dù Xuân, Hạ, Thu, Đông có trôi qua bên đời hiu quạnh thì cũng vậy thôi.


    “Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi/ Đời con giờ đây đang còn lênh đênh/ Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn/ Áo trận sờn vai bạc màu/ Nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang.”

    Mẹ ơi! Hoa cúc và hoa mai đang nở rộ khắp nơi, báo hiệu Xuân vừa về trên bãi cỏ non và Tết đã đến trên quê hương yêu dấu. Nhưng giờ đây đời con vẫn còn phiêu bạt nơi đèo heo hút gió, với tấm áo trận đã bạc màu sương gió biên thùy. Ôi! Xuân đến làm chi cho lòng này thêm buồn nhớ quê hương, nhớ mẹ già đang như chuối chín cây.


    “Ngày đi con hứa Xuân sau sẽ về/ Mà nay đã bao Xuân rồi trôi qua/ Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều/ Sớm chiều vườn rau vườn cà/ Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?”

    Nhớ ngày lên đường nhập ngũ, con cứ tưởng năm sau sẽ có dịp trở về thăm mẹ, nào ngờ đâu đã mấy Xuân qua mà người đi vẫn biền biệt sơn khê, chưa một lần trở về thăm mẹ, trong khi tóc mẹ già nay hẳn đã bạc phơ theo năm tháng hoài mong. Con trai của mẹ đã không thể về thăm nhà lúc này thì mẹ đây cũng chẳng biết nhờ cậy ai giúp chăm sóc vườn rau, vườn cà cho được tốt tươi.

    “Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang Xuân/ Thoáng mùi mai nở đâu đây/ Ru hồn lạc loài chơi vơi.”

    Ở nơi chốn núi rừng thâm u này, đâu đây phảng phất mùi mai nở khi gió chuyển mùa thương sang Xuân, báo hiệu Tết đến, khiến cho lòng người lính chiến xa nhà càng thấy cô đơn, hiu quạnh.


    “Khi xưa những ngày binh lửa chưa sang/ Bếp hồng quây quần bên nhau/ Nghe mẹ kể chuyện đời xưa.”

    Nhớ thuở xa xưa, khi chiến tranh chưa tràn về trên quê hương, vào dịp cận Tết, đàn trẻ thơ ưa quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét của mẹ để được nghe mẹ kể chuyện xửa, chuyện xưa, chuyện từ Xuân trước, Xuân nay chưa nhòa.

    “Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về/ Dù cho, dù cho Xuân đã đi qua/ Dù cho én từng bầy bay về ngàn/ Dẫu gì rồi con cũng về/ Chỉ bên mẹ là mùa Xuân thôi.”

    Dù Xuân này con không về, nhưng con hứa với mẹ rằng con sẽ về với mẹ trong một ngày gần đây, cho dẫu rằng nay Tết đã hết rồi và Xuân cũng sắp tàn khi từng đàn chim én đang bay về rừng xưa. Bởi vì con biết chắc rằng hễ có mẹ là có mùa Xuân, và mẹ chính là mùa Xuân bất diệt trong lòng con, còn hơn cả mùa Xuân của đất trời…

    ***

    Trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam tự do khỏi rơi vào ách đô hộ của Cộng Sản hồi thế kỷ trước, cuộc đời của đa số người chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hầu như không có mùa Xuân, bởi vì phần lớn tuổi trẻ của họ đều trải qua nơi các chiến trường gai lửa hoặc tại những vùng “đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn” để ngăn chống giặc thù giày xéo quê hương.

    Trước hoàn cảnh đó, niềm an ủi lớn lao duy nhất của người lính chiến chính là tình yêu của người mẹ hoặc người tình hay người vợ hiền dành cho họ từ chốn quê nhà. Và trong trường hợp này, nguồn yêu thương duy nhất của người lính chiến trong nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” chính là người mẹ dấu yêu của anh.


    Ấy thế mà, éo le thay, lúc Tết đến, Xuân về, thời khắc của những cuộc đoàn viên và sum họp, hai mẹ con vẫn phải sống xa nhau vì chiến tranh vẫn còn đang giao tranh chết chóc, chia lìa cho biết bao gia đình người dân miền Nam hiền hòa. Vậy thì, trách chi người chiến sĩ không khỏi “nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang?”

    Bất giác, người trai lính chiến nghĩ đến mẹ hiền, với mái tuyết sương mong con bạc lòng qua bao tháng năm mỏi mòn bên vườn rau, vườn cà, vò võ một thân, một mình mà chẳng biết nhờ cậy ai khi đứa con thân yêu giờ này vẫn còn đang miệt mài nơi chiến tuyến mịt mờ mưa bay hoặc chốn chân mây, đầu gió. Rồi mùa Xuân lại trở về theo mùi mai nở thoang thoảng đâu đây, khiến tâm hồn người chiến sĩ miền xa thêm lạc loài, chơi vơi.

    Thế rồi, bao kỷ niệm xa xưa của một thời niên thiếu thanh bình lại hiện về trong ký ức người chiến binh, với hình ảnh các anh, chị em cùng ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng, bánh tét ngày Tết, để cùng háo hức lắng “nghe mẹ kể chuyện đời xưa.”

    Mặc dù Tết đã hết rồi và mùa Xuân cũng sắp tàn, đứa con trai của mẹ, lòng dặn lòng, quyết chí phải tìm cách trở về thăm mẹ già một chuyến, bởi vì dẫu cho mùa Xuân của đất trời đã qua đi nhưng vẫn còn một mùa Xuân khác ấm áp hơn, vĩnh cửu hơn, đó mẹ hiền của mình, hiện thân của một mùa Xuân bất diệt trong lòng người trai lính chiến.

    Ở đây, chưa có trường hợp “ngày mai đi nhận xác chồng” (như trong ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ thơ của Lê Thị Ý), cũng như cảnh tượng “ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre” (như trong nhạc phẩm “Ngày Trở Về” cũng của Phạm Duy), mà chỉ với tâm trạng u uẩn của người lính chiến không thể về thăm mẹ già lúc Tết đến, Xuân về cũng đủ nói lên những hy sinh to lớn của biết bao chàng trai thế hệ tại miền Nam tự do từng cống hiến hết cả tuổi thanh xuân của đời mình cho cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam dấu yêu – cho dù mộng đã không thành, và phải chăng đó cũng là do Ý Trời?


    Bút danh Trịnh Lâm Ngân là tên chung của hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Trần Trịnh cùng với một người bạn chỉ biết chơi đờn tên là Lâm.

    Nhạc sĩ Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân quê quán ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhưng trong hầu hết cuộc đời, ông sống tại Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và Hoa Kỳ.

    Nhật Ngân gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và phục vụ trong Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng. Ông lập gia đình năm 1969 và có ba người con.

    Nhật Ngân xuất hiện trong làng nhạc miền Nam Việt Nam vào thập niên 1960 với bản nhạc đầu tay “Tôi Đưa Em Sang Sông” viết chung với Y Vũ. Ông cũng thành công với những bản “nhạc lính” với các ca khúc như “Mùa Xuân Của Mẹ,” “Xuân Này Con Không Về,” “Qua Cơn Mê” (dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân)…

    Sau 30 Tháng Tư, 1975, nhạc sĩ Nhật Ngân bị chính quyền mới cấm hoạt động, nhưng ca khúc “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh?” vẫn được phổ biến ở hải ngoại.

    Năm 1982, Nhật Ngân vượt biển sang Thái Lan, rồi được cho định cư tại Hoa Kỳ năm 1984. Nhật Ngân từng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày nhưng sau đó được tạm thời chữa khỏi. Bài hát đầu tiên mà Nhật Ngân sáng tác tại hải ngoại mang tên “Hương,” dựa trên ý thơ của Nguyễn Long.

    Kể từ năm 1993, Nhật Ngân hỗ trợ Trung Tâm Thúy Nga trong việc viết nhạc cảnh và ca khúc cho các chương trình của trung tâm này. Trung Tâm Thúy Nga đã thực hiện “Paris By Night 66 – Người Tình và Quê Hương,” vinh danh ông cùng hai nhạc sĩ Trần Trịnh và Ngô Thụy Miên.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Nhật Ngân mất ngày 21 Tháng Giêng, 2012, tại California, thọ 70 tuổi.


    Các sáng tác của Nhật Ngân khá nhiều, với gần cả trăm bài được nhiều người ái mộ cả thời trước 1975 và hiện nay.

    Trước và sau năm 1975, trong số các nhạc phẩm nổi tiếng dưới bút danh Nhật Ngân có thể kể đến “Anh Giải Phóng Tôi Hay Tôi Giải Phóng Anh,” “Cảm Ơn” (ký Ngân Khánh), “Cho Người Vào Cuộc Chiến” (với Phan Trần), “Đêm Nay Ai Đưa Em Về,” “Một Mai Giã Từ Vũ Khí” (ký Ngân Khánh), “Ngày Đá Đơm Bông” (với Loan Thảo), “Tôi Đưa Em Sang Sông” (với Y Vũ), “Vẫn Nhớ Về Đà Nẵng”…

    Các nhạc phẩm nổi tiếng và được nhiều người ái mộ dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân bao gồm: “Chiều Qua Phà Hậu Giang,” “Gặp Nhau Trên Phố,” “Lính Xa Nhà,” “Mùa Xuân Của Mẹ,” “Qua Cơn Mê,” “Xuân Này Con Không Về,” “Yêu Một Mình”…

    Ngoài ra, Nhật Ngân còn sáng tác khá nhiều bản nhạc ngoại quốc lời Việt, trong đó có bài “Bến Thượng Hải,” nhạc Hoa.


    Nhạc sĩ Nhật Ngân (trái) và nhạc sĩ Trần Trịnh. (Hình: Tài liệu)
    Nhạc sĩ Trần Trịnh, tên thật là Trần Văn Lượng, sinh ra tại Thái Lan nhưng lớn lên ở Hà Nội. Ông Theo gia đình vào Nam hồi năm 1946, lúc mới lên 9 tuổi, và theo học trường Trung Học La San Tabert ở Sài Gòn. Ông theo học đàn với thầy Rémi Trịnh Văn Phước nên chọn bút danh sáng tác nhạc là Trần Trịnh.

    Năm 17 tuổi, Trần Trịnh sáng tác nhạc phẩm đầu tay “Cung Đàn Muôn Điệu,” được nhà xuất bản An Phú phát hành và được nhiều ca sĩ đương thời hát.

    Năm 1958, sau khi giã từ quân ngũ, nhạc sĩ Trần Trịnh đi biểu diễn dương cầm tại các phòng trà và vũ trường ở Sài Gòn. Ông còn tham gia Ban Văn Nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nơi ông gặp gỡ và kết thân với nhạc sĩ Nhật Ngân. Sau đó, nhạc sĩ Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng Ban Đại Hòa Tấu và Hợp Xướng Đống Đa trên đài Truyền Hình Việt Nam.

    Sau cuộc gặp gỡ với thi sĩ Hà Huyền Chi, Trần Trịnh sáng tác nhạc phẩm “Lệ Đá,” với lời của Hà Huyền Chi. Bài hát được mọi người yêu thích ngay với số bản nhạc in và bán ra phá kỷ lục thời đó. Năm 1971, bản “Lệ Đá” được dùng làm nhạc nền cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Võ Doãn Châu.

    Năm 1995, nhờ gia đình bảo lãnh, Trần Trịnh cùng người vợ sau – người vợ trước của ông là nữ danh ca Mai Lệ Huyền – và hai người con đặt chân đến Hoa Kỳ và cư ngụ tại Orange County ở miền Nam California. Tại đây, người nhạc sĩ đã có những hoạt động âm nhạc khá mạnh trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trung Tâm Thúy Nga đã thực hiện chương trình “Paris By Night 66 – Người Tình và Quê Hương,” vinh danh ông cùng hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.

    Nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời tại California năm 2012, hưởng thọ 75 tuổi.

    Tuy nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác không dồi dào bằng người bạn đồng hành Nhật Ngân của ông, nhưng khá nhiều bản nhạc của ông được thính giả khắp nơi ái mộ, một phần cũng nhờ ở lời nhạc và ý nhạc của ông rất hay và thâm thúy, chẳng hạn như trong bản “Tiếng Hát Nửa Vời,” ra đời hồi năm 1973.

    Ngoài các nhạc phẩm nổi tiếng viết chung với nhạc sĩ Nhật Ngân dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân, trong số các nhạc phẩm được ưa chuộng của Trần Trịnh phải kể đến “Cung Đàn Muôn Điệu,” “Chiếc Lá Cuối Cùng,” “Hai Sắc Hoa Tigôn,” “Hoa Nắng,” “Lá Thư Kỷ Niệm” (với Thanh Vũ), “Lệ Đá” (lời Hà Huyền Chi), “Nhớ Về Một Mùa Xuân,” “Tiếng Hát Nửa Vời”… (Vann Phan) [qd]

    Nhạc phẩm “Mùa Xuân Của Mẹ” của Trịnh Lâm Ngân

    Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
    Đời con giờ đây đang còn lênh đênh
    Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
    Áo trận sờn vai bạc màu
    Nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang

    Ngày đi con hứa Xuân sau sẽ về
    Mà nay đã bao Xuân rồi trôi qua
    Giờ đây chắc mẹ già tóc bạc nhiều
    Sớm chiều vườn rau vườn cà
    Mẹ biết nhờ cậy vào tay ai?

    Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang Xuân
    Thoáng mùi mai nở đâu đây
    Ru hồn lạc loài chơi vơi

    Khi xưa những ngày binh lửa chưa sang
    Bếp hồng quây quần bên nhau
    Nghe mẹ kể chuyện đời xưa

    Mẹ ơi con hứa con sẽ trở về
    Dù cho, dù cho Xuân đã đi qua
    Dù cho én từng bầy bay về ngàn
    Dẫu gì rồi con cũng về
    Chỉ bên mẹ là mùa Xuân thôi.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49818
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: ‘Mùa Xuân Của Mẹ,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Trịnh Lâm Ngân

    by music123 » Thứ 7 Tháng 1 28, 2023 5:40 pm

    Quang Lê - Mùa Xuân Của Mẹ (Trịnh Lâm Ngân)


    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 84 khách